Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề có liên quan đến tuổi trẻ - ngắn nhất Chân trời sáng tạo
Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề có liên quan đến tuổi trẻ ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 12 Chân trời sáng tạo giúp học sinh soạn văn 12 dễ dàng hơn.
Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề có liên quan đến tuổi trẻ - Chân trời sáng tạo
* Tri thức về kiểu bài
Nghị luận về một vấn đề có liên quan đến tuổi trẻ là kiểu bài dùng lí lẽ, bằng chứng để bàn luận và làm sáng tỏ một vấn đề xã hội có liên quan đến tuổi trẻ, từ đó giúp người đọc nhận thức đúng đắn về vấn đề và có thái độ, hành động phù hợp với vấn đề đó.
* Yêu cầu đối với kiểu bài
- Trình bày luận điểm rõ ràng, gãy gọn, thể hiện quan điểm của người viết về vấn đề có liên quan đến tuổi trẻ.
- Đưa ra được hệ thống lí lẽ, bằng chứng thuyết phục chính xác, tin cậy, thích hợp, đầy đủ để làm sáng tỏ luận điểm.
- Có thể phân tích, trao đổi với những ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện, khách quan về vấn đề.
- Có bố cục gồm 3 phần:
+ Mở bài: Giới thiệu vấn đề có liên quan đến tuổi trẻ cần bàn luận, trình bày được quan điểm của người viết về vấn đề.
+ Thân bài: Giải thích được vấn đề cần bàn luận, trình bày hệ thống luận điểm, lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ quan điểm của người viết, có thể trao đổi với các ý kiến khác về vấn đề, nêu được những đề xuất, giải pahps phù hợp để thực hiện hoặc giải quyết vấn đề.
+ Kết bài: Khẳng định lại quan điểm của người viết về vấn đề, đề xuất tóm tắt giải pháp hoặc bài học phù hợp.
* Phân tích bài viết tham khảo
Văn bản “Trách nhiệm của người trẻ với Tổ quốc”
Câu 1 (trang 59 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Xác định bố cục của bài viết. Vấn dề được bàn luận trong bài viết là gì?
Trả lời:
- Bố cục 3 phần:
+ Mở bài: Nêu vấn đề cần bàn luận “Trách nhiệm của người trẻ với Tổ quốc”
+ Thân bài:
• Giải thích khái niệm “người trẻ”, “trách nhiệm của người trẻ với Tổ quốc”
• Nêu luận điểm của người viết về vấn đề
• Trình bày lí lẽ, bằng chứng để làm rõ luận điểm
• Phê phán những biểu hiện tiêu cực khi người trẻ không có trách nhiệm với Tổ quốc.
• Trao đổi với người đọc để vấn đề được bàn luận khách quan hơn
• Đề xuất phương hướng hành động
+ Kết bài: Tóm lược lại vấn đề cần nghị luannaj
- Bài viết bàn luận về vấn đề “Trách nhiệm của người trẻ với Tổ quốc”.
Câu 2 (trang 59 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Bạn nhận xét như thế nào về hệ thống luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong bài viết?
Trả lời:
Hệ thống luận điểm rõ ràng, chặt chẽ. Lí lẽ và bằng chứng xác thực.
Câu 3 (trang 59 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Phần phê phán những biểu hiện tiêu cực của vấn đề và trao đổi với người đọc giúp bạn rút ra thêm kinh nghiệm gì khi viết kiểu bài này?
Trả lời:
Cần nhìn nhận vấn đề cần bàn luận theo góc nhìn đa chiều, để làm rõ nhiều khía cạnh của vấn đề.
Câu 4 (trang 59 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Bài viết có mạch lạc không? Dựa vào đâu bạn có thể kết luận như vậy?
Trả lời:
Bài viết trên rất mạch lạc. Bố cục được thể hiện qua 3 phần rõ ràng, hệ thống luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, dẫn chứng xác thực.
* Thực hành viết theo quy trình
Đề bài (trang 59 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Nhằm chào mừng ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ Truyền thông của đoàn trường tổ chức cuộc thi viết có nội dung bàn về Vấn đề xã hội với Tuổi trẻ hôm nay. Để hưởng ứng cuộc thi, hãy viết bài văn nghị luận bàn về một vấn đề xã hội có liên quan đến tuổi trẻ mà bạn quan tâm.
Bước 1: Chuẩn bị viết
Đề tài bài viết là một vấn đề xã hội có liên quan đến tuổi trẻ. Để xác định những vấn đề xã hội có liên quan đến tuổi trẻ thường được đề cập ở hiện tại, bạn có thể: tự hỏi bản thân, khảo sát, tìm hiểu bạn bè xung quanh hoặc tìm kiếm trong sách báo, trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet. Từ đó, chọn 1 vấn đề mà bạn quan tâm và có hứng thú nhất.
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý
Sau khi lựa chọn được đề tài, ta cần tìm ý và lập dàn ý cho bài văn nghị luận. Tìm ý cho bài viết bằng cách trả lời những câu hỏi liên quan đến vấn đề nghị luận. Sau đó chọn lọc, sắp xếp các ý vừa tìm được thành một dàn ý hoàn chỉnh.
Bước 3: Viết bài
Dưới đây là ví dụ về bài văn nghị luận về vấn đề có liên quan đến tuổi trẻ.
Mở bài:
- Giới thiệu được vấn đề cần bàn luận
- Nêu khái quát quan điểm của người viết về vấn đề lien quan đến tuổi trẻ
Thân bài:
- Giải thích khái niệm có liên quan về tuổi trẻ
- Nêu dẫn chứng, lí lẽ để làm sáng tỏ luận điểm.
- Đưa ra được lập luận hợp lý để trao đổi với những biểu hiện tiêu cực/ tích cực
- Giải pháp, bài học phù hợp
- Liên hệ các nhân
Kết bài. Tóm tắt lại vấn đề cần nghị luận.
Bước 4. Xem lại và chỉnh sửa
Đọc lại bài viết, tự kiểm tra bài viết của mình.
Bài viết tham khảo:
Trong quá khứ, việc viết thư mất rất nhiều thời gian và đợi đến khi nhận được thư cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay với sự phát triển của xã hội, cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng, các bạn trẻ đang dần phát triển lối sống không lành mạnh, đó là sống ảo.
Nghĩa là sao? Và điều gì khiến nhiều người mê mệt đến vậy? Sống ảo là việc sống trong một thế giới không thật với cuộc sống thực. Các bạn không cần tham gia các hoạt động ngoại khóa hay giao lưu trực tiếp, vẫn có thể tìm kiếm bạn bè và trò chuyện với mọi người thông qua các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, Yahoo!... và nhiều mạng khác. Bởi vì chúng quá hiện đại, nhiều bạn trẻ đã trở nên quá mê mải. Có những người có thể ngồi giờ đồng hồ để nhắn tin với người mới quen mà quên mất đi sự quan trọng của bạn bè thực tại. Thế giới ảo được xây dựng vô cùng đẹp và hấp dẫn, mỗi người có thể tạo dựng một thế giới riêng trên đó và được nhiều người gọi là bạn.
Nhiều bạn đã lạm dụng mạng xã hội để chia sẻ những hình ảnh không lành mạnh chỉ để thu hút sự chú ý. Họ sử dụng những lời lẽ không lịch sự để tỏ ra 'anh hùng bàn phím,' gây ra nhiều mâu thuẫn. Có những người xem thông tin không chính xác và theo đuổi lối sống không lành mạnh, tinh thần không ổn định. Tình yêu trực tuyến cũng là một hiện tượng phổ biến. Điều này không phải là sai, nhưng bạn đã đủ trưởng thành và thông minh để nhận biết đây có phải là tình yêu thật sự hay chỉ là một chiêu trò lừa đảo?
Nhiều bạn tin tưởng dễ dàng vào những lời nói ngọt ngào của những người mà họ chưa từng gặp, chỉ để phát hiện ra rằng người đó chỉ là một kẻ lừa đảo. Thực sự có rất nhiều nguy hiểm mà bạn không thể dự đoán được. Bạn có thể dành hàng giờ trên mạng, đắm chìm trong thế giới ảo và tránh xa thế giới thực. Khi bước ra khỏi thế giới ảo, bạn có thể cảm thấy lạ lẫm và không biết hướng đi của mình. Điều này dẫn đến sự rạn nứt trong mối quan hệ gia đình và bạn bè, ảnh hưởng đến học tập và kết quả học tập, và đặc biệt là làm xa lánh cơ hội đỗ đại học.
Mạng xã hội thực sự hữu ích, giúp mở rộng mối quan hệ và chia sẻ thông tin, cảm xúc một cách thuận tiện. Nhưng bạn cần sử dụng chúng đúng cách và đúng mức. Hãy dành thời gian học tập và cập nhật tin tức sau khi hoàn thành, để giảm căng thẳng. Người lớn cũng nên quan tâm đến bạn trẻ hơn, bởi đây là thời điểm họ dễ bị cám dỗ. Hãy tạo ra nhiều môi trường vui chơi thú vị để tránh tình trạng lạc quẻ và ngồi trên mạng suốt ngày.
Sống ảo có thể coi là một căn bệnh khó chữa. Nó ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của giới trẻ. Vì vậy, mỗi người cần có lối sống lành mạnh và không nên quá mê mải vào mạng xã hội. Nói một cách khác, mạng xã hội như một con dao hai lưỡi. Nếu bạn biết cách sử dụng nó, thì nó sẽ rất hữu ích. Nhưng nếu bạn quá nghiện, nó có thể trở thành con dao giết chết tâm hồn của bạn.