Em bé thông minh - tác giả, bố cục, tóm tắt, nội dung, dàn ý - Ngữ văn lớp 6 Chân trời sáng tạo
Tác giả tác phẩm Em bé thông minh - Ngữ văn lớp 6
Qua bài học về tác giả, tác phẩm Em bé thông minh Ngữ văn lớp 6 Chân trời sáng tạo gồm nội dung chính về tác giả, bố cục, tóm tắt tác phẩm, dàn ý chi tiết, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, phương thức biểu đạt sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm tác phẩm Em bé thông minh.
I. Tìm hiểu sơ lược về tác phẩm
1. Thể loại: Truyện cổ tích là thể loại truyện kể dân gian, kết quả của trí tưởng tượng dân gian, xoay quanh cuộc đời, số phận của một số kiểu nhân vật. Qua đó thể hiện cách nhìn, cách nghĩ của người xưa đối với cuộc sống, đồng thời nói lên ước mơ về một xã hội công bằng tốt đẹp.
2. Phương thức biểu đạt: Tự sự, miêu tả.
3. Người kể chuyện: Ngôi thứ ba.
4. Tóm tắt: Ngày xưa, có một ông vua sai viên quan đi dò la khắp nơi để tìm người tài giỏi. Một hôm, viên quan phát hiện ra dấu hiệu nhân tài ở một em bé con nhà thường dân qua lời đối đáp nhanh nhạy, thông minh. Vua hay tin đã trực tiếp tạo ra những tình huống oái oăm để thử tài em. Lần thử thách cuối cùng, em bé đã đem trí thông minh của mình thắng điều kiện thách đố của sứ thần. Sau đó, em được phong làm trạng nguyên và giúp vua trong việc triều chính.
5. Bố cục (3 phần):
- Phần 1 (Từ đầu đến ...lỗi lạc): Vua sai quan đi khắp nơi tìm người tài giỏi giúp nước.
- Phần 2 (Tiếp theo đến …láng giềng): Sự mưu trí, thông minh của em bé qua các lần thử thách.
- Phần 3 (Còn lại): Em bé trở thành trạng nguyên.
6. Giá trị nội dung: Truyện đề cao sự thông minh và trí khôn dân gian (qua hình thức giải những câu đố, vượt những thách đố oái oăm,…), từ đó tạo tiếng cười vui vẻ, hồn nhiên trong đời sống hằng ngày.
7. Giá trị nghệ thuật:
- Dùng câu đố thử tài, từ đó tạo nên tình huống thử thách để nhân vật bộc lộ phẩm chất, tài năng.
- Cách dẫn dắt sự việc cùng với mực độ tăng dần của những câu đố và cách giải đố tạo nên tiếng cười hài hước.
II. Tìm hiểu chi tiết về tác phẩm
1. Vua sai viên quan đi tìm người tài
- Vua sai viên quan tìm người tài giỏi ra giúp nước.
- Viên quan: đi khắp nơi, ra những câu đố oái oăm nhưng chưa tìm thấy người nào lỗi lạc.
→ Vị vua anh minh, viên quan tận tụy với đất nước.
2. Những thử thách đối với cậu bé
- Lần thử thách thứ nhất:
+ Hoàn cảnh: hai cha con em bé đang cày ruộng.
+ Viên quan hỏi: Trâu của lão một ngày cày được mấy đường?
+ Em bé: hỏi vặn lại viên quan – ngựa của ông một ngày đi được mấy bước.
→ Cách giải bất ngờ, lí thú. Em bé không lúng túng mà đẩy thế bị động sang người đưa ra câu đố. Câu trả lời của em bé khiến viên quan bất ngờ, sửng sốt và phát hiện ra người tài.
- Lần thử thách thứ hai:
+ Vua ra câu đố dưới dạng hình thức mệnh lệnh và tính chất nghiêm trọng “nếu không thì cả làng phải chịu tội”.
+ Câu đố của vua hết sức vô lí: nuôi ba con trâu đực đẻ thành chín con.
+ Em bé đã tìm cách đối diện với vua, đưa vua và quần thần vào bẫy của mình để vua tự nói ra sự vô lí trong câu đố của vua.
- Lần thử thách thứ ba:
+ Vua ra lệnh cho hai cha con, từ một con chim sẻ làm thành ba mâm cỗ.
+ Em bé giải đố bằng cách đưa một cái kim may bảo nhà vua rèn thành cái dao.
+ Vua phục tài và ban thưởng rất hậu.
- Lần thử thách thứ tư:
+ Sứ thần nước ngoài ra câu đố: xỏ sợi chỉ qua mình con ốc xoắn.
+ Tính chất nghiêm trọng, liên quan đến vận mệnh quốc gia.
+ Triều đình nước Nam phải giải đố.
→ Vua, quan lúng túng, lo lắng, bất lực.
+ Em bé giải đố bằng kinh nghiệm dân gian một cách dễ dàng.
→ Tính chất câu đố ngày một oái oăm, người ra câu đố ngày một cao hơn, điều đó làm tăng thêm sự thông minh, tài trí của em bé.
3. Em bé lên làm trạng nguyên
- Vua phong em bé làm trạng nguyên.
- Xây dinh thự ở bên cạnh hoàng cung cho em bé để tiện hỏi han.