X

Soạn văn 10 Cánh diều

Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội - Ngắn nhất Soạn văn 10 Cánh diều


Haylamdo biên soạn và sưu tầm soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội Ngữ Văn 10 Cánh diều ngắn gọn nhất nhưng đủ ý hy vọng rằng sẽ giúp các bạn dễ dàng soạn bài môn Ngữ văn 10.

Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội

1. Định hướng

a) Nghị luận về một vấn đề xã hội có thể bàn luận về một tư tưởng, đạo lí,... nhưng cũng có thể nghị luận về một hiện tượng có thực trong đời sống con người, sự việc,...) hoặc một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học.

- Vấn đề xã hội đưa ra bàn luận có thể là hiện tượng tích cực, cũng có thể là hiện tượng tiêu cực hoặc có cả hai.

- Như thế đòi hỏi người viết cần thể hiện được quan điểm của mình, từ đó phân tích, biểu dương cái tốt, cái đẹp và lên án, phê phán cái sai, vạch trần cái xấu, cái ác,..., nêu lên hướng khắc phục, giúp người đọc hiểu và làm theo cái đúng, có nhận thức và hành động tích cực,...

* Tìm hiểu bài mẫu: Khi ta thay đổi thế giới sẽ đổi thay

Câu hỏi (trang 34 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 – Cánh diều):

- Đoạn trích nêu lên hiện tượng đổ lỗi trong cuộc sống

- Luận điểm:

+ Đổ lỗi là sự dối trá, thiếu tự trọng và vô nhân đạo.

- Các thao tác

+ Giải thích: “Đó là sự dối trá, thiếu tự trọng và vô nhân đạo”

+ Bác bỏ: “Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa thoát khỏi cách xử sự này”

+ Bình luận: “Chúng ta sống trong một nền văn hoá mà việc quy tội cho người khác vì hành động của mình dường như đã ăn sâu vào nếp nghĩ”.

.....

- Quan điểm và thái độ người viết:

+ Quan điểm: Phát huy sức mạnh của bản thân giúp bạn từ bỏ thói quen đổ lỗi lên ai đó vì hành động của mình

+ Thái độ: chân thành, thuyết phục

2. Thực hành

Bài tập (trang 35 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 – Cánh diều):

Đề 1: Suy nghĩ về những tấm gương vượt qua số phận của chính mình.

Đề 2: Viết bài văn nghị luận bàn về sức mạnh của ý chi con người trong cuộc sống nhân học các đoạn trích “Hê-ra-clét đi tìm tảo vàng” và “Chiến thắng Mtao Mxây”.

a) Chuẩn bị

Đọc kĩ đề bài, xác định yêu cầu của đề:

- Nghị luận về sức mạnh của ý chí con người trong cuộc sống

+ Về nội dung: nêu lên suy nghĩ về hiện tượng những con người vượt lên số phận cần ca ngợi, biểu dương

+ Về thao tác nghị luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận

+ Về phạm vi dẫn chứng: có thể lấy dẫn chứng từ con người và sự việc trong đời sống, trong tác phẩm văn học hay những tấm gương từ sách, báo và phương tiện truyền thông đại chúng.

b) Tìm ý và lập dàn ý

1. Giải thích

- ý chí là gì?

=> Chốt ý

2. Chứng minh: Sức mạnh của ý chí con người trong cuộc sống

+ Giúp cuộc sống mỗi người luôn tràn đầy năng lượng tích cực, mỗi ngày trôi qua đều có giá trị.

+ Giúp chúng ta tự tin vào bản thân, luôn sẵn sàng chứng tỏ khả năng của mình

+ Mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống, tích luỹ những kinh nghiệm quý báu

+ Lan toả năng lượng tích cực đến mọi người xung quanh.

+ Khám phá ra ưu nhược điểm của bản thân để từ đó hoàn thiện, từng bước trên con đường thành công

+ Xã hội phát triển văn minh, lành mạnh, con người gắn bó đoàn kết với nhau.

Dẫn chứng: Nick Vujicic, Hồ Chí Minh, ....

3. Bình luận

- Chúng ta cần:

+ Có niềm tin vào bản thân, không bao giờ từ bỏ khát vọng

+ Luôn suy nghĩ tích cực, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách

- Phê phán những người sống hèn nhát, lười biếng, nhanh chóng bỏ cuộc

- Phản đề: Tuy nhiên, sức mạnh của ý chí không đồng nghĩa với việc bảo thủ với mục tiêu của mình.

4. Liên hệ bản thân

c) Viết

* Bài viết mẫu tham khảo:

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

Thật vậy! Câu nói của Người đã khẳng định sức mạnh của ý chí con người trong cuộc sống. Dù ở trong bất kì hoàn cảnh nào, niềm tin và ý chí vẫn luôn tồn tại bên trong mỗi con người.

Vậy ý chí là gì? Đó là một thái độ sống tích cực, luôn hướng về tương lai tươi sáng, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, thử thách. Người có ý chí nghị lực là người có tinh thần sống mạnh mẽ, luôn kiên trì, nhẫn nại vượt qua những khó khăn, chông gai trong cuộc đời để vươn lên, khắc phục hoàn cảnh. Nhưng ý chí nghị lực không phải sinh ra đã có mà nó xuất phát và được rèn luyện trong gian khổ của cuộc sống. Chúng ta có thể thấy, người có ý chí nghị lực luôn có thể chuyển rủi thành may, không khuất phục trước số phận và khi thất bại không đổ tội cho số phận. Những cái tên như Stephen, Milton, Beethoven,.. đã không còn xa lạ với chúng ta họ đều là những người vươn lên bằng chính ý chí nghị lực của mình. Không những thế, họ còn biết khắc phục hoàn cảnh khó khăn của mình bằng cách lao động, giúp đỡ gia đình người thân, tự mở cho mình một tương lai tốt đẹp. Ngoài ra, còn có những người bị khuyết tật hay mắc bệnh hiểm nghèo nhưng họ luôn cố gắng tự chăm sóc cho bản thân, cố gắng tập luyện và làm những điều có ích.

Ý chí nghị lực tạo cho chúng ta sức mạnh để có thể đối chọi với khó khăn, vượt qua thử thách của cuộc sống một cách dễ dàng hơn. Không chỉ thế, nó còn giúp cho con người có niềm tin vào bản thân, tinh thần lạc quan để theo đuổi mục đích, lí tưởng. Nhờ nó, chúng ta còn có thể thay đổi được hoàn cảnh số phận, sống có ích, có ý nghĩa hơn. Bên cạnh đó, ý chí nghị lực còn giúp chúng ta trở thành những tấm gương sáng để người khác có thể học tập và noi theo. Người có ý chí nghị lực sẽ luôn được mọi người ngưỡng mộ, cảm phục và lấy được lòng tin từ mọi người. Thật khâm phục biết bao trước tinh thần đá bóng quả cảm, luôn cháy hết mình của những chiến binh sao vàng đội tuyển quốc gia Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Với tinh thần chiến đấu hết mình ấy, cầu thủ Xuân Trường từng có lời gửi gắm đến người hâm mộ: “Hãy vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ của mình”.

Cuộc đời không bao giờ là một con đường bằng phẳng nhưng chúng ta hãy vượt qua nó bằng tất cả khả năng của bản thân. Do đó mỗi người phải biết rèn luyện ý chí, nghỉ lực luôn biết vươn lên và đương đầu với mọi hoàn cảnh, cho dù có thất bại cũng không bao giờ bỏ cuộc. Đó chính là cơ hội để chúng ta thử thách bản thân và khám phá chính mình. Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương vô cùng kiên cường, mạnh mẽ, vẫn còn những người chưa làm đã thấy nản chí, thấy thất bại thì chán nản, từ bỏ và thậm chí là chỉ biết dựa dẫm vào người khác. Tuy nhiên, đề cao sức mạnh của ý chí không đồng nghĩa với việc bảo thủ với mục tiêu của bản thân. Có những mục tiêu quá viển vông hão huyền mà nếu đặt ra chúng ta sẽ không bao giờ có thể thực hiện. Và cũng có những mục tiêu quá tham lam, chúng ta không nên vì lợi ích của bản thân mà bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được.

Là một người trẻ, tôi ý thức hơn ai hết ý nghĩa của cuộc sống cũng như niềm tin, ý chí, vì vậy trước hết, tôi cần xác định cho bản thân con đường đi đúng đắn và cố gắng hết sức theo đuổi và tôi tin rằng “nỗ lực hết sức không hối hận, có chí nhất định sẽ thành công”.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Đọc lại bài văn đã viết. Đối chiếu với các yêu cầu đã nêu ở các bước chuẩn bị, tìm ý và lập dàn ý) để kiểm tra và chỉnh sửa theo gợi ý sau:

Nội dung kiểm tra

Yêu cầu cụ thể

Bố cục ba phần

- Mở bài: Đã giới thiệu được vấn đề xã hội cần bàn luận chưa?

- Thân bài:

+ Có giới thiệu được khái quát một số tấm gương vượt qua số phận tiêu biểu hay không? + Có giải thích được khái niệm ý chí, nghị lực và lí giải vì sao ý chí, nghị lực tạo nên sức mạnh không?

+ Đã phân tích, chứng minh được sức mạnh ý chí, nghị lực thể hiện qua các nhân vật đã nêu ở phần khái quát để làm sáng tỏ hệ thống luận điểm chưa?

+ Có nêu được ý kiến bình luận vấn đề và liên hệ, phát biểu được suy nghĩ riêng của người viết không?

- Kết bài: Có khái quát được ý nghĩa của vấn đề không?

Các lỗi còn mắc

- Lỗi về ý: thiếu ý, lặp ý, lạc ý.

- Lỗi về trình bày, chính tả, dùng từ và diễn đạt.

Đánh giá chung

- Bài viết đáp ứng yêu cầu đạt mức độ nào?

- Em thấy hứng thú hoặc khó khăn nhất khi thực hiện phần nào trong tiến trình thực hành viết?

Xem thêm các bài Soạn văn 10 Cánh diều hay, ngắn gọn khác: