X

Giải Sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 - Cánh diều

Tìm một số thông tin về tác giả Tố Hữu và hoàn cảnh ra đời bài thơ Lượm


Tìm một số thông tin về tác giả Tố Hữu và hoàn cảnh ra đời bài thơ Lượm

Câu 7 trang 12 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 2 - Cánh diều: Tìm một số thông tin về tác giả Tố Hữu và hoàn cảnh ra đời bài thơ Lượm để hiểu thêm nội dung bài thơ này.

Trả lời:

Một số thông tin về tác giả Tố Hữu và hoàn cảnh ra đời bài thơ Lượm giúp chúng ta hiểu thêm nội dung bài thơ. Các thông tin dưới đây được trích từ cuốn Tư liệu Ngữ văn 6 (NXB Giáo dục, 2005):

    Nhà thơ Tố Hữu (tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành) sinh năm 1920 tại Thừa Thiên Huế, mất năm 2002 tại Hà Nội.

    Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, từ sáu, bảy tuổi, Tố Hữu đã học và tập làm thơ. Ông giác ngộ cách mạng trong thời kì Mặt trận Dân chủ và trở thành người lãnh đạo Đoàn thanh niên Dân chủ ở Huế. Ông bắt đầu đăng thơ trên báo từ những năm 1937 – 1938. Năm 1939, ông bị thực dân Pháp bắt giam. Năm 1942, Tố Hữu vượt ngục, tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1945, ông lãnh đạo khởi nghĩa ở Huế. Sau Cách mạng tháng Tám, Tố Hữu trở thành nhà lãnh đạo tư tưởng, văn nghệ của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời cũng trở thành nhà thơ lớn của nền văn học cách mạng Việt Nam.

    Tác phẩm đã xuất bản: Từ ấy (thơ, 1946); Việt Bắc (thơ, 1954); Gió lộng (thơ, 1961); Ra trận (thơ, 1972); Máu và hoa (thơ, 1977); Một tiếng đờn (thơ, 1992), Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta (tiểu luận, 1973); Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (tiểu luận, 1981); Nhớ lại một thời (hồi kí, 2000).

     Nhà thơ đã được nhận: Giải Nhất Giải thưởng Văn học Hội Văn nghệ Việt Nam (1954 – 1955); Giải thưởng Văn học ASEAN (1996); Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật (đợt 1, năm 1996).

     Hoàn cảnh ra đời của bài thơ:

    “Một đồng chỉ ở Thừa Thiên ra kể cho tôi nghe những tấm gương chiến đấu dũng cảm ở quê nhà và cho tôi biết tin về cháu Lượm. Nó là con của một chú em họ của tôi. Từ Cách mạng tháng Tám, nó đã về với tôi ở Huế và cùng một số bạn nhỏ tự nguyện theo các chú bộ đội. Nó đi liên lạc cho đơn vị và trong khi đưa thư qua một cánh đồng, cháu bị trúng đạn, hi sinh khi mới mười bốn tuổi. Anh em trong đơn vị thương tiếc nó như con, em của mình. Thế là Lượm đã ngã xuống như Kim Đồng và bao bạn nhỏ dũng cảm khác. Tôi viết bài thơ Lượm, cảm thấy như còn đâu đây dáng điệu thật dễ thương, và khuôn mặt còn trẻ con nhưng rất cứng cỏi của nó:

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh


Ca lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng

    Và nhớ mãi giọng nói hồn nhiên của chú bé:

Cháu đi liên lạc

Vui lắm chú à

Ở đồn Mang Cá

Thích hơn ở nhà

    Theo lời người bạn kể, sau loạt đạn của quân thù, Lượm ngã xuống, vẫn nguyên vẻ ngây thơ của chú thiếu niên:

Cháu nằm trên lúa

Tay nắm chặt bông

Lúa thơm mùi sữa

Hồn bay giữa đồng

    Tự nhiên, tôi khẽ thốt lên:

Lượm ơi, còn không?

    Không! Những anh hùng, dù nhỏ tuổi như cháu, không bao giờ chết.

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta có rất nhiều dũng sĩ thiếu niên như cháu Lượm càng ngày càng nhiều không thể nào đếm xuể, không thể nào biết hết. Có lẽ đó cũng là một đặc trưng, một niềm tự hào lớn của dân tộc ta vốn có truyền thống lâu đời như Trần Quốc Toản ngày xưa vậy.”

                              (Tố Hữu, Nhớ lại một thời, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000)

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn 6 - Cánh diều hay khác::