Soạn bài Thánh Gióng ngắn nhất
Soạn bài Thánh Gióng
Xem thêm Tóm tắt: Thánh Gióng
Bố cục:
- Phần 1 (từ đầu đến "nằm đấy"): kể về sự ra đời của Gióng.
- Phần 2 (tiếp đến "chú bé dặn"): Gióng xin đi đánh giặc để giúp dân, giúp nước.
- Phần 3 (tiếp đến "cứu nước"): Gióng được cả dân làng nuôi lớn để đi đánh giặc.
- Phần 4 (còn lại): Gióng dẹp tan giặc ân và bay về trời.
Câu 1 (trang 22 sgk Văn 6 Tập 1):
- Trong truyện Thánh Gióng gồm có các nhân vật sau: Thánh Gióng, cha mẹ Gióng, dân làng, sứ giả, vua, …
- Thánh Gióng là nhân vật chính.
- Nhân vật Thánh Gióng được xây dựng bằng những chi tiết tưởng tượng giàu ý nghĩa như sau:
+ Sự ra đời và lớn lên đầy kì lạ: bà mẹ ướm chân vào dấu chân to ở trong rừng rồi về nhà mang thai, sau 12 tháng mới hạ sinh. Không dừng lại ở đó, cậu bé lên 3 tuổi mà vẫn chưa biết nói biết cười. Câu nói đầu tiên mà cậu bé cất lên đó là đi đánh giặc giữ nước. Từ đó, cậu lớn nhanh như thổi.
+ Khi ra trận: Gióng vươn vai đã trở thành dũng sĩ, ngựa sắt phun ra lửa, nhổ tre đánh giặc.
+ Sau khi đánh thắng trận: Gióng bay về trời, nhân dân đời đời nhớ ơn.
Câu 2 (trang 22 sgk Văn 6 tập 1)
a, Tiếng nói đầu tiên của chú bé lên ba là tiếng nói đòi đánh giặc. Điều này là một trong những minh chứng tiêu biểu nhất cho tinh thần yêu nước nồng nàn. Đấy chính là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Khi có giặc ngoại xâm đe dọa đến an nguy của bờ cõi, thì hết thẩy từ người già cho đến trẻ nhỏ đều đồng lòng muốn đánh đuổi để bảo vệ non sông.
b, Gióng đòi ngưa sắt, roi sắt, giáp sắt để đánh giặc. Chi tiết này phần nào phản ánh thành tựu khoa học, kĩ thuật chuẩn bị vũ khí chiến đấu chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta thời bấy giờ.
c, Bà con làng xóm vui lòng góp gạo để nuôi cậu bé. Điều này có ý nghĩa nói lên tinh thần đoàn kết của nhân dân ta đồng thời mong muốn có một người anh hùng cứu nước. Hình ảnh Gióng tiêu biểu cho sức mạnh của toàn dân tộc.
d, Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai thành dũng sĩ. Điều này muốn nói lên rằng khi đất nước đang được hưởng thái bình thì con người có thể là rất đỗi bình thường. Nhưng khi chiến tranh ập đến, thì tinh thần đoàn kết sẽ hóa thành sức mạnh để đánh bật mọi kẻ thù.
đ, Gióng nhổ tre bên đường để đánh giặc. Chi tiết này chứng tỏ một điều rằng khi không có vũ khí hiện đại thì cũng có thể dùng những vũ khí thô sơ nhất có thể là gậy guộc, cỏ cây thiên nhiên.
e, Gióng ra đời đã đầy kì lạ và lúc ra đi cũng đầy phi thường. Hình ảnh Gióng bay lên trời là biểu tượng của sự sống mãi của người dân Văn Lang.
Câu 3 (trang 23 sgk Văn 6 Tập 1):
- Ý nghĩa hình tượng Thánh Gióng: Là biểu tượng tốt đẹp và phi thường của người dân Văn Lang ước mơ về người anh hùng dân tộc.
Câu 4 (trang23 sgk Văn 6 Tập 1):
- Sự thật lịch sử được phản ánh trong truyện Thánh Gióng là thời đại Hùng Vương. Thời đó đã xuất hiện một nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước khá phát triển, người dân Văn Lang đã tạo nên cả một nền văn minh rực rỡ. Bên cạnh đó, họ đã có ý thức là luôn luôn phải chống giặc ngoại xâm phương Bắc để bảo vệ đất nước. Ngoài ra, người dân thời bấy giờ đã biết cách chế tạo vũ khí chống giặc từ chất liệu kim loại ( cụ thể là bằng sắt). Từ đó trruyền thuyết muốn phản ánh: trong công cuộc chống ngoại xâm, từ xa xưa, chúng ta đã có truyền thống huy động sức mạnh của cả cộng đồng, dùng tất cả các phương tiện để đánh giặc.
Luyện tập
Câu 1 (trang 24 sgk Văn 6 Tập 1):
- Hình ảnh Gióng cởi áo giáp sắt bay về trời để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong em. Bởi lẽ:
+ Gióng thực sự đã đánh thắng bọn giặc ngoại xâm độc ác đem lại cuộc sống bình an cho nhân dân. Điều này đã không phụ lòng mong mỏi, nuôi dưỡng của những làm nông hiền lành, tốt bụng.
+ Từ đó, Gióng đã trở thành bất tử trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Câu 2 (trang 24 sgk Văn 6 Tập 1):
- Theo em, hội thi thể thao trong nhà trường phổ thông mang tên "Hội khỏe Phù Đổng" thể hiện thông điệp rằng: đề cao sức mạnh tuổi trẻ, muốn thanh niên biết rèn luyện sức khỏe và dùng sức khỏe ấy để dựng xây đất nước.
Nhận xét – Ý nghĩa
- Nội dung:
+ Gióng là hình ảnh cao đẹp của người anh hùng đánh giặc.
+ Gióng là biểu tượng của ý thức về sức mạnh tự cường của dân tộc.
+ Thể hiện ước mơ về người anh hùng cứu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta thời xưa.
- Nghệ thuật: sử dụng thành công yếu tố kì ảo, hoang đường kết hợp với trí tưởng tượng phong phú của tác giả dân gian. Chính điều này đã dệt nên màu sắc thần kì cho hình ảnh nhân vật.