X

Soạn văn lớp 12

Tổng hợp các bài tóm tắt tác phẩm Ngữ văn lớp 12 ngắn nhất


Tổng hợp các bài tóm tắt tác phẩm Ngữ văn lớp 12 ngắn nhất

Nhằm mục đích giúp học sinh nắm được nội dung chính của các tác phẩm qua đó dễ dàng soạn văn lớp 12 hơn, chúng tôi tổng hợp các bài tóm tắt các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 12 ngắn gọn, chi tiết.

Tổng hợp các bài tóm tắt tác phẩm Ngữ văn lớp 12 ngắn nhất

Tóm tắt bài Tuyên ngôn độc lập

Tóm tắt bài Tuyên ngôn độc lập - mẫu 1

Tuyên ngôn độc lập - văn kiện có ý nghĩa lịch sử sống còn với vận mệnh dân tộc. Nếu ở Mỹ có Tuyên ngôn độc lập năm 1776, ở Pháp có bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 thì Việt Nam có bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh được tuyên bố ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945 tại quảng trường Ba Đình để xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến; khẳng định quyền tự chủ và vị thế của dân tộc ta trên thế giới, đó là mốc son chói lọi đánh dấu kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập được Bác triển khai theo ba nội dung rõ ràng. Phần mở đầu: Bác có đưa ra cơ sở cho bản Tuyên ngôn nói về quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc dựa vào hai bản tuyên ngôn của Mỹ và Pháp-hai nước tư bản lớn trên thế giới-hai quốc gia xâm lược Việt Nam. Bác dùng những lí lẽ đó để làm bản lề vạch ra cho ta thấy những việc làm trái với tuyên ngôn của chúng. Phần nội dung: Những cơ sở thực tế đã được chỉ ra, đó là những tội ác của Pháp, chúng đã thi hành ở nước ta hơn 80 năm nay trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa-giáo dục. Tất cả những điều đó đập tan luận điệu xảo trá của kẻ thù đã, đang và sẽ nô dịch nước ta trở lại. Phần kết luận: Lời tuyên bố đanh thép và khẳng định quyết tâm sắt đá giữ vững nền độc lập dân tộc. Tuyên ngôn độc lập đã hội tụ vẻ đẹp tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh đồng thời cho thấy khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.

Tóm tắt bài Tuyên ngôn độc lập - mẫu 2

Ngày 2/9/1945 Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa-mốc son chói lọi trong lịch sử đánh dấu kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Văn bản Tuyên ngôn độc lập được Bác viết cho ai? Người viết để hướng tới “đồng bào cả nước”-những người hơn 80 năm qua rên xiết dưới ách xâm lược của thực Pháp và phát xít Nhật. Không chỉ vậy đối tượng của bản Tuyên ngôn còn là các nước thực dân xâm lược-thế lực thù địch có dã tâm cướp nước ta lần nữa, đặc biệt là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đồng thời Người còn hướng đến toàn thể nhân dân trên toàn thế giới. Bác viết như thế nào? Người đưa ra cơ sở lý luận và cơ sở thực tế cho bản Tuyên ngôn của dân tộc. Trước hết về cơ sở lí luận được Bách trích dẫn về quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc trong bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776, bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Pháp. Về cơ sở thực tiễn Bác tố cáo tội ác của thực dân Pháp đã gây ra cho dân tộc ta hơn 80 năm qua. Từ đó đập tan luận điệu xảo trá, bẻ gãy ngọn cờ “bảo hộ”của chúng. Cuối cùng Bác viết để làm gì? Mục đích cao cả nhất, lớn lao nhất của bản Tuyên ngôn là: tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, khẳng định quyền tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc ta trên toàn thế giới và khẳng định quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc ta bằng tất cả “tinh thần và lực lượng, tính mạng của cải”. Tuyên ngôn độc lập đã hội tụ vẻ đẹp tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh đồng thời cho thấy khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.

Tóm tắt bài Tuyên ngôn độc lập - mẫu 3

Bản Tuyên ngôn mở đầu bằng những câu trích dẫn từ "Tuyên ngôn độc lập" của Mỹ, " Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền" của Pháp để khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Tiếp đó, bản tuyên ngôn lên án tội ác của thực dân Pháp đối với dân tộc Việt Nam trong đó hơn 80 năm chúng xâm lược chúng ta. Đó là tội ác về kinh tế , chính trị , văn hóa, tội bán nước hai lần cho Nhật. Bản tuyên ngôn nêu cao cuộc đấu tranh chính nghĩa và thắng lợi của nhân dân ta. Bản tuyên ngôn kết thúc bằng lời tuyên bố quyền độc lập tự do và ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập tự do của toàn dân tộc.

Tóm tắt bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc

Tóm tắt bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc - mẫu 1

Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy và càng nhìn thì càng thấy sáng. Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu chưa sáng tỏ hơn trong bầu trời văn nghệ dân tộc vì nhiều người chỉ biết ông là tác giả của Lục Vân Tiên và hiểu tác phẩm này còn thiên lệch. Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước. Đời sống và hoạt động thơ văn của ông là một tấm gương anh dũng theo tư tưởng nhân nghĩa. Những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu phản ánh trung thành những đặc điểm bản chất của giai đoạn lịch sử, làm sống lại phong trào kháng Pháp bền bỉ và oanh liệt. Tiêu biểu là những bài văn tế, bài Xúc cảnh, đặc biệt là truyện thơ Lục Vân Tiên là tác phẩm lớn nhất của ông được phổ biến trong dân gian, nhất là ở Nam Bộ. Tóm lại, Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho, một nhà thơ lớn và một nhà chí sĩ yêu nước. Thơ văn yêu nước do ông sáng tác là tấm gương phản chiếu phong trào chống Pháp bền bỉ, oanh liệt của nhân dân Nam Bộ.

Tóm tắt bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc - mẫu 2

Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn lớn của nền văn học dân tộc nước nhà với các tác phấm có giá trị nhân văn sâu sắc. Nhà thơ mù họ Nguyễn đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng hết lòng ngợi ca trong bài viết “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc” để kỉ niệm 75 năm ngày mất của ông. Văn bản được tác giả viết theo bố cục ba phần mạch lạc: Phần mở đầu với luận đề “Trên trời có những vì sao sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”. Đây là cách nhìn mới mẻ, sâu sắc của Phạm Văn đồng về thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Phần nội dung: gồm ba luận điểm cụ thể hóa cho luận điểm bao trùm ở phần mở đầu. Luận điểm 1: “ánh sáng khác thường” được chứng minh qua cuộc đời và quan niệm sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu. Luận điểm 2; “ánh sáng khác thường” trong thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu nội dung chủ yếu nói về tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Luận điểm 3: “ánh sáng khác thường” trong truyện thơ “Lục Vân Tiên”. Phần kết luận: tác giả đánh giá vị trí của Nguyễn Đình Chiểu trong nền văn học dân tộc và khẳng định giá trị thơ văn vượt thời gian của Đồ Chiểu. Bài viết đã cho ta cách đánh giá mới mẻ, đúng đắn về Nguyễn Đình Chiểu cùng ý nghĩa thiết thực trong các tác phẩm văn chương của ông.

Tóm tắt bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc - mẫu 3

Tác giả nêu luận điển xuất phát: Phải có cái nhìn đúng về văn chương Nguyễn Đình Chiểu và thơ văn của ông. Cách nhìn đó là: “Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thấy càng sáng.thơ văn Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”. Sau đó, tác giả nêu các luận điểm bổ sung để chứng minh cho luận điểm xuất phát: Cách nhìn đúng đắn đó được cụ thể hoá qua cách đánh giá (của tác giả) về: Cuộc đời và quan niệm sáng tác; thơ văn yêu nước; Tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên - Tác phẩm phổ biến, đặc sắc của NĐC (cả nội dung và nghệ thụât). Đánh giá đúng vị trí của NĐC trong nền văn học dân tộc theo cách nhìn mới mẻ đã nêu ở phần đầu: “NĐC là một chí sĩ yêu nước, một nhà thơ lớn của nước ta. Đời sống và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, nêu cao đại vị và tác dụng của văn học, nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trân mặt trận văn hoá và tư tưởng”.

Tóm tắt bài Mấy ý nghĩ về thơ

Tóm tắt bài Mấy ý nghĩ về thơ - mẫu 1

Bài tiểu luận Mấy ý nghĩ về thơ nêu lên những suy nghĩ, những quan điểm độc đáo và mới mẻ đồng thời là những đề xuất của tác giả Nguyễn Đình Thi về thơ. Nhà văn khẳng định thơ chính là tâm hồn, là tiếng nói tâm tình của con người. Tuy nhiên, đó phải là tâm hồn có chiều sâu của tư tưởng, và phải được biểu đạt qua hình ảnh, qua nhạc điệu, nhịp điệu và ngôn ngữ. Đường đi của nghệ thuật nói chung, của thơ nói riêng là từ tình cảm, từ trái tim nhà thơ đến với bạn đọc. Thơ là sự cô đọng kết tinh, là sự tổng hợp tất cả những tinh túy trong ngôn ngữ. Nguyễn Đình Thi đã làm một phép đối sánh để làm bật lên sự nổi trổi của thơ: Nếu văn xuôi cho phép không mười phân hoàn hảo, thì thơ lại luôn đòi hỏi sự toàn bích. Đối với thơ không vần, thơ tự do, Nguyễn Đình Thi đã bày tỏ quan điểm mới mẻ và đầy táo bạo như sau “không có vấn đề thơ tự do, thơ có vần hay không vần, chỉ có thơ thực và thơ giả, thơ hay và thơ không hay, thơ và không thơ…” Đây được xem như là sự phá cách trong suy nghĩ cũng như tư duy đối với thơ truyền thống, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm đến chất lượng thơ của tác giả Nguyễn Đình Thi.

Tóm tắt bài Mấy ý nghĩ về thơ - mẫu 2

Bài tiểu luận Mấy ý nghĩa về thơ nêu lên những quan niệm mới mẻ, có chiều sâu về thơ, trong đó có những suy nghĩ, đề xuất của tác giả có thể gọi là táo bạo trong hoàn cảnh năm 1949 lúc bấy giờ. Tác giả khẳng định thơ là tiếng nói tâm hồn của con người, nhưng tâm hồn đó phải có tư tưởng và được biểu hiện bằng hình ảnh, nhịp điệu, nhạc điệu và ngôn ngữ. Đường đi của thơ là con đường đi thẳng vào tình cảm, từ trái tim nhà thơ đến với trái tim người đọc. Thơ là tổng hợp, kết tinh. Văn xuôi cho phép không mười phân hoàn hảo, nhưng thơ thì luôn luôn đòi hỏi sự toàn bích. Về thơ tự do, thơ không vần, tác giả có một quan niệm mới mẻ, táo bạo: “không có vấn đề thơ tự do, thơ có vần và thơ không vần. Chỉ có thơ thực và thơ giả, thơ hay và thơ không hay, thơ và không thơ”. Đây là một sự phá cách đối với thơ truyền thống nhưng lại cho ta thấy sự quan tâm đến chất lượng thơ của Nguyễn Đình Thi. Bài nghị luận về quan niệm thơ được viết ra với những suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ, có ý nghĩa cách tân, in đậm bản lĩnh và những trải nghiệm về thơ của Nguyễn Đình Thi, lại được viết bằng một tư duy trong sáng, một lập luận chặt chẽ và một cách viết tài hoa. Thơ là một lĩnh vực khá trừu tượng, khó nắm bắt nhưng cách viết của tác giả lại dễ hiểu, cuốn hút người đọc vào vấn đề để cùng trao đổi, đối thoại. Văn lí luận của Nguyễn Đình Thi giàu hình ảnh, mang hơi thở của cuộc sống và nhiệt tình của người viết: đó là những yếu tố làm nên nét riêng và sức hấp dẫn của bài tiểu luận này.

Tóm tắt bài Mấy ý nghĩ về thơ - mẫu 3

“Mấy ý nghĩ về thơ” là bài tiểu luận xuất sắc của tác giả Nguyễn Đình Thi trình bày quan niệm về thơ ca. Tác phẩm được ông viết tại Hội nghị tranh luận văn nghệ được tổ chức ở miền Bắc tháng 9 năm 1949. Bài viết được trình bày logic, mạch lạc với các nội dung rõ ràng. Trước hết tác giả chỉ ra cho người đọc thấy nguồn gốc của thơ ca là xuất phát từ tâm hồn và tình cảm của con người. Tác giả nhấn mạnh đó phải là tâm hồn có tư tưởng, có cảm xúc và thơ ca phải được tuôn trào ra từ đó. Nhà văn trình bày suy nghĩ của mình về các đặc trưng thơ ca: về hình ảnh “là hình ảnh thực nảy lên trong tâm hồn khi ta sống trong một cảnh huống hoặc trạng thái nào đấy”; về chữ và tiếng ngoài ý niệm còn có một giá trị khác “bỗng tự phá tung mở rộng ra, gọi đến xung quanh nó những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ, tỏa ra xung quanh nó một vùng sáng sống động”; về nhịp điệu trong thơ là “nhịp điệu của hình ảnh, tình ý, nói chung là của tâm hồn”. Một vấn đề nổi bật về thơ ca được tác giả nhắc đến là thơ tự do, thơ không vần. Nguyễn Đình Thi đã thẳng thắn trình bày suy nghĩ của mình: “không có vấn đề thơ tự do, thơ có vần và thơ không có vần.Chỉ có thơ thực và thơ giả, thơ hay và thơ không hay, thơ và không thơ”. Đây là một quan niệm mới mẻ đầy tính hiện đại, cách tân đối lập với thơ ca truyền thống. Phần cuối cùng tác giả nhấn mạnh đến thơ của thời đại mới: “phải nói lên được tình cảm, tư tưởng mới của thời đại.” Bài viết cho ta cách nhìn, cách hiểu, cách cảm sâu sắc, mới mẻ về thơ ca phù hợp với hoàn cảnh đất nước trong lúc bấy giờ.