Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 34: Sử dụng hợp lí tự nhiên để phát triển kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long - Chân trời sáng tạo
Haylamdo biên soạn tóm tắt lý thuyết Địa 12 Bài 34: Sử dụng hợp lí tự nhiên để phát triển kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long sách Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 12.
Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 34: Sử dụng hợp lí tự nhiên để phát triển kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long - Chân trời sáng tạo
I. KHÁI QUÁT
1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ
- Diện tích hơn 40,9 nghìn km2, gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: TP Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Trong đó, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang thuộc Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
- Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đồng bằng châu thổ lớn nhất nước ta, nằm ở hạ lưu sông Mê Công. Có vùng biển rộng lớn với nhiều đảo, quần đảo như Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du,…
- Tiếp giáp Cam-pu-chia, vùng Đông Nam Bộ => thuận lợi mở rộng phát triển kinh tế đối ngoại, khai thác các tiềm năng, liên kết với các vùng để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
2. Đặc điểm dân số:
- Năm 2021, số dân khoảng 17,4 triệu người (chiếm 17,7% dân số cả nước), mật độ dân số khá cao, khoảng 426 người/km2. Tỉ lệ gia tăng tự nhiên thấp, khoảng 0,55%.
- Tỉ lệ dân thành thị thấp, khoảng 26,4%. Tỉ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm 53,7% dân số vùng. Có nhiều thành phần dân tộc: Kinh, Khơ-me, Hoa, Chăm,…
II. SỬ DỤNG HỢP LÍ TỰ NHIÊN Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
1. Thế mạnh và hạn chế để phát triển kinh tế
a) Thế mạnh:
- Địa hình, đất: địa hình thấp, bằng phẳng, thuận lợi phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, xây dựng cơ sở hạ tầng. Có 3 nhóm đất chính là phù sa sông khá màu mỡ ven sông Tiền, sông Hậu (30%), đất phèn ở Đồng Tháp Mười, vùng trũng Cà Mau (40%) có khả năng khai thác nông, lâm nghiệp; đất mặn (19%) ven Biển Đông và vịnh Thái Lan, thuận lợi nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước mặn; đất xám và các loại đất khác chiếm diện tích nhỏ.
- Khí hậu cận xích đạo gió mùa, phân hóa mưa – khô rõ rệt. Tổng số giờ nắng trung bình năm từ 2200 – 2700 giờ; nhiệt độ trung bình năm từ 25 – 27°C; lượng mưa lớn, tập trung vào mùa mưa (từ T5 – T11). Thuận lợi phát triển các cây trồng nhiệt đới, nuôi trồng thủy sản và giúp hoạt động sản xuất diễn ra quanh năm.
- Nguồn nước: mạng lưới sông ngòi dày đặc (sông Tiền, Hậu, Cái Lớn, Cửa Lớn,…); hệ thống kênh đào quan trọng (Vĩnh Tế, Tháp Mười, Phụng Hiệp, Chợ Gạo,…) thuận lợi giao thông, cải tạo môi trường. Có nguồn nước ngầm phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
- Sinh vật: chủ yếu là rừng ngập mặn ở Cà Mau, Bạc Liêu,…; rừng tràm ờ An Giang, Đồng Tháp,… thuận lợi cho du lịch, vai trò quan trọng về sinh thái, môi trường và sinh kế người dân. Hệ động vật phong phú, đặc biệt là cá và chim.
- Khoáng sản chủ yếu là đá vôi (Hà Tiên, Kiên Lương), than bùn (U Minh, Tứ giác Long Xuyên,…), đất sét, thuận lợi phát triển công nghiệp khai khoáng.
- Biển, đảo: vùng biển rộng lớn với hàng trăm bãi cá, bãi tôm và hàng nghìn ha mặt nước, thuận lợi cho khai thác và nuôi trồng thủy sản. Thềm lục địa có trữ lượng dầu mỏ, khí tự nhiên khá lớn, phát triển ngành công nghiệp khai thác dầu thô, khí tự nhiên.
b) Hạn chế:
- Địa hình thấp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của triều cường xâm nhập sâu vào nội địa.
- Khí hậu phân hóa theo mùa, mùa khô gây thiếu nước ngọt và hiện tượng xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền. Biến đổi khí hậu tác động đến sản xuất và sinh hoạt.
2. Sử dụng hợp lí tự nhiên
a) Hướng sử dụng hợp lí tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long:
- Xây dựng hệ thống thủy lợi, bảo vệ nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt người dân.
- Tiến hành lai tạo giống cây trồng, vật nuôi chịu phèn và chịu mặn để đảm bảo sự phát triển bền vững.
- Cải tạo và sử dụng theo hướng bền vững diện tích đất bị ô nhiễm, thoái hóa nhằm đảm bảo sự phát triển trong sản xuất nông nghiệp.
- Hoạt động khai thác lợi ích kinh tế từ rừng theo hướng phát triển bền vững cần được đẩy mạnh với các mô hình nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản kết hợp. Duy trì cân bằng hệ sinh thái, khuyến khích người dân trồng và bảo vệ rừng.
- Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản (có tính biến đổi khí hậu) gắn với công nghiệp chế biến. Đối với vùng biển, tập trung phát triển kinh tế liên hoàn, kết hợp giữa biển với đảo, quần đảo và đất liền. Đối với đời sống, người dân cần chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
b) Lí do phải sử dụng hợp lí tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long vì:
- Vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Là nơi trọng điểm về sản xuất lương thực, thực phẩm và nuôi trồng thủy sản của cả nước.
- Nhằm phát huy thế mạnh về tự nhiên với diện tích đất phù sa sông tương đối lớn; khí hậu cận xích đạo gió mùa, ít xảy ra bão; hệ thống sông ngòi dày đặc; diện tích nuôi trồng thủy sản lớn; hệ sinh thái đặc trưng là rừng ngập mặn và rừng tràm. Góp phần phát triển đa dạng các hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế.
- Góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; ứng phó biến đổi khí hậu; thiếu nước vào mùa khô; góp phần phát triển bền vững cho vùng.
III. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN MỘT SỐ NGÀNH KINH TẾ
1. Sản xuất lương thực và thực phẩm
a) Vai trò:
- Góp phần khai thác tốt điều kiện tự nhiên trong phát triển kinh tế.
- Đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho vùng, cả nước và xuất khẩu; đảm bảo vấn đề an ninh lương thực cho đất nước.
- Thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển như công nghiệp chế biến, thương mại,…
- Góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
b) Tình hình sản xuất:
- Phát triển nhanh nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học – kĩ thuật.
+ Sản xuất lương thực: chiếm khoảng 50% cả diện tích gieo trồng và sản lượng lương thực có hạt của cả nước (2021). Lúa là cây chủ yếu, chiếm 53,9% diện tích và 55,5% sản lượng cả nước. Các tỉnh dẫn đầu diện tích trồng lúa là Kiên Giang, Long An, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng,… Các công nghệ về lai tạo giống, biến đổi gen, hỗ trợ quản lí giám sát trồng bằng công nghệ tự động,… được ứng dụng để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, thích ứng biến đổi khí hậu.
+ Cây ăn quả: nhiều loại trái cây nhiệt đới nổi tiếng như xoài, quýt, sầu riêng, thanh long.
+ Chăn nuôi: năm 2021, đàn gia cầm chiếm 16,7% cả nước, vịt chiếm số lượng lớn (Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An,…) Đàn lợn chiếm khoảng 9% cả nước (Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh,…). Áp dụng các công nghệ mới trong chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn sinh học.
+ Khai thác và nuôi trồng thủy sản: năm 2021, sản lượng thủy sản khai thác chiếm hơn 30% sản lượng cả nước, các tỉnh đứng đầu là Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre,… Công nghệ đánh bắt cá và cơ sở hạ tầng nghề cá tại các ngư trường được đầu tư, nâng cao chất lượng và công suất hoạt động tàu thuyền, chú trọng đánh bắt xa bờ, truy xuất nguồn gốc khai thác thủy sản,… Năm 2021, diện tích nuôi trồng thủy sản chiếm 70,9% và 69,7% sản lượng của nước. Vùng tập trung nuôi cá ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ,… nuôi tôm ở Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu,… Công nghệ nuôi trồng ngày càng được nâng cao, nhất là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tái tạo nước thải nuôi trồng; nuôi trồng thủy sản ven bờ kết hợp trồng rừng và bảo vệ rừng ngập mặn,… đảm bảo yêu cầu thị trường trong, ngoài nước và bảo vệ môi trường.
2. Du lịch
a) Tài nguyên du lịch:
- Tài nguyên du lịch tự nhiên: nhiều hệ sinh thái đa dạng, độc đáo để phát triển du lịch như các vườn quốc gia (Mũi Cà Mau, U Minh Hạ, Phú Quốc,…), khu dự trữ sinh quyển thế giới (Mũi Cà Mau), các vùng đất ngập nước, sân chim, khu bảo tồn thiên nhiên,… Mạng lưới sông ngòi, kênh, rạch dày đặc, có tính kết nối liên vùng, tạo ra ưu thế phát triển du lịch, nhất là du lịch tham quan, du lịch sinh thái. Có vùng biển rộng lớn với nhiều đảo, quần đảo có giá trị phát triển du lịch như Phú Quốc, Nam Du, Thổ Chu,…
- Tài nguyên du lịch văn hóa: có nhiều di tích lịch sử - văn hóa như Núi Sam, Nhà tù Phú Quốc, Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu,… Nhiều làng nghề truyền thống như sản xuất kẹo dừa, làm mắm Châu Đốc, nước mắm Phú Quốc,… trở thành địa điểm thu hút khách. Một số chợ nổi trên sông như Cái Răng, Cái Bè,… là tài nguyên du lịch đặc trưng của vùng. Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào năm 2013, đang được khai thác, phục vụ phát triển du lịch tại vùng. Ngoài ra còn nhiều các lễ hội, ẩm thực, văn nghệ dân gian,…
b) Tình hình phát triển:
- Số lượng khách du lịch liên tục tăng, đạt 27,3 triệu lượt khách năm 2019. Năm 2021, do ảnh hưởn dịch bệnh nên số lượt khách và doanh thu du lịch giảm, năm 2022, du lịch đang được phục hồi, thu hút hơn 27,4 triệu lượt khách.
- Các điểm du lịch quan trọng là Thới Sơn, Phú Quốc, Mũi Cà Mau, Tràm Chim – Láng Sen, Bến Ninh Kiều, Chợ nổi Cái Răng,…
- Các tuyến du lịch nội vùng kết nối trung tâm du lịch vùng, trung tâm du lịch của các địa phương với các khu du lịch, điểm du lịch trong vùng. Các tuyến du lịch liên vùng kết nối đến các tỉnh thuộc Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và các tỉnh phía Bắc. Phát triển tuyến du lịch quốc gia và quốc tế dựa trên việc mở rộng các tuyến du lịch liên vùng gắn với TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau; tuyến hành lang ven biển phía Nam, hệ thống cửa khẩu quốc té, tuyến đường biển qua các cảng biển (Cần Thơ, Kiên Giang) và tuyến đường sông trên sông Tiền và sông Hậu.