X

Giải Sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 - Cánh diều

Hãy kể về một lần em mắc lỗi


Hãy kể về một lần em mắc lỗi

Câu 1 trang 9 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 2 - Cánh diều: Hãy kể về một lần em mắc lỗi.

Trả lời:

Bài tập này giúp các em biết cách viết bài văn kể lại một trải nghiệm đáng nhớ. Trải nghiệm được hiểu là trực tiếp trải qua một sự việc, sự kiện, hoạt động, tình huống... qua đó rút ra được những kinh nghiệm hoặc bài học bổ ích. Ở bài viết này, các em sử dụng ngôi kể thứ nhất để kể lại trải nghiệm về một lần mắc lỗi của chính mình. Khi người kể là một nhân vật tham gia vào câu chuyện, xưng “tôi” và kể lại theo điểm nhìn của mình thì đó là kể theo ngôi thứ nhất.

Để viết bài văn này, các em cần chú ý tham khảo ngữ liệu phần đọc hiểu (văn bản Bài học đường đời đầu tiên) và những trải nghiệm trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người; cần kể một cách tự nhiên, chân thực lỗi lầm mình đã mắc, những tình cảm, cảm xúc đã có, những bài học đã thu nhận; tránh sáo rỗng, bịa đặt, thiếu trung thực; tránh sao chép của người khác.

Các em có thể thực hiện theo các bước sau:

a) Bước 1: Nhớ lại những lỗi mà em đã từng mắc.

b) Bước 2: Chọn ra một lỗi mà em thấy thấm thía, để lại cho em những ấn tượng. bài học khó quên.

c) Bước 3: Lập dàn ý cho bài viết.

– Mở bài: Dẫn dắt và nêu lỗi mà em đã mắc.

–Thân bài:

+ Kể về lỗi (diễn ra trong hoàn cảnh (không gian, thời gian) nào, gắn liền với những sự việc, con người nào,...).

+ Cảm xúc, thái độ của em lúc đó.

+ Nêu lí do vì sao em nhớ mãi lỗi đó,

- Kết bài: Nêu bài học hoặc kinh nghiệm mà bản thân 

d) Viết bài văn dựa vào dàn ý đã lập.

e) Chỉnh sửa, hoàn thiện bài văn.

Bài viết tham khảo:

     Việc xảy ra đã lâu lắm rồi vậy mà em còn nhớ mãi.

     Năm ngoái, nhà trường tổ chức đi tham quan Bến Nhà Rồng và Thảo Cầm Viên. Mỗi học sinh phải đóng góp hai ngàn đồng cho chuyến tham quan ấy. Nghe chuyện, mẹ không ngần ngại đưa cho em tiền để sáng vào đóng cho lớp trưởng.

     Tối hôm đó, tiếng loa vang lên từ đám đất trống gần nhà làm em bồn chồn. Người ta đang tổ chức hội cho với nhiều trò chơi vui. Tiếng ca, tiếng nhạc cứ mãi thúc giục, em vào xin phép ba mẹ, định bụng sẽ đến chơi một lát rồi về. Đến nơi, quả thật là vui, ở đây có đủ các trò chơi từ nhảy vòng, chọi lon đến trò xổ số lô tô. Hấp dẫn nhất là trò quay vòng số. Một vòng quay mười hai con số thi nhau chớp tắt. Dễ trúng quá. Trò chơi này quyến rũ khiến em mua một con số hai trăm đồng. Trật rồi! Em ngần ngừ và mua con số khác. Lại trật nữa! Em mua số đến hết nhẫn hai ngàn đồng mẹ vừa cho.

    Thấy em về với vẻ mặt buồn thiu mẹ hỏi: “Có việc gì vậy con?”. Trên đường về em rắp tâm nói dối nên em giả đò mếu máo khóc: “Con đánh rơi mất hai ngàn đồng rồi. Thôi vậy con không đi tham quan nữa đâu”. Mẹ ngần ngừ một lúc rồi móc túi lấy ra những tờ bạc nhàu nát và nói: “Lâu lâu mới có dịp đi xa, con lấy số tiền này mai đóng góp cho nhà trường”.

     Tối hôm đó, ngồi học bài, em thấp thỏm chờ mẹ về. Thường vào giờ này mẹ đã về. Chắc bữa nay bán ế nên mẹ về trễ. Hôm ấy, mãi đến hơn mười giờ đêm mẹ mới về. Gánh chè còn lưng lưng phân nửa. Nhìn vẻ mặt buồn buồn của mẹ, em không sao cầm được nước mắt. Lòng dấy lên một nỗi ân hận, em chạy đến ôm chầm lấy mẹ và nức nở kể hết sự thật. Nghe xong, mẹ vuốt đầu em nói: “Con biết hối lỗi như vậy là tốt rồi. Mẹ còn xoay sở được. Con cứ giữ lấy tiền này cho mẹ vui”.

    Từ đó, mỗi lần nghe loa hội chợ là mỗi lần lòng em lại dấy lên niềm ân hận. Em hứa từ nay không làm mẹ buồn và không giấu bất cứ điều gì.

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn 6 - Cánh diều hay khác::