Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 9 Tập 1 - ngắn nhất Chân trời sáng tạo
Haylamdo biên soạn và sưu tầm soạn bài Tri thức ngữ văn trang 9 Tập 1 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 11 Chân trời sáng tạo giúp học sinh soạn văn 11 dễ dàng hơn.
Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 9 Tập 1 - ngắn nhất Chân trời sáng tạo
1. Tùy bút
- Tùy bút là tiểu loại thuộc loại hình kí, thường tập trung thể hiện cái “tôi” của tác giả, luôn có sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình.
- Ngôn ngữ của tùy bút giàu chất thơ (có chất trữ tình, giàu nhạc điệu, sức gợi…)
2. Tản văn
- Tản văn là một dạng văn xuôi gần với tùy bút; thường kết hợp tự sự, trữ tình, nghị luận, miêu tả thiên nhiên, khắc họa nhân vật, nêu lên được nét chính của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội và bộc lộ tình cảm, ý nghĩ của tác giả.
- Sức hấp dẫn của tản văn chủ yếu ở khả năng phát hiện những nét đặc thù, đặc biệt của sự việc, đối tượng hay khả năng kết nối, xâu chuỗi các sự việc, đối tượng có vẻ rời rạc, nhỏ nhặt để hướng đến thể hiện chủ đề của tác phẩm.
3. Yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình trong tùy bút, tản văn
- Yếu tố tự sự trong tùy bút, tản văn là yếu tố kể chuyện, thể hiện qua việc ghi chép, thuật lại các sự việc, câu chuyện, chuỗi tình tiết liên quan tới hành vi, diễn biến tâm trạng, tình cảm của nhân vật hay lịch sử, phong tục được đề cập trong tác phẩm.
- Yếu tố trữ tình trong tùy bút, tản văn là yếu tố thể hiện trực tiếp tình cảm, cảm xúc của cái tôi tác giả trong tùy bút hay của người kể chuyện, quan sát, miêu tả trong tản văn.
4. Cái “tôi” tác giả trong sáng tác văn học
Cái “tôi” tác giả trong sáng tác văn học là tổng thể những nét riêng biệt, nổi bật làm nên phẩm chất tinh thần độc đáo của tác giả,… Người đọc có thể nhận ra cái tôi của tác giả trong tác phẩm qua quan niệm về cái đẹp; qua cách nhìn, cách cảm về thế giới và con người; qua cách biểu đạt riêng giàu tính sáng tạo và thẩm mĩ;…
5. Ngôn ngữ văn học
Ngôn ngữ văn học là ngôn ngữ chủ yếu dùng trong tác phẩm văn chương, có tính nghệ thuật, thể hiện qua các đặc điểm:
1. Giàu sức truyền cảm, biểu cảm.
2. Tính đa nghĩa.
3. Tính hình tượng.
4. Tính thẩm mĩ.
6. Cách giải thích nghĩa của từ
- Nghĩa của từ là nội dung (sự vật, tính chất, hoạt động, quan hệ…) mà từ biểu thị. Nghĩa của từ được nhận diện thông qua nhận thức, sự hiểu biết của mỗi người.
- Có thể giải thích nghĩa của từ bằng một số cách chính sau đây:
+ Phân tích nội dung nghĩa của từ và nếu cần có thể nêu phạm vi sử dụng, khả năng kết hợp của từ; chú ý đến sự khác nhau giữa các từ đồng nghĩa nếu có.
+ Dùng một (hoặc một số) từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với từ cần giải thích.
+ Đối với từ ghép, có thể giải thích nghĩa của từ bằng cách giải thích từng thành tố cấu tạo nên từ.
- Khi giải thích từ, cần chú ý đến nghĩa gốc và nghĩa chuyển của từ.
+ Nghĩa gốc là nghĩa ban đầu của từ
+ Nghĩa chuyển là nghĩa hình thành trên cơ sở nghĩa gốc.