X

Lý thuyết Địa Lí 10 Chân trời sáng tạo

Lý thuyết Địa Lí 10 Chân trời sáng tạo Bài 26: Địa lí các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản


Haylamdo sưu tầm và biên soạn lý thuyết Địa Lí lớp 10 Bài 26: Địa lí các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản sách Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 10.

Lý thuyết Địa Lí 10 Chân trời sáng tạo Bài 26: Địa lí các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản

I. Địa lí ngành nông nghiệp

1. Ngành trồng trọt

a. Vai trò và đặc điểm

- Vai trò:

+ Trồng trọt là ngành quan trọng trong nông nghiệp, phát triển trồng trọt góp phần khai thác hiệu quả các lợi thế sẵn có của mỗi vùng, quốc gia.

+ Ngành trồng trọt cung cấp lương thực - thực phẩm cho người dân.

+ Cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến; là cơ sở để phát triển chăn nuôi; là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị.

+ Góp phần giữ gìn, cân bằng sinh thái, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

- Đặc điểm:

+ Đối tượng sản xuất chính của ngành trồng trọt là cây trồng, sử dụng đất trồng là tư liệu sản xuất chủ yếu.

+ Sự phát triển và phân bố ngành trồng trọt phụ thuộc chặt chẽ vào đất trồng và điều kiện tự nhiên.

+ Ngành trồng trọt có tính mùa vụ.

+ Trong nền sản xuất hiện đại, ngành trồng trọt có sự thay đổi về hình thức tổ chức sản xuất và phương thức sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản.

b. Một số cây trồng chính trên thế giới

Lý thuyết Địa Lí 10 Chân trời sáng tạo Bài 26: Địa lí các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (ảnh 1)

Hình 26.1. Phân bố một số cây trồng chính ở một số quốc gia trên thế giới, năm 2020

- Cây lương thực

+ Cây lương thực bao gồm một số loại cây chính như lúa mì, lúa gạo, ngô và một số cây lương thực khác.

+ Mỗi loại cây lương thực đều có đặc điểm sinh thái và vùng phân bố khác nhau.

Cây lương thực

Đặc điểm sinh thái

Phân bố

Lúa gạo

Phát triển trong điều kiện khí hậu nóng ưa ẩm, đất phù sa và cần nhiều phân bón.

- Là cây lương thực chính của miền nhiệt đới (đặc biệt là châu Á gió mùa).

- Các nước trồng nhiều là Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Băng-la-đét (Bangladesh), Việt Nam, Thái Lan,...

Lúa mì

Phát triển trong điều kiện khí hậu ấm, khô; vào đầu thời kì sinh trưởng cần nhiệt độ thấp đất đai màu mỡ, cần nhiều phân bón.

- Là cây lương thực chính của miền ôn đới và cận nhiệt.

- Các nước trồng nhiều là Trung Quốc, Ấn Độ, Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Pháp, Ca-na-đa,…

Ngô

Phát triển trong điều kiện khí hậu nóng, đất ẩm, nhiều mùn, dễ thoát nước; dễ thích nghi với sự dao động của khí hậu.

- Là cây lương thực quan trọng cho người và vật nuôi ở miền nhiệt đới, cận nhiệt và ôn đới nóng.

- Các nước trồng nhiều là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Bra-xin, Ác-hen-ti-na, U-gai-na (Ukraine), In-đô-nê-xi-a,..

- Cây công nghiệp

Cây công nghiệp

Đặc điểm sinh thái

Phân bố

Mía

- Phát triển trong điều kiện nhiệt, ẩm rất cao và phân hoá theo mùa.

- Thích hợp với đất phù sa mới.

- Là cây lấy đường chủ yếu ở miền nhiệt đới.

- Các nước trồng nhiều là Bra-xin, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Pa-ki-xtan (Pakistan),..

Củ cải đường

Phát triển ở vùng đất đen, đất phù sa được cày bừa kĩ và bón phân đầy đủ.

- Là cây lấy đường chủ yếu ở miền ôn đới và cận nhiệt.

- Các nước trồng nhiều là Liên bang Nga, Pháp, Hoa Kỳ, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ,...

Bông

- Phát triển trong điều kiện ánh sáng và khí hậu ổn định.

- Cần đất tốt, nhiều phân bón.

- Là cây lấy sợi ở miền nhiệt đới và cận nhiệt gió mùa.

- Các nước trồng nhiều là Trung Quốc (chiếm 1/5 sản lượng của thế giới), Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pa-ki-xtan, U-do-bê-ki-xtan (Uzbekistan),...

Đậu tương

Cây ưa ẩm, đất tơi xốp và thoát nước tốt.

- Là cây lấy dầu quan trọng trên thế giới ở miền nhiệt đới, cận nhiệt và ôn đới.

- Các nước trồng nhiều là Hoa Kỳ (gần 1/2 sản lượng thế giới), Trung Quốc, Liên bang Nga, Séc-bi-a (Serbia), In-đô-nê-xi-a,…

Chè

Phát triển với nhiệt độ ôn hoà, lượng mưa nhiều nhưng phân bố đều quanh năm, đất chua.

- Là cây trồng của miền cận nhiệt.

- Các nước trồng nhiều là Trung Quốc, Ấn Độ, Kê-ni-a (Kenya), Xri Lan-ca (Sri Lanka), Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam,...

Cà phê

Cây ưa nhiệt, ẩm, đất tơi xốp nhất là đất badan và đất đá vôi.

- Là cây trồng cho chất kích thích của miền nhiệt đới.

- Các nước trồng nhiều là Bra-xin, Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Cô-lôm-bi-a (Colombia),...

Cao su

Cây ưa nhiệt, ẩm, không chịu được gió bão, thích hợp với đất badan.

- Là cây lấy nhựa quan trọng của miền nhiệt đới.

- Các nước trồng nhiều là Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam,...

2. Ngành chăn nuôi

a. Vai trò và đặc điểm

- Vai trò:

+ Cung cấp nguồn thực phẩm dinh dưỡng cao (thịt, trứng, sữa).

+ Nguyên liệu cho các ngành công nghiệp và là mặt hàng xuất khẩu có giá trị.

+ Chăn nuôi kết hợp với trồng trọt góp phần sử dụng hợp lí tài nguyên và môi trường, tạo ra nền nông nghiệp bền vững.

- Đặc điểm:

+ Sự phát triển và phân bố ngành chăn nuôi phụ thuộc chặt chẽ vào cơ sở nguồn thức ăn.

+ Hình thức chăn nuôi trên thế giới khá đa dạng như chăn nuôi chăn thả, chăn nuôi nửa chuồng trại, chăn nuôi chuồng trại và chăn nuôi công nghiệp.

+ Việc ứng dụng thành tựu khoa học - kĩ thuật và công nghệ vào trong chăn nuôi đã làm tăng số lượng và chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

+ Liên kết trong chăn nuôi từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm giữ vai trò quan trọng, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững.

b. Một số vật nuôi chính trên thế giới

Lý thuyết Địa Lí 10 Chân trời sáng tạo Bài 26: Địa lí các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (ảnh 2)

Hình 26.2. Phân bố một số vật nuôi chính ở một số quốc gia trên thế giới, năm 2020

Vật nuôi

Phân bố

- Bò thích nghi đa dạng với điều kiện môi trường nên được nuôi phổ biến ở nhiều nước thuộc vùng ôn đới, cận nhiệt và nhiệt đới để để lấy thịt, sữa,...

- Các nước sản xuất nhiều thịt và sữa bò là Hoa Kỳ, Bra-xin, các nước EU, Trung Quốc, Ác-hen-ti-na,...

Lợn

- Lợn thích nghi đa dạng với các điều kiện môi trường, việc chăn nuôi lợn phụ thuộc chặt chẽ vào cơ sở thức ăn.

- Các nước nuôi lợn nhiều là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Bra-xin, Việt Nam, Tây Ban Nha, CHLB Đức,...

Cừu

- Cừu được nuôi theo hình thức chăn thả ở vùng cận nhiệt và ôn đới.

- Các nước nuôi cừu nhiều là Trung Quốc, Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ, I-ran (Iran), Niu Di-len (New Zealand),...

Gia cầm

- Được nuôi chủ yếu là gà. Vật nuôi này có mặt ở tất cả các nước trên thế giới để cung cấp thịt, trứng cho bữa ăn hằng ngày, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thực phẩm.

- Các nước có đàn gia cầm lớn là Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Hoa Kỳ, các nước EU, Bra-xin,...

II. Địa lí ngành lâm nghiệp

1. Vai trò và đặc điểm

a. Vai trò

- Cung cấp nguồn lâm sản phục vụ cho các nhu cầu của xã hội.

- Đảm bảo chức năng nghiên cứu khoa học.

- Đảm nhận chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sống và cảnh quan.

- Đảm bảo sự phát triển bền vững và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

b. Đặc điểm

- Lâm nghiệp gồm hoạt động trồng và bảo vệ rừng, khai thác gỗ và lâm sản khác.

- Lâm nghiệp có đối tượng sản xuất là rừng nên cần thời gian sinh trưởng lâu dài.

- Quá trình sinh trưởng tự nhiên của rừng đóng vai trò quyết định trong SX lâm nghiệp.

- Sản xuất lâm nghiệp được tiến hành trên quy mô rộng, chủ yếu hoạt động ngoài trời.

- Việc khai thác hợp lí và bảo vệ rừng ngày càng thuận lợi nhờ ứng dụng thành tựu khoa học - kĩ thuật và công nghệ.

2. Phân bố sản xuất lâm nghiệp trên thế giới

- Tình hình

+ Hiện nay, thế giới có khoảng 4,06 tỉ hecta rừng với tỉ lệ che phủ khoảng 31%.

+ Diện tích rừng trên thế giới ngày càng giảm, đang đe doạ đến sự phát triển bền vững.

+ Các quốc gia có diện tích rừng trồng lớn là Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, LB Nga,...

+ Các nước đứng đầu về sản lượng gỗ khai thác là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc,…

- Giải pháp: Trồng rừng là vấn đề cấp bách được nhiều nước chú trọng. Ở một số quốc gia, rừng trồng đã trở thành nguồn tài nguyên quan trọng,…

III. Địa lí ngành thủy sản

1. Vai trò và đặc điểm

a. Vai trò

- Thuỷ sản (nước ngọt, nước lợ, nước mặn) là nguồn cung cấp thực phẩm cho con người.

- Cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp và là mặt hàng xuất khẩu có giá trị.

- Giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

- Góp phần khai thác tốt các tiềm năng về tự nhiên, kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.

b. Đặc điểm

- Ngành thuỷ sản bao gồm nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và dịch vụ thuỷ sản.

- Diện tích mặt nước và chất lượng nguồn nước là tư liệu sản xuất quan trọng không thể thay thế được.

- Sản xuất thuỷ sản có tính hỗn hợp và tính liên ngành cao.

- Công nghệ nuôi trồng và khai thác thuỷ sản ngày càng hiện đại góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất, đồng thời bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

2. Phân bố sản xuất thuỷ sản trên thế giới

* Khai thác

- Sản lượng thuỷ sản khai thác trên thế giới ngày càng tăng, ngư trường khai thác ngày càng được mở rộng, công nghệ khai thác được cải tiến.

- Khai thác thuỷ sản quá mức ở một số quốc gia đang đe dọa đến nguồn lợi thuỷ sản.

- Các nước có sản lượng khai thác thuỷ sản hàng đầu thế giới là Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Pê-ru, Hoa Kỳ, Ấn Độ,.. .

Lý thuyết Địa Lí 10 Chân trời sáng tạo Bài 26: Địa lí các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (ảnh 3)

Hình 26.3. Sản lượng thuỷ sản ở một số quốc gia trên thế giới, năm 2019

* Nuôi trồng

- Nhiều quốc gia chú trọng việc đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

- Hình thức và công nghệ nuôi trồng thuỷ sản ngày càng cải tiến và hiện đại.

- Các nước có sản lượng thuỷ sản nuôi trồng hàng đầu thế giới là Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Ấn Độ, Việt Nam, Phi-líp-pin,...

Xem thêm tóm tắt lý thuyết Địa Lí lớp 10 Chân trời sáng tạo hay khác: