X

Soạn văn lớp 12

Soạn bài Tây Tiến (Quang Dũng) ngắn nhất


Soạn bài Tây Tiến (Quang Dũng)

Hướng dẫn soạn bài

Câu 1 (trang 90 sgk Văn 12 Tập 1): Bố cục:

- Đoạn 1: Nỗi nhớ khung cảnh chiến trường của nhà thơ - một chiến trường vừa dữ dội, ác liệt lại vừa thơ mộng, trữ tình.

- Đoạn 2: Cảnh đêm liên hoan ở vùng biên giới Việt Lào hiện lên qua nỗi nhớ của tác giả.

- Đoạn 3: Chân dung người lính Tây Tiến hào hùng mà hào hoa với lí tưởng đẹp "chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh", với cái chết bất tử đầy bi tráng.

- Đoạn 4: Hồn người Tây Tiến vẫn gắn bó với "Tây Tiến mùa xuân ấy" của một thời đánh giặc anh hùng rực lửa.

Mạch liên kết giữa các đoạn chính là nỗi nhớ của nhà thơ về cảnh và người Tây Tiến.

Câu 2 (trang 90 sgk Văn 12 Tập 1)

a. Bức tranh thiên nhiên ở đoạn 1 vừa hiện lên dữ dội hùng vĩ vừa thơ mộng trữ tình:

- Thiên nhiên dữ dội hùng vĩ được thể hiện qua:

      + Khí hậu khắc nghiệt: "sương lấp đoàn quân mỏi"

      + Địa hình hiểm trở cheo leo:

    • Thể hiện qua các từ láy giàu sức tạo hình: khúc khuỷu (độ gấp hẹp), thăm thẳm (độ sâu hẹp), heo hút (hoang vu)

    • Phép đối ngắt nhịp câu thơ 4/3 tạo nên thế dốc thẳng đứng làm cho cảnh vật thêm hùng vĩ: Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

    • Phối hợp nhiều thanh trắc: để diễn tả sự trắc trở, hiểm nguy.

      + Thiên nhiên vùng Tây Bắc còn có vẻ đẹp bí ẩn, hoang sơ, luôn dình dập, đe dọa con người: Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

    • Chiều chiều, đêm đêm: thường xuyên nhưng cũng bất chợt, không lường trước được.

    • Thác gầm thét, cọp trêu người: cảm giác rùng rợn, bí ẩn.

    • Mường Hịch, cọp: các dấu nặng như bước chân của loài thú dữ luôn dình dập đâu đấy.

- Thiên nhiên thơ mộng, trữ tình:

      + Qua đôi mắt lãng mạn của người chiến sĩ:

    • Hoa về trong đêm hơi: hoa ở đây có thể là bông hoa ven đường, cũng có thể là những ánh đuốc lung linh

    • Pha Luông mưa xa khơi: câu thơ toàn thanh bằng gợi cảm giác nhẹ nhàng, làm dịu đi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Ngôi nhà chím lấp trong sương mù bình yên, thơ mộng.

b. Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến trên nền thiên nhiên ấy:

- Trước hết, ta thấy ở họ là khí phách anh hùng, tinh thần dũng cảm qua cái nhìn vô cùng tinh nghịch, táo bạo:

      + Súng ngửi trời: mũi súng như chạm đến trời xa, hình ảnh ngạo nghễ hiện lên đầy thách thức làm nên một tư thế chiến thắng.

- Họ còn là những người không sợ hi sinh: Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời:

      + Nhà văn không hề né tránh khi viết về cái chết

      + Nhưng những cụm từ: không bước nữa/ bỏ quên đời làm cho sự hi sinh không hề khốc liệt mà người lính như đang tạm nghỉ trên con đường hành quân đầy mỏi mệt. Điều đó, mang đậm chất bi tráng.

- Bên cạnh đó, họ còn có những kỉ niệm ấm áp tình quân dân với miền đất đã trở thành một phần tâm hồn họ: Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Câu 3 (trang 90 sgk Văn 12 Tập 1)Đoạn 2:

- Thiên nhiên Tây Bắc: gắn liền với sông nước trữ tình:

      + Chiều sương: gợi lên không gian vắng vẻ, huyền ảo trong sương mờ bảng lảng.

      + Hồn lau nẻo bến bờ: cảnh vật như có hồn, huyền ảo thiêng liêng.

      + Hoa đong đưa: vừa mềm mại dễ thương vừa tình tứ.

- Thiên nhiên Tây Bắc đẹp như một bức tranh thủy mặc.

- Con người:

      + Nàng e ấp: vẻ đẹp duyên dáng, vừa e thẹn vừa tinh tế

      + Dáng người trên độc mộc: vẻ đẹp mềm mại duyên dáng lại khỏe khoắn

Câu 4 (trang 90 sgk Văn 12 Tập 1): Hình ảnh người lính Tây Tiến ở đoạn thứ ba:

a. Chất bi tráng:

- Dáng vẻ bề ngoài: không mọc tóc/ xanh màu lá.

- Sốt rét rừng làm cho họ rụng hết tóc và làm cho nước da trở nên xanh xao nhưng nhà thơ nhìn hiện thực ấy bằng lăng kính lãng mạn nên trong gian khổ thì hình ảnh người lính vẫn hiện lên với khẩu khí anh hùng.

- Khí phách bên trong: dữ oai hùm / mắt trừng

- Dữ oai hùm mang sức mạnh oai linh chốn sơn lâm. Hình ảnh mắt trừng thể hiện nội tâm sôi sực hướng về nhiệm vụ, trằn trọc khi nhớ về quê hương.

- Khúc tráng ca lên đường:

      + Hiện thực khốc liệt với đau thương mất mát:

    • Anh về đất: bao bọc bởi đất mẹ

      + Trang trọng hóa:

    • Dùng từ Hán Việt: Đoàn binh, biên cương, viễn xứ tạo nên sự tôn kính, trang nghiêm mà hùng tráng

    • Áo bào thay chiếu: cái chết trở thành bất tử, được anh hùng hóa.

    • Âm thanh của thiên nhiên: dữ dội, chất chứa đau thương.

b. Vẻ đẹp lãng mạn:

- Giấc mộng về tình yêu hào hoa: Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

- Lí tưởng chiến đấu: Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh đã cho thấy khát vọng ấn thân, một sự hi sinh cao cả cho lí tưởng đầy hào hùng, nghĩa khí.

Câu 5 (trang 90 sgk Văn 12 Tập 1)

- Ngồi ở Phù Lưu Chanh, Quang Dũng nhớ về chiến trường xưa và những người đồng đội cũ một thời chiến đấu vô cùng gian khổ mà rực lửa anh hùng. Giữa nhà thơ và những ngày Tây Tiến có cả một khoảng cách thời gian và không gian thăm thẳm "Đường lên thăm thẳm một chia phôi"

- "Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi", có nghĩa là gắn với những ngày tháng đẹp nhất của đoàn quân Tây Tiến, một đoàn quân đã đi vào lịch sử của dân tộc như một chứng tích không thể nào quên.

Tổng kết: Với cảm hứng lãng mạn và ngòi bút tài hoa, Quang Dũng đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến trên nền cảnh thiên nhiên núi rừng miền Tây hùng vĩ, dữ dội và thơ mộng. Hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng.

Luyện tập:

1.- Bút pháp của Quang Dũng là bút pháp lãng mạn

- Bút pháp trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu là bút pháp hiện thực.

- Nếu như ở bài thơ Đồng chí, hình tượng người lính được hiện lên qua những khía cạnh về tình đồng chí như:

      + Cơ sở của tình đồng chí: cùng xuất thân là những người nông dân chất phác, cùng trải qua những khó khăn.

      + Biểu hiện cao đẹp của tình đồng chí.

- Cách triển khai ý của nhà thơ Chính Hữu mang đậm hiện thực khốc liệt về cuộc chiến tranh những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Thực dân: Quê hương anh nước mặn đồng chua…Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá..

- Thì ở bài thơ Tây Tiến, cảm hứng lãng mạn đã chi phối cái nhìn về hình tượng người lính, bởi họ không phải là những người nông dân như trong thơ Chính Hữu mà là tầng lớp học sinh, sinh viên vốn mang trong mình nhiều khao khát, ước mơ và lí tưởng.

2. Chân dung người lính Tây Tiến:

- Họ xuất thân là những học sinh, sinh viên Hà thành nên mang trong mình nhiều ước mơ, lí tưởng và cả sự tinh nghịch, trẻ trung của lứa tuổi.

- Vẻ đẹp bi tráng đã làm nên sự khác biệt ở họ: Cái bi là sự gian khổ, hi sinh. Cái tráng là sự hào hùng, tráng lệ. Chất bi tráng của một hình tượng nghệ thuật là vẻ đẹp vừa có tính chất buồn thảm làm não lòng người vừa có tính chất hùng tráng, mạnh mẽ gây ấn tượng. Chất bi tráng hoà quyện vào nhau, sự gian khổ, hi sinh được thể hiện qua màu sắc hào hùng, tráng lệ, bi mà không luỵ.

- Không chỉ mang vẻ đẹp bi tráng mà tâm hồn họ còn tràn ngập sự lãng mạn, hào hoa: ở nơi chiến trường khốc liệt nhưng hằng đêm họ vẫn "mơ Hà Nội dáng kiều thơm", từ đó ta thấy Quang Dũng không dựng lên cho ta thấy những người lính như sắt đá, chỉ biết đến chiến trường mà họ cũng chỉ là những cô cậu thanh niên bình thường nhất. Con người bình thường tồn tại trong những con người phi thường đó.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 12 Tập 1 ngắn gọn, hay khác:

Mục lục Soạn văn 12 theo học kì:

Các bài soạn văn, soạn bài, giải bài tập được biên soạn bám sát nội dung sgk.