Lý thuyết, các dạng bài tập Quần xã sinh vật có đáp án - Sinh học lớp 12
Lý thuyết, các dạng bài tập Quần xã sinh vật có đáp án
Với Lý thuyết, các dạng bài tập Quần xã sinh vật có đáp án Sinh học lớp 12 tổng hợp các dạng bài tập, bài tập trắc nghiệm có lời giải chi tiết với đầy đủ phương pháp giải, ví dụ minh họa sẽ giúp học sinh ôn tập, biết cách làm dạng bài tập Quần xã sinh vật từ đó đạt điểm cao trong bài thi môn Sinh học lớp 12.
- Quần xã sinh vật là gì ? Đặc trưng cơ bản của quần xã sinh vật
- Diễn thế sinh thái là gì? Nguyên nhân gây diễn thế sinh thái
- Câu hỏi trắc nghiệm Quần xã sinh vật có đáp án
Quần xã sinh vật là gì ? Đặc trưng cơ bản của quần xã sinh vật
I. Quần xã
- Quần xã sinh vật là tập hợp các quần thể sinh vật thuộc nhiều loài khác nhau cùng sống trong một không gian và thời gian nhất định.
- Các sinh vật trong quần xã có mối quan hệ gắn bó với nhau như một thể thống nhất quần xã có cấu trúc ổn định
II. Các đặc trưng cơ bản của quần xã
1. Đặc trưng về thành phần loài
Thành phần loài được thể hiện qua số lượng các loài trong quần xã, số lượng cá thể mỗi loài; loài ưu thế và loài đặc trưng
- Số lượng các loài và số cá thể của mỗi loài thể hiện sự đa dạng của quần xã đồng thời cũng biểu thị sự biến động, ổn định hay suy thoái của quần xã. Các quần xã ổn định có số lượng loài lớn và số lượng cá thể mỗi loài cao.
- Loài ưu thế là những loài đóng vai trò quan trọng trong quần xã do có số lượng cá thể nhiều, sinh khối lớn hoặc do hoạt động mạnh mẽ.
- Loài đặc trưng là loài chỉ có ở 1 quần xã nào đó.
2. Đặc trưng về phân bố cá thể trong không gian của quần xã.
- Phân bố theo chiều thẳng đứng: sự phân tầng thực vật trong rừng dựa theo điều kiện chiếu sáng, từ đó kéo theo sự phân tầng của các loài động vật sống trong rừng.
- Phân bố theo chiều ngang, ví dụ: phân bố sinh vật từ bờ biển và đất liền, phân bố sinh vật từ vùng nước ven bờ đến ngoài khơi xa.
III. Quan hệ giữa các loài trong quần xã
1. Các mối quan hệ sinh thái
Trong quá trình chung sống giữa các loài trong quần xã tồn tại 2 mối quan hệ là quan hệ hỗ trợ và quan hệ đối kháng
- Quan hệ hỗ trợ: cộng sinh, hợp tác, hội sinh
- Quan hệ đối kháng: cạnh tranh, kí sinh, ức chế - cảm nhiễm, sinh vật này ăn sinh vật khác
2. Khống chế sinh học
- Khống chế sinh học là hiện tượng số lượng cá thể của một loài bị khống chế ở 1 mức nhất định, không tăng cao quá hoặc giảm thấp quá do các mối quan hệ với các loài khác trong quần xã
Diễn thế sinh thái là gì? Nguyên nhân gây diễn thế sinh thái
I. Khái niệm
- Diễn thế sinh thái là quá trình biến đổi tuần tự của quần xã qua các giai đoạn tương ứng với sự biến đổi của môi trường.
- Song song với quá trình biến đổi của quần xã trong diễn thế là quá trình biến đổi về các điều kiện tự nhiên của môi trường
II. Các loại diễn thế sinh thái
1. Diễn thế nguyên sinh
- Là diễn thế khởi nguồn từ môi trường chưa có sinh vật.
- Các sinh vật đầu tiên phát tán đến tạo nên quần xã tiên phong giai đoạn hỗn hợp với các quần xã sinh vật biến đổi tuần tự quần xã ổn định (giai đoạn đỉnh cực)
2. Diễn thế thứ sinh
- Là dạng diễn thế xuất hiện ở môi trường đã có một quần thể sinh vật từng sinh sống,
- Quần xã khởi đầu do những thay đổi của môi trường hoặc do các hoạt động của con người mà bị huỷ hoại quần xã mới phục hồi thay thế.
- Trong điều kiện thuận lợi, diễn thế thứ sinh có thể hình thành 1 quần xã tương đối ổn định. Tuy nhiên, trong thực tế, các quần xã có khả năng phục hồi tương đối thấp
III. Nguyên nhân diễn thế
1. Nguyên nhân bên ngoài
- Do tác động của ngoại cảnh lên quần xã.
- Sự thay đổi về môi trường, khí hậu thường gây những biến đổi trong cấu trúc quần xã.
- Các dạng thiên tai gây ra sự chết hàng loạt của các loài sinh vật.
2. Nguyên nhân bên trong
- Sự cạnh tranh giữa các loài đóng vai trò quan trọng trong việc làm biến đổi quần xã.
- Nhóm loài ưu thế là loài đóng vai trò quan trọng trong diễn thế
Ngoài ra, các hoạt động khai thác tài nguyên của con người đóng vai trò quan trọng trong việc làm biến đổi và làm suy thoái tài nguyên đồng thời cũng có các hoạt động cải tạo nhằm đa dạng hoá tự nhiên
Câu hỏi trắc nghiệm Quần xã sinh vật có đáp án
Câu 1: Để diệt sâu đục thân lúa, người ta thả ong mắt đỏ vào ruộng lúa. Đó là phương pháp đấu tranh sinh học dựa vào:
A. cạnh tranh cùng loài
B. khống chế sinh học
C. cân bằng sinh học
D. cân bằng quần thể
Câu 2. Hiện tượng số lượng cá thể của quần thể bị kìm hãm ở mức nhất định bởi quan hệ sinh thái trong quần xã gọi là:
A. cân bằng sinh học
B. cân bằng quần thể
C. khống chế sinh học.
D. giới hạn sinh thái
Câu 3. Trong các hệ sinh thái trên cạn, loài ưu thế thường thuộc về
A. giới động vật
B. giới thực vật
C. giới nấm
D. giới nhân sơ (vi khuẩn)
Câu 4. Ở rừng nhiệt đới Tam Đảo, thì loài đặc trưng là
A. cá cóc
B. cây cọ
C. cây sim
D. bọ que
Câu 5. Quần xã rừng U Minh có loài đặc trưng là:
A. tôm nước lợ
B. cây tràm
C. cây mua
D. bọ lá
Câu 6. Quá trình diễn thế thứ sinh tại rừng lim Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn như thế nào?
A. Rừng lim nguyên sinh bị chặt hết -> Rừng thưa cây gỗ nhỏ -> Cây gỗ nhỏ và cây bụi -> Cây bụi và cỏ chiếm ưu thế -> Trảng cỏ
B. Rừng lim nguyên sinh bị chặt hết -> Cây gỗ nhỏ và cây bụi -> Rừng thưa cây gỗ nhỏ -> Cây bụi và cỏ chiếm ưu thế -> Trảng cỏ
C. Rừng lim nguyên sinh bị chặt hết -> Rừng thưa cây gỗ nhỏ -> Cây bụi và cỏ chiếm ưu thế -> Cây gỗ nhỏ và cây bụi -> Trảng cỏ
D. Rừng lim nguyên sinh bị chặt hết -> Cây bụi và cỏ chiếm ưu thế -> Rừng thưa cây gỗ nhỏ -> Cây gỗ nhỏ và cây bụi -> Trảng cỏ
Câu 7: Vì sao loài ưu thế đóng vai trò quan trọng trong quần xã?
A. Vì có số lượng cá thể nhiều, sinh khối lớn, có sự cạnh tranh mạnh
B. Vì có số lượng cá thể nhiều, sinh khối lớn, hoạt động mạnh.
C. Vì tuy có số lượng cá thể nhỏ, nhưng hoạt động mạnh.
D. Vì tuy có sinh khối nhỏ nhưng hoạt động mạnh.
Câu 8. Tính đa dạng về loài của quần xã là:
A. mức độ phong phú về số lượng loài trong quần xã và số lượng cá thể của mỗi loài
B. mật độ cá thể của từng loài trong quần xã
C. tỉ lệ % số địa điểm bắt gặp một loài trong tổng số địa điểm quan sát
D. số loài đóng vai trò quan trọng trong quần xã
Câu 9. Quần xã sinh vật là
A. tập hợp nhiều quần thể sinh vật thuộc cùng loài, cùng sống trong một không gian xác định và chúng có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau
B. tập hợp nhiều quần thể sinh vật thuộc các loài khác nhau, cùng sống trong một không gian xác định và chúng ít quan hệ với nhau
C. tập hợp nhiều quần thể sinh vật thuộc hai loài khác nhau, cùng sống trong một không gian xác định và chúng có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau
D. một tập hợp các quần thể sinh vật thuộc các loài khác nhau, cùng sống trong một không gian và thời gian nhất định, có mối quan hệ gắn bó với nhau như một thể thống nhất.
Câu 10. Ví dụ nào sau đây phản ánh quan hệ hợp tác giữa các loài?
A. Vi khuẩn lam sống trong nốt sần rễ đậu
B. Chim sáo đậu trên lưng trâu rừng
C. Cây phong lan bám trên thân cây gỗ
D. Cây tầm gửi sống trên thân cây gỗ
Câu 11: Quần xã rừng thường có cấu trúc nổi bật là
A. phân tầng thẳng đứng
B. phân tầng theo chiều ngang
C. phân bố ngẫu nhiên
D. phân bố đồng đều
Câu 12. Hiện tượng cá sấu há to miệng cho một loài chim “xỉa răng” hộ là biểu hiện quan hệ:
A. cộng sinh
B. hội sinh
C. hợp tác
D. kí sinh
Câu 13. Ví dụ nào sau đây phản ánh quan hệ kí sinh giữa các loài?
A. Vi khuẩn lam sống trong nốt sần rễ đậu
B. Chim sáo đậu trên lưng trâu rừng
C. Động vật nguyên sinh sống trong ruột mối.
D. Cây tầm gửi sống trên thân cây gỗ.
Câu 14. Quan hệ giữa nấm với tảo đơn bào trong địa y là biểu hiện quan hệ:
A. hội sinh
B. cộng sinh
C. kí sinh
D. ức chế cảm nhiễm
Câu 15. Một quần xã ổn định thường có
A. số lượng loài nhỏ và số lượng cá thể của loài thấp
B. số lượng loài nhỏ và số lượng cá thể của loài cao
C. số lượng loài lớn và số lượng cá thể của loài cao
D. số lượng loài lớn và số lượng cá thể của loài thấp
Đáp án
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 |
---|---|---|---|---|---|
Đáp án | B | C | B | A | B |
Câu | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Đáp án | A | B | A | D | B |
Câu | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 |
Đáp án | A | C | D | B | C |