X

Soạn văn 8 Chân trời sáng tạo

Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học - ngắn nhất Chân trời sáng tạo


Haylamdo biên soạn và sưu tầm soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học trang 37, 38, 39, 40, 41, 42 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 8 Chân trời sáng tạo giúp học sinh soạn văn 8 dễ dàng hơn.

Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học - ngắn nhất Chân trời sáng tạo

* Khái niệm:

Phân tích một tác phẩm văn học thuộc kiểu bài nghị luận văn học, trong đó người viết dùng lí lẽ, bằng chứng để làm rõ chủ đề và một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

* Yêu cầu đối với kiểu văn bản:

• Về nội dung: nêu được chủ đề; nêu và phân tích được tác dụng của một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong tác phẩm văn học, ví dụ: hình ảnh, từ ngữ, các biện pháp tu từ (đối với văn bản thơ); tình huống, chi tiết tiêu biểu, nhân vật, ngôi kể (đối với văn bản truyện) ...

• Về hình thức: lập luận chặt chẽ, có bằng chứng tin cậy từ tác phẩm, diễn đạt mạch lạc; sử dụng các phương tiện liên kết hợp lí để giúp người đọc nhận ra mạch lập luận.

• Bố cục bài viết cần đảm bảo:

Mở bài: giới thiệu tác phẩm văn học (tên tác phẩm, tác giả...), nêu ý kiến khái quát về chủ đề và nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

Thân bài: lần lượt trình bày các luận điểm làm nổi bật chủ đề và một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong tác phẩm.

Kết bài: khẳng định lại ý kiến về chủ đề và một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm; nêu suy nghĩ, cảm xúc, trải nghiệm cá nhân hoặc bài học rút ra từ tác phẩm.

* Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản:

Văn bản: Phân tích truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam)

Câu 1 (trang 39 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Bài văn phân tích tác phẩm văn học nào?

Trả lời:

Bài văn tham khảo phân tích tác phẩm văn học Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam).

Câu 2 (trang 39 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Phần mở bài nêu những nội dung gì?

Trả lời:

Những nội dung của phần mở bài:

- Giới thiệu tác phẩm, tác giả.

- Khái quát những nét đặc sắc về chủ đề và nghệ thuật của tác phẩm.

Câu 3 (trang 39 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Phần thân bài có mấy luận điểm? Người viết đã sử dụng những lí lẽ, bằng chứng nào để làm sáng tỏ các luận điểm đó?

Trả lời:

Phần thân bài có 2 luận điểm:

- Luận điểm 1: Chủ đề truyện

+ Tình người thể hiện trong cảnh những đứa trẻ chơi đùa vui vẻ, không phân biệt hoàn cảnh giàu nghèo.

- Luận điểm 2: Đặc sắc nghệ thuật

+ Cốt tuyện và tình huống truyện: Sự việc hai đứa trẻ nhà khá giả động lòng thương, mang cho một người bạn khó khăn chiếc áo mùa rét rất bình dị, tự nhiên, không phải là những xung đột gay gắt, hay sự việc lì kì.

+ Miêu tả nội tâm nhân vật:

Sơn cảm nhận được những biến chuyển nhỏ nhất của thiên nhiên: “chân trời trong hơn mọi hôm, những làng ở xa, Sơn thấy rõ như ở gần”.

Tấm lòng nhân hậu giúp Sơn nhận ra những đứa trẻ nhà nghèo hôm nay “môi chúng tím lại, và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi” …

+ Chi tiết đặc sắc: Một trong những chi tiết đặc sắc mà tôi rất tâm đắc là lời nói của người mẹ ở cuối truyện: “Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta mà không sợ mẹ mắng ư”.

Câu 4 (trang 39 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Phần kết bài có mấy ý?

Trả lời:

- Phần kết có hai ý:

+ Ý kiến về chủ đề và giá trị của một vài nét đặc sắc nghệ thuật.

+ Cảm xúc về tác phẩm.

Câu 5 (trang 39 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Người viết đã sử dụng các phương diện liên kết nào để giúp người đọc nhận ra mạch lập luận của bài viết?

Trả lời:

Người viết đã sử dụng các luận điểm, luận cứ, lí lẽ và các dẫn chứng cụ thể để người đọc có thể dễ dàng nhận ra mạch lập luận của bài viết.

* Hướng dẫn quy trình viết

Đề bài (trang 39 sgk Ngữ văn 8 Tập 2):

Viết bài văn phân tích một tác phẩm truyện mà em yêu thích.

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

• Em hãy tìm đọc:

- Các truyện mà em đã học trong sách giáo khoa Ngữ văn 6, Ngữ văn 7.

- Truyện mà em yêu thích hoặc giúp em có những thay đổi về cách nhìn cuộc sống, con người.

- …

• Bài phân tích một tác phẩm văn học có thể được viết để chia sẻ trong Câu lạc bộ đọc sách; đăng lên trang web của trường, nhóm học tập của lớp; gửi cho các báo, tạp chí (ví dụ: Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ) ... Với mỗi tình huống cụ thể, em cần xác định:

– Mục đích viết bài này là gì? Người đọc bài này có thể là ai? Họ muốn thu nhận được điều gì từ bài viết?

– Với mục đích và người đọc như vậy, nội dung và cách viết sẽ như thế nào?

• Thu thập tư liệu để hiểu thêm về thể loại, tác giả, tác phẩm đã chọn trên các nguồn tham khảo uy tín như các tờ báo hoặc tạp chí: Văn học và Tuổi trẻ, Văn nghệ, Tuổi trẻ, Thanh niên... Sau đó ghi chép thông tin và những suy ngẫm của em về tác phẩm bằng các hình thức: nhật kí đọc sách, bảng tóm tắt thông tin, sơ đồ tóm tắt nhân vật...

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

Đọc lại các ghi chép và điền thông tin vào phiếu học tập sau (làm vào vở):

PHIẾU TÌM Ý: PHÂN TÍCH MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC

Tên tác phẩm văn học em lựa chọn: ...........................................................................

Thông tin chính về tác giả và tác phẩm

Chủ đề

- Tóm lược nội dung tác phẩm:

- Nêu chủ đề:

Những nét đặc sắc về nghệ thuật và tác dụng

- Nét thứ nhất: Chỉ ra và nêu tác dụng

- Nét thứ hai: Chỉ ra và nêu tác dụng

- ...

Cảm nhận về tác phẩm: ..............................................................................................

• Chọn những ý tiêu biểu, sắp xếp theo một trình tự hợp lí (tham khảo sơ đồ sau):

Mở bài

- Giới thiệu tác phẩm (tên tác phẩm, tác giả).

- Nêu khái quát về chủ đề và một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

Thân bài

- Nêu chủ đề của tác phẩm.

- Chỉ ra vào phân tích tác dụng của một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác giả.

Kết bài

- Khẳng định lại chủ đề và giá trị của một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

- Nêu suy nghĩ/ cảm xúc về tác phẩm, chia sẻ bài học rút ra cho bản thân.

Bước 3: Viết bài

Triển khai bài viết dựa trên dàn ý, lưu ý:

• Nêu luận điểm, lí lẽ kết hợp với bằng chứng.

• Tách đoạn hợp lí.

• Sử dụng các phương tiện liên kết để liên kết các luận điểm, lí lẽ, bằng chứng.

Bài viết tham khảo:

    “Một mùa xuân nho nhỏ

    Lặng lẽ dâng cho đời

    Dù là tuổi hai mươi

    Dù là khi tóc bạc.

Nhà thơ Thanh Hải đã từng viết lên những dòng thơ xúc động về tuổi trẻ và trách nhiệm cống hiến, tự nguyện lấy tuổi trẻ của mình để dâng cho đời, dâng cả “mùa xuân nho nhỏ” của mình cho đất nước, cho quê hương. Và rồi có một “mùa xuân nho nhỏ” tuổi 20 lặng lẽ hiến dâng cho đời tuổi trẻ, công sức và trí tuệ của mình cho đất nước như thế trong “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long.

Truyện ngắn là kết quả chuyến đi lên Lào Cai hè 1970 của tác giả. Truyện từ tập “Giữa trong xanh” in năm 1972. Tác phẩm ca ngợi những người lao động như anh thanh niên làm công tác khí tượng và cái thế giới của những con người như anh. Tình huống được Nguyễn Thành Long xây dựng nên là cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ và tình cờ của anh thanh niên làm việc một mình trên trạm khí tượng với bác lái xe và hai hành khách trên chuyến xe ấy. Nhân vật chính của tác phẩm là anh thanh niên - người được hiện lên một số nét đẹp về phẩm chất: suy nghĩ đẹp, hành động đẹp và phong cách sống đẹp nhưng chưa được xây dựng tính cách hoàn chỉnh và chưa có cá tính nổi bật. Các nhân vật phụ có vai trò làm nổi bật lên nhân vật chính, các nhân vật thì thường không có tên và đó cũng chính là dụng ý của nhà văn khi ông muốn nói đến những người vô danh đang ngày đêm thầm lặng, say mê cống hiến cho quê hương, đất nước.

Anh thanh niên 27 tuổi làm việc một mình trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600 mét. Quanh năm suốt tháng làm việc với sương mù và cây cỏ. theo như lời giới thiệu của anh lái xe thì anh là người “cô độc nhất thế gian”. Anh thèm người đến mức từng chặt cây ngáng đường xe chạy chỉ để được trông và nghe tiếng người nói mà thôi. Công việc chính của anh là anh làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu. công việc hằng ngày chỉ quanh quẩn với mấy chiếc máy ngoài vườn với nhiệm vụ đo lượng nắng, đo gió, đo mưa và tính giây, đo chấn động mặt đất, dự báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất và chiến đấu, công việc đòi hỏi tính phải chính xác, có tinh thần trách nhiệm cao.

Tuy vậy, dù công việc có nhàm chán và tẻ nhạt lại còn cô đơn một mình nhưng anh chưa bao giờ cảm thấy cô đơn và buồn, anh luôn nghĩ rằng “ta với công việc là đôi, công việc gắn liền với việc của bao nhiêu anh em, đồng chí đang làm dưới kia, công việc gian khổ thế đấy nhưng cứ cất nó đi cháu đến chết mất”. Điều này cho thấy anh là con người sống và chiến đấu hết mình, không bao giờ cho mình được nghỉ ngơi, bởi công việc là niềm vui, là trách nhiệm, là nghĩa vụ mà anh đã tự hứa với đất nước.

Anh là người tràn trề nghị lực, vượt qua mọi cô đơn, gian khổ, gắn bó với công việc. 4 năm nay anh chưa một lần nghỉ phép về nhà, chưa bỏ sót lấy một lần nào việc bỏ sót những con số để báo cáo về cơ quan cho anh em, đồng đội, đồng nghiệp phân tích và tính toán. Anh là người yêu sách và ham đọc sách, anh không cảm thấy cô đơn vì biết tổ chức, sắp xếp cuộc sống của mình khoa học, trồng hoa, nuôi gà, trồng cây thuốc quý, nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng.

Ngoài ra, anh còn là người khiêm tốn, thành thực, là người ân cần, chu đáo, hiếu khách, anh cảm thấy vui sướng khi việc của mình làm không những góp phần cho sản xuất và còn đóng góp cho việc đấu tranh chống Mỹ thắng lợi. Anh thanh niên là tiêu biểu cho hàng ngàn thanh niên ngày đêm thầm lặng cống hiến cho đất nước.

Tác giả đã tài tình xây dựng tình huống truyện hợp lý, cách kể chuyện tự nhiên, có sự kết hợp giữa tự sự, miêu tả và bình luận. Nguyễn Thành Long đã góp một tiếng nói ca ngợi cuộc sống và tái hiện một cách đầy đủ vẻ đẹp của con người qua nhân vật anh thanh niên. Khẳng định con người lao động có ý nghĩa thầm lặng, niềm hạnh phúc của con người trong lao động có ích.

Trong không khí đất nước đang náo nức và tưng bừng, phấn khởi để xây dựng và phát triển đất nước trong thời bình theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Là một thanh niên của thế hệ mới, chúng ta cần phải ra sức học tập và lao động hăng say để có thể đưa đất nước đi lên, sánh vai cùng với 5 châu bốn biển trên thế giới được.

Với nhan đề vừa mâu thuẫn nhưng lại vô cùng hợp lý, “lặng lẽ” những con người nơi đây đang âm thầm và làm việc một cách khẩn trương, để kịp hoàn thành nhiệm vụ, lao động một cách hăng say, nhiệt huyết của tuổi trẻ, công việc thầm lặng của họ lại có ý nghĩa lớn lao, đáng được tôn vinh. Truyện ngắn là tiếng nói, là bản hùng ca nhưng âm thầm, lặng lẽ, để mọi người hiểu và yêu mến những con người này thôi, tác giả hay anh thanh niên chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được đền đáp, công việc của mình lại có ý nghĩa to lớn như vậy.

Bên cạnh nhân vật chính thì còn có sự xuất hiện của các nhân vật khác, đó là bác lái xe, cô kỹ sư trẻ, bác họa sĩ. Truyện được kể theo ngôi kể thứ ba nhưng lại được nhìn theo điểm nhìn của ông họa sĩ. Hầu như người kể chuyện đã nhập vào điểm nhìn và tư tưởng của ông họa sĩ để quan sát và miêu tả cảnh thiên nhiên. Qua cảm xúc và suy nghĩ của ông họa sĩ thì nhân vật anh thanh niên được hiện lên rõ nét, đẹp hơn và có chiều sâu về tư tưởng.

Cô kỹ sư cũng là một hình tượng đẹp, một bức chân dung sáng ngời về tuổi trẻ tài cao và dám chinh phục ước mơ của mình. Trong cuộc gặp gỡ với anh thanh niên, những điều anh kể, những gì cô nghe thấy, khiến cô gái cảm thấy “bàng hoàng” cô hiểu thêm về cuộc sống phải sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của anh thanh niên. Về thế giới của những người như anh. Đây là cái “bàng hoàng” lẽ ra cô nên biết từ lâu mà giờ cô mới biết, nó giúp cô đánh giá đúng hơn về mối quan hệ nhạt nhẽo mà cô đã từ bỏ. Với cô, anh thanh niên giống như là người đi trước, khiến cô cảm thấy vững vàng hơn, tự tin hơn trên hành trình mà cô đã chọn, bên cạnh sự bàng hoàng thì đó là sự hàm ơn, nó không phải chỉ vì bó hoa mà còn vì một “bó hoa nào khác, bó hoa của một háo hức và hạnh phúc ngẫu nhiên anh cho thêm cô”.

Qua truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” ta thấy được tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh tuổi trẻ của mình để cống hiến trí tuệ và sức lực của mình vào sự nghiệp chung của đất nước. Những lời thơ của Tố Hữu là lời đúc kết về con đường mà thế hệ thanh niên chúng ta đang đi:

    “Hỡi những chàng trai, những cô gái yêu

    Trên những tầng mây, những tầng núi đá

    Hai bàn tay ta làm nên tất cả”

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

• Đọc lại bài viết và dùng bảng kiểm dưới đây để tự chỉnh sửa:

Bảng kiểm kĩ năng viết bài văn phân tích một tác phẩm truyện: chủ đề và nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật

Tiêu chí

Đạt

Chưa đạt

Mở bài

Nêu tác phẩm, thể loại và tên tác giả (nếu có)

Nêu khái quát nét đặc sắc của tác phẩm (chủ đề, hình thức nghệ thuật nổi bật....)

Thân bài

Nêu chủ đề của tác phẩm.

Nêu một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

Phân tích giá trị của một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật

Sử dụng các bằng chứng có trong tác phẩm.

Sử dụng các phương tiện liên kết để liên kết các luận điểm, lí lẽ, dẫn chứng.

Kết bài

Khẳng định lại thành công nổi bật của tác phẩm (chủ đề, hình thức nghệ thuật…)

Nêu suy nghĩ, cảm xúc hoặc bài học rút ra từ tác phẩm.

Diễn đạt

Đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp, không mắc lỗi diễn đạt (dùng từ và đặt câu)

• Đọc lại bài phân tích của em từ vai trò của người đọc và trả lời hai câu hỏi sau:

1. Ưu điểm của bài viết này là gì?

2. Những điểm nào cần chỉnh sửa, bổ sung?

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 Chân trời sáng tạo ngắn nhất, hay khác: