Các kiểu, nguyên nhân gây biến động số lượng cá thể của quần thể sinh vật - Sinh học lớp 12
Các kiểu, nguyên nhân gây biến động số lượng cá thể của quần thể sinh vật
Tài liệu Các kiểu, nguyên nhân gây biến động số lượng cá thể của quần thể sinh vật Sinh học lớp 12 sẽ tóm tắt kiến thức trọng tâm về biến động số lượng cá thể của quần thể sinh vật từ đó giúp học sinh ôn tập để nắm vứng kiến thức môn Sinh học lớp 12.
I. Các kiểu biến động số lượng cá thể
Có 2 kiểu biến động số lượng cá thể: biến động theo chu kì và biến động không theo chu kì
1. Biến động theo chu kì
- Biến động số lượng cá thể theo chu kì là biến động xảy ra do những thay đổi có tính chu kì của môi trường
- Ví dụ: Ở Việt Nam, vào mùa xuân – hè có khí hậu ấm áp, sâu bênh phát triển mạnh. Muỗi thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa, thời tiết ấm áp và độ ẩm cao.
2. Biến động không theo chu kì
- Biến động không theo chu kì là biến động mà số lượng cá thể cá thể của quần thể không theo quy luật nào.
- Số lượng cá thể quần thể tăng hoặc giảm một cách đột ngột do những điều kiện bất thường của thời tiết hoặc do hoạt động khai thác tài nguyên quá mức.
- Ví dụ: Rừng tràm U Minh Thượng ở Việt Nam bị cháy đã xua đuổi và giết chết rất nhiều thú rừng.
II. Nguyên nhân gây biến động số lượng cá thể của quần thể.
- Do thay đổi của các nhân tố vô sinh trong môi trường. Các nhân tố này không bị chi phối bởi mật độ cá thể của quần thể.
+ Trong số các nhân tố này, nhân tố khí hậu có ảnh hưởng thường xuyên và rõ rệt nhất
+ Sự thay đổi của những nhân tố sinh thái vô sinh làm ảnh hưởng đến trạng thái sinh lí của sinh vật -> sức sinh sản giảm, khả năng thụ tinh kém, sức sống con non thấp
- Các nhân tố hữu sinh bị chi phối bởi mật độ quần thể được gọi là các nhân tố phụ thuộc mật độ:
+ Các nhân tố thường gặp là: sự cạnh tranh giữa các cá thể, số lượng kẻ thù, sức sinh sản và mức độ tử vong, khả năng phát tán của các cá thể …
III. Sự điều chỉnh số lượng cá thể của quần thể
- Quần thể sống trong môi trường xác định có xu hướng tự điều chỉnh số lượng cá thể
- Trong điều kiện môi trường thuận lợi, sức sinh sản tăng lên và tỉ lệ tử vong giảm đi -> số lượng cá thể tăng lên
- Trong điều kiện môi trường có nhiều bất lợi, sức sinh sản giảm, tỉ lệ tử vong tăng, một số cá thể xuất cư, cạnh tranh giữa các cá thể gay gắt -> số lượng cá thể giảm
- Trạng thái cân bằng quần thể là trạng thái mà tại đó số lượng cá thể của quần thể ổn định và phù hợp với khả năng cung cấp của môi trường