Lý thuyết KHTN 8 Kết nối tri thức Bài 33: Máu và hệ tuần hoàn của cơ thể người
Haylamdo biên soạn và sưu tầm tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên 8 Bài 33: Máu và hệ tuần hoàn của cơ thể người sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 8 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KHTN 8.
Lý thuyết KHTN 8 Kết nối tri thức Bài 33: Máu và hệ tuần hoàn của cơ thể người
I. MÁU
1. Các thành phần của máu
- Máu là phần dịch lỏng trong cơ thể, gồm huyết tương và hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu.
Thành phần của máu |
Chức năng |
|
Huyết tương (chiếm khoảng 55% thể tích máu, gồm chủ yếu là nước và các chất tan) |
Có vai trò duy trì máu ở trạng thái lỏng giúp máu dễ dàng lưu thông trong mạch; vận chuyển chất dinh dưỡng, các chất cần thiết khác và chất thải. |
|
Các tế bào máu (chiếm khoảng 45% thể tích máu) |
Hồng cầu |
Có vai trò vận chuyển oxygen và carbon dioxide trong máu. |
Bạch cầu |
Có vai trò tham gia vào các phản ứng của hệ miễn dịch để bảo vệ cơ thể. |
|
Tiểu cầu |
Có vai trò tham gia bảo vệ cơ thể nhờ cơ chế làm đông máu. |
2. Miễn dịch và vaccine
a) Miễn dịch
- Khái niệm kháng nguyên: Kháng nguyên là những chất khi xâm nhập vào cơ thể có khả năng kích thích cơ thể tạo ra các kháng thể tương ứng. Ví dụ: Virus, vi khuẩn là các kháng nguyên khi xâm nhập vào cơ thể.
- Khái niệm kháng thể: Kháng thể là những phân tử protein do một loại bạch cầu (tế bào lympho B) tạo ra để chống lại các kháng nguyên.
- Mối quan hệ giữa kháng nguyên và kháng thể: Tương tác giữa kháng nguyên và kháng thể theo cơ chế chìa khóa ổ khóa để tạo phản ứng miễn dịch.
- Cơ chế miễn dịch trong cơ thể người: Khi có các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, tế bào lympho B nhận diện kháng nguyên tương ứng và được hoạt hóa thành nguyên bào lympho. Nguyên bào lympho phân bào và biệt hóa thành tương bào. Tương bào tạo ra kháng thể tiêu diệt các vi sinh vật hoặc làm bất hoạt độc tố của chúng. Một số tế bào lympho B không trở thành tương bào mà trở thành tế bào lympho B nhớ, sẵn sàng đáp ứng nhanh và mạnh khi có vi sinh vật cùng loại xâm nhập lần sau, giúp cơ thể có khả năng miễn dịch.
b) Vaccine
- Khái niệm: Vaccine là chế phẩm chứa một lượng rất nhỏ kháng nguyên hoặc mầm bệnh đã được bất hoạt hoặc làm giảm độc lực, có vai trò kích thích cơ thể tạo ra kháng thể thể chống lại tác nhân gây bệnh.
+ Ví dụ: Vaccine BCG phòng bệnh lao, vaccine AstraZeneca phòng Covid 19,…
- Cơ chế tác động: Vaccine tạo ra miễn dịch nhân tạo cho cơ thể. Khi tiêm vaccine vào trong cơ thể, mầm bệnh đã chết hoặc suy yếu,… trong vaccine có tác dụng kích thích tế bào bạch cầu tạo ra kháng thể. Kháng thể tạo ra tiếp tục tồn tại trong máu giúp cơ thể miễn dịch với bệnh đã được tiêm vaccine.
- Vai trò: Tiêm vaccine là biện pháp quan trọng trong việc phòng bệnh, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và tỉ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm.
3. Nhóm máu và truyền máu
a) Nhóm máu
- Nhóm máu là nhóm các tế bào hồng cầu được xác định dựa vào các đặc tính kháng nguyên khác nhau. Có nhiều hệ nhóm máu khác nhau nhưng phổ biến nhất là hệ nhóm máu ABO gồm bốn nhóm máu A, B, AB, O.
- Các nhóm máu trong hệ nhóm máu ABO được xác định dựa vào loại kháng nguyên (A và B) trên bề mặt hồng cầu và kháng thể (α và β) trong huyết tương. Trong đó, α gây kết dính A và β gây kết dính B.
b) Truyền máu
- Khi truyền máu, cần lựa chọn nhóm máu truyền phù hợp theo nguyên tắc truyền máu: Có thể truyền máu cùng nhóm hoặc khác nhóm nhưng đảm bảo nguyên tắc không để kháng thể trong máu của người nhận gây kết dính kháng nguyên trong máu được truyền.
II. HỆ TUẦN HOÀN
1.Cấu tạo của hệ tuần hoàn
- Hệ tuần hoàn gồm tim và hệ mạch:
Tên cơ quan |
Chức năng |
|
Tim |
Hoạt động như một chiếc bơm, vừa hút, vừa đẩy máu lưu thông trong hệ tuần hoàn. |
|
Hệ mạch máu |
Động mạch |
Vận chuyển máu từ tim đến mao mạch. |
Mao mạch |
Là nơi thực hiện trao đổi chất (dinh dưỡng, chất thải,…) và khí (O2, CO2) giữa máu và tế bào của cơ thể. |
|
Tĩnh mạch |
Vận chuyển máu từ mao mạch trở về tim. |
2. Chức năng của hệ tuần hoàn
- Hệ tuần hoàn có chức năng vận chuyển các chất dinh dưỡng, chất khí và các chất khác đến các tế bào và mô của cơ thể nhờ sự lưu thông của máu qua vòng tuần hoàn lớn và vòng tuần hoàn nhỏ.
- Hai vòng tuần hoàn ở người:
+ Vòng tuần hoàn tuần hoàn nhỏ (vòng tuần hoàn phổi): Máu đỏ thẫm (giàu carbon dioxide) từ tâm thất phải theo động mạch phổi đi lên phổi, diễn ra quá trình trao đổi khí giữa máu và khí ở các phế nang thông qua các mao mạch phổi, máu đỏ thẫm trở thành máu đỏ tươi (giàu oxygen). Máu giàu oxygen theo tĩnh mạch đồ về tim, đổ vào tâm nhĩ trái.
+ Vòng tuần hoàn lớn (vòng tuần hoàn cơ thể): Máu giàu oxygen và các chất dinh dưỡng từ tâm thất trái theo động mạch chủ đi đến các cơ quan trong cơ thể, tại đây, diễn ra quá trình trao đổi chất giữa máu và các cơ quan thông qua hệ thống mao mạch. Oxygen và các chất dinh dưỡng được cung cấp cho các tế bào, mô, cơ quan; đồng thời, máu nhận lại các chất thải, carbon dioxide và trở thành máu đỏ thẫm. Các chất thải được vận chuyển đến cơ quan bài tiết, carbon dioxide theo tĩnh mạch về tim, đổ vào tâm nhĩ phải.
II. MỘT SỐ BỆNH VỀ MÁU VÀ TIM MẠCH
1. Thiếu máu
- Biểu hiện: Thiếu máu là tình trạng giảm số lượng hồng cầu hoặc huyết sắc tố (hemoglobin) dẫn đến máu giảm khả năng vận chuyển oxygen trong cơ thể. Khi thiếu máu thường xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, da xanh, tim đập nhanh,…
- Nguyên nhân: Chế độ ăn thiếu sắt có thể dẫn đến bệnh thiếu máu do cơ thể không sản xuất đủ lượng hemoglobin, được gọi là thiếu máu dinh dưỡng. Thiếu máu do chảy máu là tình trạng mất quá nhiều máu khi bị thương, khi đến kì kinh nguyệt,…
- Biện pháp phòng chống: Thực hiện chế độ ăn cân đối giàu sắt, vitamin như thịt màu đỏ (thịt bò, thịt trâu…), hải sản, thịt gia cầm, trứng, bột bánh mì, đậu, lạc, các loại rau xanh đậm như rau ngót, dền, muống,…; tăng hấp thu sắt bằng uống nước hoa quả như cam, chanh khi ăn thức ăn nhiều sắt; không nên uống trà, cà phê ngay sau ăn; điều trị sớm các bệnh làm giảm hấp thu sắt như: rối loạn tiêu hóa, kinh nguyệt kéo dài… các bệnh gây chảy máu mạn tính;…
2. Huyết áp cao
- Nguyên nhân:
+ Lúc đầu có thể là kết quả nhất thời sau khi luyện tập thể dục, thể thao, khi tức giận hay khi bị sốt,… Nếu tình trạng này kéo dài có thể làm tổn thương cấu trúc thành động mạch và gây ra bệnh huyết áp cao.
+ Do chế độ ăn nhiều đường và muối, thức ăn chứa nhiều chất béo,…
- Biện pháp phòng chống: Có chế độ ăn uống khoa học; kiểm soát cân nặng hợp lí; rèn luyện thể dục, thể thao thường xuyên; khám sức khỏe định kì;…
3. Xơ vữa động mạch
- Biểu hiện: Khi hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao sẽ kết hợp với Ca2+ ngấm vào thành mạch, làm hẹp lòng mạch, mạch bị xơ vữa, dẫn đến tăng huyết áp, giảm dòng máu, tạo thành các cục máu đông dẫn đến tắc mạch. Nếu các cục máu đông xuất hiện ở đông xuất hiện ở động mạch vành gây đau tim còn ở động mạch não là nguyên nhân gây đột quỵ.
- Nguyên nhân: Do chế độ ăn chưa hợp lí, hút thuốc lá, vận động ít,…
- Biện pháp phòng chống: Thực hiện chế độ ăn khoa học, chọn thực phẩm tốt cho tim mạch như ưu tiên trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và hạn chế chất béo bão hòa, muối, đường; luyện tập thể dục thể thao thường xuyên; duy trì cân nặng hợp lí; hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá; kiểm soát căng thẳng;…
IV. THỰC HÀNH: THỰC HIỆN TÌNH HUỐNG GIẢ ĐỊNH CẤP CỨU NGƯỜI BỊ CHẢY MÁU, TAI BIẾN, ĐỘT QUỴ VÀ ĐO HUYẾT ÁP
1. Mục tiêu
- Thực hiện được tình huống giả định cấp cứu người bị chảy máu, tai biến, đột quỵ.
- Thực hiện được các bước đo huyết áp.
2. Chuẩn bị
- Băng gạc (1 cuộn), gạc (1 gói), bông y tế (1 gói), dây cao su hoặc dây vải, vải mềm (1 miếng kích thước 10 cm × 30 cm), cồn iodine.
- Huyết áp kế (huyết áp kế đồng hồ hoặc huyết áp kế điện tử), ống nghe tim phổi.
3. Cách tiến hành
a) Sơ cứu cầm máu trong các trường hợp giả định
* Sơ cứu chảy máu mao mạch và tĩnh mạch
Bước 1: Dùng ngón tay bịt chặt miệng vết thương cho tới khi thấy máu không chảy nữa.
Bước 2: Sát trùng vết thương bằng cồn iodine.
Bước 3: Che kín miệng vết thương băng bông, gạc, băng gạc.
* Sơ cứu chảy máu động mạch cánh tay
Bước 1: Dùng ngón tay cái dò tìm vị trí động mạch cánh tay, khi thấy dấu hiệu mạch đập rõ thì ấn mạnh để ngừng chảy máu ở vết thương.
Bước 2: Buộc dây garô.
Dùng dây cao su hay dây vải mềm buộc chặt ở vị trí gần sát vết thương (cao hơn vết thương về phía tim) với lực ép đủ làm cầm máu.
Bước 3: Sát trùng vết thương bằng cồn iodine rồi che kín miệng vết thương.
Bước 4: Đưa người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất.
b) Sơ cứu đột quỵ
- Các dấu hiệu đột quỵ có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh, lặp đi lặp lại nhiều lần, bao gồm đột ngột hôn mê, mất ý thức, tê bì tay chân, đau đầu dữ dội, mất thăng bằng, không nói được, méo mồm, giảm thị lực,… Khi phát hiện người có các biểu hiện trên, cần tiến hành sơ cứu theo các bước sau:
Bước 1: Gọi người trợ giúp và nhanh chóng gọi cấp cứu 115.
Bước 2: Trong thời gian chờ xe cấp cứu đến, cần đặt phần đầu và lưng nạn nhân nằm nghiêng để tránh bị sặc đường thở.
Bước 3: Nới lỏng quần áo cho rộng, thoáng; mở phần cổ áo để kiểm tra tình trạng hô hấp của nạn nhân.
Bước 4: Dùng vải mềm quấn vào ngón tay trỏ rồi lấy sạch đờm, dãi trong miệng nạn nhân.
Bước 5: Ghi lại thời điểm nạn nhân khởi phát biểu hiện đột quỵ, những loại thuốc mà nạn nhân đang dùng hoặc mang theo đơn thuốc đang có.
c) Đo huyết áp (bằng huyết áp kế đồng hồ)
Bước 1: Yêu cầu người đo huyết áp nằm hoặc ngồi ở tư thế thoải mái, duỗi thẳng cánh tay. Xác định vị trí động mạch cánh tay để đặt ống nghe.
Bước 2: Quấn vòng bít của huyết áp kế quanh vị trí đặt ống nghe.
Bước 3: Vặn chặt núm xoay và bóp quả bóng cao su để bơm khí vào vòng bít của huyết áp kế cho đến khi đồng hồ chỉ khoảng 160 – 180 mmHg thì dừng lại.
Bước 4: Vặn ngược núm xoay từ từ để xả hơi, đồng thời đeo ống nghe tim phổi để nghe thấy tiếng đập đầu tiên, đó là huyết áp tối đa. Tiếp tục nghe cho đến khi không có tiếng đập nữa, đó là huyết áp tối thiểu.
4. Kết quả
- Đọc chỉ số đo huyết áp của bản thân và các bạn trong nhóm. Nhận xét về chỉ số đo được, biết rằng huyết áp bình thường tối thiểu là từ 60 mmHg đến dưới 90 mmHg và tối đa là từ 90 mmHg đến dưới 140 mmHg.
V. DỰ ÁN: ĐIỀU TRA MỘT SỐ BỆNH VỀ MÁU, TIM MẠCH VÀ PHONG TRÀO HIẾN MÁU NHÂN ĐẠO TẠI ĐỊA PHƯƠNG
1. Mục tiêu
- Điều tra được các bệnh về máu và tim mạch tại địa phương.
- Tìm hiểu được phong trào hiến máu nhân đạo tại địa phương.
2. Cách tiến hành
Bước 1: Lập kế hoạch và tiến hành điều tra một số bệnh về máu, tim mạch và phong trào hiến máu nhân đạo tại địa phương.
Bước 2: Thảo luận, đề xuất các biện pháp phòng chống bệnh về máu, tim mạch.
Bước 3: Viết báo cáo điều tra một số bệnh về máu, tim mạch theo mẫu Bảng 33.2 và viết một đoạn tổng hợp thông tin tìm hiểu về phong trào hiến máu nhân đạo tại địa phương.
3. Kết quả
Ghi kết quả điều tra một số bệnh về máu và tim mạch theo mẫu Bảng 33.2.