Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 11 - Ngắn nhất Soạn văn 10 Cánh diều
Haylamdo biên soạn và sưu tầm soạn bài Tri thức ngữ văn trang 11 Ngữ Văn 10 Cánh diều ngắn gọn nhất nhưng đủ ý hy vọng rằng sẽ giúp các bạn dễ dàng soạn bài môn Ngữ văn 10.
Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 11
1. Thần thoại và sử thi
- Thần thoại là những truyện hoang đường, tưởng tượng về các vị thần, các nhân vật anh hùng, nhân vật sáng tạo văn hoá, ... phản ánh nhận thức, cách lí giải của con người thời cổ đại về các hiện tượng trong thế giới tự nhiên và xã hội.
- Sử thi (còn gọi là anh hùng ca) là tác phẩm tự sự có quy mô lớn, bằng văn vần hoặc văn xuôi kết hợp văn vần, xây dựng những hình tượng hào hùng, kì vĩ để kể về những sự kiện lớn diễn ra trong đời sống cộng đồng của cư dân thời cổ đại.
2. Không gian, thời gian, cốt truyện, nhân vật, lời người kể chuyện và lời nhân vật
- Không gian trong thần thoại là không gian vũ trụ nguyên sơ, có khi được chia thành ba cõi: cõi trời, cõi đất, cõi nước. Tuy nhiên, ba cõi này không chia tách thành ba thế giới riêng biệt mà luôn biến chuyển, liên thông với nhau.
Ví dụ: Không gian trong truyện Hê-ra-clét đi tìm táo vàng bao gồm thế giới của tiên nữ, thế giới của nữ thần Đất Gai-a (Gaia), thế giới của thần Biển Nê-rê (Nérée) và bước chân của người anh hùng Hê-ra-clét (Heracles) đã in dấu ở mọi không gian đó.
- Thời gian trong thần thoại là thời gian quá khứ, không được xác định cụ thể.
Ví dụ: Truyện Nữ Oa gắn với thuở trời đất mới hình thành, chưa có loài người, giữa thế giới hoang sơ ấy chỉ có một vị thần tên là Nữ Oa.
- Không gian trong sử thi là không gian cộng đồng, bao gồm: không gian thiên nhiên, không gian xã hội.
- Thời gian trong sử thi là thời gian quá khứ trải qua nhiều biến cố, thời gian gắn với lịch sử cộng đồng của một dân tộc, bộ lạc, chế độ.
Ví dụ: Không gian và thời gian trong đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây (trích Đăm Săn - sử thi Ê-đê) gắn liền với lịch sử cộng đồng của người tù trưởng giàu có và uy danh lẫy lừng Đăm Săn, cộng đồng của tù trưởng Mtao Mxây, ...
- Cốt truyện của thần thoại và sử thi là chuỗi sự kiện (biến cố) được sắp xếp theo một trình tự nhất định: cái này tiếp cái kia, xô đẩy nhau buộc phải giải quyết, giải quyết xong thì truyện dừng lại.
Ví dụ, cốt truyện Hê-ra-clét đi tìm táo vàng gồm nhiều sự kiện và biến cố nối tiếp nhau: Trên đường đi tìm táo vàng, Hê-ra-clét phải giao đấu với hai cha con thân Chiến tranh A-rét (Arès), đi qua vùng sa mạc và phải tiếp tục giao đấu với gã Ang-tê (Antée) độc ác, giải thoát cho vị thần ân nhân của loài người Prô-mê-tê (Promethée), ... và cuối cùng đã thành công khi lấy được những quả táo vàng.
- Nhân vật thần trong thần thoại có hình dạng và hành động phi thường, có khả năng biến hoá khôn lường. Nhân vật người anh hùng trong sử thi có sức mạnh, tài năng, phẩm chất và vẻ đẹp phi thường, dũng cảm xả thân vì cộng đồng trong chiến đấu chống kẻ thù và chinh phục tự nhiên.
- Trong thần thoại và sử thi, lời người kể chuyện là lời của người thuật lại câu chuyện. Ví dụ: “Chuyện xưa kể rằng, cây táo vàng có quả vàng này vốn là của nữ thần Đất Gai-a vĩ đại, mẹ của muôn loài." (Hê-ra-clét đi tìm táo vàng).
Lời nhân vật là lời nói trực tiếp của nhân vật. Ví dụ:
“Đăm Săn - Sao ta lại đâm người khi người đang đi xuống nhỉ? Ngươi xem, đến con lợn nái của nhà ngươi dưới đất, ta cũng không thèm đâm nữa là!
Mtao Mxây - Ta sợ ngươi đâm ta khi ta đang đi lắm.”
(Chiến thắng Mtao Mxây)
3. Sửa lỗi dùng từ
- Để giao tiếp có hiệu quả, người nói và người viết phải chú ý lựa chọn dùng từ đúng, dùng từ hay.
+ Dùng từ đúng sẽ làm cho người nghe, người đọc hiểu đúng những điều ta muốn nói;
+ Dùng từ hay (phong phú, biểu cảm) sẽ tăng thêm tính truyền cảm, tính thuyết phục đối với người nghe, người đọc.
- Để dùng từ đúng, dùng từ hay, trước hết, cần khắc phục các lỗi dùng từ như sau:
+ Dùng từ không đúng hình thức ngữ âm, chính tả: lỗi này do người sử dụng không nắm chắc hình thức ngữ âm, chính tả của từ, lẫn lộn các âm gần nhau.
Ví dụ: “Tôi vừa nghe phong phanh người ta sắp làm đường qua đây." (Từ đúng phải là phong thanh).
+ Dùng từ không đúng nghĩa: lỗi này do người sử dụng không nắm vững ý nghĩa của từ.
Ví dụ: “Không chịu được gian khổ là yếu điểm duy nhất của anh ta." (Từ đúng phải là điểm yếu).
- Mỗi khi dùng một từ mà các em chưa hiểu thật rõ nghĩa thì nên tra từ điển, đọc kĩ các nghĩa và các ví dụ về cách dùng của từ đó.