Lý thuyết Tin 12 Bài 1: Giới thiệu nhóm nghề Dịch vụ và Quản trị trong ngành Công nghệ thông tin - Cánh diều
Haylamdo biên soạn tóm tắt lý thuyết Tin học 12 Bài 1: Giới thiệu nhóm nghề Dịch vụ và Quản trị trong ngành Công nghệ thông tin sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Tin 12.
Lý thuyết Tin 12 Bài 1: Giới thiệu nhóm nghề Dịch vụ và Quản trị trong ngành Công nghệ thông tin - Cánh diều
Nhóm nghề dịch vụ và quản trị trong ngành Công nghệ thông tin được trình bày dựa trên các văn bản sau:
- Quyết định số 34/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam.
- Tài liệu "Những điều cần biết về nghề Công nghệ thông tin" của Bộ Thông tin và Truyền thông: Mô tả các nhóm nghề về công nghệ thông tin theo các lĩnh vực như phát triển phần mềm, mạng và an toàn thông tin mạng, đa phương tiện, các công nghệ mới và các lĩnh vực khác. Tài liệu này được biên soạn bởi các chuyên gia từ doanh nghiệp và trường đại học.
- Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học.
- Thông tư 04/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Ban hành danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp và trình độ cao đẳng.
1. Nhóm nghề dịch vụ trong ngành Công nghệ thông tin:
a) Kĩ thuật viên công nghệ thông tin:
Kĩ thuật viên công nghệ thông tin là người thực hiện các công việc liên quan đến kiến thức và kĩ năng về công nghệ thông tin (phần cứng và phần mềm) trong các tổ chức, doanh nghiệp. Các công việc chính của kĩ thuật viên công nghệ thông tin bao gồm:
1. Tại cửa hàng nhỏ bán máy tính và phụ tùng phần cứng:
- Khắc phục lỗi, sửa chữa máy tính cho khách hàng.
- Tư vấn khách hàng về việc mua máy tính hay nâng cấp phần cứng, phần mềm.
2. Tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng, dịch vụ nội dung số:
- Lắp đặt thiết bị phần cứng, thiết lập kết nối mạng, thiết lập truy cập nội dung số cho khách hàng.
- Khắc phục các lỗi làm gián đoạn dịch vụ mà khách hàng đang sử dụng.
3. Tại các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng máy tính trong hoạt động hằng ngày:
- Quản lí máy tính, thiết bị mạng, thiết bị ngoại vi (máy in, máy chiếu,...); kiểm tra, chẩn đoán và khắc phục sự cố (sửa chữa nhỏ, thay thế linh kiện,...); bảo trì phần cứng để duy trì hoạt động ổn định của hệ thống thông tin.
- Thiết lập cấu hình máy tính; cài đặt phần mềm mới hay nâng cấp phiên bản phần mềm trên máy tính của các nhân viên và trên máy chủ mạng LAN.
- Hướng dẫn sử dụng các thiết bị số và phần mềm mới.
- Lên kế hoạch cho việc nâng cấp và bảo trì thiết bị.
Yêu cầu kiến thức và kĩ năng:
- Phần cứng máy tính và thiết bị số.
- Phần mềm hệ thống (hệ điều hành và các phần mềm tiện ích liên quan).
- Mạng máy tính và Internet.
Đào tạo:
Các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin, ví dụ như Kĩ thuật máy tính, Mạng máy tính,... cung cấp kiến thức và kĩ năng cơ bản để người học có thể làm việc như một kĩ thuật viên công nghệ thông tin sau khi tốt nghiệp.
Ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng phát triển, máy tính xuất hiện ngày càng nhiều trong gia đình và công sở. Hiện nay và trong tương lai, vị trí kĩ thuật viên công nghệ thông tin luôn có nhu cầu tuyển dụng cao. Những người mới vào nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm cũng có nhiều cơ hội được tuyển dụng.
b) Kĩ sư an toàn thông tin
An toàn thông tin (Information Security) là bảo vệ thông tin số trong các hệ thống thông tin trước các rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn, bao gồm các hành động truy cập và sử dụng dữ liệu bất hợp pháp, đánh cắp và phá hủy dữ liệu cá nhân hay tổ chức. Bảo đảm an toàn thông tin đồng nghĩa với việc đảm bảo hệ thống thông tin luôn sẵn sàng, tin cậy, cung cấp thông tin tới đúng đối tượng mà không để lộ hay mất thông tin. Nhiệm vụ này bao gồm bảo mật hệ thống thông tin.
Kĩ sư an toàn thông tin chịu trách nhiệm xây dựng và duy trì các giải pháp an toàn dữ liệu, bảo mật thông tin, và khôi phục hệ thống khi sự cố xảy ra.
Công việc chính của kĩ sư an toàn thông tin:
1. Thiết lập và hướng dẫn các quy định an toàn thông tin cho người dùng.
2. Sử dụng các công cụ theo dõi, báo động khi có tín hiệu đáng ngờ.
3. Cập nhật và nâng cấp giải pháp an toàn thông tin cho phù hợp với thực tế.
4. Lập và triển khai thực hiện kế hoạch xử lí sự cố an toàn thông tin.
5. Sửa chữa những lỗ hổng an toàn thông tin.
6. Tư vấn an toàn thông tin cho bộ phận phát triển phần cứng và phần mềm.
Yêu cầu kiến thức và kĩ năng:
- Hệ điều hành.
- Hệ thống mạng và một số giao thức mạng.
- Cơ sở dữ liệu và các nền tảng ứng dụng.
- Bảo mật, mã hoá, tường lửa, các công cụ phát hiện xâm nhập.
- Kĩ năng giải quyết vấn đề và xây dựng các quy trình ngăn ngừa, ứng phó với các cuộc xâm nhập và tấn công mạng.
Tố chất cá nhân:- Cẩn thận. Khả năng chịu áp lực cao.Tinh thần sáng tạo.
Đào tạo:
Khoa An toàn thông tin đã được thành lập ở một số cơ sở giáo dục và đào tạo. Ngành đào tạo An toàn thông tin đang được chú trọng phát triển, trang bị những kiến thức và kĩ năng cần có để làm nghề kĩ sư an toàn thông tin.
Cơ hội nghề nghiệp:
Nước ta đang đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động kinh tế – xã hội, do đó nhu cầu nhân lực đảm bảo an toàn thông tin tăng mạnh, mở ra cơ hội lớn cho những người làm nghề này.
2. Nhóm nghề quản trị trong ngành Công nghệ thông tin:
a) Quản trị mạng
Quản trị mạng đảm bảo hệ thống mạng máy tính hoạt động thông suốt và an toàn. Công việc của kĩ sư quản trị mạng bao gồm:
- Quản lí thiết bị mạng, vận hành mạng, thiết lập và cấu hình mạng theo yêu cầu công việc, điều chỉnh hiệu năng mạng.
- Bảo vệ mạng trước các nguy cơ như tấn công và truy cập mạng bất hợp pháp.
- Khắc phục sự cố mạng.
Yêu cầu kiến thức và kĩ năng:
- Kiến thức về phần cứng máy tính, thiết bị mạng, hệ thống mạng, giao thức mạng và dịch vụ mạng phổ biến.
- An toàn và an ninh mạng.
- Kĩ năng khắc phục lỗi trong vận hành hệ thống mạng.
Tố chất cá nhân:- Khả năng tập trung cao độ. Tỉ mỉ trong công việc.Linh hoạt trong xử lí tình huống.
Đào tạo:
Nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo có ngành "Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu", cung cấp kiến thức và kĩ năng cần thiết cho kĩ sư quản trị mạng.
b) Quản trị và bảo trì hệ thống:
Quản trị và bảo trì hệ thống liên quan đến việc quản lí phần mềm và phần cứng để đảm bảo vận hành hệ thống mạng máy tính và truyền thông dữ liệu của tổ chức, bao gồm cả an ninh hệ thống và bảo mật thông tin.
Công việc chính:
- Phân tích và xác định nhu cầu hệ thống thông tin của tổ chức; lập kế hoạch và chiến lược để đảm bảo an toàn thông tin.
- Cài đặt phần cứng và phần mềm cho hệ thống mạng.
- Tối ưu hoá, đánh giá thường xuyên hoạt động của hệ thống, thực hiện nâng cấp và sửa chữa để duy trì hiệu quả.
- Bồi dưỡng và hướng dẫn người dùng sử dụng phần mềm và phần cứng đúng cách.
- Giải quyết vấn đề phát sinh từ người dùng hoặc hệ thống giám sát cảnh báo.
Yêu cầu kiến thức và kĩ năng:
- Hệ thống thông tin và nền tảng ứng dụng.
- Hệ thống mạng và an toàn thông tin.
Đào tạo:
Nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo có ngành "Hệ thống thông tin", trang bị kiến thức và kĩ năng cần thiết cho nghề quản trị và bảo trì hệ thống thông tin và các nghề công nghệ thông tin khác.