X

500 bài văn mẫu lớp 10

Trận Bạch Đằng qua lời kể của các bô lão trong bài thơ Phú sông Bạch Đằng năm 2023


Trận Bạch Đằng qua lời kể của các bô lão trong bài thơ Phú sông Bạch Đằng năm 2023

Bài văn Trận Bạch Đằng qua lời kể của các bô lão trong bài thơ Phú sông Bạch Đằng gồm dàn ý chi tiết, 2 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 10.

Trận Bạch Đằng qua lời kể của các bô lão trong bài thơ Phú sông Bạch Đằng năm 2023 - Văn mẫu lớp 10

Trận Bạch Đằng qua lời kể của các bô lão trong bài Phú sông Bạch Đằng - mẫu 1

Bài phú trên sông Bạch Đằng là một bài ca bất hủ, một áng văn xuôi mẫu mực được xếp vào hàng "thiên cổ hùng văn" của văn học nước nhà. Trương Hán Siêu bằng hiểu biết sâu rộng và ngòi bút đầy tài hoa của mình đã khắc hoạ nên một cảnh tượng chiến đấu trên sông Bạch Đằng đầy hào hùng, sống động và vô cùng chân thực. Qua lời kể các bô lão, trận chiến như diễn ra trước mắt người đọc đầy khí thế, oanh liệt.

Nếu như nhân vật khách là kẻ đã đi nhiều nơi, chu du khắp thiên hạ, vui thú trước bao cảnh nước non kì vĩ của thế giới thì nhân vật các bô lão là những người đã chứng kiến trận chiến giữa quân dân Trần Hưng Đạo trên sông Bạch Đằng trong cuộc chiến của quân Mông - Nguyên nói riêng và hàng loạt chiến thắng của dân tộc ta trên dòng sông này nói riêng. Bởi vậy, khi nhân vật khách trầm tư, hoài cảm, tỏ ý thương tiếc thì các bô lão bằng kinh nghiệm của mình đã hiểu ý khách có điều đang thắc mắc, băn khoăn bèn cất lêng tiếng chào như một câu hỏi thân thương:

"Bên sông bô lão hỏi,

Hỏi ý ta sở cầu."

Các bô lão bằng sự nhiệt thành, lòng hiếu khách, trân trọng những vị khách ghé thăm đã đóng vai trò như một "vị hướng dẫn viên du lịch", giới thiệu chiến địa trên sông Bạch Đằng và cảnh chiến trận trên sông đầy cụ thể, sinh động. Là người dân địa phương, họ vô cùng tự hào trước chiến công hiển hách ấy, kể lại bằng giọng điệu vừa phấn khởi vừa vô cùng xúc động.

Mở đầu, nhân vật các bô lão kể về trận chiến vua Trần bắt tên Ô Mã cầm đầu, và đây cũng là nơi mà vua Ngô đại phá quân Hoằng Thao, là dòng sông đã kinh quá nhiều chiến trận. Trận chiến của vua tôi Trần Hưng Đạo được chuẩn bị vô cùng kĩ lưỡng, cẩn thận và chu đáo. Không khí chiến trận đầy quyết liệt:

"Đương khi ấy:

Thuyền tàu muôn đội,

Tinh kì phấp phới.

Hùng hổ sáu quân,

Giáo gươm sáng chói.

Trận đánh được thua chửa phân,

Chiến luỹ bắc nam chống đối.

Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ,

Bầu trời đất chừ sắp đổi."

Đội quân chiến đấu vô cùng hùng mạnh, vũ khí giáo gươm sáng chói, phương tiện thuyền bè nhiều vô kể, khí thế dũng mạnh ngút trời, cờ chiến tung bay pháp phới giữa trời trận mạc. Cuộc chiến đấu khiến cho ánh nhật nguyệt cũng phải mờ, bầu trời ước chừng đổ sập. Đó là trận chiến mà cả hai bên đều khó phân thắng bại, kẻ tám lạng người nửa cân, ngang sức , ngang tài.

Theo lời các bô lão, mỗi bên tham chiến theo sách lược khác nhau. Quân giặc vạn binh, lực lượng mạnh lại thêm mưu hèn kế bẩn, dối trá gian manh. Kiêu ngạo, khoác lác, hống hách:

"Kìa:

Tất Liệt thế cường,

Lưu Cung chước dối.

Những tưởng gieo roi một lần,

Quét sạch Nam bang bốn cõi."

Còn quân ta là phe chính nghĩa, lực lường hùng hậu cũng không kém lại được lòng người, thuận ý trời, trên dưới đoàn kết một lòng. Như đạo lí ở đời, kẻ cường bạo ắt phải chịu nhục nhã, phe chính nghĩa nhận thắng lợi về tay. Quân ta thắng lợi vẻ vang, nghìn năm lưu danh sử sách, lúc này lời các bô lão đầy hứng khởi, tự hào:

"Thế nhưng:

Trời cũng chiều người,

Hung đồ hết lối

Trận Xích Bích, quân Tào Tháo tan tác tro bay,

Trận Hợp Phì, giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi.

Đến nay sông nước tuy chảy hoài,

Mà nhục quân thù khôn rửa nổi.

Tái tạo công lao,

Nghìn xưa ca ngợi."

Dù cho nước sông ngàn năm vẫn chảy mãi thì nỗi nhục quân thù vẫn ngàn năm chẳng thể phai. Dùng các trận thua đau đớn của Tào Tháo trong trận Xích Bích, Bồ Kiên thất bại ở Hợp Phì để mỉa mai quân địch và ca ngợi thắng lợi của ta. Các bô lão khẳng định thêm một lần nữa khẳng định về tính chất chính nghĩa của cuộc chiến dân tộc. Đó là chân lí đời đời sáng rõ.

Trong niềm hân hoan chiến thắng ấy, các bô lão đã tự ca ngợi, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với người lãnh đạo tài ba. Giặc thất bại là nhờ thế đất hiểm trở, nhân kiệt tài năng, thông minh mưu lược, dũng cảm nơi chiến địa. Con người tài đức sức mạnh và trí tuệ là yếu tố tiên quyết của thắng lợi này.

"Đã có giang san.

Quả là: trời đất cho nơi hiểm trở,

Cũng nhờ: nhân tài giữ cuộc điện an!

Hội nào bằng hội Mạnh Tân, có vương sư họ Lã,

Trận nào bằng trận Duy Thuỷ, có quốc sĩ họ Hàn.

Khi trận Bạch Đằng mà đại thắng,

Bởi đại vương coi thế giặc nhàn.

Tiếng thơm còn mãi,

Bia miệng không mòn."

Lời kể của các bô lão có lúc nhiệt thành hân hoan, có lúc lại buồn thương tiếc nuôi , lúc trang nghiêm, trầm lắng để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc. Một trận chiến không chỉ để lại bài học về mưu lược, mà còn là bài học về chính nghĩa, về đạo lí sống muôn đời.

Dàn ý Trận Bạch Đằng qua lời kể của các bô lão trong bài Phú sông Bạch Đằng

I/ Mở bài

- Dẫn dắt giới thiệu tác giả tác phẩm.

II/ Thân bài

1. Giới thiệu nhân vật khách và tâm trạng của khách khi đến với sông Bạch Đằng lịch sử.

a. Giới thiệu về khách

“Khách có kẻ:

Giương buồm giong gió chơi vơi

Lướt bể trăng mải miết...”

- Hiện lên chân dung một con người với tư thế ung dung đang mở rộng tâm hồn khoáng đạt để thu vào mình tất cả bao la của đất trời. Đó là con người say đắm với thú ngao du sơn thủy, muốn làm bạn với gió trăng.

- Nhịp điệu tự do linh hoạt, câu ngắn câu dài đan xen, giống như nhịp con thuyền đi trên sông, lúc dừng lại để thưởng ngoạn, lúc thì lướt băng băng trên sóng Bạch Đằng.

- Không gian mở ra thoáng đạt với gió, trăng, bể.

- Hình ảnh kì vĩ của thiên nhiên vũ trụ đã cho thấy tâm hồn tự do khoáng đạt cũng như niềm tự do mãnh liệt của khách khi đến với thiên nhiên.

- Khách chủ động hòa mình vào thiên nhiên chứ không là một chấm nhỏ gữa không gian kì vĩ.

“Sớm gõ thuyền chừ Nguyên, Tương

Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt

Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt,

Nơi có người đi, đâu mà chẳng biết...”

- Khách là người đi nhiều biết nhiều, đã đi qua nhiều miền sông nước. Đây đều là những thắng cảnh nổi tiếng gắn với không gian sông nước=> cách nói có phần ước lệ

- Các địa danh Nguyên Tương, Vũ Hiệp ở rất xa nhau nhưng khách có thể đến trong một sớm một chiều. Cách nói ước lệ ấy cho ta hiểu những địa danh ấy có thể khách đã đến trong sách vở.

- Cùng với các địa danh Trung Quốc là các địa danh nước Việt: Đông Triều, sông Bạch Đằng=> gắn với không gian sông nước rộng lớn.

- Liệt kê các địa danh và so sánh => khách muốn đi khắp mọi nơi. Tất cả mọi phản ứng của nhân vật khách về cuộc viễn du chính là sự chuẩn bị cho người đọc tâm thế thích hợp khi tiếp xúc với dòng sông Bạch Đằng.

b. Cảnh sông Bạch Đằng và tâm trạng của khách

- Cảnh sông Bạch Đằng hiện lên cụ thể và chi tiết

- “Sóng hình” là những con sóng lớp lớp nối đuôi nhau mở ra không gian rộng lớn của vùng sông nước.

- “Thướt tha đuôi trĩ một màu” : không gian nên thơ, bồng bềnh, thiết tha như đuôi chim trĩ

- “Nước trời: một sắc, phong cảnh: ba thu”=> Cảnh cuối thu trời xanh biếc, đất và trời như nối liền một dải

- Đến với sông Bạch Đằng, tâm trạng của khách đan xen nhiều cung bậc, có niềm vui, có sự tự hào xung quanh trời đất. Buồn vì cảnh trước mặt hoang vắng, đìu hiu, thương nhớ những anh hùng đã khuất, tiếc nuối vì chiến trường xưa một thời oanh liệt giờ đã vắng bóng phai nhạt dần dấu vết thời gian.

- Giọng điệu lời thơ linh hoạt, giọng thơ khi thì hào sảng, khi thì trĩu nặng tâm tư.

- Khách chính là sự phân thân của tác giả cho nên qua nhân vật khách ta cũng hiểu được lòng tác giả. Đó là con người có tâm hồn phóng khoáng, nhạy cảm, đặc biệt là người nặng lòng với lịch sử dân tộc.

2. Lời kể về những chiến công trên sông Bạch Đằng

- “Bên sông, các bô lão hỏi ý ta sở cầu?”. “Bô lão” là những bậc cao niên, là những chứng nhân lịch sử. Có thể những nhân vật bô lão chỉ là do tưởng tượng làm cho lời kể khách quan, đáng tin cậy.

- Thái độ của các bô lão đối với khách khi đến sông Bạch Đằng là thái độ nhiệt tình, trân trọng. Từ đó có thể thấy khách là người đáng kính trọng, có nhân cách lớn.

- Qua lời kể của các bô lão, sông Bạch Đằng hiện lên là nơi ghi dấu chiến công chói lọi từ bao đời. Đó là chiến công hào hùng của thế hệ trước: Ngô chúa phá Hoằng Thao, là buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã...

- Cảnh thủy chiến trên sông Bạch Đằng với lực lượng đông đảo hùng hậu, giặc mạnh, lắm mưu nhiều kế, sự gian xảo, quỷ quyệt, ngạo nạn. Còn ta là đội quân chính nghĩa thuận ý trời. Đó không chỉ là cuộc đối đầu về lực lượng mà còn là sự đối đầu về ý chí.

- Cách miêu tả chiến sự rất dữ dội, ác liệt qua hình ảnh giàu tính biểu cảm.

- Sử dụng tích xưa cùng việc so sánh những cuộc đánh lớn ở Trung Hoa với “Hốt Tất Liệt”. “trận Xích Bích”=> nói lên sự thất bại của kẻ thù, khẳng định chiến công oanh liệt của ta.

- Cách kể khi thì dồn dập gấp gáp với những câu ngắn, khi thì chậm rãi với những câu văn dài, khi thì xúc tích với điển cố=> lời kể ngắn gọn nhưng lại tái hiện sinh động diễn biến cuộc chiến: có tên trận đánh, có tên người chỉ huy, có sự chuẩn bị về tinh thần và lực lượng...khiến ta có cảm giác hồi hộp về diễn biến kết quả trận đánh.

- “Quả là: Trời đất cho nơi hiểm trở

- Cũng nhờ: Nhân tài giữ cuộc điện an”

- Khẳng định nguyên nhân làm nên chiến thắng là nhờ địa linh và nhân kiệt, đề cao vai trò của Trần Hưng Đạo với những chiến côn ghi vào sử sách, đề cao vai trò của Trần Quốc Tuấn.

- Cho thấy sự tôn trọng của vua Trần đối với những bề tôi, đó là sự đoàn kết một lòng của vua tôi.

3. Lời ca của các bô lão và khách

- Bằng cách mượn quy luật tự nhiên trường tồn bất biến tác giả khẳng định quy luật của lịch sử.

- Trong lời ca của khách, ta thấy lời hát của các bô lão, đó là sự tiếp nối, mở rộng về mặt tư tưởng, niềm tin về nền thái bình của đất nước.

III/ Kết bài: Nêu cảm nhận chung về văn bản.

- Qua những hoài niệm về quá khứ, “Phú sông Bạch Đằng” đã thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc trước chiến công trên sông Bạch Đằng, đồng thời ca ngợi truyền thống anh hùng bất khuất, truyền thống đạo lý nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam và đề cao vai trò vị trí của con người trong lịch sử. Đây là một tác phẩm hay khiến người đọc đời đời phải ngẫm nghĩ.

Trận Bạch Đằng qua lời kể của các bô lão trong bài Phú sông Bạch Đằng - mẫu 2

   Sự xuất hiện của nhân vật khách với trạng thái trầm tư có ý nghĩa như một cách đặt vấn đề, nêu câu hỏi và dẫn dắt đến sự xuất hiện của nhân vật tập thể các bô lão. Bằng vài nét phác họa tác giả đã gợi cho người đọc hình dung được những đặc điểm quan trọng về nhóm nhân vật này. Đó là một số đông đa dạng về tuổi tác. Có người đã rất già phải chống gậy, có người trẻ hơn, còn khỏe bơi được thuyền nhỏ, nhưng tất cả đều nhiệt tình, nhạy cảm và hiếu khách. Thấy khách "đứng lặng giờ lâu", họ hiểu khách có điều đang băn khoăn liền thăm hỏi.

    Bên sông các bô lão, hỏi ý ta sở cầu

   Trương Hán Siêu không nhắc lại câu hỏi của khách, nhưng qua sự sốt sắng của các bô lão, qua phương thức nói chuyện của khách và các bô lão, người đọc có thể hình dung ra rất rõ chủ đề câu chuyện: các bô lão với tư cách người địa phương và rất có thể nhiều người đã là chứng nhân của trận Bạch Đằng oanh liệt đã dẫn khách thăm nơi chiến địa và thuyết minh cho ông về mảnh đất lịch sử, kể cho ông nghe về chiến công Bạch Đằng buổi Trùng Hưng:

    Có kẻ gậy lê chống trước, có người thuyền nhẹ bơi sau.

    Vái ta mà thưa rằng:

    Đây là nơi chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã,

    Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao.

   Với niềm tự hào về quê hương, về lịch sử, các bô lão đã hào hứng, sôi nổi kể lại trận đánh "đương khi ấy". Đó là một trận đánh lớn, tầm cỡ, trực diện "mặt đốì mặt" giữa hai đội quân hùng mạnh.

    Thuyền bè muôn đội, tinh kì phấp phới,

    Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói.

    Trận đánh được thua chửa phân,

    Chiến lũy bắc nam chống đối.

   Đó cũng là một trận đánh ác liệt, "kinh thiên động địa":

    Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ,

    Bầu trời đất chừ sắp đổi.

   Tính chất ác liệt của trận đánh là do quy mô, lực lượng so sánh, do ý nghĩa trận đánh nhưng mặt khác cũng rất quan trọng là do sử đối đầu về ý chí của hai bên đối phương. Và chính ở trận Bạch Đằng này, quân nhà Trần cũng như quân Ngô Quyền trước đó đã phải đối đầu với một đội quân mưu sâu, chước quỷ hung đồ như vậy:

    Kìa: Tất Liệt thế cường, Lưu Cung chước dối.

    Những tưởng gieo roi một lần,

    Quét sạch Nam bang bốn cõi.

   Trận chiến quyết liệt, khó khăn, nhiều tốn thất, đến nỗi "sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô", đến nỗi bao nhiêu năm sau các nhà thơ qua đó đều vẫn có chung cảm giác nước sông còn loang máu đỏ:

    Ánh nước chiều hôm màu đỏ khê,

    Tưởng rằng máu giặc vẫn chưa khô,

    (Trần Minh Tông - Bạch Đằng Giang)

    Bạch Đằng một cõi chiến tràng,

    Xương bay trổng đất máu màng đỏ sông.

    (Đại Nam quốc sử diễn ca)

    Đồng trụ đến nay rêu phủ biếc;

    Đằng giang tự cổ máu còn hồng.

            (Khuyết danh)

   Chính vì tính chất khó khăn, quyết liệt đó, mà hơn ai hết các bô lão hiểu rằng trận chiến thắng của dân tộc mình, của các bậc anh hùng dương thời là một trận thắng thuộc tầm cỡ những trận đánh lừng danh trong lịch sử, không chỉ đối với một quốc gia, không chỉ có ý nghĩa đối với một thời:

   Khác nào như khi xưa:

    Trận Xích Bích, quân Tào Tháo tan tác tro bay.

    Trận Hợp Phì, giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi,

    Đến nay nước sông tuy chảy hoài,

    Mà nhục quân thù khôn rửa nổi.

    Tái tạo công lao nghìn xưa ca ngợi.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 10 chọn lọc, hay khác: