Vẻ đẹp của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên năm 2023
Vẻ đẹp của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên năm 2023
Bài văn Vẻ đẹp của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên gồm dàn ý chi tiết, bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 10.
Bài văn mẫu
Đoạn trích Trao duyên có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tác phẩm Truyện Kiều, nó là bản lề khép mở giữa hai trang cuộc đời Thúy Kiều: phía trước là cuộc sống yên ấm, hạnh phúc và phía sau là mười lăm năm lưu lạc, đày ải. Qua đoạn trích ta không chỉ thấy được số phận bất hạnh của nàng mà còn thấy được vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách của Thúy Kiều.
Trước hết nàng là người con rất mực có hiếu với cha mẹ. Trước gia biến của gia đình, đó cũng là lúc tình cảm của nàng và Kim Trọng ở giai đoạn ngọt ngào đẹp đẽ nhất nhưng nàng đã dứt áo, quyết tâm bỏ lại chữ tình để đền ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ:
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.
Trước mẫu thuẫn giữa tình và hiếu, dù đau đớn, nhưng Kiều đã giải quyết mâu thuẫn này hết sức dứt khoát và có phần thanh thản. Nàng đã bán mình chuộc cha và em, để đảm bảo gia đình có cuộc sống bình yên, còn bản thân sẵn sàng hi sinh hạnh phúc, sống cuộc đời lưu lạc suốt mười lăm năm. Qua những hành động đó cho thấy tấm lòng hiếu thảo của Thúy Kiều với cha mẹ, nàng là người sống có trách nhiệm với gia đình.
Không chỉ vậy, đoạn trích còn cho thấy vẻ đẹp khác của Thúy Kiều đó là con người trọng tình nghĩa, hết mực thủy chung và sâu sắc trọng tình. Bởi là người trọng tình nghĩa nên khi phải bỏ lại chàng Kim đi theo Mã Giám Sinh tâm trạng Kiều vô cùng dằn vặt, đau đớn bởi mình là kẻ phụ bạc chàng Kim. Nhưng chỉ khi người em gái Thúy Vân đến hỏi han nàng mới bày tỏ nỗi niềm và nhờ cậy Thúy Vân trả nghĩa cho chàng Kim Trọng giúp mình:
Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
Câu thơ của Kiều vô cùng tha thiết, khẩn khoản, đặt tất cả niềm tin, niềm hi vọng vào Thúy Vân. Các từ cậy, nhờ, chịu đã cho thấy thái độ chân thành, tha thiết kết hợp với hành động lạy, thưa dường như đã đặt Vân vào tình thế buộc phải nhận lời trả nghĩa cho Kim Trọng của chị. Nhưng đồng thời ta cũng cần thấy, những hành động tha thiết, khẩn khoản của Kiều dành cho em là bởi cô hiểu việc mình nhờ em là điều vô cùng khó xử cho em, bởi Thúy Vân vốn không có tình cảm với Kim Trọng, dùng những từ ngữ đó khiến cho Thúy Vân vô cùng cảm động và cảm thương cho số phận mối tình của chị.
Kiều không nói quá nhiều về hoàn cảnh của bản thân, bởi chuyện ấy hơn ai hết Vân là người hiểu rõ nhất. Bởi vậy, Thúy Kiều sau khi nói về nỗi bất hạnh của mình, nàng tiếp tục thuyết phục Thúy Vân thay nàng trả nghĩa cho Kim Trọng: “Ngày xuân em hãy con dài/ Xót tình máu mủ thay lời nước non/ Chị dù thịt nát xương mòn/ Ngập cười chín suối hãy còn thơm lây”. Nàng sử dụng hàng loạt các từ ngữ: tình máy mủ, thịt nát xương mòn, lời nước non có tác dụng lớn trong việc thuyết phục Thúy Vân. Nàng ràng buộc Vân bằng tình ruột thịt, máu mủ lại cầu khẩn em cho mình chút vui, chút ơn vì đức hi sinh cao cả của em. Lời thơ vừa thuyết phục, vừa cầu khẩn, lại vừa ràng buộc đã giúp Kiều diễn đạt được mục đích của mình: nhờ Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng.
Nhưng khi nguyện ước của nàng đạt được thì đó cũng là lúc bi kịch tình yêu của nàng bị đẩy lên đến đỉnh điểm. Nàng chỉ trao duyên cho em với Kim Trọng còn tình yêu, kỉ niệm nàng nào dễ dàng trao gửi như vậy. Tâm trạng nàng bị giằng xé giữa lí trí và trái tim. Thúy Kiều tìm về cách trở về với tình yêu bằng hai con đường: để lại kỉ vật và linh hồn.
Nàng trao cho Vân kỉ vật tình yêu của mình và Kim Trọng: chiếc vành, bức tờ mây, nhưng đồng thời nàng cũng mong bằng những kỉ vật ấy nàng vẫn sẽ hiện diện trong tình yêu. Những kỉ vật đẹp đẽ ấy gắn liền với những ngày tháng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời nàng, đó là những kỉ niệm thiêng liêng, kỉ niệm riêng của nàng và Kim Trọng, Kiều không bao giờ muốn trao nó cho một ai khác dù đó có là em của mình. Từ “của chung” gợi lên bao đau đớn, xót xa: “Duyên này thì giữ vật này của chung”. Hiện thực tươi đẹp đã trở thành quá khứ, kỉ vật vẫn còn đó nhưng đối với tình yêu Kiều đã không còn hiện diện nữa. “Có nghĩa gì đâu khi “chút của tin” còn mà người thì đã mất”. Con đường nàng Kiều lựa chọn để trở về tình yêu đã không thể thực hiện được.
Nàng cố chấp tìm đến con đường khác, đó là bằng linh hồn bất tử: “Trông ra ngọn cỏ lá cây/ Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”. Nàng mong khi linh hồn mình trở về sẽ nhận được sự đồng cảm từ người thương mà rưới cho nàng giọt nước thác oan. Nhưng sự trở về ấy chỉ mình nàng hay, người sống đâu biết, bởi vậy sự trở về bằng linh hồn bất tử cũng chỉ là sự trở về không có gặp gỡ, rơi vào ngõ cụt. Kiều trở về thực tại và càng đau đớn xót xa hơn. Nàng ý thức sâu sắc về cái thực tại, về hoàn cảnh của bản thân: nước chảy hoa trôi, trâm gãy gương tan, tơ duyên ngắn ngủi, phận bạc như vôi. Càng ý thức rõ bao nhiêu bi kịch của nàng càng bị đẩy lên bấy nhiêu. Nỗi đau đẩy lên đến đỉnh điểm, đang trò chuyện với Thúy Vân nàng đột ngột trò chuyện với Kim Trọng: “Ơi Kim Lang! Hỡi Kim Lang/ Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”. Sự hiện hữu của tình yêu làm Kiều quên đi sự hiện hữu của em gái, trong một câu thơ tên người nàng yêu thương – Kim Trọng được nhắc đến hai lần, kèm theo những ngữ điệu cảm thán đau đớn tuyệt vọng: Ơi, hỡi kết hợp với nhịp 3/3 đọc lên như tiếng nấc nghẹn ngào của nàng Kiều.
Đoạn trích Trao duyên đã cho thấy tấm lòng bao dung độ lượng, tình yêu thương cao cả Thúy Kiều dành cho mọi người. Trong hoàn cảnh bản thân vô cùng bất hạnh nhưng nàng không hề toan tính cho mình, chỉ lo nghĩ cho người khác. Đoạn trích đã một lần nữa khẳng định nhân cách đẹp đẽ của Thúy Kiều.