Soạn bài Người thứ bảy - ngắn nhất Cánh diều
Soạn bài Người thứ bảy ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 9 Cánh diều giúp học sinh soạn văn 9 dễ dàng hơn.
Soạn bài Người thứ bảy - Cánh diều
1. Chuẩn bị
Yêu cầu (trang 85 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):
- Đọc trước văn bản Người thứ bảy, tìm hiểu thêm thông tin về nhà văn Mu-ra-ka-mi Ha-ru-ki (Murakami Haruki).
- Đọc nội dung sau để hiểu thêm bối cảnh của đoạn trích:
Trong đêm mưa bão, một tốp người trong căn phòng, nghe người đàn ông thứ bảy kể câu chuyện của mình: “Ông ta là người cuối cùng kể câu chuyện vào đêm đó.”.
Trả lời:
- Thông tin về nhà văn Mu-ra-ka-mi Ha-ru-ki (Murakami Haruki):
+ Murakami sinh ngày 12 tháng 1 năm 1949 tại Kyoto, nhưng lớn lên tại thành phố Nishinomiya và thành phố Ashiya ở tỉnh Hyogo.
+ Ông nội của ông là một nhà sư; ông ngoại của ông là một thương gia ở Osaka.
+ Bố và mẹ ông đều là giáo viên môn Văn học Nhật Bản.
+ Murakami đã trở thành hiện tượng trong văn học Nhật Bản đương đại với những mĩ danh "nhà văn được yêu thích", "nhà văn bán chạy nhất", "nhà văn của giới trẻ".
+ Murakami viết tác phẩm đầu tay của ông khi ông 29 tuổi. Ông nói rằng ông đột ngột nảy ra ý tưởng viết bộ tiểu thuyết đầu tay của mình (Lắng nghe gió hát, 1979) khi đang xem một trận bóng chày.
2. Đọc hiểu
* Nội dung chính: Văn bản đề cập đến câu chuyện giữa nhân vật tôi và cậu bạn thân tên K. Cậu bạn bị cuốn đi trong một trận bão và hình ảnh đó đã ám ảnh tâm trí nhân vật tôi trong bốn mươi năm.
* Trả lời câu hỏi giữa bài:
1. Chú ý mối quan hệ giữa nhân vật “tôi” và K.
- Nhân vật “tôi" và K là hai người bạn thân, K học thấp hơn “tôi" một lớp.
2. Nhân vật K có điểm gì đặc biệt?
- K có chứng khó đọc nhưng lại có năng khiếu trong lĩnh vực hội họa.
3. Chú ý bối cảnh xảy ra câu chuyện.
- Cuối tháng 9, một cơn bão lớn đổ bộ vào thị trấn
4. Con sóng được miêu tả thế nào?
- Con sóng dâng lên cao, chạm đến chân nhân vật “tôi” và rồi rút dần, cứ thế cuộn sâu và biến mất.
5. Điều gì khiến nhân vật “tôi” “không hiểu nổi”?
- K không nghe đươc cái tiếng gầm rú làm rung cả mặt đất như vậy.
6. Hình dung K trong lòng con sóng dữ.
- Nhỏ bé khi đứng trước con sóng, con sóng dữ dội.
7. Hình dung tâm trạng của nhân vật “tôi”.
- Bàng hoàng, sợ hãi, cô đơn.
8. Vì sao đây lại là câu chuyện khó tin đối với vài người?
- Đây là câu chuyện khó tin với vài người vì linh hồn K hiện về khi đã bị cơn sóng nuốt chửng.
9. Nhân vật “tôi” ân hận về điều gì?
- Vì đã sợ hãi, bỏ K lại một mình và chạy trốn.
- Ân hận hơn khi cha mẹ K và mọi người không trách mình.
10. Vì sao nhân vật “tôi” phải chuyển nơi ở?
- Vì bị ám ảnh bởi hình bóng của K ở bãi biển này.
11. Điều gì đã thay đổi trong con người nhân vật “tôi”?
- Không còn mơ thấy ác mộng.
12. Tìm hiểu ý nghĩa những lời cuối của “người thứ bảy”.
- Ý nghĩa: Thứ đáng sợ nhất mà chúng ta thấy là ta luôn đầu hàng với nỗi sợ.
* Trả lời câu hỏi cuối bài:
Câu 1 (trang 91 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Tóm tắt văn bản và xác định nhân vật chính của truyện Người thứ bảy.
Trả lời:
- Tóm tắt: “Tôi” và K là hai người bạn thân. Trong lần chơi ven biển vào một ngày trời dông bão lớn, con sóng dữ dội đã cuốn K đi trước sự chứng kiến của nhân vật “tôi”. Hình ảnh đau lòng ấy đã ám ảnh trong tâm trí của “tôi”. Để tránh nỗi đau ấy khiến nhân vật “tôi” phải chuyển chỗ ở. Sau bốn mươi năm, nhân vật “tôi” có thể dũng cảm quay trở lại quê nhà đối diện với nỗi đau quá khứ. Sau khi dạo quanh bờ biển năm ấy, nhân vật tôi cảm thấy may mắn vì nỗi sợ hãi đã được biến mất.
- Nhân vật chính là: nhân vật “tôi”.
Câu 2 (trang 91 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Nêu nội dung chính của mỗi phần được đánh số trong văn bản bằng một câu ngắn gọn.
Trả lời:
- (1): Nhân vật “tôi” chứng kiến K bị cơn sóng cuốn trôi.
- (2): Nỗi ám ảnh của nhân vật “tôi”.
- (3): Đối diện với nỗi sợ và sự giải thoát của nhân vật tôi.
Câu 3 (trang 91 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Phân tích sự chuyển biến tâm lí của nhân vật “tôi” trước và sau cái chết của K; từ đó, nhận xét về tính cách nhân vật “tôi”.
Trả lời:
- Trước cái chết của K:
+ 2 người có mối quan hệ thân thiết.
+ Đón nhận cơn bão bằng cả sự ngây thơ và hứng thú.
+ Khi con sóng đến: gọi K nhưng K không nghe thấy.
+ Khi con sóng cuốn lấy K, hoảng hốt tận mắt chứng kiến, chạy mất.
- Sau cái chết của K:
+ Trải qua một cú sốc tâm lí hơn là cơn sốt đơn thuần.
+ Vô cùng sốc, đau buồn và tự trách.
=> Tính cách nhân vật “tôi”:
+ Là người tình cảm, sống có trách nhiệm
+ Tuy là trẻ con còn ngây thơ nhưng suy nghĩ sâu sắc và trưởng thành.
+ …
Câu 4 (trang 91 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Hình ảnh con sóng dữ dội và nụ cười của nhân vật K trong con sóng được nhắc lại nhiều lần có ý nghĩa và tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung truyện?
Trả lời:
- Hình ảnh con sóng dữ dội tượng trưng cho những khó khăn thử thách trong cuộc sống mà con người luôn luôn phải đối mặt.
- Hình ảnh nụ cười của nhân vật K tượng trưng cho sự lạc quan để vượt qua những thử thách trong cuộc sống.
=> Hai hình ảnh này có ý nghĩa nhấn mạnh và tạo ra sự ấn tượng mạnh mẽ về cách truyền đạt nội dung, ý nghĩa và thông điệp của câu chuyện.
Câu 5 (trang 91 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Truyện Người thứ bảy muốn gửi bạn thông điệp gì? Đoạn kết của truyện có phải là nội dung thông điệp ấy không? Vì sao?
Trả lời:
- Thông điệp: Khi gặp khó khăn đừng nên trốn chạy thay vào đó hãy dũng cảm đối mặt.
- Đoạn kết của truyện chính là nội dung thông điệp vì bài học mà nhân vật “tôi” nhận ra cũng là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến bạn đọc.
Câu 6 (trang 92 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Em có ấn tượng sâu sắc nhất về chi tiết (hình ảnh, sự việc, nhân vật, lời thoại...) nào trong truyện ngắn này? Vì sao?
Trả lời:
Em thích nhất là nhân vật “tôi”, nhân vật còn trẻ con nhưng luôn sống tình cảm và có trách nhiệm. Với độ tuổi ấy vốn sẽ quên hết thảy mọi thứ sau một thời gian, nhưng với nhân vật “tôi” thì không, hình ảnh ấy mãi là nỗi dày vò và ám ảnh. Đến tận mãi sau này khi có đủ dũng khí đối mặt với quá khứ cậu mới có thể giải thoát cho chính bản thân mình.