X

Giải vở bài tập Sinh học 9

Giải vở bài tập Sinh học 9 Bài 36: Các phương pháp chọn lọc


Giải vở bài tập Sinh học 9 Bài 36: Các phương pháp chọn lọc

I. Bài tập nhận thức kiến thức mới

Bài tập 1 trang 80 Vở bài tập Sinh học 9: Chọn lọc hàng loạt một lần và hai lần giống nhau và khác nhau như thế nào?

Lời giải:

Giống nhau:

   - Đều lựa chọn dựa vào kiểu hình

   - Đơn giản, dễ làm và ít tốn kém

   - Đều thực hiện gieo trồng và chọn lọc cây ưu tú để làm giống, có sự so sánh với giống khởi đầu và giống đối chứng.

Khác nhau:

   - Chọn lọc 1 lần: năm thứ nhất tiến hành chọn cây ưu tú để làm giống, năm thứ 2 sẽ thực hiện chọn lọc hàng loạt bằng cách so sánh với giống khởi đầu và giống đối chứng

   - Chọn lọc 2 lần: năm thứ nhất chọn lọc các cây ưu tú (chọn lần 1), năm thứ hai gieo trồng giống chọn lọc hàng loạt và tiến hành chọn cây ưu tú (chọn lọc lần 2) bằng cách so sánh các cây với nhau, năm thứ ba các cây ưu tú này lại được gieo trồng và chọn giống hàng loạt bằng cách so sánh với giống đối chứng và giống khởi đầu.

Bài tập 2 trang 80 Vở bài tập Sinh học 9: Có hai giống lúa thuần chủng được tạo ra đã lâu: giống lúa A bắt đầu giảm độ đồng đều về chiều cao và thời gian sinh trưởng, giống lúa B có sai khác rõ rệt giữa các cá thể về hai tính trạng nói trên. Em sử dụng phương pháp và hình thức chọn lọc nào để khôi phục lại 2 đặc điểm tốt ban đầu của 2 giống nói trên? Cách tiến hành trên từng giống như thế nào?

Lời giải:

Để khôi phục lại 2 giống lúa, cần sử dụng phương pháp chọn lọc hàng loạt. Với giống lúa A thực hiện chọn lọc hàng loạt một lần, giống lúa B thực hiện chọn lọc hàng loạt hai lần.

Cách tiến hành:

    + giống lúa A: năm thứ nhất tiến hành gieo trồng và chọn cây ưu tú đồng đều về chiều cao cây và thời gian sinh trưởng để làm giống chọn lọc hàng loạt, năm thứ hai tiến hành trồng và so sánh giống chọn lọc hàng loạt với giống khởi đầu và giống đối chứng và đánh giá, lựa chọn để gieo trồng.

    + giống lúa B: năm thứ nhất tiến hành gieo trồng và chọn lựa các cây ưu tú (chọn lọc lần 1) đồng đều về chiều cao và thời gian sinh trưởng để làm giống chọn lọc hàng loạt (1), năm thứ 2 tiếp tục gieo trồng giống chọn lọc hàng loạt (1) và chọn lọc lần 2 để lựa ra các cây ưu tú làm giống chọn lọc hàng loạt (2). Năm thứ ba trồng giống chọn lọc hàng loạt (2), so sánh với giống đối chứng và giống khởi đầu.

II. Bài tập tóm tắt và ghi nhớ kiến thức cơ bản

Bài tập trang 80 Vở bài tập Sinh học 9: Điền từ hoặc cụm từ thích hợp vào chỗ trống trong các câu sau:

Chọn lọc hàng loạt là dựa trên ……………. chọn ra một nhóm cá thể phù hợp nhất với mục tiêu chọn lọc để làm giống.

Chọn lọc cá thể là chọn lấy một số ít cá thể tốt, nhân lên một cách …………. theo từng dòng. Do đó, có thể kiểm tra được ………….. của mỗi cá thể.

Lời giải:

Chọn lọc hàng loạt là dựa trên kiểu hình chọn ra một nhóm cá thể phù hợp nhất với mục tiêu chọn lọc để làm giống.

Chọn lọc cá thể là chọn lấy một số ít cá thể tốt, nhân lên một cách riêng rẽ theo từng dòng. Do đó, có thể kiểm tra được kiểu gen của mỗi cá thể.

III. Bài tập củng cố và hoàn thiện kiến thức

Bài tập 1 trang 80-81 Vở bài tập Sinh học 9: Phương pháp chọn lọc hàng loạt một lần và hai lần được tiến hành như thế nào? Có ưu nhược điểm gì và thích hợp với loại đối tượng nào?

Lời giải:

+ Phương pháp chọn lọc một lần:

    - Năm thứ nhất: gieo trồng và chọn cây ưu tú phù hợp với yêu cầu để làm giống chọn lọc hàng loạt

    - Năm thứ hai: trồng và so sánh giống chọn lọc hàng loạt với giống khởi đầu và giống đối chứng và đánh giá, lựa chọn để gieo trồng.

+ Phương pháp chọn lọc hai lần:

    - Năm thứ nhất: gieo trồng và chọn lựa các cây ưu tú (chọn lọc lần 1) để làm giống chọn lọc hàng loạt (1)

    - Năm thứ 2: gieo trồng giống chọn lọc hàng loạt (1) và chọn lọc lần 2 để lựa ra các cây ưu tú làm giống chọn lọc hàng loạt (2).

    - Năm thứ ba: gieo trồng giống chọn lọc hàng loạt (2), so sánh với giống đối chứng và giống khởi đầu để lựa chọn giống cây trồng.

Ưu điểm của phương pháp chọn lọc: đơn giản, dễ làm, ít tốn kém nên có thể áp dụng rộng rãi

Nhược điểm của phương phá chọn lọc: chọn lọc dựa theo kiểu hình nên dễ bị ảnh hưởng bởi thường biến do khí hậu và địa hình

Loại đối tượng thích hợp: duy trì chất lượng giống cây trồng và vật nuôi theo hướng sản xuất hộ gia đình, quy mô sản xuất nhỏ lẻ

Bài tập 2 trang 81 Vở bài tập Sinh học 9: Phương pháp chọn lọc cá thể được tiến hành như thế nào, có ưu nhược điểm gì so với phương pháp chọn lọc hàng loạt và thích hợp với đối tượng nào?

Lời giải:

Phương pháp chọn lọc cá thể:

-    Năm thứ nhất: gieo trồng giống khởi đầu, lựa chọn những cá thể tốt nhất

-    Năm thứ hai: gieo riêng hạt của mỗi cá thể thành từng dòng, so sánh giữa các dòng và so sánh với giống khởi đầu và giống đối chứng để lựa chọn dòng tốt nhất theo yêu cầu.

Ưu điểm: phối hợp được kiểm tra kiểu hình với kiểu gen, cho kết quả nhanh chóng.

Nhược điểm: tốn thời gian, kinh phí, công sức

Đối tượng sử dụng: cây tự thụ phấn; cây nhân giống vô tính bằng thân, cành, củ, ghép mắt; một số vật nuôi,…

Bài tập 3 trang 81 Vở bài tập Sinh học 9: Phương pháp chọn lọc nào có thể kiểm tra được kiểu gen của mỗi cá thể? (chọn phương án trả lời đúng)

A. Chọn lọc hàng loạt 1 lần

B. Chọn lọc hàng loạt nhiều lần

C. Chọn lọc cá thể

D. Cả A và B

Lời giải:

Chọn đáp án C. Chọn lọc cá thể

Giải thích: dựa theo nội dung SGK mục II trang 107

Xem thêm các bài Giải vở bài tập Sinh học 9 khác: