Soạn bài Tổng kết phần Tập làm văn ngắn nhất
Soạn bài Tổng kết phần Tập làm văn
I. Đọc và trả lời câu hỏi
1. Sự khác nhau giữa các văn bản
- Tự sự khác miêu tả:
+ Tự sự là trình bày lại sự việc có nguyên nhân, diễn biến, kết quả để mang một ý nghĩa nào đó
+ Miêu tả là tái hiện các tính chất, thuộc tính sự vật, hiện tượng để mọi người có thể dung được sự vật, hiện tượng được nhắc đến.
- Thuyết minh khác tự sự và miêu tả ở chỗ thuyết minh trình bày thuộc tính, cấu tạo, nguyên nhân, kếtquả, tính có ích hoặc có hại của sự vật, hiện tượng để mọi người có kiến thức khách quan về sự vật hay hiện tượng đó.
- Văn bản biểu cảm khác văn bản thuyết minh: Biểu cảm lại bộc lộ trực tiếp hoặc gián tiếp tình cảm, cảm xúc của con người đối với con người, thiên nhiên, xã hội, sự vật.
- Văn bản nghị luận khác văn bản điều hành:
+ Trình bày tư tưởng, quan điểm đối với tự nhiên, xã hội, con người và tác phẩm văn học bằng các luận điểm, luận cứ và cách lập luận.
+ Trình bày theo mẫu chung và chịu trách nhiệm pháp lí về các ý kiến, nguyện vọng của cá nhân, tập thể đối với cơ quan quản lí; hay người lại, bày tỏ yêu cầu, quyết định của người có thẩm quyền đối với người có trách nhiệm thực thi, hoặc thoả thuận giữa công dân với nhau về lợi ích và nghĩa vụ.
2. Các văn bản có thể thay thế nhau không?
Mỗi kiểu văn bản phù hợp với mục đích riêng, phù hợp với những hoàn cảnh giao tiếp khác nhau. Vì thế, không thể thay thế các kiểu văn bản cho nhau.
3. Các phương thức biểu đạt.
- Trong văn bản cụ thể, các phương thức biểu đạt có thể kết hợp với nhau để tạo ra hiệu quả giao tiếp cao nhất. Tùy theo mục đích sử dụng mà các phương thức biểu đạt được kết hợp khác nhau.
- Ví dụ: Trong một câu chuyện, phương thức chủ yếu là tự sự. Tuy nhiên không thể sử dụng mỗi phương thức tự sự xuyên suốt câu chuyện vì như vậy rất nhàm chán. Bên cạnh tự sự, thường có phương thức miêu tả và biểu cảm để câu chuyện trở nên hấp dẫn, chân thực, và sinh động hơn.
Ví dụ: Lão Hạc (Nam Cao), Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long)
4. Kiểu văn bản và hình thức thể hiện thể loại tác phẩm có gì giống nhau và khác nhau.
- Kiểu văn bản là cơ sở. Một kiểu văn bản có thể có những hình thức văn bản khác nhau. Kiểu văn bản không đồng nhất với thể loại tác phẩm văn học. Tuy nhiên, mỗi thể loại văn học thường gắn với một kiểu văn bản như là yếu tố cơ sở.
a. Các thể loại văn học đã học: Tự sự, trữ tình, kịch, kí.
b. Phương thức biểu đạt của mỗi thể loại:
- Thể loại tự sự: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh…
- Thể loại trữ tình: biểu cảm, tự sự, miêu tả…
- Thể loại kịch: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận…
- Thể loại kí: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận…
c. Các phương thức biểu đạt khác nhau có thể được kết hợp sử dụng trong một thể loại văn học. Ví dụ: Tự sự (thể loại văn học) có thể sử dụng các phương thức biểu đạt tự sự, thuyết minh, miêu tả, biểu cảm… Văn bản thơ, truyện, kịch có thể sử dụng yếu tố nghị luận.
5. Kiểu văn bản tự sự và thể loại văn học tự sự khác nhau như thế nào?
Không thể đồng nhất giữa kiểu văn tự sự với thể loại văn học tự sự. Trong thể loại văn học tự sự, yếu tố tự sự (kể chuyện) giữ vai trò chủ đạo.
6. Kiểu văn bản biểu cảm và thể loại văn học trữ tình khác nhau như thế nào?
Kiểu văn bản biểu cảm và thể loại văn học trữ tình là khác nhau nhưng trong thể loại văn học trữ tình, yếu tố biểu cảm (bộc lộ tình cảm, cảm xúc) giữ vai trò chủ đạo.
7. Tác phẩm nghị luận có cần yếu tố miêu tả, tự sự, thuyết minh không?
Tác phẩm nghị luận có cần yếu tố miêu tả, tự sự, thuyết minh. Sử dụng thuyết minh, miêu tả, tự sự trong văn bản nghị luận. Các yếu tố này giúp cho việc triển khai, thuyết phục luận điểm.
II. Phần tập làm văn trong chương trình ngữ văn THCS
1. Phần Văn và Tập làm văn có mối quan hệ như thế nào?
Phần Văn và Tập làm văn có mối quan hệ mật thiết và chặt chẽ với nhau.
- Nắm vững những kiến thức, kĩ năng của phần Tập làm văn thì mới có khả năng đọc – hiểu tốt và ngược lại.
- Các văn bản (hoặc đoạn trích) trong phần Văn là những biểu hiện cụ thể, sinh động của các kiểu văn bản và phương thức biểu đạt.
- Phần Tập làm văn có rất nhiều dạng bài và đề bài liên quan tới phần Văn. Phần Văn cung cấp kiến thức để viết tốt bài ở phần Tập làm văn.
Ví dụ: Cho một đề bài: Hãy phân tích vẻ đẹp hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt.
- Để làm tốt được bài này cần đọc – hiểu và cảm nhận tốt về bài thơ.
- Có kiến thức và phương pháp viết bài tốt.
2. Phần Tiếng việt có quan hệ như thế nào với phần Văn và phần Tập làm văn?
Những nội dung của phần Tiếng Việt có liên quan mật thiết với phần Văn và Tập làm văn.
- Cần nắm chắc những kiến thức và vận dụng được các kĩ năng về từ ngữ, câu, đoạn để khai thác nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong các văn bản (hoặc đoạn trích) cũng như để viết, nói cho tốt.
- Các văn bản (hoặc đoạn trích) trong phần Văn hay Tập làm văn chính là những biểu hiện cụ thể, sinh động cho phần kiến thức về từ ngữ, câu, hay nghệ thuật ngôn từ.
3. Các phương thức biểu đạt có ý nghĩa như thế nào đối với việc rèn luyện kĩ năng làm văn?
Các phương thức biểu đạt như miêu tả, tự sự, nghị luận, biểu cảm, thuyết minh là những phương thức không thể thiếu đối với việc làm văn.
- Rèn luyện kĩ năng làm văn, thực chất cũng là rèn luyện sử dụng miêu tả, tự sự, nghị luận, biểu cảm, thuyết minh trong những tình huống cụ thể.
- Nếu nắm chắc kiến thức về các phương thức biểu đạt và biết vận dụng một cách hợp lí khi làm văn sẽ rất tốt và khả năng viết văn được nâng cao.
III. Các kiểu văn bản trọng tâm
1. Văn bản thuyết minh
a. Mục đích biểu đạt: Văn bản thuyết minh đem lại những kiến thức khách quan và thái độ đúng đắn đối với sự vật, hiện tượng được nhắc tới.
b. Muốn làm được văn bản thuyết minh trước hết cần chuẩn bị những kiến thức về thể loại, phương thức biểu đạt và đặc biệt là hiểu biết chính xác và bao trùm toàn bộ sự vật, hiện tượng được thuyết minh.
c. Phương pháp thường dùng: phương pháp chủ đạo là thuyết minh, bên cạnh đó là miêu tả, tự sự, biểu cảm và có thể là nghị luận.
d. Ngôn ngữ văn bản thuyết minh phải chính xác, khách quan, chi tiết và dễ hiểu.
2. Văn bản tự sự
a. Mục đích biểu đạt: Biểu hiện con người, quy luật đời sống, bày tỏ tình cảm, thái độ.
b. Các yếu tố tạo thành văn bản tự sự: người tự sự, nhân vật, sự việc (sự kiện) có mối quan hệ nhân quả dẫn đến kết cục, biểu lộ ý nghĩa.
c. Trong một văn bản tự sự, phương thức chủ yếu là tự sự. Tuy nhiên không thể sử dụng mỗi phương thức tự sự xuyên suốt câu chuyện vì như vậy rất nhàm chán. Và sự vật, hiện tượng đó không thể hiện lên trước mắt người đọc hay thái độ, tư tưởng, tình cảm cảm không được bộc lộ. Cho nên bên cạnh tự sự, thường có phương thức miêu tả và biểu cảm để câu chuyện trở nên hấp dẫn, chân thực, và sinh động hơn.
d. Ngôn ngữ trong văn bản tự sự: mang tính chân thật, bộc lộ tư tưởng thái độ của tác giả.
3. Văn bản nghị luận
a. Mục đích biểu đạt: Thuyết phục mọi người tin theo cái đúng, cái tốt, từ bỏ cái sai, cái xấu.
b. Yếu tố tạo thành: Văn bản nghị luận trình bày tư tưởng, quan điểm đối với tự nhiên, xã hội, con người và tác phẩm văn học bằng các luận điểm, luận cứ và cách lập luận.
c. Yêu cầu với luận điểm, luận cứ và lập luận.
- Luận điểm, luận cứ là những ý chính được triển khai từ yêu cầu của đề bài nhằm mục đích làm rõ đề bài ⇒ Liên quan tới yêu cầu của đề bài, chính xác, khách quan, không lạc đề.
- Lập luận cần chặt chẽ, thuyết phục.
d. Dàn bài chung của bài văn nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống hoặc một vấn đề tư tưởng, đạo lí.
- Mở bài: giới thiệu vấn đề nghị luận
- Thân bài:
+ Giải thích vấn đề, hiện tượng, tư tưởng, đạo lí được nhắc đến.
+ Hiện trạng vấn đề nghị luận.
+ Nguyên nhân và các khắc phục, giải quyết.
+ Liên hệ bản thân và rút ra bài học.
- Kết bài: Rút ra kết luận hay khẳng định lại vấn đề nghị luận.
e. Dàn bài chung của bài văn nghị luận về tác phẩm truyện (hay đoạn trích) hoặc về bài thơ, đoạn thơ.
- Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận.
- Thân bài:
+ Hoàn cảnh sáng tác
+ Nội dung tác phẩm
+ Phân tích, bàn luận vấn đề nghị luận
+ Nghệ thuật
- Kết bài: khẳng định lại vấn đề nghị luận.