Suy nghĩ của em về tình cảm yêu nước thương dân trong Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ năm 2023
Suy nghĩ của em về tình cảm yêu nước thương dân trong Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ năm 2023
Bài văn Suy nghĩ của em về tình cảm yêu nước thương dân trong Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ gồm dàn ý chi tiết, bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 8.
Đề bài: Suy nghĩ của em về tình cảm yêu nước thương dân được thể hiện trong các văn bản Chiếu dời đô (Lý Thái Tổ), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn).
Bài văn mẫu
Yêu nước là nguồn cảm hứng lớn và xuyên suốt trong văn học dân tộc. Bời vậy, không khó để tìm thấy tình cảm yêu nước được thể hiện trong các tác phẩm văn chương. Chiếu dời đô (Lí Công Uẩn) và Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn) chính là hai trong số những văn bản thể hiện tình yêu đất nước và niềm tự hào dân tộc như thế!
Lí Công Uẩn là một vị vua anh minh và có tầm nhìn xa trông rộng, chính bởi vậy, ông thấy được sự cần thiết phải dời đô, vì thế “Chiếu dời đô” ra đời. Tình cảm yêu nước thương dân được thể hiện trong nhiều khía cạnh.
Xuất phát từ nỗi lo lắng cho đất nước, Lí Công Uẩn đã chỉ ra được sự không phù hợp của việc tiếp tục đóng đô ở Hoa Lư, Ông lo lắng và “đau xót về điều đó”. Ông cũng bày tỏ ý nguyện dời đô về Đại La vì đó là nơi “trung tâm trời đất, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu”, “trên vâng mệnh trời, dưới hợp lòng dân”. Có thể nói tư tưởng yêu nước ở đây đã gắn liền với mong muốn bền vững của triều đại. Ông cũng bày tỏ ước nguyện muốn xây dựng chốn hạnh phúc, bình an cho muôn dân, theo Lí Công Uẩn, nếu dời đô về chốn ấy, một nơi “trung tâm trời đất”, được thế “rồng cuộn hổ ngồi", "địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng", dân cư sẽ tránh được lụt lội mà "muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi". Khát khao trên hết của Lí Công Uẩn chính là non sông thu về một mối và nhân dân an cư lạc nghiệp, có một chốn yên ổn làm ăn sinh sống. Ông khẳng định chắc nịch “đây quả thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước,cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời ”thể hiện quyết tâm dời đô, cũng là quyết tâm thực hiện trách nhiệm của một bậc đế vương với đất nước là để cho triều đại phồn thịnh lâu dài. Việc ông trưng cầu ý kiến của các quan thể hiện sự tôn trọng quần thần, cũng thể hiện sự tôn trọng nhân dân.
Có thể thấy, việc dời đô đã khẳng định ý chí độc lập, tự cường của vua Lí Thái Tổ, cũng thể hiện sự phát triển lớn mạnh của dân tộc Đại Việt có thể tự dựa vào sức mạnh của mình để đương đầu với thách thức.
Tiếp nối Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn cũng thể hiện lòng yêu nước thương dân của vị chủ tướng.
Lòng yêu nước thể hiện trước hết ở sự căm thù giặc đến tận cùng. Ông đã thẳng thắn vach trần tội ác và sự ngang ngược của giặc: Đi lại nghênh ngang, sỉ mắng triều đình, bắt nạt tể phụ, đòi ngọc lụa, thu bạc vàng…giọng văn mỉa mai châm biếm gợi cảm xúc căm phẫn, khinh bỉ của tác giả trước bộ mặt vô lại của giặc
Trong bài Hịch, Trần Quốc Tuấn cũng bày tỏ nỗi lòng của mình với vận mệnh non sông đang bị kẻ thù chà đạp một vách chân thành, tha thiết: "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa được xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù”. Trần Quốc Tuấn yêu đất nước đến độ, ông chấp nhận hi sinh tất cả: Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng. Với nỗi đau trước tình cảnh đất nước, ông đã có một tinh thần hi sinh cao cả vì dân, chấp nhận hi sinh vì non sông xã tắc. Những lời tâm huyết ấy, sự căm thù giặc tột cùng ấy, chỉ có thể có ở một người yêu đất nước tột cùng.
Đối với binh lính, những người cũng xuất phát từ nhân dân, ông bày tỏ tấm lòng: "Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền đã lâu ngày,… lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười”, thế nhưng ông cũng thẳng thắn phê phán những sai lầm trong hàng ngũ mình, đó là những hành động hưởng lạc, thái độ bàng quan trước vận mệnh đất nước, ham thú vui tầm thường: chọi gà, cờ bạc, săn bắn, ruợu ngon... Từ đó, Trần Quốc Tuấn kêu gọi binh sĩ hãy phân định chính tà, dốc sức vì dân vì nước. Tại sao ông phải làm điều này, đó là bởi ông mong muốn đất nước không còn bóng giặc, cũng mong muốn nhân dân sống một đời an yên hạnh phúc.
Văn bản là biểu hiện sâu sắc nhất tấm lòng yêu nước của một vị chủ tướng có tâm, suốt đời tận tụy vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Tựu trung lại, cả hai văn bản đều thể hiện một cách sâu sắc nhất tấm lòng yêu nước thương dân của mỗi tác giả. Điều này khơi gợi lên trong lòng mỗi độc giả, đặc biệt là thế hệ trẻ lòng yêu nước và tinh thần quốc gia sâu sắc mà từ tình yêu thương thiêng liêng ấy, nhiều hành động ý nghĩa sẽ trở thành hiện thực, để quê hương ta, non sông gấm vóc ta ngày càng giàu đẹp yên ấm.