Lý thuyết KHTN 8 Kết nối tri thức Bài 37: Hệ thần kinh và các giác quan ở người
Haylamdo biên soạn và sưu tầm tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên 8 Bài 37: Hệ thần kinh và các giác quan ở người sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 8 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KHTN 8.
Lý thuyết KHTN 8 Kết nối tri thức Bài 37: Hệ thần kinh và các giác quan ở người
I. HỆ THẦN KINH
1. Cấu tạo và chức năng của hệ thần kinh
- Chức năng: Hệ thần kinh ở người có chức năng điều khiển, điều hòa và phối hợp hoạt động của các cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể thành một thể thống nhất.
- Cấu tạo: Hệ thần kinh ở người có dạng hình ống, gồm hai bộ phận là bộ phận trung ương (gồm não và tủy sống), bộ phận ngoại biên (gồm các dây thần kinh và hạch thần kinh). Trong đó, bộ phận trung ương đóng vai trò chủ đạo.
Bộ phận |
Vị trí |
Não bộ |
Nằm trong hộp sọ. |
Tủy sống |
Nằm trong cột sống. |
Hạch thần kinh |
Nằm rải rác và nối với các dây thần kinh. |
Dây thần kinh |
Phân bố khắp cơ thể. |
2. Một số bệnh về hệ thần kinh và chất gây nghiện đối với hệ thần kinh
a) Một số bệnh về hệ thần kinh
* Bệnh Parkinson: do thoái hóa tế bào thần kinh, thường gặp ở người cao tuổi.
- Nguyên nhân: cao tuổi, nhiễm khuẩn (viêm não) hoặc nhiễm độc thần kinh,…
- Triệu chứng: suy giảm chức năng vận động dẫn đến các triệu chứng run tay, mất thăng bằng, khó khăn khi di chuyển;…
- Cách phòng chống: bổ sung vitamin D từ thực phẩm hoặc tắm nắng; luyện tập thể dục, thể thao hợp lí; tránh xa môi trường độc hại;…
* Bệnh động kinh: do rối loạn hệ thống thần kinh trung ương.
- Nguyên nhân: có thể do di truyền, chấn thương hoặc các bệnh về não,…
- Triệu chứng: co giật hoặc có những hành vi bất thường, đôi lúc mất ý thức.
- Cách phòng chống: giữ tinh thần vui vẻ; ngủ đủ giấc; luyện tập thể dục, thể thao hợp lí; ăn uống đủ chất;…
* Bệnh Alzheimer: do rối loạn thần kinh, thường gặp ở người cao tuổi.
- Nguyên nhân: Có thể do sự tích tụ của một loại protein trong não dẫn đến chết dần các tế bào não; do quá trình lão quá;…
- Triệu chứng: mất trí nhớ, giảm khả năng ngôn ngữ, lẩm cẩm, khả năng hoạt động kém.
- Cách phòng chống: luyện trí não bằng cách đọc sách, báo; có chế độ ăn uống hợp lí; giữ tinh thần thoải mái và tăng cường vận động;…
b) Các chất gây nghiện đối với hệ thần kinh
- Khái niệm chất gây nghiện: Chất gây nghiện đối với hệ thần kinh (như nicotine trong thuốc lá, ethanol trong rượu,...) là chất kích thích thần kinh, làm thay đổi chức năng bình thường của cơ thể, làm cho cơ thể phụ thuộc hoặc có cảm giác thèm, nhớ, nghiện chất đó ở các mức độ khác nhau.
- Tác hại của các chất ma túy (ví dụ: thuốc phiện, heroin,…): có ảnh hưởng vô cùng nguy hiểm đến cơ thể, gây nghiện sau thời gian ngắn sử dụng, rất khó cai và dễ tái nghiện; ma túy gây tổn thương hệ thần kinh, giảm sút sức khỏe, dẫn đến các tệ nạn nghiêm trọng đối với người sử dụng và xã hội.
II. CÁC GIÁC QUAN
- Có năm giác quan ở con người gồm: thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác và khứu giác.
- Các giác quan giúp cơ thể nhận biết kích thích từ bên ngoài hay bên trong cơ thể, đảm bảo cho cơ thể thích nghi với môi trương xung quanh.
1. Thị giác
a) Cấu tạo và chức năng
- Thị giác có cấu tạo gồm mắt, dây thần kinh thị giác và vùng thị giác ở não.
- Thị giác có chức năng quan sát, thu nhận hình ảnh, màu sắc của sự vật và hiện tượng, giúp não nhận biết và xử lý thông tin.
- Cấu tạo mắt: Các bộ phận trong của mắt gồm màng cứng, màng mạch, võng mạc, giác mạc, thủy dịch, thể thủy tinh, đồng tử, mống mắt, dịch thủy tinh, dây thần kinh thị giác. Phía ngoài của mắt có mí mắt, lông mi và cầu mắt trong hốc mắt.
b) Quá trình thu nhận ánh sáng
- Quá trình thu nhận ánh sáng: ánh sáng phản chiếu từ vật khúc xạ qua giác mạc và thể thủy tinh tới màng lưới, tác động lên tế bào thụ cảm thị giác, gây hưng phấn các tế bào này và truyền theo dây thần kinh thị giác tới não cho ta cảm nhận về hình ảnh của vật.
c) Một số bệnh, tật về thị giác
* Bệnh đau mắt đỏ:
- Nguyên nhân: do virus Adeno, vi khuẩn Staphylococcus,… gây nên.
- Triệu chứng: đỏ mắt, chảy nước mắt, có nhiều ghèn (dử mắt), cộm mắt.
- Cách phòng tránh: nên rửa tay thường xuyên, đeo kính bảo vệ mắt, hạn chế dụi mắt, bổ sung các thực phẩm có lợi cho mắt, không nên tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung đồ cá nhân với người bị bệnh,…
* Một số tật về mắt: cận thị, viễn thị và loạn thị. Khi bị mắc các tật này, ảnh của vật sẽ không hiện trên màng lưới.
- Cận thị:
+ Nguyên nhân: Có thể do bẩm sinh cầu mắt dài hoặc nhìn gần khi đọc sách hay làm việc trong ánh sáng yếu, lâu dần làm thể thủy tinh phồng lên. Tình trạng này kéo dài làm thể thủy tinh mất dần khả năng đàn hồi.
+ Hậu quả: Ảnh của vật thường ở phía trước màng lưới → Mắt chỉ nhìn rõ các vật ở gần.
+ Cách phòng tránh: Cần học tập và làm việc trong môi trường ánh sáng thích hợp, tránh đọc sách với khoảng cách gần, thiếu ánh sáng. Tránh sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian dài, liên tục. Nếu đã mắc tật cận thị, cần đeo kính đúng độ và khám mắt định kì. Ăn uống hợp lí để cung cấp đầy đủ vitamin và dưỡng chất thiết yếu cho mắt.
+ Cách khắc phục: Cần đeo kính cận (kính phân kì) phù hợp giúp ảnh lùi về đúng màng lưới.
- Viễn thị:
+ Nguyên nhân: Có thể do cầu mắt quá ngắn hoặc thể thủy tinh bị lão hóa xẹp xuống khó phồng lên.
+ Hậu quả: Ảnh của vật thường nằm ở phía sau màng lưới → Mắt chỉ nhìn rõ các vật ở xa.
+ Cách phòng tránh: Khám mắt định kì; thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh; học tập và làm việc trong môi trường có đủ ánh sáng; bảo vệ mắt tránh ánh sáng mặt trời, tia UV;…
+ Cách khắc phục: Cần đeo kính lão (kính hội tụ) phù hợp giúp kéo ảnh về đúng màng lưới.
- Loạn thị:
+ Nguyên nhân: Do giác mạc bị biến dạng không đều khiến các tia sáng đi vào mắt hội tụ ở nhiều điểm.
+ Hậu quả: Ảnh của vật không thể hội tụ ở màng lưới, hội tụ ở nhiều điểm → Mắt nhìn vật bị mờ, nhòe hoặc bị bóp méo.
+ Cách phòng tránh: Tránh các nguy cơ gây tổn thương mắt có thể xảy ra. Làm việc ở nơi có ánh sáng đầy đủ, tránh nơi quá tối hoặc ánh sáng quá mạnh. Dành thời gian để mắt nghỉ ngơi khi làm việc trước máy tính, đọc sách hay các công việc tỉ mỉ khác. Điều trị sớm các bệnh lí về mắt (nếu có). Ăn uống hợp lí để cung cấp đầy đủ vitamin và dưỡng chất thiết yếu cho mắt. Khi đã bị loạn thị rồi thì phải đi khám và điều trị sớm.
+ Cách khắc phục: Cần đeo kính thuốc giúp nhìn rõ vật.
2. Thính giác
a) Cấu tạo và chức năng
- Cấu tạo thính giác: Thính giác có cấu tạo gồm tai, dây thần kinh thính giác và vùng thính giác ở não.
- Chức năng thính giác: Thính giác có chức năng thu nhận âm thanh từ môi trường, truyền lên não xử lí giúp ta nhận biết được âm thanh.
- Cấu tạo của tai: gồm ba phần tai ngoài gồm vành tai và ống tai; tai giữa có màng nhĩ và chuỗi xương tai, từ đây có vòi tai thông với khoang miệng; tai trong có ốc tai chứa các cơ quan thụ cảm âm thanh, từ ốc tai có dây thần kinh thính giác đi về não.
- Tai thu nhận âm thanh theo cơ chế truyền sóng âm: Âm thanh được vành tai hứng, truyền qua ống tai làm rung màng nhĩ, gây tác động vào chuỗi xương tai làm rung các màng và dịch trong ốc tai. Những rung động này gây hưng phấn cơ quan thụ cảm, làm xuất hiện xung thần kinh đi theo dây thần kinh thính giác về não cho ta cảm nhận âm thanh.
b) Một số bệnh về thính giác
* Bệnh viêm tai giữa: Là tình trạng tổn thương và viêm nhiễm tai giữa do vi khuẩn.
- Nguyên nhân: Do nước bẩn lọt vào tai, ráy tai bị nhiễm khuẩn gây nhiễm trùng, thiếu máu não, nhiễm lạnh hay do biến chứng từ các bệnh vùng mũi, họng.
- Triệu chứng: Đau tai, nhức đầu, suy giảm thính giác, có dịch lỏng và hôi chảy từ tai, có thể kèm theo sốt nhẹ, đau họng.
- Cách phòng tránh: Giữ vệ sinh tai sạch sẽ, tránh để nước vào tai; tránh làm tổn thương tai; phòng tránh các bệnh lí về mũi, họng;…
* Bệnh ù tai:
- Nguyên nhân: Do làm việc trong môi trường tiếng ồn lớn; nghe tiếng bom, mìn nổ; ráy tai nhiều gây tắc nghẽn; có dị vật ở tai; thiếu máu não;…
- Triệu chứng: Không nghe rõ được âm thanh, luôn nghe thấy tiếng ù ù trong tai.
- Cách phòng tránh: Hạn chế tiếng ồn, không nghe âm thanh có cường độ cao; tránh để các dị vật lọt vào tai.