X

Soạn văn lớp 12

Câu hỏi bài Tuyên ngôn độc lập chọn lọc - Ngữ văn lớp 12


Câu hỏi bài Tuyên ngôn độc lập chọn lọc

Trọn bộ câu hỏi ôn tập về bài Tuyên ngôn độc lập Ngữ văn lớp 12 chọn lọc, cực hay. Với bộ câu hỏi bài Tuyên ngôn độc lập này, học sinh sẽ ôn tập, nắm vững kiến thức môn Ngữ văn 12 để đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn 12.

Câu hỏi bài Tuyên ngôn độc lập chọn lọc - Ngữ văn lớp 12

A. Tác giả Hồ Chí Minh

Câu hỏi: Nêu vài nét về tiểu sử của tác giả Hồ Chí Minh?

Trả lời:

- Hồ Chí Minh (19/05/1889 – 02/09/1969) tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung.

- Quê quán: Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An.

- Sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo, yêu nước. Cha là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và mẹ là Hoàng Thị Loan.

- Thời thanh thiếu niên tên là Nguyễn Sinh Cung và Nguyễn Tất Thành; thời gian hoạt động cách mạng, Người lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều tên khác.

- Quá trinh hoạt động cách mạng:

+ Năm 1911, Người ra đi tìm đường cứu nước.

+ Năm 1919, Người gửi tới Hội nghị hòa bình ở Vec-xay bản "Yêu sách của nhân dân An Nam", kí tên Nguyễn Ái Quốc.

+ Năm 1920, Người dự Đại hội ở thành phố Tua và trở thành một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

+ Từ năm 1923 đến 1941, Người hoạt động chủ yếu ở Liên Xô, Trung Quốc và Thái Lan.

+ Tháng 2/1941, Người về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước.

+ Tháng 8/1942, Người lên đường sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ quốc tế, bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ trong 13 tháng.

+ Ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đọc bản "Tuyên ngôn Độc lập" tại Quảng trường Ba Đình khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Người là một vị lãnh tụ tài ba, vĩ đại, người đã đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi cảnh nô lệ, lầm than.

- Người đặt nền móng vững chắc cho văn học cách mạng Việt Nam.

- Được UNESCO công nhận là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hoá lớn”.

Câu hỏi: Tóm tắt quá trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh?

Trả lời:

Quá trình hoạt động cách mạng:

- Năm 1911, Người ra đi tìm đường cứu nước.

- Năm 1919, Người gửi tới Hội nghị hòa bình ở Vec-xay bản "Yêu sách của nhân dân An Nam", kí tên Nguyễn Ái Quốc.

- Năm 1920, Người dự Đại hội ở thành phố Tua và trở thành một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

- Từ năm 1923 đến 1941, Người hoạt động chủ yếu ở Liên Xô, Trung Quốc và Thái Lan.

- Tháng 2/1941, Người về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước.

- Tháng 8/1942, Người lên đường sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ quốc tế, bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ trong 13 tháng.

- Ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Câu hỏi: Quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Hồ Chí Minh?

Trả lời:

- Coi văn học là một vũ khí chiến đấu phục vụ cho sự nghiệp cách mạng.

- Luôn chú trọng tính chân thực và tính dân tộc.

- Luôn chú ý đến mục đích và đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm (Viết cho ai? Viết làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?).

Câu hỏi: Hãy nêu những nét khái quát về di sản văn học của Hồ Chí Minh?

Trả lời:

- Coi văn học là một vũ khí chiến đấu phục vụ cho sự nghiệp cách mạng.

- Luôn chú trọng tính chân thực và tính dân tộc.

- Luôn chú ý đến mục đích và đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm (Viết cho ai? Viết làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?).

Câu hỏi: Các tác phẩm tiêu biểu của Hồ Chí Minh?

Trả lời:

Các tác phẩm chính của Hồ Chí Minh là: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Tuyên ngôn độc lập (1945), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Không có gì quý hơn độc lập tự do (1966), Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925), Nhật kí trong tù,...

Câu hỏi: Những đặc điểm cơ bản phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh?

Trả lời:

- Văn chính luận:

+ Lập luận chặt chẽ, lời văn ngắn gọn, lý lẽ đanh thép, bằng chứng thuyết phục.

+ Giàu tính luận chiến, đa dạng bút pháp.

+ Thấm đượm tình cảm, giàu hình ảnh.

+ Giọng điệu uyển chuyển: vừa ôn tồn, thấu tình vừa đanh thép, hùng hồn.

- Truyện và kí:

+ Hiện đại và giàu tính chiến đấu mạnh mẽ.

+ Mang đậm tính trào phúng đặc sắc: hóm hỉnh mà lại thâm sâu.

- Thơ ca: Kết hợp độc đáo giữa

+ Bút pháp cổ điển và hiện đại.

+ Chất thép với chất tình.

+ Sự trong sáng giản dị và sự hàm súc, sâu sắc.

⇒ Nhìn chung, phong cách nghệ thuật của Bác vô cùng phong phú và đạ dạng ở các thể loại nhưng chúng lại nhất quán với nhau. Các tác phẩm đều có thể xác định mục đích rõ ràng, tư tưởng sâu sắc, cách viết chân thực sống động,... Bởi vì các sáng tác của Người luôn hướng tới cuộc sống, niềm vui, ánh sáng nên chúng có sức hấp dẫn lớn, có sức tác động lên nhiều đối tượng trong quần chúng và đặc biệt là có sức sống bền lâu.

Câu hỏi: Văn thơ Hồ Chí Minh có ảnh hưởng như thế nào đối với lịch sử văn học, đời sống và cách mạng Việt Nam?

Trả lời:

Văn thơ Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá, có tác dụng to lớn đến quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học và đời sống tinh thần dân tộc. Người đã sáng tác được nhiều tác phẩm văn chương có giá trị. Từ những áng văn chính luận giàu sức thuyết phục, sắc sảo về chính kiến cho đến những tình huống truyện ngắn độc đáo và mang tính hiện đại sâu sắc. Cuối cùng là hàng trăm bài thơ chan chứa xúc cảm, tình người, tình đời, biết bao thi vị được viết ra bằng tài năng và tâm huyết của Bác. Do điều kiện hoạt động cách mạng nhiều năm ở nước ngoài nên các tác phẩm của Người được viết bằng tiếng Pháp, tiếng Hán, tiếng Việt. Nhờ có vậy mà văn học nước nhà được nhiều người trên thế giới biết đến.

B. Tác phẩm "Tuyên ngôn độc lập"

Câu hỏi: Văn bản Tuyên ngôn Độc lập được viết ở đâu?

Trả lời:

Cuối tháng 8 - 1945, tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội, lãnh tụ Hồ Chí Minh soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Vào ngày 2 - 9 - 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trước hàng chục vạn đồng bào ta, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra một kỉ nguyên mới độc lập, tự do.

Câu hỏi: Văn bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời trong hoàn cảnh nào?

Trả lời:

- Thế giới:

+ Chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc.

+ Nhật đầu hàng Đồng minh.

+ Pháp tuyên bố Đông Dương thuộc quyền “bảo hộ” của người Pháp.

- Trong nước: Tổng khởi nghĩa và Cách mạng tháng Tám đã thành công rực rỡ.

+ 26 - 8 - 1945: Hồ chủ tịch về tới Hà Nội.

+ 28 - 8 - 1945: Bác soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập tại tầng 2, căn nhà số 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội.

+ 2 - 9 - 1945: đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Câu hỏi: Văn bản Tuyên ngôn Độc lập thuộc phong cách ngôn ngữ nào?

Trả lời:

Văn bản Tuyên ngôn Độc lập thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận.

Câu hỏi: Văn bản Tuyên ngôn Độc lập thuộc thể loại gì?

Trả lời:

Văn bản Tuyên ngôn Độc lập thuộc thể loại văn chính luận.

Câu hỏi: Chủ đề của văn bản Tuyên ngôn Độc lập?

Trả lời:

Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử quan trọng tuyên bố quyền được tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam và quyết tâm bảo vệ nền độc lập ấy trước toàn thế giới.

Câu hỏi: Mục đích sáng tác của văn bản Tuyên ngôn Độc lập?

Trả lời:

Mục đích sáng tác của tác phẩm là:

- Tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, khẳng định quyền tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc Việt Nam trước toàn các nước trên thế giới.

- Ngăn chặn âm mưu chuẩn bị chiếm lại nước ta của bọn đế quốc, thực dân.

- Tranh thủ sự ủng hộ và đồng tình của nhân dân tiến bộ và của Đồng minh với sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của nhân dân ta.

- Khẳng định khát vọng độc lập, tự do và ý chí quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập, tự do của quần chúng nhân dân Việt Nam.

Câu hỏi: Giá trị nội dung của văn bản Tuyên ngôn Độc lập?

Trả lời:

Giá trị nội dung của văn bản Tuyên ngôn Độc lập:

- Là văn kiện lịch sử tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về việc chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta.

- Đánh dấu kỉ nguyên mới và khẳng định mạnh mẽ quyền độc lập, tự do của nước Việt Nam cũng như của tất cả mọi dân tộc trên thế giới.

Câu hỏi: Giá trị nghệ thuật của văn bản Tuyên ngôn Độc lập?

Trả lời:

Giá trị nghệ thuật của văn bản Tuyên ngôn Độc lập:

- Một áng văn chính luận mẫu mực: lập luận, lí lẽ, dẫn chứng được trích ra từ lịch sử cụ thể, đanh thép, chặt chẽ; luận điểm sắc bén...

- Giọng văn hùng hồn, chứa đựng nhiều chân lí lớn nhưng vẫn thấm đượm chất trữ tình nên giàu sức thuyết phục cao.

- Ngôn ngữ trong sáng, giản dị, linh hoạt, chính xác, tinh tế.

Câu hỏi: Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của văn bản Tuyên ngôn Độc lập?

Trả lời:

* Giá trị lịch sử của văn bản Tuyên ngôn Độc lập

- Đánh dấu mốc trọng đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc: chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, đánh dấu sự kết thúc của chế độ phong kiến quân chủ tồn tại hàng nghìn năm ở Việt Nam.

- Mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, giai đoạn xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

* Ý nghĩa thời đại:

- Về mặt lý luận, văn bản chỉ ra quyền con người và quyền của dân tộc, đặc biệt là ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh.

- Cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đoàn kết các tầng lớp nhân dân thành một khối thống nhất, tạo nên sức mạnh để bảo vệ đất nước.

- Xác định thái độ, trách nhiệm của mỗi người dân trước nguy cơ tồn vong của dân tộc.

Câu hỏi: Cấu trúc lập luận trong bài Tuyên ngôn Độc lập?

Trả lời:

Bản tuyên ngôn có cấu trúc lập luận logic, chặt chẽ với 3 vấn đề chính:

- Cơ sở pháp lí của bản tuyên ngôn: quyền con người, quyền dân tộc (quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc ...)

- Cơ sở thực tiễn của bản tuyên ngôn: Vạch trần bản chất độc ác, xảo trá của thực dân Pháp; công cuộc đấu tranh vì chính nghĩa của nhân dân ta.

- Lời tuyên bố độc lập: khẳng định trước thế giới về nền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, bày tỏ ý chí giữ vững nền độc lập ấy.

Câu hỏi: Chỉ ra cơ sở pháp lí trong văn bản Tuyên ngôn Độc lập?

Trả lời:

Cơ sở pháp lí của văn bản Tuyên ngôn Độc lập:

- Hồ Chí Minh đã dùng lời trong Tuyên ngôn Độc lập (1776) của Mĩ (Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng...) và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (1791) của Pháp (Người ta sinh ra tự do và bình đẳng...) làm cơ sở pháp lí.

- Ý nghĩa:

+ Đây là lí lẽ thuyết phục bởi đây là hai tuyên ngôn được nhân dân thế giới công nhận, Mĩ và Pháp cũng là hai cường quốc có tiếng nói. Cho nên đó cũng là chân lí đúng đắn về quyền con người, không ai có thể bác bỏ.

+ Dùng phương pháp “gậy ông đập lưng ông” để đánh vào bộ mặt thực dân Pháp và ngăn chặn việc bọn thực dân, đế quốc tái xâm lược nước ta.

+ Đặt ngang hàng cuộc cách mạng, giá trị bản tuyên ngôn của nước ta với hai cường quốc Mĩ và Pháp, thể hiện lòng tự tôn dân tộc và sự công bằng, bình đẳng giữa các nước trên thế giới.

+ Dùng phương pháp suy luận trực tiếp, suy rộng ra từ quyền tự do của mỗi con người đến quyền tự do, độc lập của mỗi dân tộc: Đó là những chân lí không thể chối cãi được.

- Nghệ thuật: cách lập luận khéo léo, sáng tạo, rõ ràng, chặt chẽ đầy tính thuyết phục.

Câu hỏi: Chỉ ra cơ sở thực tiễn trong văn bản Tuyên ngôn Độc lập?

Trả lời:

Cơ sở thực tiễn của văn bản Tuyên ngôn Độc lập:

- Hồ Chí Minh lập luận bác bỏ luận điệu xảo trá của thực dân Pháp về công cuộc “khai hóa” và “bảo hộ” của chúng bằng cách nêu những dẫn chứng cụ thể:

+ Thi hành nhiều chính sách dã man về chính trị, văn hóa – xã hội – giáo dục và kinh tế.

+ Hai lần bán nước ta cho Nhật (1940, 1945), khiến cho hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói,... Không hợp tác mà còn thẳng tay khủng bố Việt Minh.

- Hồ Chí Minh khẳng định giá trị các cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta:

+ Nhân dân ta đã chống ách nô lệ hơn 80 năm, đứng về phía Đồng minh chống phát xít, kêu gọi Pháp chống Nhật, lấy lại nước từ tay Nhật.

+ Kết quả: cùng lúc phá tan 3 xiềng xích đang trói buộc dân tộc ta Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Dùng từ ngữ có ý nghĩa phủ định để tuyên bố thoát li hẳn với thực dân Pháp, xóa bỏ mọi hiệp ước đã kí kết, mọi đặc quyền của Pháp tại Việt Nam.

- Khẳng định quyền được tự do, độc lập của Việt Nam phù hợp với nguyên tắc dân tộc bình đẳng tại hội nghị Tê – hê – răng và Cựu Kim Sơn, để kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận điều đó.

- Nghệ thuật: cách lập luận theo quan hệ nhân quả hợp lí và logic, dẫn chứng thuyết phục, lời văn giàu tính biểu cảm làm nổi bật cơ sở thực tiễn của bản tuyên ngôn.

Câu hỏi: Tuyên bố độc lập trong văn bản Tuyên ngôn Độc lập?

Trả lời:

Tuyên bố độc lập trong văn bản Tuyên ngôn Độc lập:

- Khẳng định việc giành được tự do độc lập của dân tộc ta là điều tất yếu: dân tộc đó phải được độc lập, dân tộc đó phải được tự do.

- Tuyên bố với toàn thế giới về nền độc lập của dân tộc Việt Nam: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do... Thể hiện quyết tâm đoàn kết giữ vững chủ quyền, nền độc lập, tự do của quần chúng nhân dân.

- Nghệ thuật: Lời văn đanh thép, rõ ràng như một lời thề cũng như một lời khích lệ tinh thần yêu nước nhân dân cả nước.

Câu hỏi: Ý nghĩa của việc trích dẫn lại Tuyên ngôn Độc lập của Mĩ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp trong văn bản Tuyên ngôn Độc lập?

Trả lời:

- Việc trích dẫn hai văn bản trên là cách lập luận sắc bén, khéo léo của tác giả:

+ Dùng làm cơ sở pháp lí tuyên bố nền độc lập cho nước mình.

+ Đó là cơ sở suy rộng ra nền tự do của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

- Ý nghĩa về mặt lập luận:

+ Tăng sức thuyết phục cho lời tuyên ngôn độc lập.

+ Thể hiện sự khôn khéo, quyết liệt trong cách chiến đấu với kẻ thù.

+ Nghệ thuật “gậy ông đập lưng ông” dùng chính lý lẽ chính nghĩa của Pháp, Mỹ đập lại luận điệu xảo trá của chúng.

Xem thêm bộ câu hỏi theo bài học môn Ngữ văn lớp 12 chọn lọc, hay khác: