Lý thuyết Địa Lí 10 Chân trời sáng tạo Bài 39: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên
Haylamdo sưu tầm và biên soạn lý thuyết Địa Lí lớp 10 Bài 39: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên sách Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 10.
Lý thuyết Địa Lí 10 Chân trời sáng tạo Bài 39: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên
I. Môi trường
1. Khái niệm và đặc điểm môi trường
a. Khái niệm
Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo, có quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và tự nhiên.
b. Đặc điểm
- Môi trường sống của con người bao gồm: môi trường tự nhiên, môi trường nhân tạo và môi trường xã hội.
- Môi trường tự nhiên bao gồm đất, nước, khí hậu, sinh vật, sông ngòi, địa hình,... Các yếu tố này tồn tại, phát triển theo quy luật tự nhiên nhưng chịu tác động của con người.
- Môi trường nhân tạo bao gồm các yếu tố vật chất, kĩ thuật do con người tạo ra và chịu sự chi phối của con người. Các thành phần của môi trường nhân tạo sẽ bị huỷ hoại nếu không có sự chăm sóc của con người.
- Môi trường xã hội là các quan hệ xã hội trong sản xuất, trong phân phối, trong giao tiếp với các luật lệ, thể chế, quy định, cam kết ở các cấp khác nhau.
2. Vai trò của môi trường
- Nơi chứa đựng các nguồn tài nguyên cần thiết cho đời sống và sản xuất của con người.
- Giúp lưu trữ và cung cấp thông tin cho con người.
- Không gian sống và bảo vệ con người, sinh vật khỏi những tác động từ bên ngoài.
- Chứa đựng các chất phế thải do con người tạo ra trong sinh hoạt và sản xuất.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Khái niệm và đặc điểm của tài nguyên thiên nhiên
a. Khái niệm
Tài nguyên thiên nhiên là toàn bộ giá trị vật chất có trong tự nhiên mà con người có thể khai thác, chế biến, sử dụng để phục vụ cuộc sống của con người.
b. Đặc điểm
- Tài nguyên thiên nhiên phân bố không đồng đều trong không gian, phụ thuộc vào cấu tạo địa chất, khí hậu,... của các lãnh thổ.
- Đại bộ phận các nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị kinh tế được hình thành qua quá trình phát triển lâu dài của lãnh thổ.
- Tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng, được phân loại dựa vào thuộc tính tự nhiên, dựa vào công dụng kinh tế và khả năng bị hao kiệt.
2. Vai trò của tài nguyên thiên nhiên
- Tài nguyên thiên nhiên là một trong những nguồn lực cơ bản để phát triển kinh tế.
- Tài nguyên thiên nhiên là yếu tố quan trọng cho phát triển kinh tế ổn định và tích luỹ vốn.
+ Cung cấp nguyên, nhiên liệu ổn định cho sản xuất trong nước; góp phần giảm nhẹ ảnh hưởng của khủng hoảng năng lượng và phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
+ Khai thác để xuất khẩu, tích luỹ vốn thực hiện quá trình công nghiệp hoá, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống dân sinh,...