Soạn bài Sông Đáy - ngắn nhất Cánh diều
Haylamdo biên soạn và sưu tầm soạn bài Sông Đáy trang 39, 40, 41 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 11 Cánh diều giúp học sinh soạn văn 11 dễ dàng hơn.
Soạn bài Sông Đáy - ngắn nhất Cánh diều
1. Chuẩn bị
Yêu cầu (trang 39 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2 – Cánh diều):
- Đọc trước bài thơ Sông Đáy, tìm hiểu thêm thông tin về nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
- Em biết những bài thơ, bài hát nào viết về con sông quê hương? Ấn tượng, cảm xúc, suy nghĩ,... mà những bài thơ, bài hát đó gợi ra cho em là gì?
Trả lời:
- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:
+ Sinh năm: 1957
+ Quê quán: Hoàng Dương, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).
+ Chức vụ: Nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia, dịch giả.
- Những bài thơ, bài hát viết về con sông quê hương: Sông quê em và sông quê anh – Nghi Lâm; Ráng chiều – Lâm Bình; Bài thơ: Nhớ sông quê – Hoàng Minh Tuấn; Khúc hát dòng sông – Phan Thu Hà. Nhớ con sông quê hương – Tế Hanh....
- Ấn tượng mà những bài thơ, bài hát gợi ra: dòng sông luôn có sự gắn bó mật thiết và là biểu tượng sâu sắc của quê hương. Dòng sông đầy ắp những kỉ niệm, kí ức tuổi thơ của biết bao người. Những bài thơ, những câu hát nhắc nhở ta về nguồn cội, về những kí ức êm đềm và tình yêu quê hương, đất nước.
2. Đọc hiểu
* Nội dung chính: Bài thơ kể về tâm trạng, nỗi nhớ của một đứa con trở về quê hương và gặp lại con sông Đáy, nơi tạo nên ký ức tuổi thơ và những hình ảnh đẹp của người mẹ.
* Trả lời câu hỏi giữa bài:
Câu 1. (trang 39 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2 – Cánh diều): Chú ý mối quan hệ giữa hình ảnh lưng mẹ và “mảnh sóng đêm”.
Trả lời:
Đặt hình ảnh lưng mẹ bên cạnh mảnh sóng đêm, tác giả muốn ví mẹ tựa như dòng sông. Sông cung cấp nước cho mọi sinh vật, ban cho mọi vật sự sống. Và mẹ của nhà thơ cũng vậy, mẹ đã ban tặng cho ta sự sống và tình yêu trên cõi đời này.
Câu 2. (trang 40 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2 – Cánh diều): Hình ảnh "giàn giụa nước mưa sông" gợi cho em liên tưởng gì?
Trả lời:
Hình ảnh "giàn giụa nước mưa sông" gợi cho em liên tưởng đến những giọt nước mắt của chảy không ngừng bởi nỗi nhớ quê hương tha thiết, cồn cào, nhà thơ nhớ thương và muốn khóc, muốn vỡ òa cho thỏa nỗi lòng.
Câu 3. (trang 40 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2 – Cánh diều): Tại sao điệp ngữ "Sông Đáy ơi" được lặp lại ở khổ 3 và 4?
Trả lời:
Điệp ngữ "Sông Đáy ơi" được lặp lại ở khổ 3 và 4 như tiếng gọi tha thiết báo hiệu sự trở về muộn màng của chủ thể trữ tình. Nó chứa đựng những cảm xúc tha thiết, lưu luyến, bồi hồi của tác giả khi trở về nơi đây.
* Trả lời câu hỏi cuối bài:
Câu 1. (trang 40 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2 – Cánh diều): Bài thơ Sông Đáy được viết theo thể thơ nào? Việc lựa chọn thể thơ này cùng với cách chấm câu trong bài thơ có tác dụng gì đối với việc thể hiện cảm xúc của chủ thể trữ tình?
Trả lời:
- Thể thơ: Tự do
- Việc sử dụng thể thơ cùng dấu chấm câu tự do, thoải mái, giúp mạch thơ cùng mạch cảm xúc của bài thơ tự nhiên, thể hiện rõ nét tình cảm của tác giả dành cho con sông Đáy, cho thiên nhiên, con người nơi đây và cho mẹ của mình.
Câu 2. (trang 40 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2 – Cánh diều): Hình ảnh sông Đáy hiện lên qua những mốc thời gian nào trong cuộc đời của nhân vật trữ tình? Các mốc thời gian được sắp xếp theo trình tự nào? Ý nghĩa của trình tự này là gì?
Trả lời:
- Hình ảnh sông Đáy hiện lên qua những mốc thời gian trong cuộc đời của nhân vật trữ tình: từ kí ức đến hiện tại, từ khi nhân vật trữ tình còn nhỏ, đến lúc lớn lên đi xa quê hương và cuối cùng là ngày trở về.
- Ý nghĩa của trình tự thời gian: giúp mạch cảm xúc của tác giả được thể hiện rõ nét và chi tiết hơn, nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa sông Đáy với tác giả.
Câu 3. (trang 40 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2 – Cánh diều): Hình tượng “mẹ” xuất hiện bao nhiêu lần trong bài thơ? Ý nghĩa của hình tượng đó là gì?
Trả lời:
Hình tượng mẹ xuất hiện 4 lần trong bài thơ, ở câu thơ mở đầu bài thơ, ở câu thơ thứ 7, 16 và 17.
- Ý nghĩa: giúp cho những kí ức về mẹ của nhân vật trữ tình được lưu giữ không chỉ trong tim mà còn qua những trang giấy lưu lại muôn đời.
Câu 4. (trang 40 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2 – Cánh diều): Hình tượng “em” mang lại những cảm xúc gì về sông Đáy trong tâm hồn của nhân vật trữ tình? Vì sao?
Trả lời:
Hình tượng “em” mang lại những cảm xúc khắc khoải, trân trọng, nhung nhớ, ghi dấu mãi trong tim nhân vật trữ tình vì: “em” gắn liền với những kí ức tươi đẹp cùng nhân vật trữ tình gặp gỡ, hò hẹn nơi dọc dòng sông Đáy. Sông Đáy chứng kiến các mối tình chớm nở, tình yêu đôi lứa đẹp đẽ và sự chia xa đầy tiếc nuối.
Câu 5. (trang 41 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2 – Cánh diều): Nhận diện một yếu tố tượng trưng trong bài thơ và chỉ ra vai trò của yếu tố đó đối với việc thể hiện nội dung.
Trả lời:
- Yếu tố tượng trưng: Cát từ mặt tôi chảy xuống dòng dòng
- Vai trò của yêu tố trong việc thể hiện nội dung: Cát chảy xuống dòng dòng nơi khóe mắt ở đây chính là những giọt nước mắt nghẹn ngào, thể hiện tâm trạng day dứt đến vỡ òa, vỡ vụn, những niềm tiếc nuối khôn nguôi của của nhân vật trữ tình phải xa cách quê hương, xa cách dòng sông yêu dấu quá lâu.
Câu 6. (trang 41 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2 – Cánh diều): Từ nội dung bài thơ và những hiểu biết về văn hoá dân tộc, hãy lí giải vì sao tình cảm gắn bó, yêu thương với quê hương của người Việt đặc biệt sâu nặng. Tình cảm này liệu có thay đổi trong đời sống hiện nay?
Trả lời:
- Quê hương từ lâu đã luôn chiếm một phần quan trọng trong cuộc đời của mỗi người Việt Nam. Tình yêu với quê hương không chỉ được vun đắp từ nhỏ, qua những câu ca dao, tục ngữ, qua những câu hát, câu ru mà còn cả qua những bài học.
- Tình cảm yêu quê hương đất nước là một truyền thống tốt đẹp và đáng quý của dân tộc Việt Nam, nó đã ăn sâu vào máu thịt, đi sâu vào lòng mỗi con người. Do đó, có thể khẳng định rằng dù đời sống hiện nay có nhiều thay đổi thì tình cảm với quê hương, đất nước của con người chắc chắn sẽ không bao giờ thay đổi. Thứ tình cảm đó sẽ luôn được gìn giữ và phát huy đến muôn đời.