Chiếc thuyền ngoài xa - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý
Chiếc thuyền ngoài xa - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý
Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa Ngữ văn lớp 12, bài học tác giả - tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa trình bày đầy đủ nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý phân tích, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích tác phẩm.
A. Nội dung tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa
Theo yêu cầu của trưởng phòng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đến một vùng ven biển miền Trung – nơi anh đã từng chiến đấu để chụp một tấm ảnh thuyền biển, bổ sung cho cuốn lịch năm mới. Sau nhiều ngày “phục kích”, Phùng đã chụp được một bức ảnh tuyệt đẹp về chiếc thuyền ngoài xa trên biển sớm mờ sương. Nhưng khi chiếc thuyền vào gần bờ, anh kinh ngạc chứng kiến cảnh gã đàn ông vũ phu đánh vợ một cách dã man mà người vợ không chống lại cũng không tìm cách chạy trốn. Đứa con vì muốn bảo vệ mẹ đã đánh lại cha mình. Những ngày sau, cảnh tượng đó lại tiếp diễn. Lần này, Phùng đã ra tay can thiệp.
Phùng đã nán lại mấy ngày theo lời mời của chánh án Đẩu - đồng đội cũ của anh, tình cờ Phùng được nghe câu chuyện cuộc đời của người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện. Anh càng ngạc nhiên hơn khi người đàn bà ấy đã từ chối sự giúp đỡ của anh và Đẩu, một mực xin không phải li dị lão chồng vũ phu.
Tấm ảnh Phùng chụp, mãi sau này vẫn là một tác phẩm được yêu thích. Tuy nhiên, mỗi lần đứng trước tấm ảnh, Phùng đều thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ anh cũng thấy người đàn bà nghèo khổ, lam lũ ấy bước ta từ tấm ảnh rồi hòa lẫn trong đám đông.
B. Đôi nét về tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa
1. Tác giả
- Tiểu sử
+ Nguyễn Minh Châu (1930-1989), quê ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
+ Năm 1945 ông tốt nghiệp trường Kỹ nghệ Huế.
+ Năm 1950 ông gia nhập Quân đội và học trường Sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn.
+ Từ năm 1952 đến năm 1958 ông làm việc tại Sư đoàn 320.
+ Năm 1962 ông công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội.
+ Năm 1972 ông là thành viên Hội nhà văn Việt Nam.
- Sự nghiệp văn học
+ Phong cách nghệ thuật
- Phong cách của ông là phong cách tự sự - triết lí đậm nét.
+ Tác phẩm chính
- Các tác phẩm chính của ông là: Sau một buổi tập (1960); Cửa sông (1966), Dấu chân người lính (1972), Miền cháy (1977), Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Bến quê ( 1985), Phiên chợ Giáp(1989), ….
- Vị trí, tầm ảnh hưởng
- Cây bút văn xuôi tài năng của văn học Việt Nam hiện đại. Trước những năm tám mươi, ông sáng tác theo khuynh hướng sử thi thiên về trữ tình, lãng mạn. Sau đó, ông chuyển sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức, triết lý nhân sinh.
- Là người mở đường tinh anh, cây bút tiên phong trong văn học thời kì đổi mới.
2. Tác phẩm
a, Hoàn cảnh sáng tác
Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được Nguyễn Minh Châu sáng tác năm 1983, in lần đầu trong tập “Bến quê” 1985, sau đó được tác giả lấy làm tên chung cho tuyển tập truyện ngắn in năm 1987.
Câu chuyện kể lại chuyến đi thực tế của một nghệ sĩ nhiếp ảnh và những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về nghệ thuật và cuộc đời.
b, Bố cục
- Phần 1: từ đầu đến "cố níu giữ ở chơi thêm vài bữa"
+ Phát hiện thứ nhất của nhân vật Phùng.
- Phần 2: từ “Ngay lúc ấy” đến “chiếc thuyền lưới vó đã biến mất”
+ Phát hiện thứ hai của nhân vật Phùng
- Phần 3: Còn lại
+ Câu chuyện của người đàn bà hàng chài và những thức tỉnh của Phùng.
c, Phương thức biểu đạt: Tự sự
d, Thể loại: Truyện ngắn
e, Ngôi kể: Tác giả sử dụng ngôi kể thứ
f, Ý nghĩa nhan đề:
Đây là 1 nhan đề mang ý nghĩa biểu tượng, hé mở tình huống và thể hiện được chủ đề của tác phẩm. Với 2 tầng nghĩa:
Tầng nghĩa thứ nhất “Cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh”: Hình ảnh 1 cánh buồm nhòa mờ trong màn sương huyền ảo của buổi sớm mai trên biển xa. Vẻ đẹp hài hòa, toàn bích như trong “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ” khiến người nghệ sĩ xúc động như vừa “khám phá thấy chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”.
Dẫn đến tầng nghĩa thứ 2: Đằng sau vẻ đẹp tuyệt diệu ấy lại là cuộc sống của những người dân chài bị giam cầm bởi đói nghèo tăm tối và bạo lực gia đình. -> sự đối lập giữa ngoại cảnh và hiện thực cuộc sống.
Ý nghĩa về cách nhìn cuộc sống: Không phải bao giờ cái đẹp cũng tồn tại song song với cái thiện, không phải cái bên ngoài lúc nào cũng thể hiện bản chất bên trong và muốn hiểu đúng 1 con người, hiểu cuộc sống cần có cái nhìn thấu đáo, đa chiều, sâu sắc ở nhiều góc độ.
g, Giá trị nội dung
Từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức ảnh, truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện, nhiều chiều chứ không thể đánh giá con người, sự vật qua vẻ bề ngoài của nó.
Đồng thời, câu chuyện trong bức ảnh nghệ thuật cũng đặt ra một vấn đề về nghệ thuật cho người nghệ sĩ. Đó là không nên nhìn cuộc sống qua lăng kính màu hồng mà cần phải lăn xả vào hiện thực để nhìn nhận nó một cách đúng đắn. Phải rút ngắn khoảng cách giữa cuộc sống và nghệ thuật, trả nghệ thuật về đúng với ý nghĩa thực của nó.
h. Giá trị nghệ thuật
Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo: Tác giả đã dựng nên tình huống nghịch lí giữa hình ảnh của con thuyền khi ở ngoài xa với con thuyền lúc đến gần để tạo ra tình huống nhận thức cho nhân vật của mình, cũng là cho người đọc.
Cách khắc họa nhân vật, cốt truyện hấp dẫn kết hợp với ngôn ngữ sử dụng rất linh hoạt, sáng tạo góp phần làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm
Giọng điệu: chiêm nghiệm, suy tư, trăn trở phù hợp với tình huống nhận thức. Đồng thời cũng làm nên nét đặc trưng trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu
C. Sơ đồ tư duy Chiếc thuyền ngoài xa
D. Đọc hiểu văn bản Chiếc thuyền ngoài xa
1. Hai phát hiện của nhiếp ảnh gia Phùng.
a. Phát hiện 1: Một cảnh đẹp trời cho.
- Vẻ đẹp trời cho mà cả đời bấm máy người nghệ sĩ chỉ có diễm phúc bắt gặp một lần: “Mũi thuyền in... trên chiếc mui khum khum...”
+ Một bức tranh mực tàu thời cổ.
+ Toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa.
+ Một vẻ đẹp toàn bích.
+ Những từ ngữ ấn tượng ca ngợi bức tranh thiên nhiên hoàn mỹ với vẻ đẹp cổ điển mà lãng mạn của bức tranh biển lúc bình minh.
- Cảm xúc của người nghệ sĩ: ngây ngất, bay bổng, tràn ngập hạnh phúc đến mức anh ″tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự hoàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn″.
b. Phát hiện 2: Hiện thực cuộc sống.
Chiếc thuyền đẹp như mơ
Hai vợ chồng thuyền chài.
- Chồng: hành động vũ phu để giải tỏa.
- Vợ: cam chịu, nhẫn nhục.
- Thằng bé: như một viên đạn trên đường lao tới đích nhảy xổ vào gã đàn ông.
- Một bi kịch ngang trái mà người nghệ sĩ phải chứng kiến đúng lúc cảm xúc nghệ thuật đang thăng hoa.
=> Người nghệ sĩ nhận ra rằng: đằng sau cái đẹp không phải bao giờ cũng là chân lý của sự hoàn thiện, là đạo đức. Cuộc đời vốn chứa đựng nhiều điều phức tạp, đầy mâu thuẫn.
2. Câu chuyện ở tòa án huyện
a. Câu chuyện về người đàn bà làng chài.
- Gọi là ″người đàn bà″ một cách phiếm định ⇒người đàn bà vô danh như bao người đàn bà vùng biển khác.
- Cuộc đời bất hạnh, chứa đầy mâu thuẫn, bi kịch: nghèo khổ, con đông, bị chồng hành hạ, đánh đập.
- Thấu hiểu chồng.
- Cam chịu, nhất quyết gắn bó với người đàn ông vũ phu ấy vì:
+ Trong cuộc mưu sinh đầy cam go để kiếm sống ngoài biển khơi cần có một người đàn ông khỏe mạnh và biết nghề.
+ Những đứa con của bà cần được sống và lớn lên: "Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình"
⇒ Trong đau khổ triền miên, người đàn bà ấy vẫn chắt lọc được những niềm vui hạnh phúc nhỏ nhoi. Ẩn trong đó hạt ngọc ẩn sâu bên trong tâm hồn con người lao động lam lũ, vất vả. Qua đó, thấp thoáng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, vị tha, đầy cảm thông.
Ý nghĩa: mỗi người trong cuộc đời, nhất là người nghệ sĩ không thể nhìn cuộc sống và con người một cách đơn giản.
b. Người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng
- Vốn là nghệ sĩ, chiến sĩ, nhạy cảm với cái đẹp và ghét áp bức bất công.
- Chưa hiểu hết những phức tạp của cuộc đời, của con người: ″không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được″, vỡ lẽ nhiều điều, hiểu hơn về con người, cuộc đời.
⇒ Phùng là một nghệ sĩ chân chính, có trái tim nhân hậu: không chỉ say mê nghệ thuật mà còn luôn trăn trở, suy nghĩ về lẽ sống; biết thông cảm, sẻ chia và bênh vực cho những mảnh đời bất hạnh.
Ý nghĩa: Thời đại mới đòi hỏi người nghệ sĩ cần có cái nhìn mới đa chiều về cuộc sống, con người.
c. Chánh án Đẩu
- Tin giải pháp anh lựa chọn cho người đàn bà là đúng nhất.
- Thay đổi cái nhìn, hiểu hơn về con người, cuộc đời ″Phải, phải, bây giờ tôi đã hiểu″.
⇒ Vị Bao Công vùng biển nhưng thiếu cái nhìn thực tế.
3. Nghệ thuật
- Cách xây dựng cốt truyện giản dị mà độc đáo:
- Tình huống mang ý nghĩa khám phá, phát hiện.
- Những tình huống dồn dập diễn ra trong một khoảnh khắc, mạch truyện phát triển, mỗi nhân vật bộc lộ hết tính cách.
- Nghệ thuật trần thuật: Ngôn ngữ người kể chuyện: Phùng hóa thân của tác giả tạo ra điểm nhìn trần thuật sắc sảo, khách quan, giàu sức thuyết phục.
- Ngôn ngữ nhân vật: phù hợp với đặc điểm tính cách từng người.