X

Soạn văn lớp 9

Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý


Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý

Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý

Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang Ngữ văn lớp 9, bài học tác giả - tác phẩm Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang trình bày đầy đủ nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý phân tích, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích tác phẩm.

A. Nội dung tác phẩm Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang

Rô-bin-xơn là một thanh niên cường tráng, dũng cảm ưa mạo hiểm, khao khát đi tới những miền đất lạ, thích vượt trùng dương. Chàng đi xuống tàu tại thương cảng Hơn, theo bạn đi Luân Đôn. Tàu bị đắm tại Yác-mao. Chẳng nhụt chí trước tai họa, chẳng mềm lòng trước lời kêu khóc của mẹ cha, Rô-bin-xơn làm quen với một thuyền trưởng tàu buôn đi sang Ghi-nê. Chuyến đầu tốt đẹp, chuyến thứ hai gặp cướp biển, bị bắt làm nô lệ ở Xa-lê. Hai năm sau trốn thoát, lưu lạc sang Bra-xin lập đồn điền. Có một tí vốn, 4 năm sau lại cùng bạn xuống tàu buôn đi Ghi-nê. Tàu gặp bão, bị đắm. Hầu hết đều chết, chỉ còn Rô-bin-xơn may mắn sống sót. Tàu đắm dạt vào một nơi gần đảo hoang. Chàng tìm cách lên đảo, làm lán trại chuyên chở mọi thứ còn lại trên tàu đắm, từ khẩu súng, viên đạn đến lương thực lên đảo. Chàng săn bắn, kiếm ăn, trồng trọt, nuôi dê, làm đủ nghề như đan lát, nặn gốm .... để duy trì cuộc sống đơn độc trên đảo hoang.

Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang là đoạn trích được viết dưới hình thức tự truyện trong đó nhân vật xưng “tôi” tự kể chuyện mình. Năm 27 tuổi, Rô-bin-xơn bị bão đắm tàu, một mình sống sót dạt vào đảo hoang không có dấu chân người. Sau hơn 28 năm (khi ấy đã 55 tuổi), Rô-bin-xơn mới được trở về nước Anh. Đoạn trích kể chuyện Rô-bin-xơn đã một mình sống ngoài đảo hoang khoảng 15 năm. Qua đó, ta thấy được cuộc sống gian khổ và tinh thần lạc quan qua bức chân dung tự họa của chàng.

B. Đôi nét về tác phẩm Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang

1. Tác giả

Đe-ni-ơn Đi-phô (1660- 1731).

- Là nhà văn lớn của Anh thế kỉ XVIII.

- Đến với tiểu thuyết khá muộn, khi đã gần sáu mươi tuổi.

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

Văn bản “Rô-bin-xơn ngoài đảo hoangtrích từ tiểu thuyết "Rô-bin-xơn Cru-xô" (1719).

b. Bố cục: 4 phần

- Phần 1 (Từ đầu....... của chúng tôi dưới đây): Rô-bin-xơn tự cảm nhận về chân dung của mình.

- Phần 2 (tiếp theo ....... chẳng khác gì áo quần của tôi): trang phục của Rô-bin-xơn.

- Phần 3 (Từ “Quanh người tôi…” đến “bên khẩu súng của tôi”): trang bị của Rô-bin-xơn.

- Phần 4 (còn lại): diện mạo của Rô-bin-xơn

c. Phương thức biểu đạt

Tự sự, miêu tả.

d. Ngôi kể

Ngôi thứ nhất.

e. Giá trị nội dung

"Rô-bin-xơn Cru- xô” là một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu viết dưới hình thức tự truyện của nhân vật Rô-bin-xơn. Rô-bin-xơn là một mẫu người lí tưởng rất đẹp như thích mạo hiểm, nhiều hoài bão, có nghị lực phi thường, có tinh thần quả cảm, có khả năng và sức mạnh lao động sáng tạo để tự làm chủ cảnh ngộ, khắc phục khó khăn, chiến thắng thiên nhiên. Tình yêu thương đồng loại là một nét rất đẹp trong tâm hồn con người bất hạnh này.

Qua nhân vật Rô-bin-xơn, nhà văn Đi-phô muốn khẳng định một ý tưởng: Bản lĩnh phi thường nhất định phát huy sức mạnh và trí tuệ để cải tạo hoàn cảnh, bắt thiên nhiên phục vụ cuộc sống con người. Trước cảnh ngộ khắc nghiệt, phải biết sống và sống lạc quan. Cuốn tiểu thuyết này đã ca ngợi tấm gương sáng của Rô-bin-xơn, rất hấp dẫn với lớp trẻ chúng ta.

g. Giá trị nghệ thuật

+ Nghệ thuật miêu tả chân dung nhân vật.

+ Lựa chọn cách kể, tả từ ngôi thứ nhất – nhân vật tự hoạ bức chân dung của mình.

+ Ngôn ngữ và giọng điệu kể tự nhiên, có chất hài hước.

C. Sơ đồ tư duy Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang

Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý

D. Đọc hiểu văn bản Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang

1. Bức chân dung tự hoạ của Rô-bin-xơn và cuộc sống vô cùng gian khổ của chàng trên đảo hoang

Rô-bin-xơn tự cảm nhận chân dung của mình đang đi dạo trên quê hương nước Anh với một vẻ kì lạ quái đản và tức cười:

+ Trang phục kì lạ của Rô-bin-xơn: từ mũ, áo, quần đến “đôi ủng” đều bằng da dê, tất cả đều có hình dạng khác thường, nhằm mục đích bảo vệ mình trước những tác động của khí hậu, thời tiết khắc nghiệt trên đảo hoang ở vùng gần xích đạo. Qua trang phục có vẻ kì cục của Rô-bin-xơn, thấy rõ sự thiếu thốn và khí hậu khắc nghiệt ở hoang đảo.

+ Những trang bị của Rô-bin-xơn: Quanh người là thắt lưng tự tạo bằng da dê, có quai đeo rìu, cưa; trên vai có đai đeo hai túi đựng thuốc súng và đạn ghém; trên lưng là khẩu súng, còn trên đầu là cái dù cũng bằng da dê. Tất cả trang bị lỉnh kỉnh ấy cho thấy cuộc sống của Rô-bin-xơn trên đảo rất vất vả, nguy hiểm (luôn phải mang theo mình công cụ lao động như cưa, rìu; còn khẩu súng và đạn vừa để săn bắn, vừa để tự vệ; cái dù để che mưa nắng).

+ Diện mạo của Rô-bin-xơn chỉ được miêu tả rất ít, với hai chi tiết là nước da không đến nỗi đen cháy và bộ ria thì “chiều dài và hình dáng kì quái của chúng cũng khiến cho mọi người phải khiếp sợ”. Điều này cho thấy Rô-bin-xơn là người lạc quan, vẫn giữ cho mình hình hài, diện mạo của con người dù chỉ có một mình ở nơi đảo hoang.

2. Những phẩm chất của Rô-bin-xơn

+ Những trang phục tự tạo bằng da dê để khắc phục hoàn cảnh thiếu thốn áo quần cho thấy ý chí và óc sáng tạo của Rô-bin-xơn. Nó cũng chứng tỏ chàng có ý thức tạo cho mình cuộc sống đích thực của con người, dù chỉ có một mình trên hoang đảo. Mặt khác, trang phục có vẻ kì quặc, trang bị lỉnh kỉnh lại tạo cho Rô-bin-xơn dáng vẻ của một vị “chúa đảo” trên lãnh thổ của mình. Con người ấy, dù nhỏ bé, đơn độc trước thiên nhiên rộng lớn, đầy sức mạnh hoang dã, nhưng không để bị thiên nhiên khuất phục mà vẫn thể hiện vai trò làm chủ của mình.

+ Tinh thần lạc quan của Rô-bin-xơn được thể hiện trong cách miêu tả chân dung của mình, với nụ cười hóm hỉnh về những thứ trang phục kì quặc mà chàng hình dung “nếu có ai đó ở nước Anh gặp một kẻ như tôi lúc bấy giờ, chắc tôi sẽ làm họ hoảng sợ hoặc phá lên cười sằng sặc”.

+ Ý chí sống và tinh thần lạc quan của nhân vật còn được thể hiện trong chi tiết về bộ ria mép. Rô-bin-xơn chăm chút xén tỉa bộ ria của mình và tạo cho nó một hình dáng độc đáo. Giọng bông đùa khi miêu tả bộ ria của mình cũng thể hiện tinh thần lạc quan của Rô-bin-xơn.

+ Bị rơi vào hoàn cảnh cực kì khó khăn, đơn độc nhưng Rô-bin-xơn không chán nản, tuyệt vọng, mà bám chắc lấy cuộc sống. Không những thế, chàng còn nỗ lực tạo cho cuộc sống của mình ngày càng tốt hơn, biết tận dụng mọi thứ của tự nhiên để phục vụ cho mình, vẫn sống một cuộc sống của con người ngay trên đảo hoang và không nguôi hi vọng sẽ trở về với xã hội loài người. Chính ý chí, nghị lực lớn lao ấy đã giúp cho nhân vật vượt qua mọi khó khăn, sống được trên đảo hoang tới hơn 28 năm và cuối cùng trở về được đất nước.

=> Qua hình ảnh Rô - bin - xơn, nhà văn muốn gửi tới bạn đọc thông điệp: Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta sẽ rơi vào những hoàn cảnh hết sức éo le, ngặt nghèo và khó khăn. Để vượt qua nó, chúng ta cần phải có một ý chí nghị lực phi thường, phát huy sức mạnh và trí tuệ để cải tạo, thay đổi hoàn cảnh, sống lạc quan trước khó khăn thử thách. Điều quan trọng là không bao giờ được khuất phục trước cuộc sống.

E. Bài văn phân tích Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang

Nhắc đến Đi-phô, người ta nhắc đến một đại văn hào của đất nước Anh. Mọi độc giả khắp nơi biết đến ông như một hiện tượng trong văn học bởi sự xuất hiện của một kiệt tác gắn liền với tên tuổi của ông. Đó là "Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang". Đây là một tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn người đọc với rất nhiều những suy nghĩ và cảm xúc.

Rô-bin-xơn là một chàng trai rất ưa thích hành động, ưa thích sự phiêu lưu và hứng thú với những miền đất lạ. Chính bản tính thích ngao du ấy khiến anh ta bất chấp mọi nguy hiểm và khó khăn để đến với những điều mới mẻ. Cuộc hành trình đầu tiên của anh là ở Hơn, theo bạn đi đến Luân Đôn qua đường biển nhưng nó không may mắn và con tàu không may bị chìm ở Yac-mao. Tuy vậy, Rô-bin-xơn không hề buông bỏ, anh vẫn quyết tâm có một chuyến hành trình tiếp theo khi quen với một thuyền trưởng và rời bến ở Ghi-nê. Trong hành trình đó, lần đầu tiên anh thuận lợi, may mắn. Tuy nhiên, đến lần thứ hai anh lại gặp cướp biển, bị chúng bắt làm nô lệ tại Xa-lê. Hành trình của anh vẫn chưa kết thúc. Hai năm sau, Rô-bin-xơn trốn sang Bra-xin làm trang trại. Chuyến đi mang tính bước ngoặt lớn của anh chính là khi có một chuyến buôn bán lớn, không may tàu gặp nạn, bị mất phương hướng. Rô-bin-xơn may mắn sống sót và trôi vào một đảo hoang.

Rô-bin-xơn là một người có ý chí và nghị lực phi thường. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng anh không hề tỏ ra bất lực hay thất vọng. Dù cô đơn nhưng anh luôn cố gắng vươn lên số phận, say sưa làm việc. Chính tinh thần lạc quan và bản tính chăm chỉ, cần cù vốn có đã khiến cho Rô-bin-xơn hoàn thành tốt mọi công việc. Anh thành thạo và lành nghề trong cả nông nghiệp và thủ công...Sự đa tài của anh còn được thể hiện trong sự sáng tạo không ngừng. Từ việc nuôi dê đến việc vắt sữa dê và việc "thử làm bơ và pho-mát". Chính điều này đã khiến Rô-bin-xơn vô cùng hứng thú: "Các bạn thử nghĩ, một mình trên một hòn đảo hoang vắng mà bữa sáng có sữa tươi, bữa ăn thường ngày có bánh mì, bánh bột gạo tẻ, thịt dê, trứng rùa, bơ và pho mát, tráng miệng thì có các thứ hoa quả, nhất là nho tươi, nho khô, thiết tưởng cũng thịnh soạn, không kém ở những khách sạn bình thường tại các thành phố lớn".

Bên cạnh đó, Rô-bin-xơn còn là một chàng trai vô cùng yêu đời. Phải thực sự là một người có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống mới có thể tồn tại và trụ vững ở một nơi hoang sơ như vậy. Một mình sống giữa đảo hoang, anh vẫn muốn sống một cuộc đời đáng sống, đáng nhớ và đầy ý nghĩa. Anh muốn đem lại những giá trị tốt đẹp cho cuộc đời. Điều này được thể hiện ngay ở hình thức, cách ăn mặc bề ngoài của anh. Không có ai xung quanh nhưng anh vẫn trưng diện theo ý thích của mình. Anh ăn mặc trông rất kì lạ, buồn cười. Từ chiếc quần rộng thùng thình cho đến cái áo da kỳ lạ, cãi mũ da dê "không ra cái hình thù gì", cái thắt lưng bằng da lông. Rô-bin-xơn kể về việc trang bị những thiết bị bên cạnh mình: "Quanh người là một chiếc thắt lưng rộng bản bằng da dê phơi khô thắt lại bằng hai sợi dây cũng bằng da dê để thay cho khóa hai bên cổ hai quai đeo, nhưng không đeo kiếm và dao găm mà lủng lẳng bên này một chiếc cưa nhỏ, bên kia một chiếc rìu con. Quàng qua vai tôi là một đai da khác hẹp bản hơn, hai đầu cũng buộc lại bằng dây như thế và ở cuối đai, phía dưới cánh tay trái của tôi, đeo lủng lẳng hai cái túi, cả hai cũng đều làm bằng da dê, một túi đựng thuốc súng và túi kia đựng đạn ghém. Tôi đeo gùi sau lưng, khoác súng bên vai, và trên đầu một chiếc dù lớn bằng da dê, xấu xí vụng về nhưng lại là thứ cần thiết nhất cho tôi, bên khẩu súng của tôi".

Diện mạo của anh cũng thể hiện rõ tính cách của một chàng trai du mục, thích ngao du, tự tin và đầy sức sống. Tác giả mô tả những chi tiết trên gương mặt Rô-bin-xơn vô cùng ấn tượng "Râu ria của tôi đã có lúc tôi để mặc cho nó mọc dài đến hơn một gang tay. Nhưng vì tôi có cả kéo và dao cạo đủ dùng nên tôi cắt đi khá ngắn gọn, trừ hàng ria ở môi trên tôi xén tỉa thành một cặp ria mép to tướng kiểu Hồi giáo như ria vài gã Thổ Nhĩ Kỳ tôi gặp ở Xa-lê, vì người Ma-rốc không để ria theo kiểu như người Thổ; tôi chẳng dám nối cặp ria mép ấy dài đến mức có thể dùng treo mủ của tôi nhưng chiều dài và hình dáng kì quái của chúng cũng khiến cho mọi người phải khiếp sợ nếu như là ở nước Anh". Giọng kể chuyện mang tính hài hước, vui vẻ thể hiện sự lạc quan cũng như đời sống tinh thần vui vẻ của Rô-bin-xơn.

Một đoạn trích tưởng chừng như chỉ kể về một con người bình thường nhưng bản chất lại rất đỗi phi thường. Đoạn trích cũng đem lại cho mỗi chúng ta nhiều điều gợi mở, một bài học mà mỗi con người chúng ta đều tự ngẫm ra cho bản thân mình là tư tưởng, tinh thần sống lạc quan. Thử hỏi đặt mình trong hoàn cảnh cô đơn, bất hạnh như Rô-bin-xơn, mỗi chúng ta ai làm được những điều như vậy? Chính là tinh thần vươn lên, là sự lạc quan trong suy nghĩ dẫn đến những hành động tích cực. Rô-bin-xơn đang làm đẹp cho bản thân, cho gia đình và cho mọi người trong xã hội. Đây chính là lối sống tích cực mà bản thân mỗi chúng ta cần học hỏi, cần cố gắng thực hiện để cuộc đời tươi đẹp, sống có ý nghĩa hơn. Đó cũng chính là thông điệp mà tác giả muốn truyền tải thông qua đoạn trích này. Điều này cũng minh chứng cho việc không phải ngẫu nhiên mà đoạn trích được coi như một bài ca ca ngợi vẻ đẹp lao động của con người trong cuộc sống.

Xem thêm tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 9 hay, chọn lọc khác: