X

Soạn văn 11 Chân trời sáng tạo

Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội - ngắn nhất Chân trời sáng tạo


Haylamdo biên soạn và sưu tầm soạn bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 11 Chân trời sáng tạo giúp học sinh soạn văn 11 dễ dàng hơn.

Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội - ngắn nhất Chân trời sáng tạo

* Khái niệm: 

Nghị luận về một vấn đề xã hội là kiểu bài dùng lí lẽ, bằng chứng để bàn luận và làm sáng tỏ về một vấn đề xã hội (một ý kiến, một tư tưởng đạo lí hay một hiện tượng xã hội), giúp người đọc nhận thức đúng về vấn đề và có thái độ, giải pháp phù hợp đối với vấn đề đó.

* Yêu cầu đối với kiểu văn bản:

- Có luận điểm rõ ràng, chặt chẽ, thể hiện quan điểm của người viết về vấn đề.

- Đưa ra hệ thống lí lẽ, bằng chứng thuyết phục, chính xác, tin cậy, thích hợp, đầy đủ, để làm sáng tỏ luận điểm.

- Nêu và phân tích, trao đổi về các ý kiến trái chiều.

- Bố cục bài viết gồm ba phần:

Mở bài: Giới thiệu vấn đề xã hội cần bàn luận, thể hiện rõ quan điểm của người viết về vấn đề đó.

Thân bài: Trình bày hệ thống luận điểm, lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ cho quan điểm của người viết, phản biện các ý kiến trái chiều.

Kết bài: Khẳng định lại quan điểm của người viết về vấn đề, đưa ra những đề xuất giải pháp phù hợp.

* Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản:

Văn bản: Tầm quan trọng của việc học phương pháp học

Câu 1 (trang 50 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1): Bài viết bàn về vấn đề gì? Nhận xét của bạn về hệ thống các luận điểm, lí lẽ, bằng chứng trong văn bản.

Trả lời:       

- Bài viết bàn luận về việc lựa chọn phương pháp học phù hợp.

- Hệ thống các luận điểm, lí lẽ, bằng chứng trong văn bản chặt chẽ, có tính thuyết phục cao; thu hút được người đọc, người nghe.

Câu 2 (trang 50 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1): Tóm tắt nội dung phần mở bài, thân bài, kết bài.

Trả lời:

- Tóm tắt mở bài: Phương pháp học chính là chìa khóa thành công trên hành trình lĩnh hội tri thức.

- Tóm tắt thân bài: Đồng tình với quan điểm của Phrit-men “Kĩ năng đầu tiên và quan trọng nhất mà bạn cần có trong thế giới hiện đại là khả năng học phương pháp học”. Phương pháp học giúp chúng ta thích nghi, hội nhập với thế giới trong bối cảnh hiện đại. Cần phương pháp học để trau dồi tri thức trọn đời.

- Tóm tắt kết bài: Để thành công, mỗi chúng ta cần phải tìm phương pháp học hiệu quả, phù hợp với bản thân và mục tiêu học tập.

Câu 3 (trang 50 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1): Bài viết đã sử dụng những cách thức nào để phần mở bài và kết bài gây ấn tượng?

Trả lời:

Bài viết đã sử dụng những ý kiến và câu nói của các nhà văn/ triết gia… nổi tiếng để phần mở bài và kết bài gây ấn tượng và thu hút người đọc, người nghe.

Câu 4 (trang 50 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1): Cách lập luận của tác giả khi trao đổi với ý kiến trái chiều có gì đáng lưu ý?

Trả lời:

Tác giả khi trao đổi với ý kiến trái chiều đã khẳng định và nêu rõ quan điểm cá nhân. Tác giả khẳng định ý kiến đó là sai và nhấn mạnh vai trò của việc học và phương pháp học phù hợp.

*Hướng dẫn quy trình viết

Đề bài (trang 50 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1): Câu lạc bộ Văn học của trường bạn tổ chức cuộc thi viết với chủ đề Những góc nhìn cuộc sống. Hãy viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội mà bạn quan tâm để gửi tham gia cuộc thi.

Bước 1: Chuẩn bị viết

Xác định đề tài, mục đích viết, đối tượng người đọc

- Để xác định đề tài, bạn hãy ghi lại những vấn đề về tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người mà bạn biết qua sách vở, các phương tiện thông tin đại chúng hoặc những vấn đề xảy ra với bản thân, gia đình bạn. Từ đó, chọn một đề tài mà mình trăn trở nhất để triển khai bài viết.

- Sau đây là một số đề tài gợi ý:

+ Những tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập.

+ Học đại học có phải là con đường duy nhất để thành công?

+ Có phải lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê?

+ Chọn lựa nghề nghiệp: nghe theo cha mẹ hay tự mình quyết định?

Bài viết được dùng để tham gia cuộc thi do Câu lạc bộ Văn học tổ chức. Do đó, ngoài mục đích thuyết phục người đọc về quan điểm, ý kiến của bản thân, bài viết cần đáp ứng các tiêu chí của cuộc thi. Đối tượng người đọc của bạn là bạn giám khảo của cuộc thi, đó có thể là thầy cô, chủ nhiệm câu lạc bộ, khách mời… Những người đọc này mong chờ điều gì từ bài viết của bạn? Với mục đích viết và đối tượng người đọc như vậy, cần chọn cách viết như thế nào cho phù hợp?

Thu thập tư liệu

Sau khi chọn đề tài, bạn hãy tìm tài liệu liên quan đến vấn đề nghị luận tại thư viện, trên sách báo và Internet. Việc này sẽ giúp bạn có được ý tưởng về:

+ Những quan điểm thường thấy về vấn đề

+ Những lí lẽ, bằng chứng đáng chú ý.

+ Những ý kiến trái chiều.

+ Những điều chưa được bàn đến, cần được bàn luận sâu hơn.

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

Tìm ý:

Bạn có thể tìm ý bằng cách trả lời những câu hỏi:

+ Vấn đề cần bàn luận là gì? Những khái niệm nào cần được giải thích, làm rõ?

+ Luận điểm của tôi về vấn đề tài này là gì? Với vấn đề cần bàn luận, tôi đồng tình hay phản đối.

+ Những lí lẽ, bằng chứng nào sẽ góp phần làm sáng tỏ luận điểm?

+ Có những ý kiến trái chiều nào về vấn đề? Tôi sẽ phản biện những ý kiến ấy như thế nào?

+ Tôi có thể rút ra bài học gì cho bản thân trong cách nhận thức về vấn đề?

Lập dàn ý:

Bạn hãy sắp xếp những ý vừa tìm được thành một dàn ý hoàn chỉnh, đảm bảo yêu cầu về bố cục của kiểu văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội, lựa chọn trình tự hợp lí cho các luận điểm. Chẳng hạn, nếu đặt luận điểm quan trọng lên trước, bài văn sẽ thu hút được sự chú ý của người đọc; ngược lại, nếu đặt luận điểm quan trọng sau cùng, bài văn sẽ để lại dư âm trong người đọc. Có thể dựa vào sơ đồ sau:

Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội | Ngắn nhất Soạn văn 11 Chân trời sáng tạo

Bước 3: Viết bài

- Từ dàn ý đã lập, bạn hãy viết bài văn hoàn chỉnh theo một số gợi ý:

+ Để bài văn được mạch lạc, rõ ràng, cần có những câu văn nêu rõ luận điểm và sử dụng các từ ngữ có chức năng chuyển ý.

+ Có thể sử dụng trích dẫn, danh ngôn để tăng sức thuyết phục cho lí lẽ.

+ Đối thoại với người đọc, sử dụng hiệu quả các yếu tố thuyết minh, tự sự, miêu tả, biểu cảm để người độc dễ dàng hình dung về vấn đề cần bàn luận, khơi gợi sự đồng cảm ở người đọc. Lựa chọn ngôn ngữ phù hợp với người đọc và mục đích viết.

+ Để mở bài, kết bài gây ấn tượng, có thể sử dụng một câu chuyện có ý nghĩa, trích dẫn một danh ngôn, dùng một hình ảnh để ví von, so sánh, đặt ra một câu hỏi để khơi gợi trí tò mò của người đọc… Có thể chọn cách viết mở bài và kết bài hô ứng để tạo dư âm.

Bài văn tham khảo:

Tỷ phú Bill Gates đã từng nói rằng “Đam mê và thành công luôn đi cùng nhau”. Điều đó chứng tỏ rằng, có đam mê chúng ta sẽ có động lực để thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình và rồi ta sẽ thành công. Vậy thì tại sao, bản thân mỗi người lại không thể vẽ ra cho mình một đam mê và ước muốn cống hiến mình vì niềm đam mê đó.

Đam mê là một cái gì đó lớn lao hơn sở thích và niềm vui. Sở thích có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh, tùy theo trạng thái nhưng đam mê thì không. Nó bền bỉ và gắn kết với con người một cách keo sơn khó có thể thể tách rờiCũng giống như ý chí và nghị lực, đam mê là động lực để con người vượt qua mọi khó khăn, rào cản để đến với niềm khát khao của mình. Vì có đam mê, chúng ta sẽ không sợ bất kì thử thách nào cả, dù nó có khó khăn và vất vả đến đâu, ta cũng sẽ cố gắng để vượt qua. Đam mê là đòn bẩy, là động lực để con người vươn xa hơn và cao hơn trời bầu trời mơ ước. 

Trên con đường đi đến thành công, ta sẽ gặp biết bao gian nan, thử thách, nó chưa bao giờ là bằng phẳng với bất kì ai. Thành công ngày hôm nay là sự tích tụ của biết bao mồ hôi, nước mắt. Những đắng cay, ngọt bùi ta đều phải trải qua trên con đường chinh phục ước mơ. Chính niềm đam mê đã tạo nên sức mạnh và ý chí quật cường để ta quật ngã tất cả những trắc trở. Niềm đam mê vẽ ra một con đường đi cho tương lai, và cuộc đời ta sẽ dấn mình và theo đuổi con đường ấy đến khi nào ta chạm đến cuối đường. Niềm đam mê quả thật là rất cần thiết và có ý nghĩa lớn lao trong cuộc đời mỗi con người.

Nếu một người không có hoài bão, không có ước mơ và đam mê thì họ sống cũng chỉ như không sống. Những con người ấy thật tầm thường và nhỏ bé. Sống mà không ước mơ khác gì đi một con đường mà không có điểm đến. Niềm đam mê và được hết mình vì đam mê là một ý nghĩa lớn lao của cuộc sống. Có đam mê ắt sẽ có những nỗ lực để đi đến thành công. Chúng ta sẽ không ngừng cố gắng vì đam mê và cũng sẽ không bao giờ hối hận vì bản thân mình đã dám đam mê dù biết rằng đam mê đó có thực hiện được hay không. Nhưng hãy cứ đam mê, hãy làm cho cuộc sống này có một hướng đi đúng đắn. Đam mê sẽ luôn theo bạn đến suốt cuộc đời và nó làm cho cuộc sống của bạn rực rỡ sắc màu hơn.

Như vậy đam mê là nguồn lực cần có ở mỗi người. Có đam mê ắt chúng ta sẽ có được thành công. Cho dù thế nào đi nữa, đam mê vẫn là ngọn lửa rực cháy trong trái tim mỗi người.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa

Sau khi viết xong, hãy đọc lại bài viết của mình và chỉnh sửa theo những gợi ý sau:

Bảng kiểm kĩ năng viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội

Nội dung kiểm tra

Đạt

Chưa đạt

Mở bài

Giới thiệu được vấn đề cần bàn luận

 

 

Nêu được khái quát quan điểm của người viết về vấn đề cần bàn luận.

 

 

Thân bài

Giải thích được vấn đề cần bàn luận.

 

 

Trình bày được hệ thống luận điểm thể hiện quan điểm của người viết.

 

 

Nêu được lí lẽ thuyết phục, đa dạng để làm sáng tỏ luận điểm.

 

 

Nêu được bằng chứng đầy đủ, phù hợp, xác đáng để làm sáng tỏ lí lẽ

 

 

Trao đổi với các ý kiến trái chiều một cách hợp lí.

 

 

Kết bài

Khẳng định lại quan điểm của bản thân.

 

 

Đề xuất giải pháp, bài học phù hợp

 

 

Kĩ năng trình bày, diễn đạt

Có mở bài, kết bài gây ấn tượng

 

 

Sắp xếp luận điểm, lí lẽ, bằng chứng hợp lí.

 

 

Diễn đạt rõ ràng, rành mạch, không mắc lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp.

Từ bài viết của mình, bạn rút ra kinh nghiệm gì khi viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội?

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 11 Chân trời sáng tạo ngắn nhất, hay khác: