Soạn bài Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống - ngắn nhất Cánh diều
Soạn bài Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 9 Cánh diều giúp học sinh soạn văn 9 dễ dàng hơn.
Soạn bài Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống - Cánh diều
1. Định hướng
Yêu cầu thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi đã được rèn luyện ở Bài 4 (sách Ngữ văn 9, tập một). Bài 9 tiếp tục rèn luyện kĩ năng này. Về lí thuyết, các em xem lại mục 1. Định hướng trong phần Nói và nghe của Bài 4. Bài 9 tập trung vào thực hành, nội dung thảo luận gắn với vấn đề đặt ra trong các văn bản đã đọc. Văn bản bi kịch và truyện trong Bài 9 đặt ra rất nhiều vấn đề đáng quan tâm, cần thảo luận, chẳng hạn:
- Qua văn bản Sống, hay không sống? (trích Ham-lét của Sếch-xpia), thảo luận về quan niệm thế nào là sống có lí tưởng đối với tuổi trẻ hiện nay.
- Truyện Người thứ bảy (Mu-ra-ka-mi) nhắc nhở người đọc cần biết ăn năn, ân hận vì những lỗi lầm (hèn yếu) của chính mình.
- Từ văn bản Đình công và nổi dậy (trích Kim tiền của Vi Huyền Đắc), thảo luận về vấn đề tác dụng và tác hại của đồng tiền trong cuộc sống hoặc tiền có quyết định hạnh phúc của mỗi con người hay không.
Ngoài ra, các em cũng có thể nêu lên nhiều vấn đề khác đặt ra trong những văn bản đọc hiểu ở Bài 9 để thảo luận, trao đổi.
2. Thực hành
Bài tập (trang 100 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Từ những lời độc thoại của nhân vật Ham-lét trong đoạn trích “Sống, hay không sống?” (trích vở kịch Ham-lét của Sếch-xpia), thảo luận vấn đề biết tự vấn lương tâm là một cách rèn luyện để sống có ý nghĩa hơn.
a) Chuẩn bị
- Xem lại nội dung đọc hiểu văn bản Sống, hay không sống? và nội dung phần Viết trong Bài 9.
- Tìm hiểu ý nghĩa của sự dằn vặt, tự hỏi chính mình (tự vấn lương tâm).
- Liên hệ với cuộc sống hiện nay và trải nghiệm của cá nhân mình để có các lí lẽ và bằng chứng thuyết phục trong thảo luận.
b) Tìm ý và lập dàn ý.
- Bài thảo luận cần tập trung làm rõ vấn đề theo một số câu hỏi gợi ý sau:
+ Những lời độc thoại của Ham-lét trong đoạn trích Sống, hay không sống? nêu lên những băn khoăn, trăn trở gì trong tâm hồn của nhân vật này?
+ Những lời tự vấn lương tâm ấy đã giúp Ham-lét nhận ra điều gì?
+ Biết tự hỏi (tự vấn) về những suy nghĩ, hành động đúng, sai của mình trong cuộc sống có phải là một vấn đề mà tuổi trẻ hiện nay cần rèn luyện không? Vì sao?
+ Cần làm gì để có được thói quen nhìn nhận lại chính mình, biết tự vấn lương tâm để sống tốt hơn?
- Từ các ý đã tìm được, sắp xếp bài thảo luận theo bố cục ba phần
c) Nói và nghe
Tổ chức thảo luận bằng cách:
- Người chủ trì nêu vấn đề cần thảo luận.
- Một số bạn nêu ý kiến cá nhân.
- Các bạn khác trao đổi lại: đặt câu hỏi, nêu ý kiến phản bác và đề xuất ý kiến cảu các nhân mình,…
- Người chủ trì nêu ý kiến tổng hợp chung.
d) Kiểm tra, chỉnh sửa
Đối chiếu với các yêu ở mục 1. Định hướng và dàn ý đề văn đã làm ở bài này để kiểm tra, đánh giá:
- Nội dung trao đổi, thảo luận có tập trung vào trọng tâm không?
- Hình thức thảo luận đã phong phú, hấp dẫn; tạo được không khí tranh luận chưa?
- Thái độ, tình cảm trong thảo luận có phù hợp (hoà nhã, tôn trọng người đối thoại,…) không?
- Buổi thảo luận có những ưu điểm nào và còn mắc phải những hạn chế gì?
* Bài nói tham khảo:
Xin chào mọi người, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận vấn đề biết tự vấn lương tâm là một cách rèn luyện để sống có ý nghĩa hơn thông qua những lời độc thoại của nhân vật Ham-lét trong đoạn trích “Sống, hay không sống?”
Trong vở kịch "Ham-lét" của Sếch-xpia, những lời độc thoại của nhân vật chính đóng vai trò quan trọng trong việc khắc họa tâm lý phức tạp và bi kịch của nhân vật. Từ đoạn trích "Sống, hay không sống?" đến "đừng quên những tội lỗi của ta", những lời độc thoại này đã giúp tác giả thể hiện sâu sắc nội tâm và sự xung đột trong tâm hồn của Ham-lét.
Độc thoại là một kỹ thuật nghệ thuật cho phép nhà văn khám phá tâm trạng, dòng ý thức của nhân vật. Qua những lời độc thoại, người đọc có thể thấu hiểu sâu sắc về suy nghĩ, cảm xúc và những xung đột trong nội tâm nhân vật.
Trong đoạn trích "Sống, hay không sống?", Ham-lét bộc lộ sự lưỡng lự, giằng xé giữa việc tiếp tục sống với những đau khổ, oan trái của cuộc đời, hay lựa chọn cái chết để được giải thoát. Anh tự hỏi liệu có nên chấp nhận sống dưới ách áp bức của kẻ xấu xa, hay dùng vũ lực để làm sáng tỏ chân lý. Đây là mâu thuẫn sâu sắc trong tâm hồn nhân vật - giữa lý trí và cảm xúc, giữa khát vọng công lý và sự bế tắc trước thực tại. Những lời độc thoại đã giúp người đọc cảm nhận được nỗi khắc khoải, trăn trở của Ham-lét.
Lời độc thoại "đừng quên những tội lỗi của ta" càng khẳng định thêm sự ray rứt, ăn năn của Ham-lét trước những tội ác mà anh buộc phải gánh chịu. Đây là cuộc đấu tranh dai dẳng giữa lương tâm và hành động của một con người luôn cố gắng theo đuổi chân lý, nhưng bị vướng vào những âm mưu, dối trá.
Thông qua những lời độc thoại của nhân vật chính, Sếch-xpia đã thể hiện tài năng nghệ thuật xuất sắc khi khắc họa một cách sâu sắc nội tâm phức tạp và bi kịch của Ham-lét. Những lời thoại này không chỉ giúp người đọc hiểu rõ hơn về những xung đột, khắc khoải của nhân vật, mà còn góp phần tạo nên sức hấp dẫn và chiều sâu của tác phẩm. Những lời độc thoại của Ham-lét đã trở thành một trong những đỉnh cao của nghệ thuật kịch thi ca trong văn học thế giới.