X

Soạn văn lớp 9

Tổng hợp Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn lớp 9 hay nhất


Kiến thức trọng tâm tác giả tác phẩm Ngữ văn 9 đầy đủ

Tổng hợp Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn lớp 9 hay nhất

Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức các tác phẩm Ngữ văn lớp 9, VietJack biên soạn bản tổng hợp kiến thức trọng tâm tác giả tác phẩm Ngữ văn 9 đầy đủ về nội dung tác phẩm, đôi nét về tác giả, bố cục, tóm tắt, dàn ý, sơ đồ tư duy, ...

Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 9 Học kì 1

Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 9 Học kì 2

Phong cách Hồ Chí Minh - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý

A. Nội dung tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh

+ Vẻ đẹp phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong nhận thức và hành động.

+ Đặt ra vấn đề trong thời kì hội nhập: Tiếp thu có chọn lọc văn hóa nước ngoài và giữ gìn bản sắc dân tộc.

B. Đôi nét về tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh

1. Tác giả

- Tên thật: Lê Anh Trà (1927 – 1999).

- Quê quán: xã Phổ Minh, huyện Phổ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

- Ông vừa nghiên cứu khoa học, vừa viết văn; có nhiều bài viết đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành.

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

“Phong cách Hồ Chí Minh” được rút trong bài “Phong cách Hồ Chí Minh, cái vĩ đại gắn với cái giản dị” của Lê Anh Trà, in trong cuốn sách “Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam” do Viện Văn hóa xuất bản năm 1990.

b. Phương thức biểu đạt

Thuyết minh

c. Bố cục

- Đoạn 1 (Từ đầu đến “rất hiện đại”): Cơ sở và quá trình hình thành phong cách Hồ Chí Minh.

- Đoạn 2 (từ tiếp đến “hạ tắm ao”): Những biểu hiện của phong cách Hồ Chí Minh.

- Đoạn 3 (từ tiếp đến hết): Ý nghĩa phong cách Hồ Chí Minh.

d. Giá trị nội dung

Vẻ đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại, thanh cao và giản dị.

e. Giá trị nghệ thuật

+ Bài viết là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn thuyết minh và các yếu tố kể chuyện, bình luận.

+ Ngôn ngữ trang trọng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng xác thực.

+ Sử dụng khéo léo biện pháp so sánh, nghệ thuật đối lập.

C. Sơ đồ tư duy Phong cách Hồ Chí Minh

Phong cách Hồ Chí Minh - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý

D. Đọc hiểu văn bản Phong cách Hồ Chí Minh

1. Cơ sở và quá trình hình thành phong cách Hồ Chí Minh

+ Vốn tri thức văn hoá của Bác: “Có thể nói ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu nhiều về các dân tộc và nhân dân thế giới, văn hoá thế giới sâu sắc như Hồ Chí Minh”.

- Nghệ thuật: So sánh một cách bao quát đan xen giữa kể và bình luận để khẳng định vốn tri thức văn hoá của Bác rất sâu rộng.

- Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã đi qua nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hoá.

+ Nói và viết thạo nhiều thứ tiếng ngoại quốc: Pháp, Anh, Hoa, Nga.

+ “Học hỏi, tìm hiểu văn hoá, nghệ thuật đến một mức khá uyên thâm”

→ Học hỏi tìm hiểu đến mức sâu sắc.

+ “Chịu ảnh hưởng của tất cả các nền văn hoá, tiếp thu mọi các đẹp, cái hay cái đẹp”

+ “Phê phán những tiêu cực của chủ nghĩa tư bản”

“… tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng rất mới, rất hiện đại…”.

Nghệ thuật đối lập: khẳng định phong cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, giữa phương Đông và phương Tây, xưa và nay, dân tộc và quốc tế.

2. Những biểu hiện của phong cách Hồ Chí Minh

Thể hiện ở lối sống giản dị mà thanh cao:

+ Nơi ở, nơi làm việc đơn sơ: nhà sàn nhỏ, vẻn vẹn có vài phòng tiếp khách, họp Bộ Chính trị, làm việc và ngủ…

+ Trang phục giản dị: Bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ.

+ Tư trang ít ỏi: một chiếc vali con với vài bộ quần áo, vài vật kỷ niệm.

+ Ăn uống đạm bạc: cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa…

- Nếp sống giản dị và thanh đạm của Bác cũng giống như các nhà nho nổi tiếng trước đây (Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm)

→ Nét đẹp của lối sống rất dân tộc, rất Việt Nam

Đây là phong cách sống có văn hoá thể hiện một quan niệm thẩm mĩ: cái đẹp gắn liền với sự giản dị, tự nhiên

- Lối sống giản dị, trong sáng mà vô cùng thanh cao, sang trọng.

- Đó là cách sống không tự đề cao, không tự đặt mình lên trên mọi thứ thông thường ở đời của những con người tự vui trong cảnh nghèo khó.

3. Ý nghĩa phong cách Hồ Chí Minh

- Phong cách Hồ Chí Minh là dẫn chứng sinh động về thành quả của quá trình học tập và rèn luyện không ngừng.

- Phong cách Hồ Chí Minh là minh chứng thuyết phục cho quan điểm: nên tiếp thu văn hóa nước ngoài một cách chọn lọc, “hòa nhập nhưng không hòa tan”.

- Hồ Chí Minh là nhân vật hiếm có, khiến người đọc tự hào về con người Việt, văn hóa Việt và bản sắc Việt, từ đó có ý thức học tập theo gương Bác Hồ.

E. Bài văn phân tích Phong cách Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là nhà yêu nước, nhà cách mạng vĩ đại mà còn là danh nhân văn hóa thế giới. Vẻ đẹp văn hoá chính là nét nổi bật trong phong cách của Người. Vậy, điều gì làm nên vẻ đẹp trong phong cách sống và phong cách làm việc của chủ tịch Hồ Chí Minh? Đó chính là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và nhân loại, giữa vẻ đẹp cao cả và sự giản dị. “Phong cách Hồ Chí Minh” trích trong bài Phong cách Hồ Chí Minh, cái vĩ đại gắn với cái giản dị” của tác giả Lê Anh Trà một lần nữa cho chúng ta hiểu được tầm vóc lớn lao trong cốt cách văn hóa của Người. Đây là văn bản thuộc chủ đề hội nhập với tinh hoa văn hóa thế giới và việc phát huy vẻ đẹp văn hóa dân tộc.

Trước hết, tác giả tập trung làm sáng tỏ sự tiếp thu tinh hoa, văn hóa nhân loại để tạo nên một nhân cách, một lối sống rất hiện đại của Hồ Chí Minh. Năm 1911: “Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi”. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian nan vất vả, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi qua nhiều nơi, "đã tiếp xúc" với nhiều nền văn hóa từ phương Đông tới phương Tây. Người "đã ghé lại" nhiều hải cảng, "đã thăm các nước châu Phi, châu Á, châu Mĩ”. Người "đã từng sống dài ngày" ở Pháp, ở Anh. Và “Người đã làm nhiều nghề”. Trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước”, Chế Lan Viên đã viết:

"Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê
Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá
Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ
Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya

Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể,

Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mĩ, châu Phi

Những đất tự do, những trời nô lệ

Những con đường cách mạng đang tìm đi."

Trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã nỗ lực học tập để nắm chắc nhiều thứ tiếng nước ngoài. Người hiểu rằng, muốn tìm hiểu về bất cứ dân tộc nào, quốc gia nào thì trước hết phải nắm vững phương tiện giao tiếp là ngôn ngữ. Chính vì thế, Người khổ công luyện tập để "nói và viết thạo" nhiều ngoại ngữ như Pháp, Anh, Hoa, Nga. Phương pháp học tập của Người cũng hết sức đặc biệt. Đó là học qua thực tế công việc của nhiều nghề khác nhau và học từ trong hiện thực cuộc sống phong phú, sôi động xung quanh. Đặc biệt là “đến đâu Người cũng học hỏi, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật đến một mức khá uyên thâm". Tác giả khẳng định: “có thể nói ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu nhiều về các dân tộc và nhân dân thế giới văn hoá thế giới sâu sắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Người "đã tiếp thu" mọi cái hay cái đẹp của các nền văn hóa đồng thời phê phán những hạn chế, tiêu cực; “những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được ở Người”. Sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại đã làm nên "một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại".

Sau khi phân tích cốt lõi của phong cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hoà giữa tinh hoa của dân tộc và nhân loại, tác giả giới thiệu nét đẹp hiếm có trong lối sống giản dị mà thanh cao của Người. Ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có lối sống vô cùng giản dị. Lối sống đó thể hiện qua căn nhà mà Người đang ở, qua đồ dùng và bữa cơm hằng ngày.

Nơi ở và nơi làm việc của Người đơn sơ. Đó là chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh chiếc ao” như cảnh làng quê quen thuộc; “chiếc nhà sàn đó cũng chỉ vẻn vẹn có vài phòng tiếp khách, họp Bộ Chính trị, làm việc và ngủ”. Trong tập thơ "Theo chân Bác", nhà thơ Tố Hữu đã có những câu thơ đầy xúc động:

Ba gian nhà trống, nồm đưa võng
Một chiếc giường tre, chiếu mỏng manh

Sự đơn sơ ấy không chỉ thể hiện qua ngôi nhà ở Làng Sen, mà còn thể hiện ở qua ngôi nhà sàn giữa Thủ đô Hà Nội:

Nhà gác đơn sơ một góc vườn

Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn

Giường mây, chiếu cói, đơn chăn gối

Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn.

Trang phục của Người cũng hết sức giản dị: “bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ”; tư trang ít ỏi: “một chiếc va li con với vài bộ áo quần, vài vật kỉ niệm”. Nói về sự giản dị của Người, có rất nhiều bài thơ viết về chiếc áo vải, áo ka ki bạc màu, đôi dép lốp cao su... Trong bài “Sáng tháng năm”, nhà thơ Tố Hữu viết:

Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị

Màu quê hương bền bỉ đậm đà

Nhà thơ Thu Bồn trong bài “Gửi lòng con đến cùng cha” thì tâm tình:

Hành trang Bác chẳng có gì

Một đôi dép mỏng đã lì chông gai

Còn nhà thơ Hải Như trong bài “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi” lại thể hiện ở một góc độ khác:

Bác nằm đó, bộ ka-ki Bác mặc
Chưa kịp thay, Người vừa ngả lưng nằm

……… . .

Đôi dép lốp như cùng ta kể rõ

Người quên Người dành hết thảy cho ta

Nét đẹp trong lối sống giản dị của Người không chỉ thể hiện qua căn nhà Người đang ở, qua trang phục và đồ dùng cá nhân mà còn thể hiện qua việc ăn uống. Tác giả Lê Anh Trà đã viết: “Hằng ngày, việc ăn uống của Người cũng rất đạm bạc, với những món ăn dân tộc không chút cầu kì, như cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa”. Trong bài “Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương”, nhà thơ Việt Phương đã ghi lại vẻ đẹp giản dị, đạm bạc ấy:

“Bác thường để lại đĩa thịt gà mà ăn trọn mấy quả cà xứ Nghệ

Không thích nói to vả đi lại rất khẽ cả trong vườn”

, rau, dưa, cà, cháo hoa… đó là những món ăn giản dị, đậm hương sắc quê nhà. Cách sống giản dị, đạm bạc của Hồ Chí Minh lại vô cùng thanh cao. Đây không phải là cách sống khắc khổ của những người tự vui trong cảnh nghèo khó; cũng có văn hóa đã trở thành một quan niệm thẩm mĩ: cái đẹp là sự giản dị, tự nhiên.

Trong phần cuối của trích đoạn, tác giả “bất giác” nghĩa đến “các vị hiền triết ngày xưa như Nguyễn Trãi ở Côn Sơn hay Nguyễn Bỉnh Khiêm ở quê nhà với những thú quê thuần đức”. Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và chủ tịch Hồ Chí Minh đều mang nét đẹp trong phong cách giản dị mà thanh cao. Nguyễn Trãi đạm bạc mà thanh cao trong cuộc sống:

Bữa ăn dầu có dưa muối

Áo mặc nài chi gấm là

(Ngôn chí 3)

Đó là cuộc sống đạm bạc mà không khắc khổ, đạm đi với thanh. Đó là sự thanh cao trong cuộc sống trở về với tự nhiên, hòa hợp với tự nhiên để di dưỡng tinh thần. Nguyễn Trãi là con người của thời Trung đại nên những gì ông tiếp thu là tinh hoa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa Nho giáo, tinh hoa văn hóa phương Đông. Còn ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh những tinh hoa văn hóa truyền thống và hiện đại, sự kết tinh tinh hoa văn hóa nhân loại từ phương Đông tới phương Tây, từ châu Á, châu Âu đến châu Phi, châu Mĩ. Về điều này, do giới hạn của mối giao lưu văn hóa thời Trung đại mà bậc đại hiền triết xưa như Nguyễn Trãi không có được. Sự gần gũi giữa Bác với các bậc hiền triết làm tôn thêm phần cao quý ở Người.

Lối sống thanh đạm của Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở chúng ta suy ngẫm vể tính hiện đại, tầm cỡ thế giới và tính truyền thống, màu sắc dân tộc… Lối sống ấy là sự tích tụ những gì tinh tuý nhất của nhiều phương trời, nhiều thời đại, nhiều phong cách. Tác giả Lê Anh Trà khẳng định: "đây là lối sống thanh cao, một cách di dưỡng tinh thần, một quan niệm thẩm mĩ về cuộc sống, có khả năng đem lại hạnh phúc thanh cao cho tâm hồn và thể xác".

Đọc bài “Phong cách Hồ Chí Minh” của tác giả Lê Anh Trà, chúng ta hiểu rõ hơn những đặc điểm tạo nên nét đẹp về văn hóa, về lối sống của Người. Đó là sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại, vĩ đại và bình dị. Càng hiểu rõ về Bác, chúng ta càng thêm tự hào, kính yêu Người, nguyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Trong thời kì hội nhập ngày nay, chúng ta cần tiếp thu văn hóa nhân loại, đồng thời phải giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Đấu tranh cho một thế giới hoà bình - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý

A. Nội dung tác phẩm Đấu tranh cho một thế giới hoà bình

- Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang đe dọa toàn bộ sự sống trên trái đất.

- Nhiệm vụ của con người: ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, đấu tranh cho một thế giới hòa bình.

B. Đôi nét về tác phẩm Đấu tranh cho một thế giới hoà bình

1. Tác giả

Ga-bi-en Gác-xi-a Mác-két:

- Sinh năm 1928, mất năm 2014.

- Là nhà văn người Cô-lôm-bi-a.

- Là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết và tập truyện ngắn theo khuynh hướng hiện thực huyền ảo.

- Được nhận giải Nô-ben Văn học năm 1982.

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

Tháng 8 năm 1986, nguyên thủ của 6 quốc gia (Ấn Độ, Mê-hi-cô, Thụy Điển, Ác-hen-ti-na, Hi Lạp, Tan-da-ni-a) họp tại Mê-hi-cô để ra lời kêu gọi chấm dứt chạy đua vũ trang, thủ tiêu vũ khí hạt nhân, đảm bảo an ninh và hòa bình thế giới. Mác-két được mời tham dự và văn bản này được trích từ bản tham luận của ông.

b. Bố cục

Văn bản được chia thành 3 phần:

- Phần 1 (Từ đầu đến “sống tốt đẹp hơn”): Nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân.

- Phần 2 (Tiếp theo đến “xuất phát của nó”): Sự nguy hiểm và phi lí của chiến tranh hạt nhân.

- Phần 3 (còn lại): Nhiệm vụ của chúng ta.

c. Ý nghĩa nhan đề

Muốn ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh hạt nhân thì phải xác định một thái độ hành động tích cực, đấu tranh cho hoà bình vì sự sống của chính con người.

=> Nhan đề mang ý nghĩa thời đại, có tính nhân văn sâu sắc, thể hiện luận điểm cơ bản của bài văn, đồng thời như một khẩu hiệu, kêu gọi, hướng nhân loại tới một thái độ đấu tranh tích cực.

d. Giá trị nội dung

Văn bản “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” kêu gọi toàn nhân loại đoàn kết ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, bảo vệ hòa bình và sự sống trên trái đất.

e. Giá trị nghệ thuật

- Lập luận chặt chẽ, có chứng cứ cụ thể, xác thực.

- Nghệ thuật so sánh sắc sảo, giàu sức thuyết phục.

C. Sơ đồ tư duy Đấu tranh cho một thế giới hoà bình

Đấu tranh cho một thế giới hoà bình - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý

D. Đọc hiểu văn bản Đấu tranh cho một thế giới hoà bình

1. Luận điểm và hệ thống luận cứ

- Luận điểm: Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang đe doạ toàn thể loài người và sự sống trên trái đất. Vì vậy, đấu tranh cho hoà bình, ngăn chặn và xoá bỏ nguy cơ chiến tranh hạt nhân là nhiệm vụ thiết thực và cấp bách của mỗi người, toàn thể loài người.

- Hệ thống luận cứ:

+) Kho vũ khí hạt nhân đang được tàng trữ có khả năng huỷ diệt cả trái đất và các hành tinh khác trong hệ mặt trời.

+) Cuộc chạy đua vũ trang làm mất đi khả năng cải thiện đời sống cho hàng tỷ người.

+) Chiến tranh hạt nhân không những đi ngược lại lý trí của loài người mà còn ngược lại với lý trí của tự nhiên, phản lại sự tiến hoá.

+) Tất cả chúng ta phải có nhiệm vụ ngăn chặn cuộc chiến tranh hạt nhân, đấu tranh vì một thế giới hoà bình.

Luận điểm thể hiện rõ thực trạng, nguy cơ chiến tranh và thái độ, tư tưởng của tác giả, kêu gọi đấu tranh vì hoà bình. Các luận cứ mạch lạc, chặt chẽ, sâu sắc.

2. Nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân

- Xác định cụ thể về thời gian: ngày 8/8/1986.

- Đưa ra con số cụ thể: “50.000 đầu đạn hạt nhân…, mỗi người ngồi trên 4 tấn thuốc nổ”. Dẫn điển tích: “Thanh gươm Đa-mô-clét”.

- Nguy cơ hủy diệt:

+ “Tất cả chỗ đó nổ tung sẽ làm biến hết thảy, không phải là một lần mà là mười hai lần mọi dấu vết của sự sống trên trái đất”.

+ “Kho vũ khí ấy có thể tiêu diệt tất cả các hành tinh xoay quanh mặt trời, cộng thêm bốn hành tinh nữa và phá hủy thế thăng bằng của hệ mặt trời”.

- Nghệ thuật:

+ Dùng phép so sánh: “không có một ngành khoa học nào… không có một đứa con nào…”

+ Nghệ thuật tăng cấp

=> Gây ấn tượng mạnh, thể hiện sự chính xác, tác động mạnh mẽ đến con người, phê phán những mặt trái của các phát minh khoa học.

3. Sự nguy hiểm và phi lí của chiến tranh hạt nhân

- Cuộc chạy đua vũ trang chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân đã làm mất đi khả năng để con người được sống tốt đẹp hơn:

+ Năm 1981, UNICEF định ra một chương trình giải quyết những vấn đề cấp bách cho 500 triệu trẻ em nghèo trên thế giới về y tế, giáo dục sơ cấp… với 100 tỷ USD

→ gần bằng chi phí cho 100 máy bay ném bom chiến lược B.1B của Mỹ và dưới 1000 tên lửa vượt đại châu.

+ Kinh phí của chương trình phòng bệnh 14 năm và phòng bệnh sốt rét cho hơn 1 tỷ người, cứu hơn 14 triệu trẻ em Châu Phi → bằng giá của 10 chiếc tàu sân bay Ni-mít mang vũ khí hạt nhân của Mỹ dự định sản xuất từ năm 1986 đến năm 2000.

+ Năm 1985 (Theo tính toán của FAO) 575 triệu người thiếu dinh dưỡng → không bằng kinh phí sản xuất 149 tên lửa MX; 27 tên lửa MX → đủ trả tiền nông cụ cần thiết cho các nước nghèo trong 4 năm.

+ Xoá nạn mù chữ cho toàn thế giới → bằng tiền đóng 2 tầu ngầm mang vũ khí hạt nhân.

=> Nêu con số cụ thể, so sánh với các vấn đề thiết thực, dẫn chứng tiêu biểu.

- Chiến tranh hạt nhân chẳng những đi ngược lại lý trí của con người mà còn phản lại sự tiến hoá của tự nhiên:

+ Chi phí cho vũ khí hạt nhân quá tốn kém, phi lí, phi nhân đạo, làm mất đi khả năng được hưởng cuộc sống tốt đẹp của con người.

+ Quá trình tiến hóa của sự sống mất hàng trăm triệu năm → lâu dài. Chiến tranh hạt nhân xảy ra: “bấm nút” một cái là đưa cả quá trình vĩ đại và tốn kém đó trở lại điểm xuất phát của nó → nhanh chóng.

=> Nghệ thuật so sánh, đối lập, dẫn chứng thuyết phục giúp con người nhận thức sâu sắc về tác hại của vũ khí hạt nhân, đi ngược lại lợi ích và sự phát triển của thế giới.

4. Nhiệm vụ khẩn thiết của chúng ta

- Kêu gọi mọi người chống lại vũ khí hạt nhân.

- Tìm cách tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hạt nhân hiện có.

- Đề nghị lập ra nhà băng lưu trữ trí nhớ để cho nhân loại tương lai biết rằng sự sống đã từng tồn tại tại đây.

=> Lời văn kiên quyết, đanh thép.

=> Quan điểm nghiêm khắc, cụ thể bày tỏ việc chống lại chiến tranh hạt nhân là công việc cấp bách, là nhiệm vụ chung của tất cả mọi người.

E. Bài văn phân tích Đấu tranh cho một thế giới hoà bình

Đấu tranh cho một thể giới hoà bình là một bức thông điệp của lương tri, nó thức tinh con người ớ cả hai phía, phía bảo vệ sự sống như bảo vệ con ngươi của mất mình, phía đối lập tự bịt mắt mình lao vào bóng tối của cái chết như những con thiêu thân điên cuồng, quái gở. Bức thông điêp này vừa như một ranh giới để phân chia vừa tạo ra sức hút hai chiều cả từ hai cực âm dương của nó. Từ trường rất rộng đến mức vô hạn có khả năng quy tụ mọi lớp người, mọi quốc gia, mọi màu da tiếng nói để không một ai trên trái đất này có thể dửng dưng xem mình là người ngoài cuộc.

Là một văn bản chính luận - thời sự, nó đề cập đến một vấn đề cấp bách, bức thiết cả tầm vĩ mô bao trùm lên tất cả mọi vấn đề mà so với nó thì sự quan tâm không thể ngang bằng. Bởi sự sống của loài người đang bị đe doạ từng phút, từng giây. Bố cục của bài văn có thể chia làm ba phần: cảnh báo nguy cơ huỷ diệt; sự phi lí và tốn kém của cuộc chạy đua; nhiệm vụ ngăn chặn, xoá bỏ nguy cơ của loài người trên trái đất. Bố cục rạch ròi ấy được kết hợp với các yếu tố đặc thù của kiểu văn nghị luận tạo nên một hiệu quả không nhỏ đối với trí tuệ và tình cảm của người đọc, nguời nghe.

Trước hết nhà văn xác định cụ thể một toạ độ chết bằng những khái niệm không trừu tượng mơ hồ. Trả lời cho câu hỏi "Chúng ta đang ở đâu?" là một tình thế xuyên quốc gia, vì hiểm hoạ của hơn 50 nghìn đầu đạn hạt nhân không tập trung ở một quốc gia nào, nó "đã được bố trí khắp hành tinh". Nguy cơ ấy vừa mở rộng đến phạm vi toàn cầu, vừa thắt lại ở thời gian từng giờ từng phút. "Hôm nay ngày 8-8-1986" giống như một tích tắc hiểm nguy mà đường dây cháy chập đang nhích gần cái chết. Cách tác động trực tiêp này làm cho tất cả những người đang sống và yêu quý sự sống không còn có thể thờ ơ. Thay thế cho những luận điểm, những khái niệm thường vốn chung chung là những con số tuy vô tri nhưng nó đã tác động tới những miền nhạy cảm nhất của con người (thính giác, thị giác, xúc giác...).

Vẫn là những con số lạnh lùng, nhưng sự nâng cấp đối với nguy cơ có tác dụng củng cố cái ấn tượng ban đầu. Hậu quả của 50 nghìn đầu đạn hạt nhân ấy là gì? Là tương đương với 4 tấn thuốc nổ. Là gì nữa, là sẽ làm biến hết thảy "không phải là một lần mà là mười hai lần" mọi dấu vết của con người trên trái đất, thậm chí "tất cả các hành tinh đang xoay quanh mặt trời, cộng thêm bốn hành tinh nữa..." nghĩa là sự huỷ diệt mà con người không thể nào tưởng tượng nổi sẽ xảy ra. Các biện pháp quy đổi khái niệm từ con số đến con số, kết hợp với sự nâng cấp mỗi lúc một rộng ra có tác dụng như một tiếng còi báo động cho con người khi thần chết đến gần, một thứ thần chết của thời hiện đại.

Tính hình tượng trong đoạn văn chính luận gây một ấn tượng có hiệu quả bất ngờ, có sức ám ảnh không nguôi, ấy là thanh gươm Đa-mô-clét. Điển tích lấy từ thần thoại Hi Lạp này có một nghĩa tương đương với thành ngữ Việt Nam: "Ngàn cân treo sợi tóc", "Sợi lông đuôi ngựa". Ở hình ảnh thứ nhất, "sợi tóc" chứa đựng nỗi hồi hộp, lo âu về cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không lường trước được. Nó có sức ám ảnh rất lớn đối với những người còn lương tri, đi vào từng bữa ăn, giấc ngủ, từng ngóc ngách nỗi niềm, nó tạo nên một tình thế bất an trong tâm tưởng.

Biện pháp lặp từ và lặp cấu trúc câu có tác dụng nhấn mạnh và phối hợp với hành văn châm biếm, đả kích sâu cay lập lờ hai mặt tạo nên một giọng văn đa chiều vừa diễn tả một hiểm hoạ khách quan, vừa biểu hiện thái độ chủ quan của người viết: "không có một ngành khoa học hay công nghiệp nào...", "không có một đứa con nào..." là một cách nói hoàn toàn có dụng ý. Mỉa mai thay khi nhà văn nhận ra cái mặt trái của tấm huân chương. Khoa học hay tài năng đều là những điều đáng quý. Nhưng khi khoa học mà không gắn với lương tri thì nó sẽ là tội ác đối với loài người. Tính chất hai mặt này của văn minh công nghiệp và khoa học tự nhiên đã tạo ra một khoảng trống đáng sợ: vùng tâm linh nhân ái của con người.

Lí trí con người gắn liền với sự khôn ngoan vì lợi ích của chính con người. Lợi ích của con người, có gì cao hơn sự sống, là tránh được nguy cơ nghèo đói, bệnh tật, dốt nát... đó là sự sống tối thiểu. Điểu phi lí là những vấn để nhân đạo ấy nằm trong tầm tay của con người (nhất là ở bộ phận giàu có nói riêng), nhưng trong thực tế, nó đã lọt ra ngoài tầm tay, nó không nằm trong vòng ngắm của con người, nhất là những người có khả năng thay đổi nó.

Sự tốn kém phi lí ấy được tác giả diễn đạt khá công phu. Từ một mệnh đề khái quát, liên tục được chứng minh, bằng cả trí tuệ và tấm lòng người viết. Mệnh đề khái quát ấy là "việc bảo tồn sự sống trên trái đất ít tốn kém hơn là "dịch hạch" hạt nhân. Nghĩa là cán cân công lí đã mất đi sự thăng bằng, nó đang nghiêng hẳn về một phía: phía bất công và phi lí, là "đi ngược lại lí trí" tối thiểu cần phải có ở con người. Phương pháp tư duy theo kiểu so sánh là đối chọi những con số với những con số, con số của "dịch hạch" hạt nhân với con số hồi sinh cho chính con người từ cái chết sinh học: 100 tỉ đô la cho 500 triệu trẻ em trong chương trình UNICEF chưa bằng chi phí cho 100 máy bay ném bom và 7 nghìn tên lửa vượt đại châu của Mỹ, 1 tỉ người khỏi bệnh sốt rét chưa bằng cái giá của 10 chiếc tàu sân bay. Sự cần thiết cung cấp thực phẩm cho 575 triệu người thiếu dinh dưỡng chỉ tốn kém không bằng 149 tên lửa MX... Việc, lặp lại các ví dụ vừa diễn tả một chân lí hiển nhiên về sự tốn kém đến kì quặc của những cái đầu méo mó, vừa có sức tố cáo không cần lời tố cáo đối với những kẻ phạm nhân đáng bị cả loài người kết án. Hơn thế nữa, nó được kết hợp với một giọng điệu trữ tình thể hiện bằng những cụm từ như: "chỉ gần bằng", "cũng đủ", ... vừa thể hiện mong muốn, khát khao vừa oán giận, căm hờn. Nghĩa là, cùng một lúc yêu thương những người cần được chăm sóc, cưu mang với lên án kẻ tội đồ của thời đại.

Lời chốt lại ở cuối phần này vừa như một sơ kết, vừa như mở rộng ra, nâng cao hơn tội ác của kẻ thù. Bởi "không những đi ngược lại lí trí con người mà đi ngược lại cả lí trí tự nhiên". Lí trí con người có thiên tính, lí trí tự nhiên cũng có nhân tính bởi nó chắt chiu cần mẫn cho cái đẹp mà bao nhiêu thiên niên kỉ đã được vun xới nâng niu. Những con số 180 triệu năm, 380 triệu năm... là những định lượng vô bờ bến để sự sống thăng hoa, để con bướm bay, hoa hồng nở, để "con người mới hát được hay hơn chim và mới chết vì yêu". Quả thật, nó là một kì công hơn kim tự tháp Ai Cập hàng triệu lần. Nhưng oái oăm thay chỉ cần bấm nút một cái, tất cả trở lại con số 0 ban đầu vô nghĩa. Sự vô lí, nghịch lí của việc chạy đua vũ trang bị truy kích từ nhiều phía đối với nhiéu cấp độ cả chiều rộng và chiều sâu, cả thực tế và đạo lí. Trong đó điểu vô lí, nghịch lí nhất (tuy không được nói ra) là: kẻ huỷ diệt con người trên trái đất là kẻ tự đào huyệt chôn mình mà những kẻ quá điên cuồng đã không tự biết.

Nhiệm vụ chặn đứng nguy cơ chiến tranh hạt nhân, bảo vệ hoà bình là trách nhiệm thiêng liêng, cấp bách của loài người trên trái đất. Cách lập luận trong phần này rất độc đáo: giả định thua để thắng, tưởng như lùi bước nhưng thực chất lại là tiến lên. Tác giả giả định như tai hoạ không chặn được thì sự có mặt của chúng ta, tiếng nói của chúng ta "không phải là vô ích". Bởi sự có mặt ấy, tiếng nói đấu tranh cho hoà bình ấy sẽ vĩnh viễn còn lại nhờ có "một nhà băng lưu trữ trí nhớ". Nó là lời trăng trối cho đời sau rằng chúng ta đã không lùi bước, rằng cuộc sống này thật đáng sống biết bao, vì cái thời của chúng ta đang sống tuy bị chi phối bởi đau khổ và bất công nhưng cũng "đã từng biết đến tình yêu và biết hình dung ra hạnh phúc". Và tiếng nói của chúng ta, cho dù có không còn nữa vì chiến tranh hạt nhân cũng là một lời cảnh báo, răn đe: con người hãy cảnh giác. Vì đến lượt họ (thế hệ nhân loại sau), cái chết vì chiến tranh hạt nhân vẫn còn là "thanh gươm Đa-mô-clét", nghĩa là cái chết vẫn lo lửng trên đầu. Nhiệm vụ chống lại chiến tranh hạt nhân cần một sự kiên trì bền bỉ, nhưng cũng là thái độ kiên quyết. Không chịu đầu hàng, nhân loại chính là người chiến thắng.

Một bài văn nghị luận thật thống thiết và cũng thật hùng hồn có tác dụng kêu gọi loài người hãy đấu tranh cho hoà bình, ngăn chặn và xoá bỏ nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Tiếng gọi hoà bình, qua cách nói ấy đã trở nên có sức mạnh vật chất làm chúng ta nghĩ đến một cánh chim bồ câu bay giữa trời xanh báo hiệu một buổi đẹp trời, một thời đại mà con người được sống trong vòng tay nhân ái và khái niệm chiến tranh không còn trong "nhà băng lưu trữ trí nhớ" của chúng ta.