Phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên năm 2023
Phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên năm 2023
Bài văn Phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên gồm dàn ý chi tiết, bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 10.
Bài văn mẫu
Nguyễn Dữ sống khoảng thế kỉ XVI, ông là người học rộng tài cao nhưng chỉ làm quan trong một thời gian ngắn rồi lui về ở ẩn. Và cũng bắt đầu từ đó ông sưu tầm truyện dân gian và sáng tác. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tập Truyền kì mạn lục, ngoài Chuyện người con gái Nam Xương đã được tiếp xúc từ cấp học dưới, thì trong tập truyện ấy cũng không thể không nhắc đến Chuyện chức phán sự đền Tản Viên.
Tác phẩm xoay quanh nhân vật Ngô Tử Văn tính tình cương trực đã đi đốt đền của tên giặc đất Bắc. Tác phẩm không chỉ là câu chuyện đốt đền thành tiên của Ngô Tử Văn mà nó còn có giá trị khái quát những vấn đề xã hội nóng bỏng, có ý nghĩa cho đến tận ngày nay.
Mở đầu tác phẩm ông giới thiệu nhân vật: “Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được”, để cho nhận xét trở nên khách quan, ông còn dẫn lời nhận xét của những người cùng thời: “…vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực”. Qua đó giúp tạo nên ấn tượng sâu sắc về nhân vật.
Để làm sáng tỏ những đặc điểm tính cách trên, nhân vật Ngô Tử Văn trực tiếp xuất hiện qua ngôn ngữ, cử chỉ, hành động. Sự kiện đầu tiên chính là việc Ngô Tử Văn đốt đền tên tướng giặc họ Thôi. Hắn là tướng giặc đời Minh, khi giao chiến với quân ta đã chết ở gần miếu của vị thổ công nước Việt, hắn liền chiếm lấy đền thờ thổ công, tác oai tác quái trong nhân gian. Điều đó làm Ngô Tử Văn vô cùng tức giận, Tử Văn tắm rửa sạch sẽ và đốt đền của hắn. Đây là một hành động dũng cảm: trong khi tất cả mọi người ai cũng lắc đầu, lè lưỡi, can ngăn, lo cho tính mạng Tử Văn thì chàng là người trong cuộc lại “vung tay không cần gì cả”. Vì đây là việc nghĩa nên không thể không làm. Tử Văn tin tưởng vào hành động chính nghĩa của mình.
Sau khi đốt đền Ngô Tử Văn lên sơn sốt, người mê mệt, đây cũng chính là lúc Ngô Tử Văn gặp hồn ma tên tướng giặc giả danh làm cư sĩ tìm đến. Dù hồn ma sử dụng những lời hăm dọa: “biết điều thì dựng trả ngôi đền như cũ. Nếu không thì, vô cớ hủy đền Lư Sơn, Cố Thiệu sẽ khó lòng tránh khỏi tai vạ”. Nhưng Ngô Tử Văn không hề sợ hãi, nao núng tinh thần. Thái độ ung dung, thản nhiên, coi thường lời buộc tội và đe dọa của hồn ma cho thấy Tử Văn không phải là bất cần, liều lĩnh mà là thái độ tự tin của người nắm trong tay sức mạnh của chính nghĩa. Câu hỏi trước vị thổ thần “Liệu hắn có thực là tay hung hãn, có thể gieo vạ cho tôi không?” không phải là biểu hiện của sự hoang mang, sợ hãi mà là sự mưu trí, muốn biết rõ về kẻ thù để liệu kế đối phó mà giành chiến thắng.
Ngô Tử Văn nhất quyết không dựng lên đền cho hồn ma tướng giặc nên bị quỷ sứ đến bắt đi trong đêm, khi bị giải đi Tử Văn kêu oan để đòi được xử công bằng. Diêm Vương tưởng Tử Văn có tội đã dùng uy lực của kẻ bề trên để quát mắng, đe dọa, buộc tội Tử Văn. Trước Diêm Vương, Tử Văn vẫn rất cứng cỏi tâu trình, kể lại đầu đuôi sự việc, lời nói không chịu nhún nhường chút nào. Trước những lời lẽ đanh thép, lí lẽ đầy thuyết phục của Tử Văn, Diêm Vương đã cho người đi xem xét và Tử Văn đã lấy lại được công bằng. Qua đây cho thấy sự hiên ngang, dũng cảm, khát vọng đẹp đẽ muốn thực thi công lí của Tử Văn. Và Tử Văn đã được đền bù xứng đáng, được Thổ thần tiến cử giữ chức phán sự đền Tản Viên. Qua chi tiết này, Nguyễn Dữ muốn khẳng định triết lí Ở hiền gặp lành của nhân dân ta.
Đằng sau nhân vật Ngô Tử Văn, ta còn thấy Nguyễn Dữ dựng lên bức tranh hiện thực xã hội với thái độ phê phán sâu sắc của tác giả. Tác phẩm mượn bối cảnh của xã hội thế kỉ XV nhưng thực chất tác giả muốn phơi bày hiện thực xã hội mà ông đang sống – đầu thế kỉ XVI với đầy những bất công ngang trái: tên hung thần đã cướp đền miếu, giả mạo tên họ của vị Thổ thần nước Việt, hắn được hưởng tất cả quyền lợi của vị Thổ thần, nhưng tác yêu tác quái trong dân gian, đẩy nhân dân vào tình cảnh khốn khổ. Người lương thiện: vị Thổ thần làm chức Ngự sử đại phu từ đời vua Lý Nam Đế, chết vì việc cần vương, giúp dân đã hơn nghìn năm nay, nhưng bị đánh đuổi nên phải đến nương tựa ở đền Tản Viên đã vài năm. Tử Văn chính vì cương trực thẳng thắn, thấy sự tà gian không thể để yên nên đã bị đẩy xuống âm phủ “Tội sao ác nặng, không được dự vào hàng khoan giảm”. Thánh thần ăn của đút để bênh vực cho kẻ ác: Đền miếu đều tham của đút, bênh vực cho hung thần nên dẫu Thổ công có đi kiện cũng sẽ thua. Dưới âm ti Diêm Vương và các phán quan đại diện cho công lí bị lấp tai, che mắt, bị tên tướng giặc lừa phỉnh, thiếu chút nữa đã xử oan cho người chính trực.
Tác phẩm còn là tiếng nói tố cáo hồn ma tên tướng giặc bại trận: tham lam, quỷ quyệt, hung ác: Khi sống, là tướng giặc cướp nước, khi chết, hồn ma vất vưởng ở nước Nam vẫn không từ bỏ giã tâm xâm lược, đã chiếm đền miếu, giả danh lương thần nước Việt. Khi Tử Văn châm lửa đốt đền đã tìm đến, dùng nguyên lí đạo nho để kết tội, dùng oai linh thánh thần để hăm dọa.
Tác phẩm sử dụng yếu tố thần kì tăng cường sức hấp dẫn cho tác phẩm. Cốt truyện giàu kịch tính được sắp xếp hợp lí. Nghệ thuật kể chuyện đạt đến một trình độ mới. Qua đó khẳng định tài năng nghệ thuật của Nguyễn Dữ.
Với tác phẩm này Nguyễn Dữ đã lên tiếng, khẳng định, đề cao tinh thần khẳng khái, cương trực dám đấu tranh chống lại cái ác, trừ hại cho dân của Ngô Tử Văn – một trí thức nước Việt. Đồng thời thể hiện niềm tin vào công lí, chính nghĩa nhất định thắng gian tà và triết lí Ở hiền gặp lành của dân tộc ta.