Lặng lẽ Sa Pa - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý
Lặng lẽ Sa Pa - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý
Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa Ngữ văn lớp 9, bài học tác giả - tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa trình bày đầy đủ nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý phân tích, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích tác phẩm.
A. Nội dung tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa
“Lặng lẽ Sa Pa” kể về nhân vật chính là một anh thanh niên 27 tuổi, sống và làm việc một mình trên đỉnh núi Yên Sơn quanh năm mây mù bao phủ. Công việc chính của anh là khí tượng kiêm vật lý địa cầu. Công việc ấy đòi hỏi phải có tinh thần trách nhiệm cao, vì thế, bốn năm nay anh chưa về nhà một lần.
Trong một lần gặp ông họa sĩ và cô kĩ sư, anh thanh niên hào hứng giới thiệu với khách về công việc hằng ngày của mình - công việc âm thầm nhưng vô cùng có ích cho cuộc sống. Ông họa sĩ già phát hiện ra phẩm chất đẹp đẽ, cao quý của anh thanh niên nên đã phác họa một bức chân dung. Qua lời kể của anh, các vị khách còn được biết thêm những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất. Sau một lúc nói chuyện, họ chia tay. Trước khi ra về, anh không quên tặng khách một làn trứng để ăn trưa. Anh thanh niên đã để lại những ấn tượng tốt trong lòng ông họa sĩ và cô kĩ sư. Ông họa sĩ đã hứa sẽ có dịp quay trở lại thăm anh.
B. Đôi nét về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa
1. Tác giả
- Nguyễn Thành Long (1925-1991) còn có một số bút danh khác như Lưu Quỳnh, Phan Minh Thảo.
- Quê quán: huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
- Sự nghiệp sáng tác:
+ Sau cách mạng tháng Tám, ông tham gia hoạt động văn nghệ.
+ Sau 1954, Nguyễn Thành Long chuyển về sáng tác và biên tập ở các báo chí, nhà xuất bản.
+ Năm 2008, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.
+ Các tác phẩm tiêu biểu: “Bát cơm Cụ Hồ”, “Giữa trong xanh”, “Gió bấc gió nồm” …
- Ông chuyên viết về truyện ngắn và kí. Đặc sắc trong truyện ngắn của ông là luôn tạo ra những hình tượng đẹp đẽ, ngôn ngữ rất giàu chất thơ, trong trẻo và nhẹ nhàng.
2. Tác phẩm
a. Hoàn cảnh sáng tác
* Hoàn cảnh sáng tác: Truyện được viết năm 1970, là kết quả chuyến đi lên Lào Cai của tác giả. Tác phẩm được in trong tập “Giữa trong xanh”
b. Bố cục
3 phần:
- Phần 1 (từ đầu đến “kìa anh ta kìa”): giới thiệu với độc giả về cuộc gặp gỡ tình cờ.
- Phần 2 (tiếp đến… “Không có vật gì như thế”): Diễn biến của cuộc gặp gỡ.
- Phần 3 (còn lại): Cuộc chia tay đầy lưu luyến giữa anh thanh niên và đoàn khách.
c. Ý nghĩa nhan đề
- Trong nhan đề "Lặng lẽ Sa Pa", tác giả đã sắp xếp các từ khác với trật tự thông thường. Tác giả sử dụng biện pháp đảo ngữ ("Lặng lẽ Sa Pa" thay vì "Sa Pa lặng lẽ").
- Cách sắp xếp này làm nổi bật chủ đề của truyện ngắn:
+ Nhấn mạnh vẻ đẹp thơ mộng, yên tĩnh của thiên nhiên Sa Pa – đây là nơi lí tưởng để nghỉ ngơi, an dưỡng.
+ Ca ngợi sự cống hiến âm thầm, lặng lẽ, bình dị của những con người nơi đây. Chính ở nơi người ta tưởng rằng chỉ có sự thư giãn thì lại có những con người ngày đêm lao động hăng say, miệt mài, lặng lẽ, âm thầm, cống hiến cho đất nước. Đó chính là anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn, ông kĩ sư dưới vườn rau Sa Pa, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét...
d. Tình huống truyện
- Tình huống cơ bản của truyện “Lặng lẽ Sa Pa” chính là cuộc gặp gỡ của người thanh niên làm việc một mình ở trạm khí tượng với bác lái xe và hai hành khách trên chuyến xe ấy – ông họa sĩ và cô kĩ sư lên thăm trong chốc lát nơi ở và làm việc của anh thanh niên.
- Tình huống gặp gỡ này là cơ hội thuận tiện để nhân vật chính được hiện ra qua sự quan sát, suy nghĩ của những nhân vật khác, đặc biệt là ông họa sĩ già. Chính vì thế, nhân vật chính không chỉ hiện ra một cách tự nhiên mà còn được soi chiếu, đánh giá từ cái nhìn và cảm xúc của những nhân vật khác, rồi lại tác động đến tình cảm và suy nghĩ của những nhân vật ấy.
=> Như vậy, qua tình huống truyện, nhân vật chính được khắc họa một cách khách quan, chân thực qua quan sát của những nhân vật khác, qua đó thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
e. Phương thức trần thuật
Truyện được kể từ ngôi thứ ba, chủ yếu được trần thuật từ điểm nhìn và ý nghĩ của nhân vật ông hoạ sĩ.
g. Giá trị nội dung
Truyện ngắn khắc họa thành công hình ảnh những con người lao động thầm lặng, cống hiến cho đời mà tiêu biểu là nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh núi cao. Qua đó, tác giả ngợi ca vẻ đẹp của người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.
h. Giá trị nghệ thuật
Tác phẩm thành công trong việc xây dựng tình huống, miêu tả nhân vật từ nhiều điểm nhìn tạo tính khách quan, kết hợp nhuần nhuyễn giữa tự sự và trữ tình.
C. Sơ đồ tư duy Lặng lẽ Sa Pa
D. Đọc hiểu văn bản Lặng lẽ Sa Pa
1. Nhân vật anh thanh niên
a. Giới thiệu về nhân vật và hoàn cảnh sống
- Xuất hiện trong lời giới thiệu của ông lại xe: đó là một trong những người cô độc nhất thế gian, thèm người.
- Hai mươi bảy tuổi, tầm vóc nhỏ bé, nét mặt rạng rỡ.
- Sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m, bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù.
→ Nghệ thuật miêu tả gián tiếp, trực tiếp được sử dụng để khắc họa hoàn cảnh sống thật đặc biệt: cô đơn, vắng vẻ của anh thanh niên
- Nơi ở và cách sống, cách sinh hoạt:
+ Nơi ở: sạch sẽ với chiếc giường con, một bàn học, một giá sách.
+ Cách sống, cách sinh hoạt: Trồng hoa, nuôi gà, tự học, đọc sách.
→ Nghệ thuật liệt kê, miêu tả nhằm khắc họa nơi ở giản dị nhưng ngăn nắp, gọn gàng cùng cách sống rất đẹp của anh thanh niên
b. Công việc và suy nghĩ về công việc, về mọi người
- Công việc của anh thanh niên:
+ Làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu.
+ Công việc hằng ngày của anh là: đo gió, mưa, nắng, tính mây, đo chấn động địa chất dự vào việc dự báo thời tiết, phục vụ sản xuất và chiến đấu
- Nghệ thuật liệt kê, kể, miêu tả
→ Công việc của anh thanh niên vất vả, gian khổ, đòi hỏi sự chính xác cao nhưng anh là người yêu rất công việc.
- Suy nghĩ của anh thanh niên về công việc:
+ Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi.
+ Anh luôn nghĩ: mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc.
→ Đây là những suy nghĩ đúng đắn, nghiêm túc và sâu sắc
- Khi anh suy nghĩ và nói về người khác:
+ Anh kể về ông kĩ sư ở vườn rau Sa Pa: ngồi im rình xem ong lấy phấn, thụ phấn.
+ Anh khâm phục đồng chí nghiên cứu khoa học đang làm bản đồ sét.
→ Anh nói về mọi người với một thái độ khiêm nhường, quý trọng những người lao động.
→ Anh thanh niên hiện lên chân thật, tận tụy, tin yêu cuộc sống.
2. Những nhân vật khác
a. Nhân vật ông hoạ sĩ già
- Cảm xúc của người họa sĩ già trước anh thanh niên
+ Xúc động mạnh.
+ Bối rối.
+ Cảm thấy người con trai làm ông nhọc quá.
+ Ông muốn vẽ anh thanh niên.
- Những điều ông nhận ra sau khi tiếp xúc với anh thanh niên:
+ Nghệ thuật, hội hoạ bất lực trong hành trình cuộc đời.
+ Vẽ là công việc khó nhọc, gian nan.
→ Ông họa sĩ hiện lên là con người yêu mến, quý trọng những người lao động
b. Nhân vật cô kĩ sư
- Cảm xúc của cô kĩ sư khi tiếp xúc với anh thanh niên:
+ Trước một người giàu lí tưởng như anh thanh niên, cô kĩ sư thấy bàng hoàng, hàm ơn khó tả; khi nhận lại chiếc khăn tay, cô đỏ bừng mặt.
+ Sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy, cô càng tin vào quyết định của mình.
→ Cô kĩ sư hiện lên là một người trẻ trung, kín đáo, giàu khao khát, lí tưởng.
c. Bác lái xe:
- Lời kể của bác lái xe về anh thanh niên giúp cho việc giới thiệu nhân vật chính được tự nhiên → câu chuyện thêm sinh động, hấp dẫn.
– Giúp phác họa chân dung về nhân vật chính, tạo ấn tượng ban đầu hết sức tốt đẹp cho mọi người về anh thanh niên.
- Giúp kết nối nhân vật chính với những nhân vật khác trong tác phẩm.
d. Những nhân vật xuất hiện gián tiếp qua lời kể của anh thanh niên
- Ông kỹ sư vườn rau dưới Sa Pa thụ phấn cho hàng vạn cây su hào để hạt giống làm ra tốt hơn, để su hào trên toàn miền Bắc nước ta được to hơn, ngọt hơn.
- Anh cán bộ nghiên cứu sét: đã mười một năm ròng không một ngày xa cơ quan, quên cả việc lập gia đình riêng “luôn trong tư thế sẵn sàng, suốt ngày túc trực chờ sét” để lập bản đồ sét tìm tài nguyên cho đất nước.
→ Họ tạo thành thế giới của những con người miệt mài lao động, lặng lẽ mà khẩn trương vì lợi ích của đất nước, vì cuộc sống của con người. Họ đã làm cho anh thanh niên thấy “cuộc đời đẹp quá!”. Đúng như tác giả đã viết: “Trong cái lặng im của Sa Pa…có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”.
→ Hình ảnh những con người ấy đã góp phần làm nổi bật chủ đề của tác phẩm.
E. Bài văn phân tích Lặng lẽ Sa Pa
Nguyễn Thành Long là nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Ông là cây bút chuyên viết truyện ngắn và kí. Những truyện ngắn của Nguyễn Thành Long không gân guốc mà pha chất kí, mang vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là một minh chứng tiêu biểu cho nét phong cách đó. Tác phẩm là kết quả của chuyến đi thực tế lên Lào Cai vào mùa hè năm 1970 của nhà văn. Qua thiên truyện, nhà văn muốn giới thiệu với chúng ta về một mảnh đất giàu đẹp ở phía Tây tổ quốc. Ở đó, có những người lao động bình dị đang miệt mài cống hiến thầm lặng cho quê hương.
Đọc nhan đề truyện “Lặng lẽ Sa Pa”, người đọc cứ ngỡ nhà văn sẽ đi sâu vào việc khắc họa một bức tranh thiên nhiên, một vùng đất hứa mơ mộng, nơi thăm quan nghỉ dưỡng nổi tiếng của con người. Nhưng đằng sau những núi rừng bạt ngàn mây phủ ấy là cuộc sống của những người lao động trẻ tuổi, đầy trách nhiệm, đang ra sức cống hiến tài trí và sức lực thầm lặng cho quê hương.
Trước hết, truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” được xây dựng dựa trên tình huống truyện độc đáo, đó là cuộc gặp gỡ giữa mấy người khách trên chuyến xe với anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn ở Sa Pa. Với cách tạo ra tình huống ấy, tác giả để câu chuyện được phát triển tự nhiên. Các nhân vật tự hiện hình, nổi sắc lên qua cái nhìn, đánh giá, ấn tượng của nhân vật khác. Từ đó, góp phần làm nổi bật chủ đề tác phẩm: lời ngợi ca những con người lao động bình thường mà đáng quý xung quanh ta.
Là nhân vật chính trong truyện nhưng anh thanh niên không xuất hiện một cách trực tiếp mà xuất hiện gián tiếp qua lời giới thiệu của bác lái xe với ông họa sĩ và cô gái khi họ nghỉ ngơi bên dọc đường. Điều đó cho thấy cách dẫn truyện rất khéo léo của Nguyễn Thành Long, đồng thời cũng làm cho nhân vật hiện lên tự nhiên, chân thực, khách quan qua cái nhìn và đánh giá của nhân vật khác. Cuộc gặp gỡ tình cờ giữa anh thanh niên và ông họa sĩ, cô kĩ sư tuy rất ngắn ngủi nhưng người đọc cũng đủ cảm nhận thật sâu sắc hoàn cảnh sống, làm việc và những phẩm chất tốt đẹp, cũng như những cống hiến thầm lặng của anh. Đúng như nhà văn đã nói về tác phẩm của mình: “Nghĩ cho cùng Lặng lẽ Sa Pa là một chân dung…”. Đó là chân dung đẹp đẽ – gương mặt tinh thần – có sức tỏa sáng của người thanh niên hai mươi bảy tuổi, làm công tác khí tượng trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2.600 mét giữa rừng núi Sa Pa.
Dưới cái nhìn của bác lái xe, anh thanh niên được gọi bằng một cái tên vô cùng đặc biệt “người cô độc nhất thế gian”. Cách gọi ấy quả thực rất đúng với hoàn cảnh sống của anh khi mà quanh năm suốt tháng, bốn bề anh chỉ biết làm bạn với cỏ cây, mây núi Sa Pa. Buồn tẻ tới mức anh phải hạ cây chắn ô tô lại để được trông thấy và nghe thấy tiếng người nói vì “thèm người quá”. Công việc của anh là: “Đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Công việc này đỏi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và phải có tinh thần trách nhiệm cao. Nửa đêm, đúng giờ “ốp” thì dù mưa tuyết hay lạnh giá thế nào thì vẫn phải trở dậy ra ngoài trời làm công việc đã quy định. Đặc biệt là khi thời tiết khắc nghiệt, làm việc xong trở về không tài nào ngủ được nữa. Nhưng có lẽ, cái gian khổ nhất với chàng trai trẻ này là sự cô đơn, quanh năm suốt tháng không có một bóng người qua lại. Vậy mà, anh không hề cảm thấy buồn tẻ, chán nản hay một phút buông lơi trách nhiệm với công việc. Bởi anh tâm niệm: “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được. Huống chi công việc của cháu gắn liền với bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi cháu buồn chết mất”. Anh coi công việc chính là người bạn đồng hành với mình trong cuộc sống. Thậm chí, anh hiểu sự cống hiến của mình, nó là sợi dây để gắn kết anh với mọi người xung quanh. Đối với anh, hạnh phúc là khi được cống hiến, tận tụy với công việc. Khi biết một lần tình cờ phát hiện ra một đám mây khô mà không quân ta hạ được bao nhiêu là phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng, anh thấy mình “thật hạnh phúc”. Anh cảm thấy mình đã góp phần vào thắng lợi của đất nước trong kháng chiến chống Mĩ. Có lẽ, chính suy nghĩ và thái độ sống tích cực đã khiến anh vượt qua khó khăn hướng tới cuộc sống tốt đẹp và ý nghĩa hơn.
Mặc dù sống có một mình trên núi cao nhưng anh thanh niên luôn sống có kỉ luật, gọn gàng, ngăn nắp, đúng giờ giấc. Ngày nào cũng thế, nửa đêm đúng giờ “ốp”, dù mưa tuyết lạnh giá thế nào anh cũng trở dậy ra ngoài trời làm việc. Anh làm việc đều đặn, chính xác đủ bốn lần trong ngày vào lúc bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối và một giờ sáng. Để bớt đi cô đơn và tự thưởng thú vui tinh thần của chính mình, anh tự trồng hoa, nuôi gà … Trong giao tiếp với mọi người, ở anh toát lên một phong cách đẹp, một nét đẹp trong cử chỉ, hành động, lời nói khiêm tốn, vui vẻ, chân tình, chu đáo và lịch sự: anh tặng củ tam thất cho vợ bác lái xe bị ốm, tặng hoa và tặng trứng cho cô kĩ sư nông nghiệp và ông họa sĩ già. Khi chia tay, anh cảm thấy thật lưu luyến và không quên hẹn gặp lại mọi người…
Có thể nói, anh thanh niên là hình ảnh tiêu biểu, đại diện cho những con người ở Sa Pa. Anh mang trong mình sự hiểu biết về tri thức, sống tận tụy với công việc, luôn lạc quan, sống có ích cho cuộc đời. Chính điều đó đã giúp anh hoàn thành xuất sắc công việc, truyền năng lượng tích cực cho mọi người xung quanh ngay từ giây phút gặp gỡ ban đầu.
Bên cạnh nhân vật anh thanh niên, trên mảnh đất Sa Pa thơ mộng còn có những con người lao động khác. Họ cũng có một lối sống đẹp: sự cống hiến thầm lặng trong công việc, làm giàu đẹp cho quê hương. Đó là ông kĩ sư ở vườn rau Sa Pa, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét. Tất cả những con người ấy đều cần cù, chịu thương chịu khó, bền bỉ và có tinh thần trách nhiệm với sự phát triển của đất nước, quê hương. Tuy lặng lẽ, âm thầm, lẩn khuất trong mây khói, sương núi Sa Pa nhưng họ luôn khẳng định giá trị bản thân với cuộc đời.
Và một vài nhân vật nữa cũng cần phải nhắc tới trong câu chuyện, đó là bác lái xe, ông họa sĩ già, và cô gái kĩ sư. Tuy đây là nhân vật phụ trong truyện nhưng lại có một vai trò không thể thiếu trong diễn biến cốt truyện. Nhờ có bác lái xe mà diễn biến truyện mới được mở ra một cách tự nhiên, bác là cầu nối cuộc gặp gỡ giữa người miền xuôi với miền ngược, tạo nên cuộc gặp gỡ bất ngờ và thú vị giữa anh thanh niên với ông họa sĩ, cô gái kĩ sư nông nghiệp. Từ đó, toàn bộ những suy ngẫm, phẩm chất, hành động của nhân vật tong truyện được mở ra, để lại một ấn tượng, kỉ niệm đẹp trong lòng mọi người về mảnh đất Sa Pa giàu mơ ước. Còn ông họa sĩ chính là sự hóa thân của nhà văn, khi phát hiện ra chân lí của nghệ thuật và cảm hứng sáng tác. Cô kĩ sư nông nghiệp trẻ tuổi vừa ra trường, trong chuyến đi đầu đời đã tìm được động lực trong công việc của riêng mình, từ đó vững tin hơn.
Đọc tác phẩm, chúng ta nhận ra các nhân vật trong truyện đều không có một cái tên cụ thể, chỉ được tác giả gọi chung chung bằng việc lấy tên nghề nghiệp đặt tên cho nhân vật của mình. Điều đó là một dụng ý nghệ thuật của nhà văn: ngợi ca những con người vô danh đang lặng lẽ cống hiến cho đất nước. Họ ở mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, ở mọi nơi trên dải đất chữ S này. Họ lặng lẽ dâng hiến sức lực và trí tuệ của mình cho đời, cho công việc, cho đất nước quê hương. Đó cũng là vẻ đẹp của con người Việt Nam trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng cuộc sống mới, xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
Xét về mặt nghệ thuật, truyện đã xây dựng được tình huống truyện hợp lí, cách kể chuyện hợp lí, tự nhiên theo ngôi thứ ba nhưng chủ yếu qua điểm nhìn của nhân vật họa sĩ, miêu tả nhân vật từ nhiều điểm nhìn. Tác phẩm có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình với bình luận. Chất trữ tình là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn và góp vào thành công của truyện. Nó toát ra ngay từ nhan đề, từ phong cảnh thiên nhiên đẹp và thơ mộng của núi rừng Sa Pa, từ vẻ đẹp trong cuộc sống một mình giữ thiên nhiên lặng lẽ của anh thanh niên, từ sự miệt mài, hăng say cống hiến trong lặng lẽ mà khẩn trương của con người nơi đây... Chất trữ tình còn tạo nên lời văn mượt mà, trau chuốt đầy chất thơ, giàu chất họa, âm thanh nhẹ nhàng, êm ái mà đầy suy tư, một ngôn ngữ như được chắp cánh thơ, nâng người đọc đến những cảm xúc thẩm mĩ sâu sắc.
Khép lại thiên truyện, âm vang của núi rừng Sa Pa cứ ngân nga, réo rắt, cuộn xoáy trong lòng người đọc những cánh rừng ngút ngàn. Và ẩn sau cái màu xanh mênh mông ấy là những con người lao động bình dị, vô danh mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh núi Yên Sơn. Họ là những con người mang vẻ đẹp trí tuệ với một lý tưởng sống, một lối sống đẹp, có ích với sự hi sinh thầm lặng đáng quí trọng, đáng ngợi khen.