X

Lý thuyết Địa Lí 12 Chân trời sáng tạo

Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 37: Phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo - Chân trời sáng tạo


Haylamdo biên soạn tóm tắt lý thuyết Địa 12 Bài 37: Phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo sách Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 12.

Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 37: Phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo - Chân trời sáng tạo

I. KHÁI QUÁT VỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 37: Phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo | Chân trời sáng tạo

1. Khái quát về Biển Đông

- Là một biển rộng lớn thuộc Thái Bình Dương, diện tích là 3,447 triệu km2 với 9 quốc gia ven biển. Có 2 vịnh lớn là vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan. Trải dài từ khoảng 3°N - 26°B, trải rộng từ khoảng 100°Đ – 121°Đ.

- Nhờ được bao bọc bởi lục địa ở phía bắc và phía tây cùng các vòng cung đảo ở phía đông và đông nam nên Biển Đông tương đối kín. Từ Biển Đông có thể thông ra các đại dương, vùng biển xung quanh nhờ các eo biển, tiêu biểu là eo biển Ba-si để ra Thái Bình Dương và eo Ma-lắc-ca để đến Ấn Độ Dương.

- Có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với nguồn nhiệt ẩm dồi dào, phân hóa theo mùa. Hoạt động của gió mùa hình thành các dòng biển theo mùa. Độ muối trung bình khoảng 32-33, có sự biến động theo mùa và theo khu vực.

- Tài nguyên đa dạng, phong phú, đặc biệt là tài nguyên hải sản và khoáng sản. Đây là những điều kiện thuận lợi cho các quốc gia có chung Biển Đông đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.

2. Vùng biển Việt Nam:

- Là một phần của Biển Đông, diện tích khoảng 1 triệu km2, bao gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

- Có hàng nghìn đảo lớn, nhỏ, trong đó có nhiều đảo có số dân đông như Cái Bầu, Cát Bà, Lý Sơn, Phú Quý, Phú Quốc,… Có nhiều quần đảo như Vân Đồn, Cô Tô, Cát Bà, Côn Sơn, Hoàng Sa, Trường Sa,… Nhiều đảo và quần đảo trở thành huyện đảo. Tính đến 2021, nước ta có 11 huyện đảo và 1 thành phố đảo.

- Vùng biển Việt Nam cùng các đảo và quần đảo là một bộ phận quan trọng của nước ta: tạo thành hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền; là thệ thống căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn lợi từ biển – đảo và thềm lục địa; việc khẳng định chủ quyền của nước ta trên các đảo, quần đảo là cơ sở khẳng định chủ quyền đối với vùng biển và thềm lục địa.

II. TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN BIỂN - ĐẢO VIỆT NAM

Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 37: Phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo | Chân trời sáng tạo

- Tài nguyên sinh vật:

+ Phong phú và đa dạng, với nhiều hệ sinh thái biern, ven biển cùng một số loài quý hiếm, có giá trị cao. Tiêu biểu là hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, rừng thường xanh trên các đảo, rạn san hô, thảm cỏ biển,…

+ Về thành phần loài, có hàng nghìn loài cá, giáp xác, nhuyễn thể; hàng nghìn loài rong biển, chim biển; trên đảo có nhiều loài sinh vật quý hiếm được bảo tồn trong các vườn quốc goa như Phú Quốc, Côn Đảo, Cát Bà,…

- Tài nguyên khoáng sản:

+ Dầu mỏ và khí tự nhiên với trữ lượng vài tỉ tấn dầu và hàng trăm tỉ m3 khí. Xác định được 8 bể trầm tích dầu khí trên thềm lục địa và vùng biển của nước ta.

+ Ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phát hiện tiềm năng lớn về băng cháy.

+ Có nhiều sa khoáng với trữ lượng đáng kể (ti-tan, đất hiếm, phốt-pho-rít, cát thủy tinh) cùng các loại đồng, chì, kẽm,… phân bố ở đáy biển hoặc trong lòng đất dưới đáy biển.

+ Nhiều đoạn bờ biển có điều kiện thuận lợi để sản xuất muối.

- Tài nguyên du lịch: đường bờ biển dài, bãi biển rộng (Sầm Sơn, Vũng Tàu,…), nhiều vịnh biển có phong cảnh đẹp (Hạ Long, Vân Phong,…), khí hậu mát mẻ. Các đảo và quần đảo có giá trị du lịch cao như Phú Quốc, Cù lao Chàm, Cát Bà,…

- Vùng biển rộng, đường bờ biển dài, nhiều vũng, vịnh kín gió, các khu vực nước sâu thuận lợi cho xây dựng cảng biển, cảng nước sâu. Vùng biển nước ta nằm trên đường hàng hải quốc tế nên giao thông đường biển có nhiều điều kiện để phát triển.

- Tiềm năng đáng kể về nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, thủy triều, sóng biển,…

III. TÌNH HÌNH KHAI THÁC TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN BIỂN - ĐẢO VIỆT NAM

1. Phát triển du lịch và dịch vụ biển:

- Tập trung phát triển du lịch sinh thái; du lịch địa chất thám hiểm khoa học; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao biển,…

- Cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch biển được đầu tư, bao gồm cơ sở hạ tầng cho trung tâm du lịch biển và trên các đảo. Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng về loại hình và nâng cao về chất lượng.

- Du lịch biển phát triển là động lực quan trọng để phát triển các ngành kinh tế khác, đảm bảo an sinh xã hội. Một số điểm đến du lịch tiêu biểu như vịnh Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc,…

2. Phát triển giao thông vận tải biển:

- Đã xây dựng hệ thống cảng biển với nhiều quy mô và trải dài từ Bắc xuống Nam, đặc biệt là các cảng biển quốc tế, các cảng biển tại các huyện đảo. Tiêu biểu như cảng Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh,…

+ Đội tàu biển được chú trọng đầu tư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận tải nội địa và quốc tế.

- Góp phần nâng cao vị thế ngành hàng hải nước ta, giải quyết việc làm, thúc đẩy các ngành như khai thác thủy sản, du lịch biển,… phát triển.

3. Khai thác khoáng sản biển

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa, công nghệ khai thác ngày càng được cải tiến giúp cho việc thu hồi khí hiệu quả hơn, góp phần bảo vệ môi trường biển. Các nhà máy lọc, hóa dầu đi vào hoạt động, nâng cao lợi ích kinh tế của công nghiệp dầu khí như nhà máy Dung Quất, Nghi Sơn,… Năm 2021, khai thác khoảng 9,1 triệu tấn dầu thô trong nước và 7,5 tỉ m3 khí tự nhiên.

- Nghề làm muối phát triển theo hướng đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng, cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm gắn với xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm muối.

- Việc khai thác và chế biến khoáng sản đã thúc đẩy các ngành công nghiệp khác, đặc biệt chú ý vấn đề môi trường.

4. Khai thác và nuôi trồng hải sản

- Ưu tiên phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, kết hợp với khai thác hải sản xa bờ, hiện đại hóa đội tàu đánh bắt. Năm 2021, khai thác 3,7 triệu tấn hải sản; sản lượng nuôi trồng đạt 372 nghìn tấn; Kiên Giang, Cà Mau là những tỉnh có sản lượng thủy sản cao nhất nước ta.

- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu tài nguyên sinh vật biển đi đôi với bảo tồn nguồn lợi sinh vật, đặc biệt là các loài quý hiếm và có giá trị cao.

- Sự phát triển của ngành tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị, góp phần phát triển du lịch biển, giao thông vận tải biền.

IV. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN VIỆT NAM

- Biển là môi trường sống của các loài sinh vật, chứa đựng nhiều tài nguyên quan trọng thúc đẩy cho các ngành kinh tế phát triển. Biển còn là không gian sản xuất của nhiều thế hệ người dân Việt Nam vùng ven biển và trên các đảo.

- Môi trường biển nước ta đã có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực, nguy cơ ô nhiễm xu hướng tăng vì sự gia tăng của các nguồn ô nhiễm, các hoạt động khai thác thiếu bền vững, sự cố môi trường biển.

- Để đảm bảo các lợi ích lâu dài và bền vững, trở thành một quốc gia biển giàu mạnh cần thiết phải bảo vệ môi trường biển.

V. Ý NGHĨA CHIẾN LƯỢC CỦA BIỂN ĐÔNG

- Ý nghĩa chiến lược của Biển Đông trong phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh cho đất nước:

+ Đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở quá khứ, hiện tại và tương lai.

+ Biển – đảo Việt Nam là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của đất nước; là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

+ Biển Đông tạo điều kiện để nước ta phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như thủy sản, khai thác dầu khí, giao thông vận tải biển, đóng tàu, du lịch,…

+ Các đảo và quần đảo trong Biển Đông (đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa) có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng, vừa là hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền, vừa là hệ thống căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương trong thời đại mới.

- Định hướng trong giải quyết các tranh chấp vùng biển – đảo ở Biển Đông:

+ Việt Nam và các nước trong khu vực cần tăng cường đối thoại và hợp tác nhằm duy trì hòa bình, an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

+ Thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các Bên tại Biển Đông (DOC), tiến tới hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử của các Bên tại Biển Đông (COC) sẽ là giải pháp hiệu quả để duy trì sự ổn định, hòa bình và hữu nghị trong khu vực.

Xem thêm tóm tắt lý thuyết Địa Lí lớp 12 Chân trời sáng tạo hay khác: