Cách giải bài tập Sự giãn nở vì nhiệt của chất rắn cực hay
Cách giải bài tập Sự giãn nở vì nhiệt của chất rắn cực hay
Với Cách giải bài tập Sự giãn nở vì nhiệt của chất rắn cực hay Vật Lí lớp 8 gồm đầy đủ phương pháp giải, ví dụ minh họa và bài tập trắc nghiệm có lời giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn tập từ đó đạt điểm cao trong bài thi môn Vật Lí 8.
A. Phương pháp giải
Học sinh cần nắm được kiến thức cơ bản về nguyên tử, phân tử, sự giản nở của chất rắn.
1. Cấu tạo chất
Các chất được cấu tạo từ các hạt riêng biệt vô cùng nhỏ bé gọi là nguyên tử và phân tử.
- Nguyên tử là hạt chất nhỏ nhất.
- Phân tử là một nguyên tử hoặc nhóm các nguyên tử kết hợp lại thể hiện đầy đủ tính chất hóa học của chất.
2. Tính chất của nguyên tử và phân tử
- Các nguyên tử, phân tử chuyển động hỗn độn không ngừng về mọi phía.
- Giữa các nguyên tử, phân tử có khoảng cách.
- Nhiệt độ càng cao thì các nguyên tử, phân tử cấu tạo nên vật chuyển động càng nhanh. Chuyển động của nguyên tử, phân tử là chuyển động nhiệt.
3. Sự nở vì nhiệt của chất rắn
- Chất rắn nở ra khi nóng lên, co lại khi lạnh đi. Các chất rắn khác nhau nở vì nhiệt cũng khác nhau.
- Chất khí nở vì nhiệt nhiều hơn chất lỏng, chất lỏng nở vì nhiệt nhiều hơn chất rắn
B. Ví dụ minh họa
Ví dụ 1: Chọn kết luận sai:
A. Các chất rắn co giãn vì nhiệt giống nhau
B. Các chất rắn đều bị co giãn vì nhiệt
C. Các chất rắn khác nhau co giãn vì nhiệt khác nhau
D. Khi co giãn vì nhiệt, cắc chất rắn có thể gây ra lực lớn
Lời giải:
Các chất rắn khác nhau giãn nở vì nhiệt khác nhau. Có chất rắn giãn nở vì nhiệt nhiều, có chất lại giãn nở vì nhiệt ít.
Ví dụ 2: Hiện tượng nào sau đây sẽ xảy ra khi nung nóng một vật rắn?
A. Khối lượng của vật tăng
B. Thể tích của vật giảm
C. Khối lượng riêng của vật tăng
D. Thể tích của vật tăng
Lời giải:
Đáp án: D
Chất rắn bị giãn nở vì nhiệt nên khi nung nóng vật rắn thì thể tích của nó tăng lên.
Ví dụ 3: Một lọ thuỷ tinh được đậy bằng một chiếc nút gỗ. Nút bị kẹt. Hỏi phải mở nút bằng cách nào trong các cách sau đây?
A. Hơ nóng nút.
B. Hơ nóng cổ lọ thủy tinh
C. Làm lạnh lọ thủy tinh
D. Hơ nóng đáy lọ.
Lời giải:
Đáp án: B
Khi hơ nóng cổ lọ thủy tinh thì cổ lọ thủy tinh sẽ nở ra. Như thế nút sẽ lỏng ra và có thể mở được nút.
C. Bài tập vận dụng
Câu 1: Một vật nóng lên thì nở ra, lạnh đi thì co lại, khi đó khối lượng của vật:
A. Không thay đổi
B. Tăng khi nhiệt độ tăng
C. Giảm khi nhiệt độ giảm
D. Có thể tăng hoặc giảm
Đáp án: A
Khi thay đổi nhiệt độ thì thể tích của vật thay đổi, tuy nhiên khối lượng của vật không hề thay đổi.
Câu 2: Các roong cao su trong nắp chai bia có tác dụng:
A. Lót êm tránh làm xước miệng chai khi di chuyển.
B. Giữ kín miệng chai khi nhiệt độ thay đổi.
C. Đảm bảo vệ sinh cho lượng bia ở trong chai.
D. Chống va đập khi vận chuyển các chai bia.
Đáp án: B
- Trong quá trình vận chuyển, nhiệt độ chai có thể thay đổi nên chai có thể nở ra hoặc co lại.
- Các roong cxao su trong nắp chai có tác dụng làm cho nắp chai được kín, không để bia bên trong chảy ra ngoài
Câu 3: Ba thanh sắt, đồng và nhôm ở nhiệt độ 20°C có kích thước giống nhau. Nếu hạ nhiệt độ của chúng xuống 0°C khi đó:
A. kích thước của thanh nhôm lớn nhất.
B. kích thước của thanh đồng lớn nhất.
C. kích thước của thanh sắt lớn nhất.
D. kích thước của 3 thanh như nhau
Đáp án: C
- Do nhôm giãn nở vì nhiệt nhiều hơn đồng, đồng giãn nở vì nhiệt nhiều hơn sắt. Nên khi nhiệt độ giảm thì nhôm bị co lại nhiều nhất, sắt bị co lại ít nhất.
Vì vậy kích thước của thanh sắt bị giảm đi ít nhất, nên nó lớn nhất.
Câu 4: Khi nung nóng một vật rắn, điều gì sau đây sẽ xảy ra?
A. Lượng chất làm nên vật tăng
B. Khối lượng vật giảm
C. Trọng lượng của vật tăng
D. Trọng lượng riêng của vật giảm
Đáp án: D
- Khi nung nóng một vật rắn thì thể tích của nó tăng lên nhưng khối lượng của nó không đổi.
- Vì vậy trọng lượng của nó cũng không thay đổi. Trọng lượng riêng của vật được tính bằng tỉ số giữa trọng lượng và thể tích, thể tích vật tăng nên trọng lượng riêng của vật giảm
Câu 5: Các tấm lợp mái nhà thường có dạng lượn sóng là để
A. Để trang trí
B. Để dễ thoát nước
C. Để khi co giãn vì nhiệt mái không bị hỏng
D. Để giảm độ nghiêng của mái nhà
Đáp án: C
- Các tấm tôn lợp có dạng lượn sóng là để tránh tác hại của sự co dãn vì nhiệt của chất rắn.
- Nếu lợp tôn phẳng, khi trời nắng, mái tôn bị đinh ghim chặt lại làm cản trở hoạt động co dãn gây ra hiện tượng rách mái tôn.
- Khi ta để ở dạng lượn sóng, mái tôn có thể co dãn thoải mái mà không bị đinh làm gián đoạn hoạt động co dãn của nó.
Câu 6: Một viên bi thép có kích thước vừa đủ lọt qua một chiếc vòng thép. Nếu nung nóng hòn bi lên, nó có thể chui lọt qua vòng thép nữa không? Vì sao?
Viên bi không lọt qua vòng thép.
- Vì khi nung nóng viên bi thì kích thước của viên bi tăng lên. Do đó nó không lọt qua vòng thép được nữa
Câu 7: Vì sao cánh cửa nhà, cửa tủ bằng gỗ sau một thời gian sử dụng lại hay bị cong vênh?
Vì lúc đầu, người thợ mộc làm cánh cửa vừa khít với khung bê tông. Nhưng khi nhiệt độ thay đổi, gỗ co giãn không đều và khung bê tông không giãn nở dẫn đến cong vênh
Câu 8: Trên đường ray hoặc trên các cây cầu, các khớp nối có được đặt khít nhau không, vì sao?
Các khớp nối không được đặt khít nhau. Bao giờ các khớp nối cũng được đặt cách nhau vài centimet để tránh trường hợp các phần bị đội lên nhau khi giãn nở vì nhiệt.
Câu 9: Người ta sử dụng hai cái thước, một thước làm bằng nhôm, một thước làm bằng đồng để đo chiều dài. Nếu nhiệt độ tăng lên thì dùng thước nào chính xác hơn? tại sao?
Dùng thước đồng sẽ chính xác hơn.
Vì đồng giãn nở vì nhiệt kém hơn nhôm, nên khi nhiệt độ tăng lên thì thước đồng bị giãn nở ít hơn thước nhôm. Do đó thước đồng bị sai lệch ít hơn. Nên khi đo chiều dài thì thước đồng chính xác hơn.
Câu 10: Bóng đèn điện đang sáng, nếu bị nước mưa hắt vào (hoặc nước từ tầng trên dột xuống) thì bị vỡ ngay. Vì sao như vậy?
Vì khi bóng đèn đang hoạt động thì nó rất nóng, thủy tinh làm bóng đèn đang bị nở ra. Nếu bị nước mưa hắt vào thì nhiệt độ của lớp thủy tinh bị giảm đột ngột, và nó co lại đột ngột dẫn đến thủy tinh bị vỡ.