X

Bài tập trắc nghiệm Hóa học 9

Trắc nghiệm Hóa học 9 Bài 31 (có đáp án): Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học


Trắc nghiệm Hóa học 9 Bài 31 (có đáp án): Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học

Haylamdo biên soạn và sưu tầm câu hỏi trắc nghiệm Hóa học 9 Bài 31 (có đáp án): Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học hay, chọn lọc sẽ giúp học sinh hệ thống lại kiến thức bài học và ôn luyện để đạt điểm cao trong bài thi môn Hóa học 9.

Trắc nghiệm Hóa học 9 Bài 31 (có đáp án): Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học

Câu 1: Nhóm các nguyên tố được sắp xếp theo chiều tính phi kim tăng dần là

 A. O, F, N, C.

 B. F, O, N, C.

 C. O, N, C, F.

 D. C, N, O, F.

Đáp án: D

Các nguyên tố C, N, O, F cùng thuộc chu kỳ 2;

Trong một chu kỳ, theo chiều tăng của điện tích hạt nhân tính phi kim của các nguyên tố tăng dần

→ Tính phi kim: C < N < O < F.

Câu 2: Trong 1 chu kỳ (trừ chu kì 1), đi từ trái sang phải tính chất của các nguyên tố biến đổi như sau

 A. tính kim loại và tính phi kim đều giảm dần.

 B. tính kim loại và tính phi kim đều tăng dần.

 C. tính kim loại giảm dần đồng thời tính phi kim tăng dần.

 D. tính kim loại tăng dần đồng thời tính phi kim giảm dần.

Đáp án: C

Câu 3: Dãy các kim loại nào sau đây được sắp xếp theo chiều tính kim loại tăng dần ?

 A. K, Na, Li, Rb.

 B. Li, K, Rb, Na.

 C. Na, Li, Rb, K.

 D. Li, Na, K, Rb.

Đáp án: D

Các kim loại Li, Na, K, Rb thuộc cùng nhóm IA trong bảng tuần hoàn.

Trong cùng một nhóm, theo chiều tăng của điện tích hạt nhân tính kim loại của các nguyên tố tăng dần

→ Tính kim loại: Li < Na < K < Rb.

Câu 4: Cho các nguyên tố sau O, P, N. Hãy chỉ ra thứ tự sắp xếp đúng theo chiều tính phi kim tăng dần

 A. O, P, N.

 B. N, P, O.

 C. P, N, O.

 D. O, N, P.

Đáp án: C

Ta có: P và N cùng thuộc nhóm VA, theo quy luật biến đổi xác định được tính phi kim của P < N.

O và N cùng thuộc chu kỳ 2, theo quy luật biến đổi xác định được tính phi kim của N < O.

Chiều tăng dần tính phi kim là: P < N < O.

Câu 5: Biết X có cấu tạo nguyên tử như sau: điện tích hạt nhân là 12+, có 3 lớp electron, lớp ngoài cùng có 2 electron. Vị trí của X trong bảng tuần hoàn là

 A. chu kỳ 3, nhóm II.

 B. chu kỳ 3, nhóm III.

 C. chu kỳ 2, nhóm II.

 D. chu kỳ 2, nhóm III.

Đáp án: A

X có 3 lớp electron → X thuộc chu kỳ 3

Lớp ngoài cùng của X có 2 electron → X thuộc nhóm II.

Câu 6: Nguyên tử của nguyên tố X có 3 lớp electron, lớp electron ngoài cùng có 7 electron. Vị trí và tính chất cơ bản của nguyên tố X là

 A. thuộc chu kỳ 3, nhóm VII là kim loại mạnh.

 B. thuộc chu kỳ 7, nhóm III là kim loại yếu.

 C. thuộc chu kỳ 3, nhóm VII là phi kim mạnh.

 D. thuộc chu kỳ 3, nhóm VII là phi kim yếu.

Đáp án: C

X có 3 lớp electron → X thuộc chu kỳ 3

Lớp ngoài cùng của X có 7 electron → X thuộc nhóm VII.

X ở phía cuối chu kỳ nên là phi kim mạnh.

Câu 7: Trong chu kỳ 3, X là nguyên tố đứng đầu chu kỳ, còn Y là nguyên tố đứng cuối chu kỳ nhưng trước khí hiếm. Nguyên tố X và Y có tính chất sau

 A. X là kim loại mạnh, Y là phi kim yếu.

 B. X là kim loại mạnh, Y là phi kim mạnh.

 C. X là kim loại yếu, Y là phi kim mạnh.

 D. X là kim loại yếu, Y là phi kim yếu.

Đáp án: B

Câu 8: Nguyên tố M có số hiệu nguyên tử là 19, chu kỳ 4, nhóm I trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Phát biểu nào sau đây đúng ?

 A. Điện tích hạt nhân 19+, 4 lớp electron, lớp ngoài cùng có 1 electron, kim loại mạnh.

 B. Điện tích hạt nhân 19+, 1 lớp electron, lớp ngoài cùng có 4 electron, kim loại mạnh.

 C. Điện tích hạt nhân 19+, 4 lớp electron, lớp ngoài cùng có 4 electron, kim loại yếu.

 D. Điện tích hạt nhân 19+, 4 lớp electron, lớp ngoài cùng có 1 electron, kim loại yếu.

Đáp án: A

M có số hiệu nguyên tử là 19 nên điện tích hạt nhân nguyên tử M là 19+.

M thuộc chu kỳ 4 nên có 4 lớp electron trong nguyên tử; M thuộc nhóm I nên lớp ngoài cùng có 1 electron.

M đứng ở đầu chu kỳ nên là kim loại mạnh.

Câu 9: Nguyên tố X ở chu kỳ 4 nhóm VI, nguyên tố Y ở chu kỳ 2 nhóm VII. So sánh tính chất của X và Y thấy

 A. tính phi kim của X mạnh hơn Y.

 B. tính phi kim của Y mạnh hơn X.

 C. X, Y có tính phi kim tương đương nhau.

 D. X, Y có tính kim loại tương đương nhau.

Đáp án: B

Theo quy luật biến đổi tính chất các nguyên tố trong bảng tuần hoàn xác định được Y là phi kim mạnh nhất. Do đó, tính phi kim của Y mạnh hơn X.

Câu 10: Nguyên tố X có hiệu số nguyên tử là 10. Điều khẳng định nào sau đây không đúng ?

 A. Điện tích hạt nhân của nguyên tử là 10+, nguyên tử có 10 electron.

 B. Nguyên tử X cuối chu kỳ 2.

 C. X là một khí hiếm.

 D. X là 1 kim loại hoạt động yếu.

Đáp án: D

Xem thêm các bài Lý thuyết và bài tập Hóa học lớp 9 có đáp án hay khác