X

500 bài văn mẫu lớp 8

Phân tích nhân vật bà mẹ và bé Hồng trong tập hồi kí Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng năm 2023


Phân tích nhân vật bà mẹ và bé Hồng trong tập hồi kí Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng năm 2023

Bài văn Phân tích nhân vật bà mẹ và bé Hồng trong tập hồi kí Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng gồm dàn ý chi tiết, bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 8.

Phân tích nhân vật bà mẹ và bé Hồng trong tập hồi kí Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng năm 2023 - Văn mẫu lớp 8

Đề bài: Phân tích nhân vật bà mẹ và bé Hồng trong tập hồi kí "Những ngày thơ ấu" của Nguyên Hồng.

Bài văn mẫu

   Nguyên Hồng là nhà văn của những người cùng khổ. Ông thường viết về những lớp người "dưới đáy" với tình cảm yêu thương sâu sắc, chân thành. Những ngày thơ ấu là một tập hồi kí giàu chất trữ tình, trung thực và cảm động về tuổi thơ cay đắng của Nguyên Hồng thời thơ ấu.Đây là tác phẩm có giá trị của Nguyên Hồng và cũng là một tác phẩm có giá trị của văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945.

   Trong lòng mẹ là chương IV của tập hồi kí Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng với tấm lòng yêu thương mẹ thật tha thiết, hồn nhiên, mãnh liệt trong đoạn trích.

   Chương IV của tác phẩm đã miêu tả một cách sinh động "những rung dộng cực điểm của một tâm hồn trẻ dại" (Thạch Lam) đối với người mẹ, đã bộc lộ sâu sắc lòng yêu thương mẹ của bé Hồng. Hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến, bị trói buộc trong những hủ tục khắt khe từ đó mà đau khổ, bắt hạnh triền miên được thể hiện rõ.

   Qua tác phẩm, bà mẹ của bé Hồng là người phụ nữ bất hạnh, không hề có hạnh phúc! Bà bị ép gả chồng mà không hề được tự ý lựa chọn theo mơ ước của mình. Càng đau khổ hơn khi chồng bà là người nghiện ngập, bệnh hoạn. Gia đình bên chồng tuy khá giả nhưng ích kỉ, nhiều thành kiến và cổ hủ nên đã ghét bỏ bà. Họa vô đơn chí! Bà góa chồng, gia đình tan nát lại nghèo khó, đành gửi con lại cho gia đình bên chồng để lưu lại kiếm sống.

   Người mẹ tái giá. Gia đình chồng coi đó là hành động tội lỗi nhục nhã vì bà có thai khi chưa hết tang chồng. Bà luôn bị gièm pha, oán trách, mỉa mai. Đến ngày giỗ chồng, cũng như lúc ra đi, bà mạnh dạn trở về để gặp con, để hai mẹ con lại có những phút giâ ngọt ngào êm dịu hiếm hoi.

   Như vậy, trước hết ta thấy bà mẹ bé Hồng điển hình cho người phụ nữ xưa, ngoan ngoãn theo thói tục cũ: lấy chồng theo sự lựa chọn của cha mẹ. Xuất giá tòng phu, bà vẫn sống trong khuôn khổ cũ. Khi chồng mất, bà túng quẫn, bà lại "bước đi bước nữa", đã tự cởi trói cho mình để tìm hạnh phúc cho cuộc đời còn lại của mình. Bà đã thể hiện cá tính mạnh mẽ vượt lên thói tục thông thường để tìm hạnh phúc mới.

   Người mẹ phải xa đứa con yêu dấu của mình nhưng lúc nào bà cũng thương nhớ con, đau nhói trong tim khi nghĩ đến cảnh con bà bơ vơ, lạc lõng, bị hắt hủi bên gia đình chồng cũ. Yêu con, bà đã chấp nhận mọi lời dị nghị và cách đối xử ghẻ lạnh đề về thăm con trong ngày giỗ đầu chồng cũ. Ta có thể hiểu vì sao bà bặt tăm, không thư từ thăm hỏi, không quà bánh cho con đến gần một năm trời. Bà không muốn con bà phải nghe những lời đay nghiến, mỉa mai. Gặp lại con, bà xúc động, ôm con vào lòng với biết bao yêu thương và nước mắt. Đó là tình mẫu tử vô biên của một người đàn bà bất hạnh, đắng cay.

   Thật xót xa khi cảnh đời thật của người mẹ trong hồi ký của nhà văn lại là cảnh đời tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam thời xưa. Lễ giáo phong kiến, hủ tục khắt khe chỉ tạo thêm những dòng lệ thảm cho cuộc đời vốn bất hạnh của người phụ nữ. Mẹ bé Hồng là người dám thoát ra để vươn tới một hạnh phúc, một cuộc sống hợp lí tốt đẹp hơn.

   Qua hồi kí về tuổi thơ nhiều cay đắng của Nguyên Hồng; ta hiểu về phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại với những hoàn cảnh thương tâm và ước mơ chân chính, với lòng thương con đậm đà, tha thiết.

   Nội dung cơ bản của đoạn trích cũng toát lên từ Chương hồi kí này là nỗi cay đắng uất ghẹn và tình thương yêu vô bờ bến của bé Hồng đối với người mẹ nhân từ, tần tảo mà cuộc đời chịu nhiều bất hạnh. Có hai sự kiện đã hóa thành kỉ niệm không thể phai mờ được nhà văn kể lại. Thứ nhất là cuộc trò chuyện của bé Hồng với bà cô; thứ hai là mẹ bé Hồng trở về, cuộc gặp gỡ đầy nước mắt, đầy niềm vui và hạnh phúc.

   Nhớ lại cuộc trò chuyện với bà cô tức là nhà văn nhớ lại cảnh côi cút của một đứa bé và cảnh ngộ thương tâm của người mẹ hiền từ. Cha bé Hồng mất chưa đầy một năm. Mẹ bé Hồng trở thành người đàn bà bị cái tội bước đi bước nữa, nên bị gia đình chồng ruồng rẫy.

   Vì "cùng túng quá" trong cái xã hội đầy thành kiến và hủ tục độc ác, người mẹ khốn khổ ấy phải bỏ con đi tha phương cầu thực. Thế là bé Hồng mất cha, lại xa mẹ phải sống nhờ họ hàng, bị hắt hủi tàn nhẫn. Đã một năm, bé Hồng không nhận được thư, không lời hỏi hay một đồng quà của mẹ, bé Hồng thương mẹ, nhiều khi rơi nước mắt.

   Cuộc trò chuyện với bà cô là kỉ niệm không thể quên về một nỗi uất ghẹn mà tuổi thơ Nguyên Hồng đã trải qua. Nỗi đau sâu xa của bé Hồng không chỉ là xa vắng mẹ mà còn là nỗi đau xé lòng khi đang nhớ thương mẹ, lại phải nghe những lời nói xấu cay nghiệt về mẹ. Ác ý của người cô bộc lộ rất rõ. Giọng của bà cô lúc ngọt lúc nghiêm nghị tỏ ra ngậm ngùi thương xót. Nhưng thực ra, lời nói của bà như khoét sâu vào nỗi đau của đứa bé tội nghiệp. Bé Hồng nhận rõ nét mặt khi cười rất kịch của bà cô. Rắp tâm của bà là gieo rắc vào đầu óc đứa cháu những hoài nghi để nó khinh miệt và ruồng rẫy mẹ nó nhưng bé đinh ninh đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị rắp tâm tanh bẩn xâm phạm ngay đến. Tuy còn bé, rơi vào hoàn cảnh éo le như thế, Hồng đã sớm khôn ngoan, cố gắng giấu kín ý nghĩ và tình cảm của mình đối với bà cô. Nhưng cũng giấu kín nên nỗi đau và uất ghẹn ấy càng bùng nổ dữ dội.

   Nỗi đau khổ sâu xa của chú bé không chỉ là thiếu tình thương mà còn ở chỗ chú thường bị người khác xúc phạm một cách độc ác về mẹ chú. Một người đàn bà bị cái tội là góa chồng, nợ nần cùng túng quá, phải đi tha phương cầu thực, xa cả đứa con yêu dấu.

   Bằng cử chỉ cùng giọng nói thân tình tự nhiên nhất, bà cô bảo chú bé hãy đi thăm mẹ và "thăm em bé" (con sau của người mẹ). Đấy là những lời đầy dụng ý: hai tiếng "em bé" mà cô tôi ngân dài ra thật ngọt, thật rõ, quả nhiên đã xoắn chặt lấy tâm có thể tôi như ý cô tôi muốn. Chú bé Hồng từ chỗ im lặng cúi đầu đến nước mắt ròng ròng… Cái cười dài trong tiếng khóc đó cho ta thấy nỗi đau đớn tủi cực và cả nỗi căm giận buộc phải nén lại của chú bé sâu sắc biết chừng nào! Không phải là giọt nước mắt xấu hổ, tủi thân mà là giọt nước mắt của tình thương qua ý nghĩ thương mẹ tại sao phải sinh em bé một cách giấu diếm, trốn tránh.

   Dường như chưa cho thế là đủ, bà cô còn tươi cười kể cho chú bé nghe rằng mẹ chú ăn vận rách rưới, mặt mày xanh bủng ngồi cho con bú ở chợ. Chưa nghe hết câu chú bé đã nghẹn họng khóc không ra tiếng. Chú đau đớn và vô cùng căm giận những cổ tục đã đầy đọa người mẹ hiền từ đáng thương của mình.

   Tình thương yêu mẹ của chú bé khi gặp lại mẹ là cảm giác vui sướng thấm thía tột cùng của chú khi được trở về "trong lòng mẹ". Đó là một cảm xúc lớn lao, mãnh liệt dâng trào, một cảm giác hạnh phúc tuyệt vời đã xâm chiếm toàn bộ cơ thể và tâm hồn chú bé.

   Thoáng thấy bóng người ngồi trên xe kéo giống mẹ mình, chú bé cuống quýt đuổi theo gọi bối rối: "Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ ơi!..." Nếu người quay lại ấy là người khác thì thật là điều tủi cực ghê gớm cho chú bé, khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc. Bé Hồng khát tình mẹ như người hộ hành khát nước đến kiệt sức của bé Hồng. Khát khao càng mãnh liệt nên được gặp mẹ, bé Hồng xiết bao hồi hộp, sung sướng! Chú bé thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi và khi treo lên xe, chú ríu cả chân lại. Biết báo hồi hộp sung sướng, đau khổ toát lên từ những cử chỉ cuống quýt ấy. Và khi được mẹ kéo tay, xoa đầu hỏi thì chú bé òa lên khóc và cứ thế nức nở. Dường như bao nhiêu sầu khổ dồn nén không được giải tỏa trong chú bé suốt thời gian xa mẹ dài đằng đẵng, lúc này bỗng vỡ òa trong tiếng khóc nức nở, tức tưởi của bé Hồng. Trong ánh mắt thương yêu của đứa con mong mẹ, mẹ chú hiện ra xiết bao thân yêu, đẹp tươi: vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má. Chú bé cảm thấy ngây ngất sung sướng tận hưởng cảm giác khi được sà vào lòng mẹ, cảm giác mà chú đã mất từ lâu. Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Chú bé còn cảm nhận thấm thía hơi lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Chú bé còn cảm nhận thấm thía hơi mẹ vô cùng thân thiện đối với chú: Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng sinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường.

   Dường như tất cả các giác quan bé Hồng đều thức dậy và mở ra để tận hưởng cái êm dịu vô cùng của người mẹ. Trong những giấy phút say sưa và rạo rực ấy, bé Hồng không nhớ gì, không nghĩ gì, kể cả những lời âu yếm mẹ con nói với nhau, lẫn câu nói cay độc của bà cô hôm nào. Sự xúc động, tình thương yêu của bé Hồng thật sinh động, nồng thắm.

   Tình thương mẹ là nét nổi bật trong tâm hồn bé Hồng. Nó mở ra trước mắt ta cả thế giới tâm hồn phong phú của bé. Thế giới ấy lấp lánh ánh sáng nhân đọa, luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên.

   Tình thương mẹ đã cho bé Hồng một cái nhìn sắc bén đối với con người và sự việc ngoài đời. Tình thương ấy không gì có thể cản ngăn, chia cắt được và ngày càng trở nên thắm thiết nồng nàn. Qua đó, ta càng hiểu và yêu mến bé Hồng, hiểu sâu hơn tình mẫu tử thiêng liêng. Hồi kí Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng trở thành một áng văn nghệ thuật, vừa có tầm vóc tư tưởng lớn lao, vừa thể hiện chân thật : rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại"

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 8 chọn lọc, hay khác: