Thuyết minh về lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023
Thuyết minh về lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023
Bài văn Thuyết minh về lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương gồm dàn ý chi tiết, bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 8.
Đề bài: Thuyết minh về lễ hội giỗ tổ Hùng Vương
Bài văn mẫu
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Lễ giỗ tổ Hùng Vương từ lâu đã trở thành một đã trở thành ngày giỗ trọng đại của cả dân tộc, in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất cội nguồn - xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ.
Giỗ tổ Hùng Vương là lễ hội có nguồn gốc bắt đầu từ thời vua Lê Thánh Tông, năm 1470. Đến đời vua Lê Kính Tông năm 1601, vua chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ. Rồi đến thời nhà Nguyễn - năm Khải Định thứ 2, vua chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên. Lễ hội diễn ra tại đền Hùng – Phú Thọ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, tuy nhiên, lễ hội thực chất đã diễn ra từ hàng tuần trước đó với những phong tục như đâm đuống (đánh trống đồng) của dân tộc Mường, hành hương tưởng niệm các vua Hùng và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch.
Lễ gồm hai phần chính là phần lễ và phần hội. Đầu tiên là phần lễ với lễ rước kiệu và dâng hương trên đền Thượng. Lễ hội đền Hùng hiện được Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nâng lên thành tổ chức lớn vào những năm chẵn. Phần lễ được duy trì trang nghiêm trong các đền, chùa trên núi Hùng. Có hai lễ được cử hành cùng thời điểm của ngày chính hội, đó là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Đám rước kiệu đa dạng màu sắc của rất nhiều cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương. Lễ dâng hương được cử hành bởi những người hành hương từ mọi nơi, những người này tới đền Hùng chủ yếu vì nhu cầu của đời sống tâm linh. Mỗi người đều thắp lên vài nén hương khi tới đất Tổ để nhờ làn khói thơm nói hộ những điều tâm niệm của mình với tổ tiên. Theo quan niệm của người Việt, mỗi nắm đất, gốc cây nơi đây đều linh thiêng và những gốc cây, hốc đá cắm đỏ những chân hương.
Sau phần lễ trang nghiêm là phần hội diễn ra tưng bừng, náo nhiệt xung quanh các đền, chùa và dưới chân núi Hùng. Lễ hội ngày nay có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá, có nhiều trò chơi dân gian. Đó là những thi hát xoan tức hát ghẹo - một hình thức dân ca đặc biệt của Phú Thọ với lời ca tinh tế mượt mà đã đem tới cho lễ hội đền Hùng một nét đặc trưng, thấm đượm văn hoá vùng Trung du đất tổ. Ngoài ra còn có những cuộc thi vật, thi kéo co, hay thi bơi chải ở ngã ba sông Bạch Hạc, nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh luyện chiến. Ngày nay, hội còn là nơi giao lưu văn hoá giữa các vùng. Các nghệ nhân người Mường mang đến lễ hội thanh âm của tiếng trống đồng một thời dóng trên đỉnh núi Hùng, gọi mặt trời làm mưa, làm nắng thuận hoà, cho mùa màng tốt tươi, muôn dân hạnh phúc.
Lễ giỗ Tổ Hùng Vương là một phong tục rất đẹp trong đời sống tâm linh của dân tộc người Việt. Phong tục này mang những giá trị về văn hóa lịch sử vô cùng to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Chính bởi vậy mà đã từ lâu, Phú Thọ được coi là thánh địa của cả nước, là cái nôi của dân tộc. Trải qua một quãng thời gian rất dài với biết bao thăng trầm trong lịch sử, nhà nước vẫn cố gắng tổ chức lễ hội Đền Hùng để tưởng nhớ tới những vị vua khai sáng ra nước Việt ta. Những người hành hương tới với nơi đây đều mang trong mình những niềm thành kính, mong muốn gửi lên tấm lòng chân thành của mình tới tổ tiên.
Với những giá trị và ý nghĩa to lớn như vậy, vào ngày 6/12/2012, việc giỗ tổ Hùng Vương đã được cả thế giới biết đến khi UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Giỗ tổ Hùng Vương thực sự là một trong những lễ hội truyền thống lớn của dân tộc. Lễ hội đã góp phần tô điểm cho nền văn hóa dân tộc, ý nghĩa tâm linh của cuộc trẩy hội về Đền Hùng đã trở thành nếp nghĩ, nếp sinh hoạt truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần của người Việt Nam. Đây là niềm tự hào của Việt Nam - một đất nước với bề dày về văn hóa lịch sử, về nguồn gốc con rồng cháu tiên ngàn đời.