Tiếng Việt lớp 5 (Dành cho buổi học thứ hai) Tuần 28 Tiết 1 trang 36, 37
Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải bài tập Tiếng Việt lớp 5 Tuần 28 Tiết 1 trang 36, 37 Dành cho buổi học thứ hai giúp học sinh làm bài tập Tiếng Việt lớp 5 Buổi học thứ 2 Tập 2.
Tiếng Việt lớp 5 (Dành cho buổi học thứ hai) Tuần 28 Tiết 1 trang 36, 37
Bài 1 (trang 36, Tiếng Việt 5 dành cho buổi học thứ 2, tập 2): Đọc.
LÝ THƯỜNG KIỆT
Lý Thường Kiệt là một nhà quân sự, nhà chính trị nổi tiếng của nước ta. Trong cuộc chiến tranh chống Tống ở triều đại nhà Lý, Lý Thường Kiệt được vua giao chỉ huy quân ta chống giặc.
Trong trận chiến chống giặc Tống trên sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt đã bố trí quân đội sẵn sàng đón địch. Kế hoạch phòng thủ của Lý Thường Kiệt là chặn quân Tống từ bờ nam sông Như Nguyệt. Nếu để giặc vượt sông, chúng sẽ dễ dàng chiếm kinh đô Thăng Long như trở bàn tay.
Lý Thường Kiệt hạ lệnh cho người dân ở bờ bắc sông Như Nguyệt di cư sang bờ nam để tránh sự đàn áp của giặc, rồi lập doanh trại ở bờ nam để chống giữ. Ông cho đắp đê Nam Ngạn cao như bức tường thành. Ngoài đê thì đóng cọc tre mấy tầng. Chiến thuyền rút về hết bờ nam, sẵn sàng đón đánh quân địch.
Chiến sự diễn ra hàng tháng trời. Quân giặc tuy thế mạnh, người đông nhưng mấy lần vượt sông đều bị đánh lui. Tuy vậy, quân ta cũng dần dần núng thế. Tình thế hết sức nguy cấp. Để cổ vũ tinh thần quân sĩ và làm nao núng địch, Lý Thường Kiệt bèn sai người tâm phúc, đang đêm đọc vang bài thơ trong đền thờ Trương Hồng, Trương Hát (bên bờ sông Như Nguyệt):
Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Đang đêm, nghe tiếng thơ vang lên sang sảng, hào hùng, ai cũng cho rằng thần làm ra bài thơ đó để báo trước việc quân giặc tất bại, quân ta tất thắng. Lòng tin tưởng vào thắng lợi được củng cố, quân sĩ ai nấy đều phấn khởi. Khí thế đã hăng, Lý Thường Kiệt bèn mở cuộc tiến công, đánh cho giặc Tống đại bại, phải cầu hòa và rút về nước. Bài thơ được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.
(Theo Lưu Hồng Hải)
* Đây là bản dịch ra tiếng Việt; bài thơ viết bằng chữ Hán.
Núng (thế): không còn vững chắc, không còn đủ sức chịu đựng, chống đỡ nữa.
Tuyên ngôn: bản tuyên bố của một quốc gia hoặc một tổ chức.
Trả lời:
Em đọc văn bản. Chú ý các từ như: núng (thế), tuyên ngôn,…
Bài 2 (trang 37, Tiếng Việt 5 dành cho buổi học thứ 2, tập 2): Lý Thường Kiệt được giới thiệu thế nào?
Trả lời:
- Lý Thường Kiệt được giới thiệu: Lý Thường Kiệt là một nhà quân sự, nhà chính trị nổi tiếng của nước ta. Trong cuộc chiến tranh chống Tống ở triều đại nhà Lý, Lý Thường Kiệt được vua giao chỉ huy quân ta chống giặc.
Bài 3 (trang 37, Tiếng Việt 5 dành cho buổi học thứ 2, tập 2): Trong trận chiến chống Tống trên sông Như Nguyệt, vì sao Lý Thường Kiệt quyết không để giặc vượt qua sông Như Nguyệt?
Trả lời:
- Trong trận chiến chống Tống trên sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt quyết không để giặc vượt qua sông Như Nguyệt vì nếu để giặc vượt sông, chúng sẽ dễ dàng chiếm kinh đô Thăng Long như trở bàn tay.
Bài 4 (trang 37, Tiếng Việt 5 dành cho buổi học thứ 2, tập 2): Lý Thường Kiệt đã chỉ huy quân ta làm những gì để phòng thủ?
- Ở bờ bắc sông Như Nguyệt: ………………………………………………………...
- Ở bờ nam sông Như Nguyệt: ……………………………………………………......
Trả lời:
- Ở bờ bắc sông Như Nguyệt: Lý Thường Kiệt hạ lệnh cho người dân ở bờ bắc sông Như Nguyệt di cư sang bờ Nam để tránh sự đàn áp của giặc, rồi lập doanh trại ở bờ nam để chống giữ.
- Ở bờ nam sông Như Nguyệt: Ông cho đắp đê Nam Ngạn cao như bức tường thành. Ngoài đê thì đóng cọc tre mấy tầng. Chiến thuyền rút hết về bờ nam, sẵn sàng đón đánh quân địch.
Bài 5 (trang 37, Tiếng Việt 5 dành cho buổi học thứ 2, tập 2): Bằng cách nào mà Lý Thường Kiệt đã củng cố được tinh thần quân sĩ sau 2 tháng cầm cự, khi quân ta có phần núng thế?
Trả lời:
- Lý Thường Kiệt đã củng cố được tinh thần quân sĩ sau 2 tháng cầm cự, khi quân ta có phần núng thế bằng cách: Lý Thường Kiệt bèn sai người tâm phúc, đang đêm đọc vang bài thơ trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát (bên bờ sông Như Nguyệt):
Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Bài 6 (trang 37, Tiếng Việt 5 dành cho buổi học thứ 2, tập 2): Bài đọc giúp em hiểu điều gì về công cuộc chống giặc ngoại xâm của cha ông ta?
Trả lời:
- Bài đọc giúp em hiểu về công cuộc chống giặc ngoại xâm của cha ông ta: Công cuộc chống giặc ngoại xâm của cha ông ta vô cùng khó khăn, thiếu thốn nhưng không vì thế mà nhân dân nản trí. Cha ông ta luôn chủ động, sáng tạo, có tầm nhìn sáng suốt và chiến lược độc đáo nên dù cho kẻ địch có mạnh, ta cũng không đầu hàng.