X

Soạn văn 12 Kết nối tri thức

Soạn bài Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội - ngắn nhất Kết nối tri thức


Soạn bài Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 12 Kết nối tri thức giúp học sinh soạn văn 12 dễ dàng hơn.

Soạn bài Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội - Kết nối tri thức

* Yêu cầu:

- Giới thiệu được đề tài nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội; nêu được câu hỏi nghiên cứu (vấn đề) chính cần giải quyết.

- Trình bày được kết quả nghiên cứu thông qua hệ thống luận điểm sáng rõ, phù hợp với các dữ liệu đã thu thập.

- Thể hiện được cái nhìn toàn cảnh về vấn đề nghiên cứu và quan điểm của người viết.

- Biết vận dụng các thao tác nghiên cứu cơ bản, khai thác các nguồn tham khảo đáng tin cậy.

- Sử dụng hiệu quả sơ đồ, bảng biểu; có thuyết minh các hình ảnh minh hoạ; có sử dụng trích dẫn, cước chú và biết trình bày phần tài liệu tham khảo theo đúng quy định.

* Phân tích bài viết tham khảo:

Văn bản: Mĩ thuật Việt Nam thời mở cửa

1. Giới thiệu vấn đề nghiên cứu

Vấn đề nghiên cứu: mĩ thuật Việt Nam hiện đại trong cộng đồng nghệ thuật khu vực và quốc tế.

2. Trình bày các kết quả nghiên cứu

- Các kết quả nghiên cứu:

+ Những đổi mới trong sáng tác nghệ thuật

+ Các trào lưu nghệ thuật mới xuất hiện

+ Ảnh hưởng của nghệ thuật quốc tế

3. Nêu luận điểm thứ nhất

Luận điểm 1: Sự đổi mới về chủ đề và nội dung trong mỹ thuật Việt Nam thời mở cửa

4. Làm rõ các khía cạnh của luận điểm thông qua phân tích, đánh giá những dữ liệu thực tế

Phân tích các tác phẩm hội họa, điêu khắc, đồ họa, kiến trúc tiêu biểu của thời kỳ này

5. Nêu luận điểm thứ hai

Sự xuất hiện của các trào lưu nghệ thuật mới.

6. Đưa ra các dữ liệu để làm tăng sức thuyết phục của luận điểm

Giới thiệu các trào lưu nghệ thuật mới xuất hiện trong thời kỳ này như trừu tượng, biểu hiện, tối giản,...

7. Tranh minh họa được sử dụng để hỗ trợ cho kênh chữ

Tranh sơn dầu, Chiến lũy của tác giả Lê Anh Vân

8. Trình bày kết luận. Nêu đánh giá, mở rộng vấn đề.

- Lết luận: Một phần tư cuối thế kỉ là giai đoạn đất nước tiến vào thời đại mới, vài cuộc sống mưu sinh nhằm đuổi kịp nhân loại vì phồn vinh và tự do, dân chủ.

- Đánh giá, mở rộng: Những khuynh hướng thẩm mĩ khác nhau, những thủ pháp nghệ thuật rộng mở làm nên diện mạo mới của nền mĩ thuật. Và cái tôi độc đáo, sự mở cửa hai chiều vừa khám phá cái tôi vừa khám phá thế giới, tạo ra nhiều phong cách cá nhân.

* Trả lời câu hỏi:

Câu 1 (trang 149 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Nhan đề của bài báo cáo nghiên cứu cho chúng ta biết những thông tin gì về đề tài nghiên cứu, nội dung nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu.

Trả lời:

Nhan đề của bài báo cáo nghiên cứu cho chúng ta biết những thông tin:

- Chủ đề: Mỹ thuật Việt Nam

- Giai đoạn: Thời mở cửa

Câu 2 (trang 149 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Báo cáo nghiên cứu đã triển khai những luận điểm nào? Tìm câu chủ đề thể hiện nội dung chính của mỗi luận điểm. Các dữ liệu đã được sử dụng như thế nào để làm nổi bật từng luận điểm đó.

Trả lời:

Các luận điểm, câu chủ đề, dữ liệu trong bài báo:

* Luận điểm 1: Sự đổi mới về chủ đề và nội dung trong mỹ thuật Việt Nam thời mở cửa:

- Câu chủ đề: Mỹ thuật Việt Nam thời mở cửa phản ánh đa dạng các chủ đề về đời sống xã hội, con người, và thiên nhiên, thể hiện quan điểm mới mẻ, cởi mở, và hướng đến hiện thực.

- Dữ liệu: 

+ Phân tích các tác phẩm hội họa, điêu khắc, đồ họa, kiến trúc tiêu biểu của thời kỳ này.

+ So sánh với các tác phẩm mỹ thuật trước thời kỳ mở cửa.

+ Lấy dẫn chứng về các tác phẩm cụ thể và tác giả của chúng.

* Luận điểm 2: Sự xuất hiện của các trào lưu nghệ thuật mới:

- Câu chủ đề: Mỹ thuật Việt Nam thời mở cửa tiếp nhận và sáng tạo các trào lưu nghệ thuật mới từ phương Tây, tạo nên sự đa dạng và phong phú trong ngôn ngữ nghệ thuật.

- Dữ liệu:

+ Giới thiệu các trào lưu nghệ thuật mới xuất hiện trong thời kỳ này như trừu tượng, biểu hiện, tối giản,...

+ Phân tích các tác phẩm tiêu biểu của từng trào lưu.

+ Đánh giá ảnh hưởng của các trào lưu nghệ thuật mới đối với nền mỹ thuật Việt Nam.

Câu 3 (trang 149 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Nêu các đặc điểm của ngôn ngữ được sử dụng trong báo cáo nghiên cứu.

Trả lời:

- Các đặc điểm của ngôn ngữ được sử dụng trong báo cáo nghiên cứu:

+ Sử dụng các từ ngữ, thuật ngữ chuyên ngành chính xác.

+ Bố cục bài báo cáo rõ ràng, mạch lạc.

+ Các luận điểm, luận cứ được trình bày một cách logic, chặt chẽ.

+ Trình bày thông tin một cách khách quan, trung thực.

+ Trình bày kết quả nghiên cứu một cách khoa học, logic.

+ Tuân thủ các quy tắc của báo cáo khoa học.

+ Giải thích các thuật ngữ chuyên ngành khi cần thiết.

Câu 4 (trang 149 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Tranh minh họa có tác dụng gì?

Trả lời:

Tác dụng của tranh minh họa:

- Giúp người đọc hiểu rõ hơn về nội dung của văn bản, đặc biệt là các văn bản khoa học, kỹ thuật, hay các văn bản có nhiều khái niệm trừu tượng.

- Tăng tính thẩm mỹ cho văn bản và thu hút người đọc.

- Ghi nhớ thông tin tốt hơn so với chỉ đọc văn bản bằng kênh chữ.

Câu 5 (trang 149 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Bạn có nhận xét gì về tính chất của các tài liệu tham khảo?

Trả lời:

Tính chất của các tài liệu tham khảo:

- Các tài liệu tham khảo được lấy từ các nguồn uy tín, đáng tin cậy.

- Các tài liệu tham khảo liên quan trực tiếp đến chủ đề nghiên cứu.

* Thực hành viết:

a. Chuẩn bị viết

* Lựa chọn đề tài

Gợi ý một số đề tài:

- Hành động của giới trẻ trong phong trào tái chế vật liệu đã qua sử dụng để bảo vệ môi trường.

- Vai trò của những người có ảnh hướng rộng trên mạng xã hội đối với cuộc sống của thanh niên hiện nay.

- Tác động của những khám phá mang tính chất bước ngoặt trong công nghệ đến xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của học sinh cuối cấp Trụng học phổ thông.

- Sự lan toa của chủ nghĩa tối giản trong phong cách sống của một số thành phần dân cư.

- Vai trò của một xu hướng hay trường phái nghệ thuật trong việc làm thay đổi cách sống và thị hiếu của tầng lớp thanh niên.

- Những xu hướng hay hiện tượng âm nhạc đang được học sinh quan tâm và tán thưởng.

* Thu thập, phân tích và đánh giá thông tin

Với định hướng viết báo cáo nghiên cứu ở bài học này, việc thu thập, phân tích, đánh giá nguốn thông tin phong phú về để tài có tầm quan trọng đặc biệt. Cần rút ra những bài học bổ ích trên phương diện này từ bài viết tham khảo - một báo cáo nghiên cứu được triển khai dựa trên khối lượng dữ liệu lớn, có được nhờ tác giả theo dõi sát sao thực tế và đọc nhiều tài liệu tham khảo liên quan.

* Xây dựng đề cương

Bạn đã được học các bước xây dựng đề cương cho báo cáo nghiên cứu ở sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập một, tr. 117 - 118 và tiếp tục thực hành ở sách giáo khoa Ngữ văn 11, tập một, tr. 147 - 148. Khi xây dựng đề cương cho báo cáo nghiên cứu một vấn đề có tính khái quát, cần lưu ý rằng các luận điểm phải được triển khai một cách rõ ràng, có hệ thống, giúp người đọc dễ nắm bắt. Trong mỗi luận điểm có thể có nhiều ý với các cấp độ lớn nhỏ khác nhau. Bạn cần vạch ra các ý này càng chi tiết càng tốt trong đề cương.

b. Viết

Trên cơ sở đề cương, cần triển khai luận điểm thành những đoạn văn. Hãy chú ý đến cách trình bày dữ liệu, cách viết câu chủ đề, cách kết nối các đoạn văn với nhau,... Đặc trưng của báo cáo nghiên cứu được thực hành ở đây là người viết cần trình bày được những đặc điểm của vấn đề nghiên cứu và lí giải những đặc điểm đó từ nhiều góc độ. Chẳng hạn, ở bài viết tham khảo, tác giả đã đưa ra hai luận đỉềm về “chiều mở vào” và “chiều mở ra”. Ở mỗi luận điểm, tác giả lại trình bày hai ý chính, với những giải thích cụ thể.

Lưu ý:

- Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội có tính tổng hợp, khái quát có thể không nổi bật vì tính mới mẻ, đột phá, nhưng cũng không phải là một sự tổng hợp thông tin đơn giản. Khi trình bày các luận điểm, người viết phải đồng thời cho thấy cách tiếp cận riêng của mình.

- Một báo cáo nghiên cứu tốt về một vấn để có tính khái quát còn đòi hỏi người viết thể hiện được quan điểm của mình đối với vấn đề nghiên cứu. Quan điểm đó có thể thể hiện qua các đánh giá, bình luận trực tiếp, hay qua tính định hướng, gợi mở của bài viết. Chẳng hạn, ở bài viết tham khảo, nhiều luận điểm có thể được coi là những gợi ý để tìm hiểu vấn đề sâu hơn hoặc rộng hơn.

- Trong quá trình viết, bạn cần chú ý sắp xếp và trình bày các phương tiện hỗ trợ như sơ đồ, bảng biểu, tranh ảnh,... Phù hợp với nội dung được thể hiện ở kênh chữ.

Bài viết tham khảo

1. Mở đầu

A. Lí do chọn đề tài:

“Anh có về Kinh Bắc quê em, mà nghe quan họ mà xem làng nghề

Con sông Cầu in bóng trăng thề người đi người ở người về với ai...”

Những câu ca ngọt ngào, đằm thắm ấy chính là dân ca quan họ Bắc Ninh. Làn điệu dân ca quan họ từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân Bắc Ninh nói riêng và người Việt Nam nói chung. Tại kì họp lần thứ tư của Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ngày 30 tháng 9 năm 2009, dân ca quan họ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể chỉ sau nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và ca trù. Điều này chứng tỏ dân ca quan họ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hiện nay, dân ca quan họ xuất hiện ở rất nhiều nơi trên cả nước nhưng nhiều nhất vẫn là Bắc Ninh. Hầu hết các làng ở Bắc Ninh đều có những địa điểm sinh hoạt hát quan họ. Tuy nhiên, cái nôi đầu tiên của quan họ bắt nguồn từ Làng Diềm hay còn gọi là làng Viêm Xá, thuộc phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Đây là nơi bà Thủy tổ của quan họ xuất hiện và truyền dạy lời ca cho mọi người. Qua năm tháng, quan họ không những giữ được nguyên vẹn lối hát truyền thống mà còn xuất hiện thêm nhiều lối hát mới phong phú và đa dạng.

Hiện tại, không ít những bài nghiên cứu, đánh giá của những nhà nghiên cứu đầu ngành về dân ca quan họ. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu quan họ trong không gian văn hóa đương đại tại làng Diềm.

B. Mục đích nghiên cứu đề tài:

Tìm hiểu dân ca quan họ tại làng Diềm, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh để thấy được nét độc đáo, đặc sắc và đặc biệt của quan họ trong không gian văn hóa làng Diềm.

C. Phương pháp nghiên cứu:

Bài nghiên cứu sử dụng phương pháp so sánh, phân tích - tổng hợp.

2. Nội dung:

A. Đôi nét về quan họ Bắc Ninh:

Khác với các loại hình diễn xướng khác, dân ca quan họ Bắc Ninh nổi tiếng với bạn bè gần xa bởi âm điệu ngọt ngào, trong trẻo, mượt mà, tha thiết. Cho đến nay, vẫn chưa có tài liệu nào ghi chép chính xác về thời gian ra đời của làn điệu này. Có người cho rằng quan họ xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỉ XI, ý kiến khác lại nói vào thế kỉ XVII. Dù là thời gian nào thì quan họ vẫn được coi là phương tiện lưu giữ hồn cốt của văn hóa xứ Kinh Bắc. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, quan họ cũng có sự thay đổi, bổ sung. Chúng ta có thể chia thành quan họ truyền thống và quan họ mới.

Trước hết, quan họ truyền thống là lối hát quan họ ra đời đầu tiên. Nó chỉ tồn tại ở 49 làng quan họ gốc tại xứ Kinh Bắc. Quan họ truyền thống đòi hỏi người hát phải am hiểu luật lệ, cách hát. Lúc bấy giờ, người ta không gọi là “hát quan họ” mà là “chơi quan họ” bởi cho rằng quan họ là một thú vui tao nhã, thanh tao. Quan họ truyền thống không có nhạc đệm, chủ yếu là sự đối đáp của các liền anh liền chị vào độ “xuân thu nhị kì”.

Khác với quan họ truyền thống, quan họ mới ít nhiều đã có sự cải biên. Hình thức diễn xướng cũng trở nên đa dạng hơn bao gồm hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa,...

Tính đến năm 2016, có tất cả 67 làng quan họ được xếp vào danh sách bảo tồn và phát triển, trong đó có 44 làng quan họ thuộc tỉnh Bắc Ninh.

B. Mảnh đất và con người làng Diềm:

Làng Diềm thuộc địa phận phường Hòa Long, nơi đây lưu giữ rất nhiều nét đẹp văn hóa của làng quê xứ Kinh Bắc. Lớn lên trên đất tổ của quan họ, người dân cũng rất ngọt ngào, đằm thắm. Từ trong cách ứng xử, nói năng, đi lại, người dân làng Diềm đều toát lên vẻ mộc mạc, nhẹ nhàng. Họ hiền lành, chất phác và đặc biệt hiếu khách như những câu quan họ mà ta đã từng nghe:

“Khách đến nhà là hát

Khách uống trà là pha

Hay:

“Người ơi, người ở đừng về...”

Dường như người con của miền quê quan họ đều rất tình - một cái tình ngọt ngào như những lời ca. Không chỉ các liền anh, liền chị khi hát mới duyên dáng mà cái duyên ấy hiện hữu ngay cả trong đời sống hàng ngày. Đó là nét duyên được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bởi vậy, quan họ mới trở nên đằm thắm, mượt mà đến như vậy.

C. Dân ca Quan họ trong không gian văn hóa làng Diềm - phường Hòa Long - Thành phố Bắc Ninh - tỉnh Bắc Ninh:

Đặt dân ca quan họ trong không gian văn hóa làng Diềm, ta có thể thấy được nét độc đáo, hấp dẫn của làn điệu quan họ nơi đây. Ngày xưa, do hạn chế khi di chuyển nên sự giao lưu giữa Diềm và các làng khác gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, lối hát ở Diềm có điểm khác biệt, “cổ” hơn so với những nơi khác. Các liền anh, liền chị thường sử dụng lối hát chậm rãi, khoan thai, ít các bài lí có tiết tấu nhanh. Chính vì thế, những luyến láy hay tiếng đệm trong lời ca như “Dôông ôi à tô ông tang” “Dôông tang tết, tết tang” “tềnh tếnh”... Cũng bị tiết chế. Một số bài “Bóc thư”, “Tình thư”, “Bóng giăng loan”, “Ăn ở trong rừng” không được chia thành trổ ở Diềm.

Khi nhắc đến quan họ làng Diềm, không thể không nhắc đến bốn trụ cột chính hay bốn nghệ nhân kì cựu của quan họ làng Diềm. Đó là các cụ Ngô Thị Nhị, Trần Thị Phụng, Nguyễn Thị Bản, Ngô Thị Lịch. Họ đều là những nghệ nhân lâu đời, thuộc cả trăm ngàn làn quan họ cổ, đã được nhà nước phong danh nghệ nhân ưu tú. Đặc biệt, dân làng cũng như chính quyền và các cấp địa phương rất chú trọng giữ gìn, bảo tồn dân ca quan họ. Ở trường Tiểu học Hòa Long, bên cạnh việc trau dồi, rèn luyện kĩ năng, kiến thức, nhà trường đã đưa quan họ vào dạy như một môn học trong các tiết học ngoại khóa. Đây là hoạt động thiết thực giúp bồi dưỡng tình yêu thương, tấm lòng nhân hậu, thủy chung ở các em học sinh. Từ đó, giúp các em phát triển nhân cách, đạo đức tốt đẹp và thêm yêu quê hương, đất nước.

Với mục đích giữ gìn, bảo tồn dân ca quan họ và phát triển du lịch, chính quyền đã cho xây dựng nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh. Công trình có tổng diện tích là 19.400 mét vuông, với mức kinh phí hơn 178 tỉ đồng. Điều này cho thấy dân ca quan họ nhận được sự quan tâm, sát sao của người dân và các cấp chính quyền. Nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn. Đồng thời, tạo động lực cho mỗi nghệ sĩ không ngừng nỗ lực sáng tạo, cống hiến cho nghệ thuật.

Mặc dù xã hội phát triển nhưng những giá trị văn hóa, tinh thần của quan họ làng Diềm vẫn được gìn giữ, phát huy. Tiếng hát quan họ thiết tha, nghĩa tình của các liền anh, liền chị vẫn làm say đắm biết bao du khách thập phương trong và ngoài nước. Đây chính là sức hút, nét hấp dẫn của quê hương quan họ.

3. Kết luận:

Mỗi một làng quan họ đều mang những nét riêng nhưng nếu đã nghe quan họ thì không thể bỏ qua làn điệu làng Diềm. Làn điệu dân ca mượt mà đằm thắm là một nét đẹp văn hóa và có tầm ảnh hưởng to lớn đối với không gian văn hóa làng Diềm. Quan họ không chỉ là niềm tự hào của người dân làng Diềm mà còn là toàn thể người dân Việt Nam. Chúng ta cần phải cố gắng, nỗ lực để giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống như dân ca quan họ làng Diềm.

c. Chỉnh sửa, hoàn thiện

Tiến hành rà soát và hoàn thiện bài viết trên hai phương diện:

- Về nội dung, các tiểu mục của bài viết cần tưởng minh, đầy đủ, các luận điểm được triển khai rõ ràng.

- Về hình thức, bài viết được trình bày đúng quy cách của một báo cáo nghiên cứu, đặc biệt là có các tài liệu tham khảo được tách thành phần riêng; các phương tiện phi ngôn ngữ được thể hiện hợp lí chính tả, diễn đạt đảm bảo chuẩn mực.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 12 Kết nối tri thức ngắn nhất, hay khác: