Tuần hoàn máu - cấu tạo, chức năng, phân loại - Sinh học lớp 11
Tuần hoàn máu - cấu tạo, chức năng, phân loại
Tài liệu Tuần hoàn máu - cấu tạo, chức năng, phân loại Sinh học lớp 11 sẽ tóm tắt kiến thức trọng tâm về Tuần hoàn máu từ đó giúp học sinh ôn tập để nắm vứng kiến thức môn Sinh học lớp 11.
* Cấu tạo và chức năng :
- Hệ tuần hoàn được cấu tạo chủ yếu từ các bộ phận : dịch tuần hoàn, tim và hệ thống mạch máu.
- Chức năng của hệ tuần hoàn là vận chuyển các chất từ bộ phận này đến bộ phận khác để đáp ứng cho các hoạt động sống của cơ thể.
* Phân loại :
- Dựa vào sự lưu thông của dịch tuần hoàn trong các tế bào và mô, người ta phân chia hệ tuần hoàn thành 2 dạng : hệ tuàn hoàn hở và hệ tuần hoàn kín.
+ Hệ tuần hoàn hở : có một đoạn máu đi ra khỏi hệ mạch và trộn lẫn với dịch mô, sau đó lại được thu hồi về hệ mạch. Trong hệ tuần hoàn này, máu chảy chậm và dưới áp lực thấp.
+ Hệ tuần hoàn kín : máu được lưu thông trong hệ mạch kín và trao đổi chất với tế bào được thực hiện gián tiếp qua nước mô. Trong hệ tuần hoàn này, máu thường chảy nhanh và với áp lực cao hoặc trung bình. Hệ tuần hoàn kín lại được phân chia thành hai loại : hệ tuần hoàn đơn (chỉ có một vòng tuần hoàn, máu chảy dưới áp lực trung bình) và hệ tuần hoàn kép (gồm một vòng tuần hoàn lớn đi khắp cơ thể và vòng tuần hoàn nhỏ qua phổi, máu chảy nhanh và với áp lực cao).
* Tim và chu kì hoạt động của tim :
- Tim như một máy bơm hút và đẩy máu đi trong vòng tuần hoàn. Tim hoạt động một cách tự động nhờ sự góp mặt của tập hợp các sợi đặc biệt có trong thành tim bao gồm : nút xoang nhĩ, nút nhĩ thất, bó His và mạng Puôckin.
- Ở người bình thường, tim hoạt động theo chu kì khoảng 0,8 giây với ba pha nối tiếp nhau :
+ Pha nhĩ co (0,1 giây)
+ Pha thất co (0,3 giây)
+ Pha dãn chung (0,4 giây)
Như vậy, với 60 giây trong một phút, nhịp tim của người bình thường sẽ có giá trị khoảng 75 lần. Ở động vật, nhịp tim thường tỉ lệ nghịch với kích thước cơ thể.
* Huyết áp và vận tốc máu :
- Huyết áp là áp lực máu tác dụng lên thành mạch. Huyết áp đạt giá trị cao nhất tại động mạch chủ, sau đó giảm dần và chạm ngưỡng 0 tại tĩnh mạch chủ. Người bình thường có huyết áp tâm trương khoảng 70 – 80 mmHg, huyết áp tâm thu khoảng 110 – 120 mmHg.
- Vận tốc máu trong hệ mạch liên quan chủ yếu đến tổng tiết diện của mạch và sự chênh lệch huyết áp giữa hai đầu đoạn mạch.