Lý thuyết KHTN 8 Kết nối tri thức Bài 39: Da và điều hòa thân nhiệt ở người
Haylamdo biên soạn và sưu tầm tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên 8 Bài 39: Da và điều hòa thân nhiệt ở người sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 8 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KHTN 8.
Lý thuyết KHTN 8 Kết nối tri thức Bài 39: Da và điều hòa thân nhiệt ở người
I. DA Ở NGƯỜI
a) Cấu tạo
- Da là lớp vỏ bọc bên ngoài cơ thể, được cấu tạo gồm lớp biểu bì, lớp bì và lớp mỡ dưới da.
Các lớp của da |
Thành phần cấu tạo |
Chức năng |
Lớp biểu bì |
Gồm tầng sừng, tầng tế bào sống. |
Có chức năng bảo vệ cơ thể, chống lại các tia tử ngoại, tránh vi sinh vật xâm nhập từ môi trường bên ngoài, ngăn ngừa sự mất nước của cơ thể. |
Lớp bì |
Gồm thụ quan, cơ co chân lông, tuyến mồ hôi, lông và bao lông, mạch máu, tuyến nhờn, dây thần kinh. |
Có chức năng giúp giảm sự tác động từ bên ngoài và làm lành vết thương, giúp nuôi dưỡng biểu bì, loại bỏ chất thải. |
Lớp mỡ dưới da |
Gồm các tế bào mỡ. |
Có chức năng cách nhiệt, tạo lớp đệm bảo vệ và đóng vai trò như một nguồn dự trữ năng lượng. |
b) Chức năng
Da có vai trò quan trọng đối với cơ thể:
- Có chức năng bảo vệ cơ thể, chống lại các yếu tố môi trường như sự va đập, sự xâm nhập của vi khuẩn, chống thấm nước và mất nước.
- Tham gia điều hòa thân nhiệt nhờ hoạt động của tuyến mồ hôi; hoạt động co, dãn của mạch máu dưới da; co, dãn chân lông.
- Có chức năng nhận biết các kích thích của môi trường nhờ thụ quan và chức năng bài tiết qua tuyến mồ hôi.
2. Một số bệnh về da và bảo vệ da
a) Một số bệnh về da
- Bệnh hắc lào và bệnh lang ben:
+ Nguyên nhân: do nấm gây ra. Cả hai bệnh trên thường xảy ra trong điều kiện môi trường nóng ẩm, đây là điều kiện thuận lợi cho nấm gây bệnh phát triển.
+ Triệu chứng: Người bị bệnh hắc lào thường xuất hiện các vùng da tổn thương dạng tròn, đóng vảy; ngứa ở vùng mông, bẹn, nách. Bệnh lang ben gây ra các vùng da lốm đốm trắng hơn bình thường.
+ Biện pháp phòng tránh: Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sạch sẽ; không dùng chung đồ dùng cá nhân; mặc quần áo sạch sẽ, khô ráo và thoáng mát; hạn chế ra mồ hôi quá mức; tránh động vật bị nhiễm bệnh;…
- Mụn trứng cá:
+ Nguyên nhân: Có thể do nang lông bị bít tắc bởi tế bào chết hoặc chất nhờn tiết ra quá nhiều, vi khuẩn gây viêm nhiễm và tổn thương trên da,… Bệnh thường xuất hiện nhiều ở độ tuổi dậy thì, gồm các dạng mụn sần, mụn mủ, mụn đầu trắng, mụn đầu đen,…
+ Biện pháp phòng tránh: Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ; sinh hoạt điều độ; ăn nhiều rau xanh và trái cây; uống nhiều nước; hạn chế trang điểm và vệ sinh da sau khi trang điểm; chống nắng đúng cách; giữ tinh thần vui vẻ, tránh căng thẳng; rèn luyện thể dục, thể thao hợp lí,…
b) Chăm sóc, bảo vệ da và làm đẹp da an toàn
- Da sạch có khả năng diệt đến 85% vi khuẩn bám trên da nhưng da bẩn chỉ diệt được khoảng 5%. Da bị xây xát là cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập, gây các bệnh nguy hiểm cho da và cơ thể. Bên cạnh đó, trang điểm cũng có thể gây tổn thương da nếu lạm dụng và không vệ sinh đúng cách.
- Biện pháp chăm sóc, bảo vệ da và làm đẹp da an toàn:
+ Tránh làm da bị tổn thương.
+ Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là những vùng tiếp xúc trực tiếp với môi trường như tay, mặt.
+ Che chắn da hoặc sử dụng kem chống nắng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để da không bị tổn thương do tia UV.
+ Không nên lạm dụng mĩ phẩm và cần vệ sinh da sạch sẽ sau khi trang điểm.
+ Giữ tinh thần lạc quan, sinh hoạt điều độ, ăn nhiều rau xanh và bổ sung vitamin, chất khoáng; uống đủ nước.
+ Giữ vệ sinh môi trường để tránh mắc các bệnh ngoài da.
3. Một số thành tựu ghép da trong y học
- Ghép da là việc lấy một phần da trên cơ thể và di chuyển hoặc cấy ghép đến vùng khác trên cơ thể cần chúng.
- Ghép da thành công giúp cứu chữa những người có da bị tổn thương nặng do bỏng, nhiễm trùng da,…
- Một số thành tựu ghép da trong y học:
+ Bệnh viện Bỏng Quốc gia đã nghiên cứu, xử lí và sử dụng da ếch tươi, da ếch đông khô tiệt trùng bằng tia Gamma hoặc sử dụng trung bì da heo tươi, da heo đông khô ở độ lạnh sâu để ghép da, điều trị vết bỏng cho người bệnh.
+ Gần đây, công nghệ nhân nuôi tế bào sợi được chuyển giao từ Nga và Singapore giúp Bệnh viện Bỏng Quốc gia thành công trong việc cấy nguyên bào sợi trong nghiên cứu và điều trị bỏng.
II. ĐIỀU HÒA THÂN NHIỆT Ở NGƯỜI
1. Khái niệm thân nhiệt
- Thân nhiệt là nhiệt độ của cơ thể. Thân nhiệt ở người bình thường khoảng 37oC và dao động không quá 0,5oC.
2. Vai trò và cơ chế duy trì thân nhiệt ổn định ở người
- Vai trò của việc duy trì thân nhiệt ổn định ở người:
+ Thân nhiệt của người được duy trì ổn định quanh một giá trị nhất định ngay cả khi nhiệt độ của môi trường cao hơn hoặc thấp hơn nhiệt độ cơ thể. Thân nhiệt duy trì ổn định giúp các quá trình sống trong cơ thể diễn ra bình thường.
+ Nếu thân nhiệt dưới 35oC hoặc trên 38oC thì tim, hệ thần kinh và các cơ quan khác có thể bị rối loạn, ảnh hưởng đến các hoạt động sống của cơ thể.
- Cơ chế duy trì thân nhiệt gồm cơ chế thần kinh và cơ chế thể dịch:
+ Cơ chế thần kinh: Sự tăng, giảm quá trình dị hóa để điều tiết sự sinh nhiệt, cùng với các phản ứng co và dãn mạch máu, tiết mồ hôi, co cơ chân lông,… để điều khiển quá trình tỏa nhiệt đều là các phản xạ được thực hiện dưới sự điều khiển của hệ thần kinh. Hệ thần kinh giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động điều hòa thân nhiệt.
+ Cơ chế thể dịch: Lượng hormone tiết ra nhiều hay ít làm quá trình chuyển hóa tăng hoặc giảm, góp phần duy trì ổn định thân nhiệt.
- Vai trò của da trong điều hòa thân nhiệt: Da là cơ quan đóng vai trò quan trọng nhất trong điều hoà thân nhiệt.
+ Khi trời nóng và khi lao động nặng, mao mạch ở da dãn giúp tỏa nhiệt nhanh, đồng thời, tăng cường tiết mồ hôi, mồ hôi bay hơi sẽ lấy đi một lượng nhiệt của cơ thể.
+ Khi trời lạnh, mao mạch ở da co lại, cơ chân lông co để giảm sự tỏa nhiệt. Ngoài ra, khi trời quá lạnh, còn có hiện tượng cơ co dãn liên tục gây phản xạ run để sinh nhiệt.
3. Một số phương pháp phòng chống nóng, lạnh cho cơ thể
a) Phòng chống nóng, lạnh cho cơ thể
- Biện pháp chống nóng: Khi thời tiết nắng nóng, cần giữ cơ thể mát mẻ; đội mũ, nón khi làm việc ngoài trời và không chơi thể thao dưới ánh nắng trực tiếp. Sau khi vận động mạnh, mồ hôi ra nhiều, không nên tắm ngay hay ngồi trước quạt và ở nơi có gió mạnh.
- Biện pháp chống lạnh cho cơ thể: Khi thời tiết lạnh, cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là các vùng ngực, cổ, chân, tay.
- Ngoài ra, cần thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao để nâng cao khả năng chống nóng, lạnh của cơ thể.
b) Phòng chống cảm nóng, cảm lạnh
- Hiện tượng cảm nóng:
+ Khi ở ngoài trời nắng quá lâu, trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể (ở vùng gáy) bị tác động, có thể làm rối loạn điều hòa thân nhiệt, dẫn đến hiện tượng cảm nóng.
+ Để phòng chống cảm nóng, nên che nắng, uống đủ nước, tránh ánh nắng trực tiếp vào vùng sau gáy, hạn chế ra ngoài trời khi nắng nóng,…
- Hiện tượng cảm nóng:
+ Khi trời mưa, lạnh hay thay đổi thời tiết đột ngột, cơ thể dễ bị cảm lạnh. Tác nhân gây bệnh cảm lạnh là virus gây bệnh ở đường hô hấp.
+ Để phòng chống cảm lạnh, cần giữ vệ sinh mũi, miệng sạch sẽ, súc họng bằng nước muối sinh lí 2 đến 4 lần/ngày, uống nước ấm, giữ ấm cho cơ thể,…