Lý thuyết Hóa học 11 Kết nối tri thức Bài 13: Cấu tạo hoá học hợp chất hữu cơ
Haylamdo biên soạn và sưu tầm với tóm tắt lý thuyết Hóa 11 Bài 13: Cấu tạo hoá học hợp chất hữu cơ sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh lớp 11 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Hóa học 11.
Lý thuyết Hóa 11 Kết nối tri thức Bài 13: Cấu tạo hoá học hợp chất hữu cơ
I. Thuyết cấu tạo hoá học
Thuyết cấu tạo hoá học gồm các luận điểm chính sau:
Luận điểm 1: Trong phân tử hợp chất hữu cơ, các nguyên tử liên kết với nhau theo đúng hoá trị và theo một thứ tự nhất định. Thứ tự liên kết đó được gọi là cấu tạo hoá học. Sự thay đổi thứ tự liên kết đó sẽ tạo ra chất khác.
Ví dụ:
Ethanol và dimethyl ether đều có công thức phân tử C2H6O nhưng có tính chất vật lí và tính chất hoá học khác nhau do chúng có cấu tạo khác nhau. Cụ thể:
+ Ethanol: CH3 – CH2 – OH; nhiệt độ sôi 78,3 oC; tan vô hạn trong nước; tác dụng với sodium giải phóng hydrogen.
+ Dimethyl ether: CH3 – O – CH3; nhiệt độ sôi – 24,9 oC; ít tan trong nước; không tác dụng với sodium.
Luận điểm 2: Trong phân tử chất hữu cơ, carbon có hoá trị IV. Các nguyên tử carbon không những liên kết với nguyên tử của các nguyên tố khác mà còn có thể liên kết trực tiếp với nhau tạo thành mạch carbon (mạch hở không phân nhánh, mạch hở phân nhánh hoặc mạch vòng). Ví dụ:
Luận điểm 3: Tính chất của các chất phụ thuộc vào thành phần phân tử (bản chất và số lượng các nguyên tử) và cấu tạo hoá học. Các nguyên tử trong phân tử có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.
Ví dụ:
+ Phụ thuộc thành phần phân tử: CH4 là chất khí dễ cháy, CCl4 là chất lỏng không cháy; CH3Cl là chất khí không có tác dụng gây mê, còn CHCl3 là chất lỏng có tác dụng gây mê.
+ Phụ thuộc cấu tạo hóa học: CH3CH2OH và CH3OCH3 khác nhau cả về tính chất hóa học.
Thuyết cấu tạo hoá học giúp giải thích được hiện tượng đồng phân, hiện tượng đồng đẳng trong hoá học hữu cơ.
II. Công thức cấu tạo
1. Khái niệm
Công thức biểu diễn cách liên kết và thứ tự liên kết giữa các nguyên tử trong phân tử được gọi là công thức cấu tạo.
2. Cách biểu diễn cấu tạo phân tử hợp chất hữu cơ
- Công thức cấu tạo đầy đủ: Biểu diễn trên mặt phẳng giấy tất cả các liên kết.
Ví dụ: Công thức cấu tạo đầy đủ của rượu etylic (C2H5OH).
- Công thức cấu tạo thu gọn
+ Dạng 1: Các nguyên tử, nhóm nguyên tử cùng liên kết với một nguyên tử carbon được viết thành một nhóm.
Ví dụ: CH3 – CH2 – OH, CH2 = CH – CH = CH2,…
+ Dạng 2: Chỉ biểu diễn liên kết giữa các nguyên tử carbon và với nhóm chức.
+ Mỗi đầu một đoạn thẳng hoặc điểm gấp khúc ứng với một nguyên tử carbon.
+ Không biểu thị số nguyên tử hydrogen liên kết với mỗi nguyên tử carbon.
Ví dụ:
III. Đồng phân
Những hợp chất hữu cơ khác nhau nhưng có cùng công thức phân tử được gọi là các chất đồng phân của nhau.
- Các đồng phân có tính chất hoá học khác nhau do chúng có cấu tạo hoá học khác nhau.
- Ứng với một công thức phân tử có thể có các đồng phân cấu tạo về mạch carbon, loại nhóm chức, vị trí nhóm chức.
Ví dụ:
- Ngoài đồng phân cấu tạo, các hợp chất hữu cơ còn có đồng phân hình học và đồng phân quang học.
IV. Đồng đẳng
Các chất hữu cơ có tính chất hoá học tương tự nhau và thành phần phân tử hơn kém nhau một hay nhiều nhóm CH2 được gọi là các chất đồng đẳng của nhau, chúng hợp thành một dãy đồng đẳng.
Ví dụ: Dãy đồng đẳng của methane: CH4, CH3 – CH3, CH3 – CH2 – CH3,…
⇒ Công thức chung là CnH2n + 2.