Lý thuyết KHTN 8 Cánh diều Bài 34: Hệ thần kinh và các giác quan ở người
Haylamdo biên soạn và sưu tầm tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên 8 Bài 34: Hệ thần kinh và các giác quan ở người sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 8 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KHTN 8.
Lý thuyết KHTN 8 Cánh diều Bài 34: Hệ thần kinh và các giác quan ở người
I. HỆ THẦN KINH
1. Cấu tạo và chức năng của hệ thần kinh
- Cấu tạo: Hệ thần kinh bao gồm bộ phận trung ương và bộ phận ngoại biên.
+ Bộ phận trung ương gồm có não và tủy sống.
+ Bộ phận ngoại biên có các dây thần kinh và hạch thần kinh.
Cấu trúc hệ thần kinh ở người
- Chức năng: Hệ thần kinh có vai trò điều khiển, điều hòa và phối hợp hoạt động của các cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể, đảm bảo cơ thể là một khối thống nhất, thích nghi với môi trường ngoài và môi trường trong cơ thể.
2. Một số bệnh về hệ thần kinh
- Một số bệnh về hệ thần kinh: tai biến mạch máu não gây tổn thương não, thoát vị đĩa đệm làm chèn ép các dây thần kinh tủy, Parkinson gây khó khăn trong vận động, Alzheimer gây mất trí nhớ.
Một số triệu chứng của bệnh Parkinson
Một số triệu chứng của bệnh Alzheimer
- Biện pháp phòng bệnh về hệ thần kinh:
+ Thực hiện chế độ dinh dưỡng, lối sống lành mạnh: Luyện tập thể thao thường xuyên, đảm bảo giấc ngủ, không sử dụng chất kích thích, thường xuyên kiểm tra sức khỏe.
+ Ngoài ra, cần suy nghĩ tích cực, tham gia nhiều hoạt động xã hội, giao tiếp và học tập.
Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lí |
Không sử dụng chất kích thích |
Luyện tập thể thao thường xuyên |
Suy nghĩ tích cực |
3. Tác hại của chất gây nghiện đối với hệ thần kinh
- Khái niệm: Chất gây nghiện là những chất khi hấp thụ vào cơ thể có thể làm thay đổi chức năng bình thường của cơ thể theo hướng tạo ra sự phụ thuộc của cơ thể đối với chất đó hoặc cảm giác thèm, muốn sử dụng chất đó.
- Những sản phẩm chứa chất gây nghiện: thuốc lá, rượu bia, ma túy đá, cần sa, thuốc lắc, cocain, heroin,…
Một số sản phẩm chứa chất gây nghiện
- Tác hại:
+ Khi vào cơ thể, chất gây nghiện thường gây tác động kích thích gây hưng phấn hệ thần kinh, gây ảo giác, từ đó có thể ảnh hưởng đến nhận thức, ý thức và hành vi.
+ Sử dụng thường xuyên sẽ dẫn đến nghiện, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, hoang tưởng, hủy hoại các tế bào thần kinh.
Một số tác hại khôn lường khi sử dụng ma túy
II. CƠ QUAN CẢM GIÁC
- Cơ quan cảm giác giúp cơ thể cảm nhận các kích thích từ môi trường.
- Ví dụ: Cơ quan thị giác cảm nhận hình ảnh và màu sắc của vật, cơ quan thính giác cảm nhận âm thanh; cơ quan vị giác cảm nhận vị trong thức ăn; cơ quan khứu giác cảm nhận mùi; da cảm nhận xúc giác, nhiệt độ, áp lực, đau.
Các cơ quan cảm giác ở người
1. Cơ quan thị giác
1.1. Cấu tạo, chức năng
- Cấu tạo cơ quan thị giác: Cơ quan thị giác có cấu tạo gồm mắt, dây thần kinh thị giác và trung khu thị giác ở não.
Cấu tạo cơ quan thị giác (a), cấu tạo cầu mắt (b)
- Quá trình thu nhận ánh sáng:
+ Ánh sáng đi từ vật qua giác mạc, đồng tử, thủy tinh thể và hội tụ ở võng mạc, tác động lên tế bào thụ cảm ánh sáng. Xung thần kinh từ tế bào thụ cảm ánh sáng theo dây thần kinh thị giác lên trung khu thị giác. Não bộ phân tích cho ta cảm nhận về hình ảnh, màu sắc của vật.
+ Trên võng mạc có điểm vàng và điểm mù. Khi ảnh của vật hội tụ ở điểm vàng, ta sẽ nhận biết được hình ảnh của vật tốt nhất. Khi ảnh của vật hội tụ ở điểm mù, ta sẽ không nhận biết được hình ảnh của vật.
1.2. Một số bệnh, tật về mắt
- Một số bệnh về mắt: bệnh kết mạc, đục thuỷ tinh thể, lẹo mắt, tăng nhãn áp, viêm giác mạc,…
Một số bệnh về mắt
- Một số tật về mắt: cận thị, viễn thị, loạn thị,…
Tiêu chí |
Cận thị |
Viễn thị |
Loạn thị |
Nguyên nhân |
Cầu mắt dài hoặc thủy tinh thể quá phồng (do không giữ đúng khoáng cách khi đọc, viết,…). |
Cầu mắt ngắn hoặc ở người già thủy tinh thể bị lão hóa, mất tính đàn hồi không phồng được. |
Do giác mạc bị biến dạng không đều. |
Biểu hiện |
Ảnh của vật thường ở phía trước màng lưới → Mắt chỉ nhìn rõ các vật ở gần. |
Ảnh của vật thường nằm ở phía sau màng lưới → Mắt chỉ nhìn rõ các vật ở xa. |
Ảnh của vật không thể hội tụ ở màng lưới, hội tụ ở nhiều điểm → Mắt nhìn vật bị mờ, nhòe hoặc bị bóp méo. |
Cách khắc phục |
Đeo kính cận (kính phân kì, kính lõm 2 mặt). |
Đeo kính lão (kính hội tụ). |
Đeo kính thuốc. |
- Biện pháp phòng bệnh, tật về mắt: Thực hiện chế độ dinh dưỡng đủ vitamin A; thời gian ngủ phù hợp; tránh đọc sách với khoảng cách gần, thiếu ánh sáng; tránh sử dụng các thiết bị điện tử (ti vi, máy tính) thời gian dài, liên tục; vệ sinh mắt thường xuyên; không dùng chung khăn mặt để tránh nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Nếu mắt bị tật khúc xạ cần đeo kính đúng độ và khám mắt định kì.
Tránh đọc sách với khoảng cách gần |
Tránh sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian dài |
Vệ sinh mắt thường xuyên |
Khám mắt định kì |
Một số biện pháp để phòng bệnh, tật về mắt
2. Cơ quan thính giác
2.1. Cấu tạo, chức năng
- Cấu tạo:
+ Cơ quan cảm giác âm thanh gồm tai, dây thần kinh thính giác và trung khu thính giác ở não bộ.
+ Cấu tạo của tai gồm: Tai ngoài (gồm vành tai, ống tai ngoài), tai giữa (có màng nhĩ, chuỗi xương tai, või nhĩ) và tai trong (có ốc tai chứa các tế bào cảm thụ âm thanh).
Cấu tạo của tai
- Chức năng: Cơ quan thính giác có chức năng nhận biết âm thanh.
- Tai thu nhận âm thanh theo cơ chế truyền sóng âm: Sóng âm phát ra từ nguồn âm qua ống tai ngoài, màng nhĩ, các xương tai giữa vào ốc tai, tác động lên tế bào thụ cảm âm thanh ở ốc tai. Xung thần kinh từ tế bào thụ cảm âm thanh theo dây thần kinh thính giác lên trung khu thính giác ở não bộ. Não bộ phân tích cho ta cảm nhận về âm thanh.
2.2. Một số bệnh về tai
- Một số bệnh về tai: viêm tai ngoài, viêm tai giữa, tổn thương tai trong,…
Tai bình thường và viêm tai giữa
- Biện pháp phòng bệnh về tai:
+ Thực hiện vệ sinh tai đúng cách, tránh dùng các vật nhọn, sắc để ngoáy tai hay lấy ráy tai.
Vệ sinh tai đúng cách
+ Cần giữ vệ sinh để tránh viêm họng, nhiễm khuẩn gây viêm tai.
Giữ vệ sinh để tránh viêm họng, nhiễm khuẩn gây viêm tai
+ Hạn chế tiếng ồn, tránh nghe âm thanh có cường độ cao.
Hạn chế tiếng ồn, tránh nghe âm thanh có cường độ cao