X

Soạn văn lớp 9

Soạn bài Viếng lăng Bác ngắn nhất


Soạn bài Viếng lăng Bác

Bố cục:

- Khổ thơ đầu tiên: Cảm xúc của người con miền Nam lần đầu ra thăm lăng Bác về khung cảnh thiên nhiên bên ngoài lăng.

- Khổ thơ thứ 2: Cảm xúc trước hình ảnh dòng người bất tận ngày ngày vào lăng viếng Bác.

- Khổ thơ thứ 3: Nỗi niềm xúc động thiêng liêng khi vào lăng.

- Khổ thơ cuối: tác giả thể hiện niềm mong ước thiết tha muốn tấm lòng mình mãi mãi ở lại bên lăng Bác.

Câu 1 (trang 60 sgk Văn 9 Tập 2):

Cảm xúc bao trùm trong bài thơ là niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn và tự hào xen lẫn nỗi xót đau khi tác giả vào lăng viếng Bác. Giọng điệu trong bài thơ là giọng thành kính, trang nghiêm trong những suy tư trầm lắng.

Nó được thể hiện theo trình tự cuộc vào lăng viếng Bác:

- Mở đầu là cảm xúc về cảnh bên ngoài lăng.

- Tiếp đó là cảm xúc trước hình ảnh dòng người bất tận ngày ngày vào lăng viếng Bác.

- Nỗi xúc động thiêng liêng khi vào lăng

- Nỗi niềm mong ước thiết tha muốn tấm lòng mình mãi mãi ở lại bên lăng Bác.

Câu 2 (trang 60 sgk Văn 9 Tập 2): Hàng tre là hình ảnh đầu tiên được miêu tả trong bài thơ. Đây là hình ảnh thực nhưng đồng thời cũng có ý nghĩa biểu tượng sâu sắc.

- Đó là hình ảnh thân thuộc của làng quê, của đất nước Việt Nam.

- Là một biểu tượng của dân tộc Việt Nam, tượng trưng cho nhũng con người Việt Nam kiên cường, bất khuất, bền bỉ.

- Cuối bài thơ, hình ảnh hàng tre còn được lặp lại với ý nghĩa cây tre trung hiếu. Đó cũng là một phẩm chất tiêu biểu của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

Câu 3 (trang 60 sgk Văn 9 Tập 2): Trong khổ thơ thứ 2:

     Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

     Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Hình ảnh mặt trời trong câu thơ thứ hai vừa nói lên sự vĩ đại của Bác Hồ vừa thể hiện được sự thành kính của nhà thơ và của cả dân tộc đối với Bác. Trong hai câu tiếp theo, hình ảnh "dòng người đi trong thương nhớ" là hình ảnh thực, còn "Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân" lại là hình ảnh ẩn dụ thể hiện tình cảm thành kính, thiêng liêng của nhân dân đối với Bác.

Đến khổ thứ ba, dòng người đang yên lặng đi qua linh cữu Bác trong nỗi nhớ thương và xót xa vô hạn.

     Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

     Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Hình ảnh mặt trời rực đỏ trong lăng đã được thay bằng vầng trăng "sáng dịu hiền", Bác không chỉ là một người chiến sĩ cách mạng, là ngọn đuốc sáng soi đường cho dân tộc (ý nghĩa biểu tượng từ mặt trời), Bác còn là một người Cha có "đôi mắt Mẹ hiền sao". Hình ảnh vầng trăng còn gợi ta nhớ đến những bài thơ tràn ngập ánh trăng của Người.

Đến hai câu thơ sau, mạch xúc cảm ấy đã được bộc lộ trực tiếp:

     Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

     Mà sao nghe nhói ở trong tim.

Hình ảnh Bác được ví với mặt trời rực rỡ, với mặt trăng dịu mát, êm đềm và với cả trời xanh vĩnh cửu. Đó đều là những vật thể có ý nghĩa trường tồn gần như là vĩnh viễn nếu so với đời sống của mỗi cá nhân con người. Nhưng tác giả vẫn thốt lên: "Mà sao nghe nhói ở trong tim". Đó là lời giãi bày rất thực, xuất phát từ những tình cảm mãnh liệt của nhân dân, đồng bào đối với Bác. Dường như nỗi đau quá lớn chỉ có cách diễn tả trực tiếp tâm trạng mới có thể giúp nhà thơ giãi bày tình cảm của mình.

Khổ thơ cuối thể hiện ước nguyện của nhà thơ được mãi mãi ở bên Bác. Đã đến giờ phút phải chia tay, tác giả chỉ có thể biểu hiện tấm lòng mình bằng ước muốn hoá thân vào những cảnh vật, sự vật ở bên Bác: muốn làm con chim cất cao tiếng hót, muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây, và nhất là muốn làm cây tre trung hiếu để có thể mãi mãi ở bên Bác.

Câu 4 (trang 60 sgk Văn 9 Tập 2): Bài thơ là tác phẩm đặc sắc với sự thống nhất của nội dung và nghệ thuật:

- Bài thơ sử dụng thể 8 chữ là chủ yếu nhưng có những câu 7 chữ hoặc 9 chữ.

- Giọng điệu vừa trang nghiêm, sâu lắng vừa xót xa, tha thiết.

- Nhịp điệu trong thơ chậm rãi, khoan thai

- Hình ảnh thơ trong bài rất sáng tạo, vừa cụ thể, xác thực vừa giàu ý nghĩa biểu tượng. Những hình ảnh ẩn dụ như hàng tre, mặt trời, vầng trăng, trời xanh...

Luyện tập

(Viết đoạn văn bình về khổ 2 hoặc khổ 3) Ví dụ khổ 2

     Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

     Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

     Ngày ngày dòng người đỉ trong thương nhớ

     Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.

Đoạn thơ là sự kết hợp giữa thiên nhiên và con người để nói lên sự thành kính, thương nhớ của người con ở miền Nam ra thăm lăng Bác. Mặt trời thiên nhiên ngày ngày mọc rồi lặn khiến Viễn Phương liên tưởng tới Bác.

     Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

     Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Mặt trời của thiên nhiên đem ánh sáng, đem sự sống cho muôn loài còn Bác là ánh sáng soi đường, là người đem độc lập, tự do, hòa bình, no ấm đến với người dân nước ta. Hình ảnh ẩn dụ Bác Hồ với Mặt trời vừa mới lạ mà độc đáo. Bác vĩ đại, và trường tồn mãi mãi trong long người dân Việt Nam như Mặt Trời đối với Trái Đất, Bác cũng chính là mặt trời của Việt Nam ta, là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

     Ngày ngày dòng người đỉ trong thương nhớ

     Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.

Hình ảnh dòng người vào lăng viếng Bác đã nói lên tấm lòng thành kính, nỗi thương nhớ khôn nguôi của nhân dân với Người. Nỗi niềm ấy như "tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân" của nhân dân kết lại dâng lên tỏ lòng với Bác. Bác mất đi, nhưng Người vẫn luôn sống mãi trong tiềm thức, trong nỗi nhớ của nhân dân.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 Tập 2 ngắn gọn, hay khác:

Mục lục Soạn văn 9 theo học kì:

Các bài soạn văn, soạn bài, giải bài tập được biên soạn bám sát nội dung sgk.