X

Giải Sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 - Cánh diều

Sách bài tập Ngữ Văn 6 Lượm - Cánh diều Giải SBT Ngữ văn 6


Sách bài tập Ngữ Văn 6 Lượm - Cánh diều

Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Bài tập đọc hiểu: Lượm bộ sách Cánh diều chi tiết được các Giáo viên biên soạn bám sát chương trình sách bài tập Ngữ Văn 6 sẽ giúp học sinh làm bài tập về nhà trong SBT Ngữ Văn 6 dễ dàng hơn.

Sách bài tập Ngữ Văn 6 Lượm - Cánh diều

Câu 1 (trang 12 Sách bài tập Ngữ Văn 6 Tập 2 - Cánh diều): Trong bài Đêm nay Bác không ngủ, em đã biết yếu tố miêu tả trong bài thơ thường được thể hiện bằng những biện pháp nghệ thuật nào?

Xác định những biện pháp miêu tả đó trong những dòng thơ sau:

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

Ca lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng.

Trả lời:

Hai biện pháp chính được sử dụng để miêu tả Lượm trong 8 dòng thơ là:

- Sử dụng từ láy: loắt choắt, xinh xinh, thoăn thoắt, nghênh nghênh. 

– Sử dụng biện pháp so sánh: Như con chim chích / Nhảy trên đường vàng.

Ngoài ra, yếu tố miêu tả được thực hiện qua việc miêu tả trang phục (Ca lô đội lệch), miêu tả hành động (Mồm huýt sáo vang).

Câu 2 (trang 12 Sách bài tập Ngữ Văn 6 Tập 2 - Cánh diều): Nêu tác dụng của các biện pháp miêu tả trong 8 dòng thơ đã trích ở bài tập 1.

Trả lời:

Tác dụng của các biện pháp miêu tả:

– Các biện pháp trên phối hợp với nhau để khắc hoạ một cách ấn tượng, sinh động về chân dung của Lượm: một chú liên lạc nhỏ bé, gầy gò (loắt choắt) nhưng nhanh nhẹn (thoăn thoắt), hiếu động, nghịch ngợm (nghênh nghênh; Ca lô đội lệch), yêu đời, hồn nhiên (Như con chim chích / Nhảy trên đường vàng).

– Vì chú liên lạc nhỏ bé nên chiếc xắc bên mình cũng nhỏ bé, xinh xắn (xinh xinh).

Câu 3 (trang 12 Sách bài tập Ngữ Văn 6 Tập 2 - Cánh diều): Theo em, bài thơ có thể chia làm mấy phần? Nêu nội dung chính của từng phần?

Trả lời:

Các phần chính của bài thơ:


Khổ thơ

Nội dung chính

Phần 1

5 khổ thơ đầu

Hình ảnh Lượm trong lần gặp gỡ tình cờ với tác giả (người xưng là “chú” trong bài thơ)

Phần 2

8 khổ thơ tiếp theo

Câu chuyện Lượm làm nhiệm vụ và hi sinh

Phần 3

2 khổ cuối

Hình ảnh Lượm còn sống mãi

Câu 4 (trang 12 Sách bài tập Ngữ Văn 6 Tập 2 - Cánh diều): (Câu hỏi 3, SGK) Theo em, tại sao các dòng thơ 25, 26, 47 được tách ra thành những khổ thơ riêng?

Trả lời:

(Câu hỏi 3, SGK) Phần lớn các khổ trong bài thơ Lượm có 4 dòng. Tuy nhiên, dòng 25, 26 và dòng 47 được tách ra thành những khổ riêng. Đây là hiện tượng biến thể trong khổ thơ được tác giả sử dụng một cách có chủ ý nhằm thể hiện một mục đích nghệ thuật nào đó.

- Dòng 25 và 26, bên cạnh việc biến thể trong khổ thơ còn có hiện tượng biến thể trong dòng thơ. Các dòng thơ trong bài thơ đều có 4 chữ. Dòng 25 và 26, mỗi dòng đều chỉ có 2 chữ. Việc sử dụng dòng thơ biến thể ở đây thể hiện sự ngỡ ngàng, đau xót của tác giả khi nhận tin của Lượm.

- Dòng 27 được tách riêng thành 1 khổ để thể hiện cảm xúc xót xa, suy tưởng về sự hi sinh của Lượm.

Câu 5 (trang 12 Sách bài tập Ngữ Văn 6 Tập 2 - Cánh diều): (Câu hỏi 5, SGK) Bài thơ kết thúc bằng việc lặp lại những dòng thơ miêu tả hình ảnh Lượm vẫn như ngày đầu có ý nghĩa gì?

Trả lời:

(Câu hỏi 5, SGK) Trong bài Lượm, biện pháp điệp được mở rộng thành nguyên vẹn hai khổ thơ. Nhờ vào phép điệp này mà hình ảnh Lượm trong phần mở đầu bài thơ đã được tái hiện lại một lần nữa trong tâm trí của tác giả. Trước hai khổ thơ này là câu hỏi: “Lượm ơi, còn không?” và hai khổ thơ này (với việc sử dụng phép điệp) chính là câu trả lời: Lượm đã hi sinh nhưng hình ảnh của em vẫn sống mãi trong kí ức của tác giả và người đọc. Phép điệp ở đây đã góp phần quan trọng để bất tử hình ảnh chú bé liên lạc.

Câu 6 (trang 12 Sách bài tập Ngữ Văn 6 Tập 2 - Cánh diều): (Câu hỏi 6, SGK) Trong cuộc sống và trong tác phẩm văn học có rất nhiều tấm gương thiếu niên dũng cảm như nhân vật Lượm.

Hãy viết 3 – 4 dòng giới thiệu về một người mà em biết.

Trả lời:

(Câu hỏi 6, SGK) Trong cuộc sống và trong tác phẩm văn học có rất nhiều tấm gương thiếu niên dũng cảm như nhân vật Lượm. Có thể giới thiệu về một tấm gương thiếu niên dũng cảm như Lượm (được miêu tả trong một tác phẩm văn học hoặc trong cuộc sống).

– Nếu là một tấm gương có thật trong cuộc sống cần đảm bảo các thông tin: họ, tên, năm sinh, quê quán; công việc, hoạt động chính của nhân vật; hoàn cảnh hi sinh. Có thể tìm các thông tin trên qua sách báo hoặc internet.

- Ví dụ: Anh Kim Đồng sinh năm 1929 tại Cao Bằng, tên thật là Nông Văn Dền, người dân tộc Nùng. Từ khi 12 tuổi, anh đã là chiến sĩ liên lạc: đưa đón cán bộ cách mạng và chuyển thư từ. Năm 1943, để bảo vệ cán bộ, anh đã đánh lạc hướng quân Pháp và hi sinh anh dũng

- Nếu là một nhân vật trong tác phẩm văn học cần đảm bảo các thông tin: tên nhân vật, tác phẩm, nhà văn; đặc điểm tính cách nhân vật; hoàn cảnh hi sinh.

Ví dụ: Ga-vơ-rốt (Gavroche) là một nhân vật trong tiểu thuyết Những người khổng khổ của nhà văn Pháp V. Huy-gô (V. Hugo). Đó là một chú bé nghèo khổ nhưng rất thông minh, nhân hậu, hóm hỉnh và dũng cảm. Ga-vơ-rốt đã hi sinh khi tình nguyện thu nhặt đạn để giúp cho nghĩa quân chiến đấu.

Câu 7 (trang 12 Sách bài tập Ngữ Văn 6 Tập 2 - Cánh diều): Tìm một số thông tin về tác giả Tố Hữu và hoàn cảnh ra đời bài thơ Lượm để hiểu thêm nội dung bài thơ này.

Trả lời:

Một số thông tin về tác giả Tố Hữu và hoàn cảnh ra đời bài thơ Lượm giúp chúng ta hiểu thêm nội dung bài thơ. Các thông tin dưới đây được trích từ cuốn Tư liệu Ngữ văn 6 (NXB Giáo dục, 2005):

    Nhà thơ Tố Hữu (tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành) sinh năm 1920 tại Thừa Thiên Huế, mất năm 2002 tại Hà Nội.

    Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, từ sáu, bảy tuổi, Tố Hữu đã học và tập làm thơ. Ông giác ngộ cách mạng trong thời kì Mặt trận Dân chủ và trở thành người lãnh đạo Đoàn thanh niên Dân chủ ở Huế. Ông bắt đầu đăng thơ trên báo từ những năm 1937 – 1938. Năm 1939, ông bị thực dân Pháp bắt giam. Năm 1942, Tố Hữu vượt ngục, tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1945, ông lãnh đạo khởi nghĩa ở Huế. Sau Cách mạng tháng Tám, Tố Hữu trở thành nhà lãnh đạo tư tưởng, văn nghệ của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời cũng trở thành nhà thơ lớn của nền văn học cách mạng Việt Nam.

    Tác phẩm đã xuất bản: Từ ấy (thơ, 1946); Việt Bắc (thơ, 1954); Gió lộng (thơ, 1961); Ra trận (thơ, 1972); Máu và hoa (thơ, 1977); Một tiếng đờn (thơ, 1992), Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta (tiểu luận, 1973); Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (tiểu luận, 1981); Nhớ lại một thời (hồi kí, 2000).

     Nhà thơ đã được nhận: Giải Nhất Giải thưởng Văn học Hội Văn nghệ Việt Nam (1954 – 1955); Giải thưởng Văn học ASEAN (1996); Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật (đợt 1, năm 1996).

     Hoàn cảnh ra đời của bài thơ:

    “Một đồng chỉ ở Thừa Thiên ra kể cho tôi nghe những tấm gương chiến đấu dũng cảm ở quê nhà và cho tôi biết tin về cháu Lượm. Nó là con của một chú em họ của tôi. Từ Cách mạng tháng Tám, nó đã về với tôi ở Huế và cùng một số bạn nhỏ tự nguyện theo các chú bộ đội. Nó đi liên lạc cho đơn vị và trong khi đưa thư qua một cánh đồng, cháu bị trúng đạn, hi sinh khi mới mười bốn tuổi. Anh em trong đơn vị thương tiếc nó như con, em của mình. Thế là Lượm đã ngã xuống như Kim Đồng và bao bạn nhỏ dũng cảm khác. Tôi viết bài thơ Lượm, cảm thấy như còn đâu đây dáng điệu thật dễ thương, và khuôn mặt còn trẻ con nhưng rất cứng cỏi của nó:

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh


Ca lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng

    Và nhớ mãi giọng nói hồn nhiên của chú bé:

Cháu đi liên lạc

Vui lắm chú à

Ở đồn Mang Cá

Thích hơn ở nhà

    Theo lời người bạn kể, sau loạt đạn của quân thù, Lượm ngã xuống, vẫn nguyên vẻ ngây thơ của chú thiếu niên:

Cháu nằm trên lúa

Tay nắm chặt bông

Lúa thơm mùi sữa

Hồn bay giữa đồng

    Tự nhiên, tôi khẽ thốt lên:

Lượm ơi, còn không?

    Không! Những anh hùng, dù nhỏ tuổi như cháu, không bao giờ chết.

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta có rất nhiều dũng sĩ thiếu niên như cháu Lượm càng ngày càng nhiều không thể nào đếm xuể, không thể nào biết hết. Có lẽ đó cũng là một đặc trưng, một niềm tự hào lớn của dân tộc ta vốn có truyền thống lâu đời như Trần Quốc Toản ngày xưa vậy.”

                              (Tố Hữu, Nhớ lại một thời, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000)

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn 6 - Cánh diều hay khác: