Soạn bài Thực hành đọc hiểu: Sức hấp dẫn của tác phẩm Hai vạn dặm dưới đáy biển - Ngắn nhất Soạn văn 7 Cánh diều
Haylamdo biên soạn và sưu tầm soạn bài Thực hành đọc hiểu: Sức hấp dẫn của tác phẩm "Hai vạn dặm dưới đáy biển" Ngữ Văn 7 Cánh diều ngắn gọn nhất nhưng đủ ý sẽ giúp các bạn dễ dàng soạn bài môn Ngữ văn 7.
Soạn bài Thực hành đọc hiểu: Sức hấp dẫn của tác phẩm "Hai vạn dặm dưới đáy biển"
1. Chuẩn bị
Yêu cầu (trang 91 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):
Lê Phương Liên sinh năm 1951, tên thật là Lê Thị Phương Liên, sinh ra tại phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bà là Đảng viên Đảng CSVN, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam năm 1981. Bà được biết đến là người chuyên viết cho thiếu nhi với nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Câu hỏi trẻ thơ (1971), Khi mùa xuân đến (1974), Hoa dại (1995)…
2. Đọc hiểu
* Nội dung chính: Sức hấp dẫn của tác phẩm Hai vạn dặm dưới đáy biển nói về những nhân vật, những đặc sắc và lý tưởng của tác giả Véc-nơ trong truyện Hai vạn dặm dưới đáy biển.
* Trả lời câu hỏi giữa bài:
Câu 1 (trang 91 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):
Câu thể hiện ý kiến của tác giả trong phần 1: “Tác phẩm của nhà văn Giuyn Véc-nơ hấp dẫn bạn đọc mọi lứa tuổi, không chỉ bởi những yếu tố li kì mà còn bởi tính nhân văn.”
Câu 2 (trang 92 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):
Phần 2 phát triển ý kiến ở phần 1 bằng cách chỉ ra hoàn cảnh con người muốn khám phá thiên nhiên rộng lớn và nhân vật “anh hùng huyền thoại” mang tên thuyền trưởng Nê-mô.
Câu 3 (trang 92 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):
Những nhận xét của người viết về tác giả Véc – nơ:
- Điều mà Véc-nơ đã ghi dấu ấn vào lịch sử văn học thế giới chính là ở những sáng tạo mang tính khoa học viễn tưởng về những máy móc công nghệ chưa từng hiện diện trên Trái Đất.
- Với những trang viết của Véc-nơ, người đọc thán phục tầm hiểu biết sâu rộng về địa lí thế giới, sự am hiểu cặn kẽ về kiến thức vật lí, toán học, sinh học, lịch sử… Trên nền tảng văn hóa vững vàng, nhà văn đã để trí tưởng tượng của mình thăng hoa sáng tạo theo một mạch viết thật tự nhiên.
- Đọc những trang viết của Véc-nơ, ta được thưởng thức một lối kể chuyện hấp dẫn, cách tạo ra những tình huống bất ngờ, nghẹt thở, đầy kịch tính, lại được diễn đạt bằng một giọng văn hài hước, dí dỏm, chan chứa tình cảm yêu thương con người.
Câu 4 (trang 93 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):
Nội dung phần 4 của văn bản nhằm tổng hợp lại những điều đặc sắc, hấp dẫn nhất của văn bản như được thể hiện ở nhan đề.
Câu 5 (trang 93 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):
Trong phần 5, tác giả muốn khẳng định lại sự đặc sắc, thu hút trong lối viết truyện khoa học viễn tưởng của Véc-nơ. Từ đó, khẳng định những ý tưởng khoa học viễn tưởng của ông ngày nay vẫn là một câu hỏi khó trả lời.
* Trả lời câu hỏi cuối bài:
Câu 1 (trang 93 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):
Nhan đề văn bản cho em biết về vấn đề trọng tâm mà tác giả muốn nêu lên là những điều đặc sắc, thú vị, hấp dẫn người đọc trong truyện Hai vạn dặm dưới đáy biển của Véc-nơ.
Câu 2 (trang 93 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):
Phần 1 | Tác phẩm Hai vạn dặm dưới đáy biển viết về ai, về sự kiện gì? Điều gì tạo nên sự hấp dẫn của tác phẩm? |
Phần 2 | Lịch sử bắt nguồn của các cuộc thám hiểm là gì? Hình ảnh thuyền trưởng Nê-mô hiện lên như thế nào? |
Phần 3 | Tác phẩm Hai vạn dặm dưới đáy biển cho ta biết điều gì? Qua đó ta có nhận xét gì về những trang viết của Véc-nơ? |
Phần 4 | Con người được thể hiện như thế nào trong truyện Hai vạn dặm dưới đáy biển? |
Phần 5 | Tác giả có kết luận gì về Véc-nơ và những ý tưởng thiên tài của ông? |
Câu 3 (trang 94 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):
Theo tác giả bài nghị luận, “những giá trị nhân văn” trong tác phẩm của Véc – nơ được thể hiện ở những nhân vật mang trong mình những hoàn cảnh khác nhau. Thuyền trưởng Nê-mô thần bí nhưng là một người tài giỏi, vừa có trí tuệ, vừa có tính phiêu lưu mạo hiểm. Nhóm người giáo sư A-rôn-nắc bất đắc dĩ tham gia vào cuộc hành trình nhưng vẫn cố gắng, giúp đỡ hết mình. Và công cuộc vật lộn giữa con người và biển cả đưa con người đến gần với thế giới tự nhiên hơn.
Câu 4 (trang 94 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):
Văn bản nghị luận này giúp em hiểu thêm về các nhân vật, lối viết độc đáo của truyện. Đặc biệt, đó là thông điệp mà tác giả muốn truyền tải đến người đọc qua các tình huống truyện được dựng lên. Như trong trận chiến giữa con người và bạch tuộc khổng lồ, tác giả muốn thể hiện một cuộc hòa đồng, gắn bó và thấu hiểu lẫn nhau giữa con người và thế giới tự nhiên.