Soạn bài Hướng dẫn tự học trang 82 Tập 2 - ngắn nhất Cánh diều
Haylamdo soạn bài Hướng dẫn tự học trang 82 Tập 2 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 12 Cánh diều giúp học sinh soạn văn 12 dễ dàng hơn.
Soạn bài Hướng dẫn tự học trang 82 Tập 2 - Cánh diều
Câu 1 (trang 82 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Tìm đọc thêm các bài thơ trữ tình hiện đại khác.
Trả lời:
Một số bài thơ trữ tình hiện đại:
- Mùa xuân chín – Hàn Mặc Tử
- Mùa xuân xanh – Nguyễn Bính
- Xuân hồng – Xuân Diệu
- Tràng giang – Huy Cận
- ...
Câu 2 (trang 82 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Tập viết và trình bày những so sánh, đánh giá của em về các văn bản thơ.
Trả lời:
Thơ là xúc cảm của người nghệ sĩ. Người viết thơ là người trải lòng với câu chữ. Nếu như Quang Dũng viết “Tây Tiến” để trải nỗi nhớ về một Tây Tiến xa xôi, để thương , để nhớ trong lòng người đi xa, thì với Nguyễn Khoa Điềm, ông đã ghi lại “Đất Nước” bằng tất cả lòng tự hào, gắn bó thân thương. Hai bài thơ, hai tác giả nhưng đã gặp nhau trong tư tưởng và tinh thần Cách Mạng cao đẹp.
Câu thơ Rải rác biên cương mồ viễn xứ toàn từ Hán Việt gợi không khí cổ kính: biên cương, viễn xứ là nơi biên giới xa xôi, nơi heo hút hoang lạnh. Nhà thơ nhìn thẳng vào sự khốc liệt của chiến tranh, miêu tả về cái chết, không né tránh hiện thực. Những nấm mồ hoang lạnh vô danh mọc lên dọc đường quân hành nhưng không làm trùn bước Tây Tiến. Khi miêu tả những người lính Tây Tiến, ngòi bút của Quang Dũng không hề nhấn chìm người đọc vào cái bi thương, bi luỵ. Cảm hứng của ông mỗi khi chìm vào cái bi thương lại được nâng đỡ bằng đôi cánh của lý tưởng, của tinh thần lãng mạn. Chính vì vậy mà hình ảnh những nấm mồ chiến sĩ rải rác nơi rừng hoang biên giới xa xôi đã bị mờ đi trước lý tưởng quên mình vì Tổ quốc của người lính Tây Tiến. Vì thế cho nên câu thơ tiếp theo dữ dội như một lời thề sông núi: Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh. Chiến trường là đạn bom ác liệt là hy sinh mất mát. Đời xanh là tuổi trẻ của mỗi người, ai cũng quý cũng yêu. Vậy mà người lính lại chẳng tiếc đời xanh. Câu nói ấy vang lên chắc nịch mang cái vẻ bất cần, mang cái vẻ ngạo nghễ rất lính. Họ đã ra đi không tiếc tuổi thanh xuân là họ đã hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, đất nước. Bởi chết cho Tổ quốc chính là chết cho lý tưởng. Còn quyết tâm nào cao quý và thiêng liêng hơn thế nữa chăng? Ta chợt nhớ tới tích Kinh Kha sang đất Tần hành thích bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng, bên bờ sông Dịch chàng dứt áo ra đi với khẩu khí yêng hùng tráng sĩ Sông Dịch ù ù gió thổi/Tráng sĩ một đi không trở về. Vậy là người lính cụ Hồ không chỉ mang vẻ đẹp của thời đại mà còn mang một vẻ đẹp cổ kính đượm màu hiệp sĩ xa xưa. Thật rằng, họ cũng có những tiếc nuối nhưng trên hết là vì lý tưởng:
Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc
(Thanh Thảo)
Áo bào là áo vua ban cho những người làm nên công trạng. Ở đây, điều kiện thiếu thốn đủ bề, người lính ra đi trong chiếu rách nhàu bọc lấy thân rồi vùi xuống đất. Nhưng qua câu thơ của Quang Dũng, manh chiếu rách ấy đã thành áo bào. Bởi vậy, cuộc tiễn đưa trở nên bi tráng. Nhà thơ vẫn gợi lên sự thật chung của cả thời chống Pháp là sự thiếu thốn về vật chất, ở vùng biên giới xa xôi thì sự thiếu thốn ấy còn nhân lên gấp bội. Người chiến sĩ đã ngã xuống không có một cỗ quan tài, thậm chí không có một tấm chiếu để niệm thân mà khi ngã xuống vẫn cứ mặc nguyên tấm áo thường ngày trên đường hành quân. Đó có thể là tấm áo sờn vai, tấm áo bạc màu, tấm áo có vài mảnh vá. Nhưng với thái độ trân trọng đồng đội, nhà thơ Quang Dũng đã thấy họ như đang mặc tấm áo bào của chiến tướng mà đi vào cõi vĩnh hằng, bất tử cùng sông núi.
Đoạn thơ kết thúc bằng một âm hưởng hào hùng. Dường như linh hồn của người tử sĩ đã hòa cùng sông núi, con sông Mã đã tấu lên khúc nhạc đau thương, hùng tráng để tiễn đưa người lính vào cõi bất tử. Hình tượng “sông Mã” ở cuối bài thơ được phóng đại và nhân hóa, tô đậm cái chết bi hùng của người lính – sự hi sinh làm cho lay động đất trời, khiến dòng sông gầm lên đớn đau, thương tiếc. Sự ra đi của người lính được Quang Dũng dùng nghệ thuật nói giảm nói tránh ”anh về đất” làm dịu đi cái đau thương nhưng không tránh cho người đọc khỏi ngậm ngùi. “Anh về đất” là về với đất mẹ. Đất mẹ giang rộng vòng tay đón các anh trở về sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt sự hi sinh ấy không chỉ làm cảm động đến con người mà còn làm cảm động đến cả thiên nhiên Tây Bắc. Con sông Mã xuất hiện ở đầu bài thơ trong nỗi nhớ chơi vơi của nhà thơ thì ở đoạn thơ này sông Mã lại xuất hiện trong tiếng gầm dữ dội. Đó là “khúc độc hành” của thiên nhiên đang tấu lên khúc nhạc thiêng liêng, trầm hùng đưa người lính về nơi an nghỉ cuối cùng.
Cả bài thơ Tây Tiến không có một trận đánh nào được nói tới, không có một tiếng súng nào vang lên mà cái chết vẫn hiện hình rõ nét, vẫn hiện lên một cách chân thật. Đó chính là cái nhìn mới về sự khốc liệt, nghiệt ngã của chiến tranh. Rất nhiều người lính đã hi sinh dọc đường hành quân, trên đường ra mặt trận. Họ hi sinh vì điều kiện sống, chiến đấu quá gian khổ, thiếu thốn: thiếu lương thực, thiếu muối, thiếu thuốc, lại sống ở những nơi rừng thiêng nước độc…
Tư tưởng của cả hai đoạn thơ đều là tư tưởng cao đẹp: cống hiến, dâng hiến tuổi trẻ mình cho đất nước, non sông. “Tây Tiến” với cảm hứng đất nước được gợi lên từ nỗi nhớ của người lính vùng cao về những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với nỗi nhớ của nhà thơ về đồng đội, bằng kí ức về một thời oanh liệt của người trong cuộc. Đoạn thơ được viết bằng cảm xúc mãnh liệt chân thành, sự kết hợp bút pháp tả thực và lãng mạn. Đất Nước hoàn thành trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ tại mặt trận Trị Thiên bộc lộ cảm hứng đất nước qua cái nhìn tổng quát đưa đến những chiêm nghiệm mới mẻ, sâu sắc về đất nước: “Đất Nước” là tất cả những gì gắn bó máu thịt với mỗi con người. Bài thơ, đoạn thơ này nhằm thức tỉnh tuổi trẻ về trách nhiệm đối với Đất Nước – cũng là một cách kêu gọi tinh thần đấu tranh của tuổi trẻ.
Đoạn thơ trong bài Tây Tiến viết bằng thể thơ thất ngôn, có sử dụng nhiều từ Hán Việt trang trọng với giọng điệu thơ dứt khoát, mạnh mẽ, âm hưởng hào hùng để tô đậm hiện thực khốc liệt của chiến tranh và khẳng định sự bất tử của người chiến sĩ vô danh. Đoạn thơ trong bài thơ Đất Nước được viết bằng thể thơ tự do, giọng điệu tâm tình trò chuyện, từ ngữ giản dị, gần gũi nhằm khẳng định vai trò to lớn của nhân dân vô danh.
Qua hai đoạn thơ trong hai bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng và Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, các tác giả đã đem đến những nhận thức sâu sắc về vai trò của những người anh hùng vô danh. Họ đã “hóa thân cho dáng hình xứ sở - Làm nên Đất nước muôn đời”. Đó là những con người thầm lặng, giản dị mà cao cả, đáng kính vô cùng. Hai bài thơ cùng viết về đề tài những con người kháng chiến, nhưng ra đời trong hai hoàn cảnh lịch sử khác nhau nên đã có những nét tương đồng và sự khác biệt rất sâu sắc. Hai đoạn thơ trên đã đem đến cho chúng ta những cảm xúc sâu lắng về sự khốc liệt nghiệt ngã của chiến tranh, về lý tưởng cao đẹp của những chiến sĩ, về sự hy sinh thầm lặng của các thế hệ nhân dân để ta thêm yêu cuộc sống, yêu đất nước của chúng ta ngày hôm nay.
Câu 3 (trang 82 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Tham khảo các bài phân tích, bình giảng thơ của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học.
Trả lời:
- Bình bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” của Thanh Thảo
https://taodan.com.vn/binh-bai-tho-dan-ghi-ta-cua-lorca-cua-thanh-thao.html
- Bình thơ Thời gian của Văn Cao
https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=21911