Soạn bài Tri thức ngữ Văn trang 106 Tập 2 - ngắn nhất Cánh diều
Soạn bài Tri thức ngữ Văn trang 106 Tập 2 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 9 Cánh diều giúp học sinh soạn văn 9 dễ dàng hơn.
Soạn bài Tri thức ngữ Văn trang 106 Tập 2 - Cánh diều
1. Phân tích tác phẩm văn học
- Phân tích tác phẩm văn học là một dạng bài nghị luận văn học rất phổ biến. Đây là dạng văn bản chủ yếu sử dụng thao tác phân tích, chỉ ra cái hay, cái đẹp về nội dung và sự độc đáo về hình thức của một tác phẩm văn học. Phân tích có thể từ nội dung khái quát chỉ ra các biểu hiện cụ thể hoặc từ các yếu tố cụ thể làm rõ cho nội dung khái quát.
- Là kiểu bài nghị luận nên văn bản phân tích tác phẩm văn học cũng có mục đích thuyết phục người đọc bằng việc nêu lên luận đề và luận điểm, lí lẽ và bằng chứng,… Muốn phân tích đúng tác phẩm văn học, người viết cần bám sát đặc điểm thể loại của tác phẩm; nhận biết các yếu tố hình thức độc đáo và tác dụng của chúng trong việc làm sáng tỏ nội dung; nhận xét, đánh giá được giá trị của tác phẩm;… Các văn bản nghị luận văn học trong Bài 10 đều là các bài phân tích tác phẩm văn học.
2. Cách trình bày vấn đề trong văn bản nghị luận văn học
- Thông thường, trong bài nghị luận nói chung và nghị luận văn học nói riêng, người viết thường kết hợp nêu vấn đề một cách khách quan và chủ quan.
+ Trình bày khách quan là nêu lên những thông tin vốn có của đối tượng; ví dụ: nêu nội dung chính của văn bản, thuật lại vắn tắt cốt truyện, giới thiệu hệ thống nhân vật trong tác phẩm, nêu khái quát đặc điểm hình thức nghệ thuật,…
+ Trình bày chủ quan là thể hiện tình cảm, quan điểm, thái độ của người viết trước vấn đề được bàn luận trong bài nghị luận văn học. Đó thường là những nhận xét, đánh giá mang màu sắc cá nhân mà người viết muốn bày tỏ, thể hiện.
3. Một số lưu ý về trích dẫn tài liệu để tránh đạo văn
Trong học tập, nghiên cứu khoa học, việc tham khảo các tài liệu, ý kiến liên quan để hiểu rõ vấn đề mình đang quan tâm là rất cần thiết. Tuy nhiên, để tránh đạo văn (sao chép ý kiến của người khác mà không chú thích rõ nguồn gốc, biến ý kiến đó thành ý kiến của mình), cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Yêu cầu chung: Mọi ý kiến, khái niệm có ý nghĩa quan trọng mà không phải của người viết đều phải được trích dẫn . Việc trích dẫn các tài liệu tham khảo phải bảo đảm sự trung thực, chính xác (không thêm bớt từ ngữ dẫn đến việc hiểu không đúng ý kiến của tác giả được trích dẫn). Phải ghi rõ nguồn (xuất xứ) của ý kiến được trích dấn (gồm các thông tin: tên tác giả, tên công trình, nơi xuất bản, năm xuất bản, số trang).
- Yêu cầu cụ thể:
+ Về cách trích dẫn, có hai hình thức: dẫn nguyên văn (dẫn trực tiếp; lời dẫn này cần để trong dấu ngoặc kép hoặc in nghiêng) và dẫn ý (dẫn gián tiếp; chỉ nêu nội dung chính của ý kiến được trích dẫn; lời dẫn này không để trong dấu ngoạc kép).
+ Về cách ghi nguồn ý kiến được trích dẫn, có ba hình thức: chú thích nguồn trích dẫn ở ngay sau ý kiến được trích dẫn, chú thích ở chân trang và lập danh mục tài liệu tham khảo ở cuối bài viết. Tên các tài liệu trong danh mục tài liệu tham khảo được sắp xếp theo thứ tự a, b, c,… của tên hoặc họ tác giả (trường hợp tài liệu không có tác giả thì xếp theo thứ tự a, b, c,… của tên tài liệu).
4. Quảng cáo và tờ rơi
- “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm dịch vụ không có mục đích sinh lời; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin tức thời sự, chính sách xã hội, thông tin cá nhân”. (Theo Luật Quảng cáo 2012, khoản 1, Điều 2)
- Tờ rơi là một ấn phẩm in được sử dụng để tuyên truyền hoặc quảng cáo với số lượng lớn. Các tờ rơi thường được phát miễn phí cho mọi người.